Banner trang chủ
Thứ Ba, ngày 26/11/2024

Kinh nghiệm quản lý và bảo tồn khu dự trữ sinh quyển ở một số quốc gia trên thế giới

15/09/2015

     Công tác quản lý và bảo tồn các khu dự trữ sinh quyển (KDTSQ) là một vấn đề quan trọng nhằm giải quyết mối quan hệ hài hòa giữa bảo tồn đa dạng sinh học (ĐDSH) và khai thác hợp lý nguồn tài nguyên thiên nhiên. Một số KDTSQ sau là điển hình giữa bảo tồn và phát triển thông qua phát triển du lịch sinh thái mang lại lợi ích cho môi trường và cộng đồng trên thế giới.      Sử dụng phân vùng để thúc đẩy phát triển kinh tế dựa trên bảo tồn ĐDSH      Nhận được sự hỗ trợ từ Tổ chức Bảo tồn quốc tế (CI), Panama đã tích cực phát triển kinh tế bền vững trong khu vực xung quanh vùng đệm KDTSQ La Amistad. Đây là KDTSQ nằm giữa Panama và Costa Rica, chứa hàm lượng sinh học và di truyền ĐDSH quan trọng trên toàn cầu. Chính phủ Panama và ICBG Panama (nhóm các tổ chức nghiên cứu tư nhân của Panama và Mỹ) đã thiết lập một cơ sở vững chắc để thăm dò, thử nghiệm và bảo tồn ĐDSH của KDTSQ. Sau khi kết thúc, cơ sở và kết quả nghiên cứu sẽ tạo ra lợi ích cho đất nước (về đầu tư và việc làm), từ đó thúc đẩy mức tăng của đầu tư trong việc bảo vệ các khu bảo tồn và ĐDSH trong KDTSQ. Những hành động này góp phần giúp cộng đồng hai khu vực Panama và Costa Rica kết hợp sản xuất nông - lâm nghiệp bền vững, phát triển cộng đồng, giáo dục môi trường và hệ thống tín dụng cho các hoạt động môi trường.      Du lịch sinh thái      Hồ Tonle Sap (Campuchia) là vùng đầm lầy hữu dụng nhất ở châu Á, cung cấp nguồn lợi cơ bản cho nền kinh tế của đất nước và đời sống nông thôn. Năm 1997, hồ Tonle Sap được công nhận là KDTSQ thế giới, từ đó việc bảo tồn ĐDSH đã trở thành một phần không thể thiếu trong công tác quản lý của Campuchia. Vùng lõi Prek Toal là điểm nóng ĐDSH quan trọng nhất của Tonle Sap, một số lượng lớn các loài động vật hoang dã có ý nghĩa toàn cầu được tìm thấy tại đây. Chính vì giá trị toàn cầu và cảnh quan văn hóa độc đáo, du lịch sinh thái là cơ hội lớn để phát triển kinh tế thân thiện với môi trường. Tuy nhiên, vấn đề bảo tồn và du lịch sinh thái vẫn còn nhiều khó khăn và rủi ro, trong đó chủ yếu liên quan đến sự hạn chế về kiến thức và năng lực con người cũng như thiếu sự tham gia từ các nhóm xã hội quan trọng. Trong bối cảnh này, năm 2006 Quỹ Môi trường toàn cầu và Chương trình Phát triển Liên hợp quốc đã tài trợ một dự án du lịch sinh thái tập trung vào giáo dục và đào tạo cho cộng đồng địa phương tại KDTSQ hồ Tonle Sap, chủ yếu là các kiến thức về hoạt động du lịch sinh thái. Dự án đã đạt được thành công và góp phần cải thiện cuộc sống của nhiều người dân trong các cộng đồng đánh cá của Kompong Phluk.      Phát triển sản phẩm và dịch vụ địa phương      KDTSQ Dana ở Jordan cho thấy sự tích hợp hiệu quả giữa bảo tồn ĐDSH và phát triển bền vững dựa trên lợi ích cho người dân địa phương. Hiệu quả lớn nhất là sự phát triển của các chương trình tạo thu nhập, khuyến khích sử dụng đất thay thế bền vững. Dana là khu vực lưu trữ giống cây bách Địa Trung Hải của thế giới và nhiều loài thực vật quý hiếm. Đây là lợi thế để Jordan sản xuất sản phẩm nông nghiệp nguyên sinh, đặc biệt là trồng thảo dược với quy mô cây công nghiệp. Điều này đã “nối mạch” cho ngành công nghiệp sản xuất đồ trang sức từ sản phẩm thực vật của KDTSQ, xây dựng “thương hiệu sản phẩm” phục vụ du lịch. Người dân xây dựng lại ngôi nhà bằng đá truyền thống, phục hồi khu vườn bậc thang. Các sáng kiến góp phần tạo việc làm, gia tăng thu nhập cho cộng đồng địa phương.   Tonle Sap (Campuchia) là biển hồ nước ngọt lớn nhất ở Đông Nam Á        Các sáng kiến của Ủy ban KDTSQ liên lục địa Địa Trung Hải của hai quốc gia Ma-rốc và Tây Ban Nha là trường hợp điển hình về phát triển sản phẩm và dịch vụ địa phương tại KDTSQ. Được đề cử vào tháng 10/2006, KDTSQ Địa Trung Hải là Khu bảo tồn xuyên biên giới đầu tiên giữa hai nước ở hai châu lục có nhiều điểm tương đồng về địa chất, sinh thái và văn hóa. Ngoài chức năng bảo tồn và hậu cần, KDTSQ độc đáo này còn nhằm củng cố và phát triển bền vững cho cộng đồng nông thôn ở cả hai bờ. Mục đích chiến lược phát triển trong kế hoạch hành động chung của hai vùng là kết nối các nhu cầu phát sinh từ người tiêu dùng và khách du lịch đô thị đối với các sản phẩm tại địa phương. Loại hình du lịch kết hợp các sản phẩm mang đậm tính địa phương là đặc trưng của sáng kiến phát triển nông thôn mới tại KDTSQ liên lục địa. Sự tiếp cận này tạo ra “hàng hóa và dịch vụ đặc thù”. Ở khu vực sinh quyển của Tây Ban Nha, nhiều hoạt động liên kết du lịch, ẩm thực và các sản phẩm đặc thù được phát triển. Để tạo điều kiện thúc đẩy và phổ biến hàng hóa, dịch vụ đặc thù, thương hiệu “Công viên tự nhiên Andalusia” đã được quảng bá và được xem là sáng kiến tiên phong trong lãnh thổ Tây Ban Nha. Trong khi đó, sáng kiến về “Chaouen nông thôn” ở Ma-rốc được đưa ra với sự hỗ trợ của các nhà tài trợ từ Tây Ban Nha. “Chaouen nông thôn” cũng được tiếp cận theo hình thức sử dụng văn hóa làm đòn bẩy phát triển kinh tế địa phương. Hoạt động này có thể được định nghĩa là “du lịch trải nghiệm tham gia nghiên cứu nghệ thuật, di sản và kết nối với những người bản địa”. Đến với “Chaouen nông thôn”, du khách được tham gia hoạt động chuẩn bị thức ăn cùng với người dân địa phương bằng các nguyên liệu truyền thống, tìm hiểu về cách sử dụng các loại thảo mộc và cây thuốc. Bên cạnh đó, người tham gia còn có thể đến thăm hội chợ ẩm thực và mua các sản phẩm thủ công từ người dân địa phương. Đây là loại hình hoạt động có thể được nhân rộng trong các KDTSQ. Nó làm nổi bật tác động của sự đa dạng văn hóa đối với các nền kinh tế địa phương, thu hút khách du lịch và người tiêu dùng thành thị. Từ đó cải thiện thu nhập của các cộng đồng nông thôn và nâng cao kiến thức và văn hóa truyền thống.      Sáng kiến dựa trên lợi ích cộng đồng      Ở Canađa, KDTSQ được biết đến với vai trò là “chất xúc tác” trong đối thoại, hợp tác và nâng cao năng lực bảo tồn ĐDSH. Là thành viên đầu tiên của Chương trình “Con người và sinh quyển” (MAB) từ năm 1971 nhưng đến năm 1974, Ủy ban MAB Canađa mới được thành lập và nhận được sự hỗ trợ của UNESCO. Có thể nói, chìa khóa thành công trong công tác xây dựng và bảo tồn các KDTSQ của Canađa là thiết lập cấu trúc tổ chức ở địa phương. Chính quyền và cộng đồng địa phương là những chủ thể phổ biến và tuyên truyền nhận thức về dự trữ sinh quyển, hỗ trợ xây dựng và phát triển các chức năng dự trữ sinh quyển. Yếu tố cộng đồng chính là “mấu chốt” để hoạt động dự trữ sinh quyển được tiếp tục phát triển, đặc biệt là vượt qua những trở ngại trong giai đoạn thiếu sự tài trợ về tài chính từ chính phủ liên bang và sự hỗ trợ từ UNESCO dần thu hẹp lại và chấm dứt hoàn toàn năm 1992…      Với vai trò cộng tác và hỗ trợ MAB Canađa, Hiệp hội Dự trữ sinh quyển Canađa (CBRA) được thành lập vào năm 1998 (tiền thân là nhóm công tác tình nguyện Dự trữ sinh quyển hoạt động hoàn toàn phi lợi nhuận. Mục đích của CBRA là hỗ trợ và tư vấn cho MAB thể đáp ứng các yêu cầu của UNESCO ở nhiều phương diện khác nhau. Các hoạt động của CBRA bao gồm: gây quỹ, phát triển trang web liên kết các dự án hợp tác thực hiện ở hầu hết hoặc tất cả các KDTSQ, sử dụng đất thay thế trong và xung quanh KDTSQ, thành lập các lô giám sát ĐDSH, đánh giá biến đổi khí hậu, thực hiện một số dự án phục hồi sinh thái, khai thác tiềm năng du lịch sinh thái; chuẩn bị các kế hoạch hợp tác cùng người dân địa phương.      xây dựng kế hoạch quản lý các khu bảo tồn quốc gia      Trong số các quốc gia ở châu Phi, Madagascar là quốc gia nổi tiếng với vẻ đẹp thiên nhiên tráng lệ và hùng vĩ và có nhiều hoạt động bảo tồn môi trường. Madagascar là nơi trú ngụ của nhiều loài động thực vật bản địa quý, hiếm. Chính vì thế, nhiều nhà khoa học đã gọi Madagascar là “lục địa thứ 8” và là điểm nóng của thế giới về ĐDSH. Hưởng ứng chương trình MAB của UNESSCO và Hiến chương môi trường đầu tiên của châu Phi (1980), Madagascar đã thông qua và đưa kế hoạch hành động vì môi trường vào kế hoạch hoạt động của quốc gia. Kế hoạch có hiệu lực vào năm 1990 và đã được thực hiện trong ba giai đoạn, mỗi giai đoạn kéo dài 5 năm, kết quả hoạt động của kế hoạch gắn kết với sự công nhận các KDTSQ của Madagascar. Năm 1990, KDTSQ thế giới đầu tiên của Masdagasca - Mananara Nord được UNESCO chính thức công nhận, tiếp sau đó là các KDTSQ Sahamalaza-Iles Radama và Littoral de Toliara. Công viên quốc gia Madagascar được giao nhiệm vụ bảo tồn các KDTSQ với những quy phạm pháp luật và các phương tiện để hoạt động riêng biệt.   Madagascar là quốc gia nổi tiếng với vẻ đẹp thiên nhiên tráng lệ và hùng vĩ        Nhằm thống nhất về quản lý các khu bảo tồn trên toàn đất nước, Madagasca đã mạnh dạn áp dụng kế hoạch quản lý mạng lưới các khu bảo tồn của quốc gia (hay còn gọi Kế hoạch Grap) vào công tác bảo tồn sinh quyển. Từ kế hoạch này, Madagasca lập chiến lược quản lý cho từng khu vực được bảo vệ. Nội dung của kế hoạch được Công viên quốc gia Madagascar đảm trách thông qua những cam kết về bảo tồn ĐDSH, giáo dục môi trường, du lịch sinh thái và chia sẻ lợi ích công bằng với người dân địa phương. Một trong những kết quả nổi bật của kế hoạch Grap là thiết lập thành công các Ủy ban định hướng và hỗ trợ khu vực bảo vệ. Ngoài ra, các Ủy ban còn chịu trách nhiệm về việc thực hiện các điều kiện “giao kèo” giữa các quản trị viên và cộng đồng được hưởng lợi; giám sát việc thực hiện của các dự án nhỏ và tham gia công tác đánh giá các chỉ số sức khỏe ĐDSH của KDTSQ, tập trung vào các hoạt động bảo tồn và phát triển mục tiêu tác động tích cực đến cộng đồng…   ThS. Nguyễn Quốc Nghi Nguồn: Tạp chí Môi trường, số 1+2/2015  
Ý kiến của bạn