Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 29/11/2024

Kiên Giang triển khai Chương trình hành động bảo vệ, phục hồi quần thể dugong

31/03/2016

   Dugong (bò biển) là loài động vật có vú sống ở biển, ăn cỏ biển và một số loài rong biển. Ở Việt Nam dugong chỉ còn lại một số lượng ít, khoảng hơn 100 con, phân bố chủ yếu ở vùng biển có cỏ biển phong phú như đảo Phú Quốc, Thổ Chu (Kiên Giang), Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu) và vùng biển Quảng Ninh. Dugong trưởng thành có thể dài đến 3 m, trọng lượng lên đến 500 kg, nhưng trung bình dài 2,4 - 2,7 m, cân nặng 250 - 400 kg và tuổi thọ trên dưới 70 năm. Dugong sống theo đàn và phân tán nên việc quản lý và bảo vệ loài thú biển quý hiếm này gặp nhiều khó khăn.

   Các nguy cơ đe dọa tuyệt chủng loài dugong

   Quần thể dugong đang suy giảm nhanh và ngày càng trở nên ít gặp. Trước thực tế này, Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên quốc tế (IUCN) đã liệt kê dugong vào danh mục các loài có nguy cơ tuyệt chủng cao. Dugong cũng được ghi trong Sách đỏ Việt Nam là loài cấm khai thác dưới mọi hình thức. Tuy nhiên, dugong vẫn bị săn bắt để lấy thịt, da làm thức ăn và răng làm thuốc chữa bệnh hoặc đồ trang sức.

   Ngoài ra, do di chuyển chậm chạp và thân hình to lớn, loài này thường dễ bị mắc vào lưới đánh cá của ngư dân, chủ yếu xảy ra ở một số vùng biển đảo tỉnh Kiên Giang. Trong khoảng 10 năm trở lại đây, ngư dân tại địa phương này đã du nhập một loại lưới vét mới (cào bay) được thiết kế mắt lưới to và dùng hai tàu cá có công suất lớn kéo quét trên phạm vi rộng nên dugong và một số loài thú biển khác bị mắc lưới tăng lên. Mặc dù chính quyền địa phương và Chi cục bảo vệ nguồn lợi thủy sản Kiên Giang đã cấm sử dụng loại lưới này nhưng việc thi hành vẫn chưa được ngư dân chấp hành triệt để.

   Thêm vào đó, diện tích các bãi cỏ biển đang bị thu hẹp, sự phát triển của du lịch, việc khai thác thủy sản bằng nhiều loại ngư cụ mang tính huỷ diệt (thuốc nổ, chất độc), nạo vét kênh rạch, xây dựng các bến cá cầu cảng và chất thải trong hoạt động sản xuất, nuôi trồng làm môi truờng biển bị ô nhiễm... đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới quần thể dugong.

Theo Tổ chức Bảo vệ động vật hoang dã (WAR), mỗi ngày có khoảng 1-2 cá thể dugong ở Phú Quốc (Kiên Giang) bị chết do mắc lưới của ngư dân

   Chương trình hành động bảo vệ, phục hồi quần thể dugong

   Trước thực trạng nguy cấp của loài dugong, Quỹ quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) đã phối hợp với tỉnh Kiên Giang thực hiện chương trình hành động bảo vệ, phục hồi quần thể dugong, từ tháng 12/2015 đến hết năm 2016. Ước tính, tổng vốn đầu tư thực hiện chương trình khoảng 4,7 tỷ đồng từ nguồn dự án điểm trình diễn san hô và cỏ biển do Chương trình Môi trường của Liên hợp quốc (UNEP) tài trợ và huy động doanh nghiệp khai thác du lịch và ngân sách địa phương.

   Chương trình thực hiện lồng ghép các dự án bảo tồn những loài quý hiếm (trong đó có dugong) vào trong kế hoạch quản lý TN&MT biển với sự tham gia của cộng đồng, các ngành chức năng, hợp tác quốc tế trong vùng nước biển chung giữa hai quốc gia Việt Nam và Campuchia. Các hoạt động truyền thông được tổ chức kết hợp phát động chiến dịch nâng cao nhận thức của cộng đồng xã hội, năng lực quản lý của các ngành chức năng, thực thi pháp luật trong việc bảo tồn các hệ sinh thái biển và sinh vật quý hiếm.

   Bên cạnh đó, Chương trình cũng tiến hành khảo sát, nghiên cứu khoa học về dugong và các hệ sinh thái liên quan để có giải pháp bảo vệ, khôi phục hữu hiệu gắn kết với thiết lập hệ thống quan trắc, xây dựng cơ sở dữ liệu nhằm kiểm soát, quản lý bảo tồn dugong.

   Đồng thời, Chương trình đã đề ra một số giải pháp để bảo vệ loài dugong, cụ thể:

   Tăng cường giáo dục cộng đồng thông qua các hoạt động đào tạo, nâng cao nhận thức cho người dân về việc giảm thiểu nguy cơ tử vong của dugong và bảo vệ các vùng sinh cư của chúng.

   Đẩy mạnh các hoạt động truyền thông như tổ chức các cuộc thi đắp mô hình dugong trên cát, thi ảnh bảo vệ dugong và kiến thức bảo tồn biển… cho các em học sinh tham gia. Qua đó, tuyên truyền cho các em hiểu về giá trị và ý thức bảo tồn loài dugong.

Các em học sinh Phú Quốc (Kiên Giang) tham gia Cuộc thi đắp mô hình dugong trên cát

   Hoàn thiện và mở rộng hệ thống các khu bảo tồn biển quốc gia. Nghiên cứu bảo tồn thảm cỏ biển ở những vùng có nhiều cỏ biển như: Phú Quốc, Thổ Chu, Côn Đảo và một số khu vực tiềm năng thuộc tỉnh Quảng Ninh. Ở một số khu vực có dugong xuất hiện thường xuyên trên vùng biển Kiên Giang, cần xây dựng mô hình bảo tồn sinh vật quý hiếm kết hợp du lịch sinh thái biển bền vững.

   Nghiêm cấm các hoạt động săn bắt, buôn bán loài dugong, đặc biệt xử phạt nặng hành vi sử dụng các ngư cụ của người dân địa phương để đánh bắt cá, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn lợi biển.

   Tăng cường hợp tác quốc tế: Tham khảo các kinh nghiệp quốc tế về bảo tồn loài dugong của các nước trong khu vực và trên thế giới để công tác bảo tồn đạt hiệu quả

Nguyễn Thị Thu Hà

Tổng cục Lâm nghiệp

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 2/2016)

Ý kiến của bạn