Banner trang chủ
Thứ Tư, ngày 27/11/2024

Khuyến nghị chính sách Tăng trưởng xanh ở Việt Nam

07/01/2015

     TTX là hướng tiếp cận mới đối với nhiều quốc gia trên thế giới, nhất là các nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, tiên phong là Hàn Quốc. Với cách tiếp cận này không chỉ mang lại lợi ích kinh tế, mà còn hướng tới phục hồi và bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên, giảm thiểu tác động của BĐKH.

     Ở Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1393/QĐ-TTg ngày 25/9/2012 phê quyệt Chiến lược quốc gia về TTX và Kế hoạch hành động quốc gia về TTX giai đoạn năm 2014 - 2020 theo Quyết định số 403/QĐ-TTg ngày 20/3/2014. Hiện nay, các Bộ ngành và địa phương đang bắt đầu triển khai và thực hiện. Tuy nhiên, để hiểu và làm đúng theo yêu cầu trong Chiến lược TTX cần có nhận thức đúng và vận dụng sáng tạo, phù hợp với từng ngành, lĩnh vực và từng địa phương trong cả nước.

     Một số kinh nghiệm quốc tế về thực hiện chính sách TTX

     TTX nhằm giải quyết hài hòa giữa kinh tế, sử dụng hiệu quả tài nguyên và BVMT, giảm thiểu và thích ứng với BĐKH. Ở các nước đang phát triển như Việt Nam, thực hiện Chiến lược TTX còn góp phần xóa đói giảm nghèo. Mặt khác, TTX ra đời trong bối cảnh thiếu hụt và khủng hoảng về nguồn tài nguyên, ô nhiễm và suy thoái môi trường, sự tác động của BĐKH làm tổn thất tới kinh tế và đe dọa cuộc sống con người. Chính vì vậy, cần phải xem xét kinh nghiệm quốc tế giải quyết vấn đề này như thế nào trong việc lựa chọn chính sách.

     Vào tháng 7/2014, tại Hội nghị Tư vấn chính sách lần thứ 9 của Mạng lưới Sáng kiến TTX Seoul (Hàn Quốc) do Ủy ban Kinh tế xã hội châu Á - Thái Bình Dương Liên hợp quốc (UN-ESCAP) tổ chức, các đại biểu đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm về sử dụng hiệu quả tài nguyên và cách thức tiêu dùng mới, xem chất thải như đầu vào của hệ thống kinh tế, hạn chế tối đa khai thác tài nguyên trong môi trường tự nhiên. Ông Rae Kwon Chung, Giám đốc UN-ESCAP đã đưa ra hai kịch bản cho toàn cầu để đạt mục tiêu TTX.

     • Kịch bản Xanh A: Nguồn GDP toàn cầu khoảng 1 - 2% cho đầu tư xanh.Trong đó, dự kiến cho các ngành, lĩnh vực như: nông nghiệp, xây dựng, năng lượng (nguồn cung), cá, rừng, công nghiệp, du lịch, giao thông, chất thải và nước.

     • Kịch bản Xanh B: 2% GDP toàn cầu đầu tư ưu tiên cho năng lượng và BĐKH.

     Ngoài ra, khoảng 1 - 2% GDP toàn cầu được đầu tư cho các ngành kinh tế có tính chất tổng hợp đan xen lẫn nhau.

     Như vậy, Kịch bản Xanh A vẫn là lựa chọn ưu tiên, với các ngành sản xuất này sẽ tạo ra nhiều cơ hội cho sản xuất xanh và tiêu dùng sản phẩm xanh. Tuy nhiên, việc lựa chọn ưu tiên như thế nào phụ thuộc vào điều kiện và hoàn cảnh cụ thể của mỗi quốc gia về nguồn vốn, công nghệ, hoàn cảnh địa lý và mang lại hiệu quả đầu tư tốt nhất. Ví dụ, tại Hàn Quốc, nhằm thực hiện TTX, sử dụng hiệu quả tài nguyên và hướng tới sản xuất và tiêu dùng xanh, trong hành động có ba lĩnh vực ưu tiên: Phát triển công viên công nghiệp sinh thái, điển hình là TP. Cảng Ulsan; Xác lập cơ hội cũng như thách thức đối với tái chế tài nguyên từ chất thải; Xúc tiến và khuyến khích sử dụng các chất thải để tạo ra năng lượng đối với TP xanh, TP các bon thấp.

     Đối với đo lường và giám sát TTX, năm 2014, các nước thuộc tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) đã đưa ra bộ chỉ số giám sát TTX, trong đó liên quan đến các chỉ số quản lý tài nguyên và BVMT gồm 7 nhóm và 13 chỉ số đo lường. Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) đã gợi ý xác lập các chỉ số đánh giá chính sách, UNEP đưa ra 5 lĩnh vực với các chủ đề (BĐKH; Quản lý hệ sinh thái; Hiệu quả tài nguyên; Quản lý chất thải và hóa chất). Đối với mỗi chủ đề có 2 nhóm chỉ số được xác lập, đây là những gợi ý và định hướng quan trọng của UNEP về mặt chính sách để các quốc gia căn cứ vào đó xây dựng bộ tiêu chí và chỉ số TTX. Tùy vào điều kiện hoàn cảnh cụ thể có thể áp dụng trong quản lý tài nguyên và BVMT.

     Đối với Nhật Bản, để thúc đẩy tiêu dùng xanh định hướng cho sản xuất xanh trên tất cả các lĩnh vực, người Nhật đã tổ chức các hội chợ trưng bày, giới thiệu sản phẩm công nghiệp, nông nghiệp, giao thông, xây dựng, sản xuất năng lượng xanh, có những sản phẩm mới nhưng cũng rất nhiều các sản phẩm truyền thống của các hãng trước đây nay đổi sang hướng sản phẩm xanh, thay đổi công nghệ, mẫu mã và nguyên vật liệu thay thế. Mặc dù so với Nhật Bản và Hàn Quốc, Trung Quốc phát triển sau, nhưng đã đạt được những thành tựu nhất định và có tính cạnh tranh cao trong việc sản xuất các sản phẩm xanh thân thiện môi trường (sản phẩm sử dụng năng lượng mặt trời, các tấm pin mặt trời, đốt rác thải thu hồi nhiệt cho phát điện, hình thành các ngôi nhà xanh, các loại xe đạp điện...).

     Hiện nay, xu hướng chung của các nước là sản xuất và tiêu dùng xanh, thay thế các sản phẩm truyền thống bằng các sản phẩm xanh thân thiện môi trường, tận dụng chất thải tái chế, tái sử dụng, tập trung nghiên cứu và đầu tư công nghệ và đổi mới chất liệu tạo sản phẩm mới. Hình thành một nền công nghiệp xanh, nông nghiệp xanh, giao thông xanh, việc làm xanh… trong một nền KTX, hướng tới phát triển bền vững và có khả năng cạnh tranh trên thị trường.

     Những trở ngại chính về TTX ở Việt Nam

     Về nhận thức: Đối với Việt Nam, trong Chiến lược quốc gia về TTX, quan điểm TTX thể hiện như sau: “TTX là một nội dung của phát triển bền vững, đảm bảo phát triển kinh tế theo hướng nhanh, hiệu quả và bền vững, đồng thời góp phần quan trọng thực hiện Chiến lược quốc gia về BĐKH; TTX phải do con người và vì con người, góp phần tạo việc làm, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân; TTX dựa trên tăng cường đầu tư vào bảo tồn, phát triển và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn tự nhiên, giảm phát thải khí nhà kính, cải thiện nâng cao chất lượng môi trường, qua đó kích thích tăng trưởng kinh tế. TTX phải dựa trên cơ sở khoa học và công nghệ hiện đại, phù hợp với điều kiện Việt Nam, nguồn nhân lực chất lượng cao, kết hợp giữa nội lực với mở rộng hợp tác quốc tế. TTX là sự nghiệp của toàn Đảng, các cấp chính quyền, Bộ, ngành và địa phương; các cơ quan, doanh nghiệp, đoàn thể xã hội, cộng đồng dân cư và mọi người dân”.

 

Hệ thống pin năng lượng mặt trời tại Nhà máy Lắp ráp và kiểm định chipset của Intel tại Việt Nam

 

     Như vậy, để đạt mục tiêu TTX, Việt Nam phải thực hiện nhiều nội dung bao gồm: Sử dụng hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên; BVMT; Xóa đói giảm nghèo; Đầu tư cho bảo tồn và phát triển; Giảm thiểu phát thải khí nhà kính và sự nỗ lực của toàn xã hội, không chỉ các tổ chức chính quyền mà còn cả người dân và doanh nghiệp phải nhận thức đầy đủ và thực hiện theo mục tiêu Chiến lược đề ra.

     Vấn đề công nghệ trong thực hiện TTX: Việt Nam là nước có thu nhập trung bình thấp so với các quốc gia khác trên thế giới, do vậy sự tồn tại những công nghệ lạc hậu, giá rẻ, sử dụng lãng phí tài nguyên thiên nhiên và gây ô nhiễm môi trường, sử dụng nhiều nhiên liệu hóa thạch, gây tổn thất lớn cho hệ sinh thái. Giải quyết trở ngại này cần có lộ trình và sự giúp đỡ của các nước phát triển trong chuyển giao công nghệ mới; đầu tư khoa học kỹ thuật nhằm sử dụng hiệu quả và tiết kiệm các nguồn tài nguyên thiên nhiên.

     Về nguồn vốn đầu tư cho TTX: TTX liên quan đến đổi mới công nghệ, phục hồi hệ sinh thái, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm nguồn tài nguyên thiên nhiên và phát thải các bon thấp, đầu tư phát triển một số lĩnh vực mới. Muốn làm được điều đó đòi hỏi phải có nguồn vốn lớn không chỉ tạo ra nhiều công ăn việc làm mà còn giảm phát thải khí nhà kính, nhất là sử dụng năng lượng tái tạo.

     Theo tài liệu “Hướng tới nền KTX” của UNEP năm 2011, mô hình kịch bản đầu tư xanh với số vốn khoảng 2% GDP toàn cầu (khoảng 1.300 tỷ USD), trong đó 0,5% GDP, tương đương với 350 tỷ USD, được đầu tư cho các lĩnh vực như nông nghiệp, lâm nghiệp, nước sạch và thủy sản. Trong tổng nguồn vốn này nếu huy động từ các nước đang phát triển là điều không dễ dàng, đòi hỏi phải có sự hỗ trợ của các nước phát triển. Việt Nam cần nghiên cứu kỹ và tận dụng tối đa nguồn vốn đầu tư cho TTX của các quốc gia và các tổ chức quốc tế.

     Thống kê của UNEP năm 2009 cho thấy, Cộng đồng châu Âu và Bắc Mỹ đã đầu tư xây dựng các tòa nhà xanh và tạo ra khoảng 2 - 3,5 triệu việc làm, riêng Trung Quốc đầu tư vào lĩnh vực tái chế và năng lượng tái tạo đã tạo ra 10 triệu việc làm và doanh thu đạt 17 tỷ USD/năm. Đối với các nước đang phát triển, theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), nhu cầu đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng cho KTX như các ngành xây dựng, năng lượng, giao thông vận tải có thể lên tới 563 tỷ USD vào năm 2030 và 100 tỷ USD cho thích ứng với BĐKH. Vốn đầu tư cho KTX và thích ứng BĐKH ở các nước đang phát triển chiếm khoảng 50% tổng nguồn vốn đầu tư vào KTX của toàn cầu.

     Trong mô hình kinh tế vĩ mô, các tác giả chỉ ra rằng, đầu tư KTX sẽ cải thiện hiệu quả kinh tế và tăng tổng lượng của cải trên toàn cầu, đồng thời đem lại hiệu quả trong việc phục hồi các nguồn tài nguyên có khả năng tái tạo, giảm thiểu rủi ro môi trường và tái thiết sự thịnh vượng cho tương lai. Về lâu dài, Việt Nam sẽ gặp nhiều trở ngại về nguồn vốn đầu tư, do chúng ta phải tập trung nguồn lực cho xóa đói giảm nghèo, xây dựng cơ sở hạ tầng, giáo dục, y tế và giải quyết sinh kế cho người dân. Vì thế, Việt Nam cần lựa chọn một phương án đầu tư TTX hiệu quả nhất cho các ngành, lĩnh vực và địa phương.

     Giải quyết sinh kế và thu nhập: Việt Nam đã nỗ lực xóa đói giảm nghèo, tuy nhiên tỷ lệ dân số đói nghèo và có mức thu nhập thấp chiếm tỷ trọng cao, do đó trong chính sách TTX, cần phải ưu tiên giải quyết sinh kế và thu nhập cho người dân. Trong TTX, nếu đề cập tới “các bon thấp” hay “công nghệ cao” đối với Việt Nam là một thách thức không nhỏ. Chính vì vậy, Chiến lược TTX của Việt Nam gắn với xóa đói giảm nghèo là một trong những nội dung cơ bản.

     Khuyến nghị về mặt chính sách thực hiện TTX ở Việt Nam

     Để thực hiện mục tiêu TTX trong Chiến lược và Kế hoạch hành động đã ban hành, phù hợp với xu thế chung toàn cầu hướng tới nền KTX và phát triển bền vững, cần chú trọng các giải pháp sau:

     Thứ nhất, cần có chính sách phổ biến, tuyên truyền, nâng cao nhận thức về Chiến lược và Kế hoạch hành động TTX mà Chính phủ đã ban hành tới các cấp lãnh đạo và người dân trong cả nước.

     Thứ hai, rà soát xem xét lại trong các chính sách phát triển ngành, lĩnh vực và chính sách phát triển vùng, nhất là Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia đến năm 2020 tầm nhìn 2030, đưa các nội dung của Chiến lược TTX lồng ghép vào nội dung chiến lược, quy hoạch và kế hoạch thực hiện phù hợp với xu thế mới.

     Thứ ba, hiện tại, Việt Nam đang thực hiện chính sách cấu trúc lại nền kinh tế, đây là cơ hội tốt để cấu trúc lại theo hướng TTX và hướng tới nền KTX.

     Thứ tư, cần lựa chọn một số ngành lĩnh vực và địa phương triển khai thực hiện TTX để rút ra bài học như ngành nông nghiệp, năng lượng, TN&MT... một số địa phương (Quảng Nam, Hải Phòng, Thái Nguyên và Quảng Ninh). Tùy theo tính chất thực tiễn của mỗi ngành và địa phương để có những kế hoạch hành động thích hợp.

     Thứ năm, sớm xây dựng và ban hành bộ chỉ số đánh giá và giám sát TTX quốc gia và địa phương. Bộ chỉ số này phải đảm bảo tính chất phù hợp với các chỉ số quốc tế nhưng gắn với thực tiễn với Việt Nam. Thông qua bộ chỉ số để xác định, ngành lĩnh vực và địa phương nào đáp ứng yêu cầu TTX.

     Thứ sáu, cần có chính sách hợp tác chặt chẽ với các tổ chức quốc tế và các quốc gia trên thế giới trong việc chia sẻ kinh nghiệm, trao đổi chuyên gia, hợp tác nghiên cứu, đổi mới công nghệ và thu hút nguồn vốn đầu tư vào TTX.

     Thứ bảy, những chính sách và động lực kinh tế, cơ chế tài chính vẫn là sự lựa chọn tối ưu trong bối cảnh thể chế kinh tế thị trường nhằm thực hiện Chiến lược TTX đối với nền KTX nhằm hướng tới phát triển bền vững.

     Để đạt mục tiêu của Chiến lược TTX và Kế hoạch hành động năm 2014, cần nỗ lực nhiều hơn và học hỏi kinh nghiệm quốc tế, vận dụng sáng tạo vào hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam, đồng thời thấy rõ những trở ngại và thách thức sẽ gặp phải, từ đó đưa ra những chính sách phù hợp.

 

PGS.TS.Nguyễn Thế Chinh - Phó Viện trưởng

Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường,
Bộ TN&MT

Nguồn: Chuyên đề Tăng trưởng xanh - Tạp chí Môi trường 2014

 

Ý kiến của bạn