Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 29/11/2024

Không thể so sánh ô nhiễm ở Hà Nội với Bắc Kinh chỉ bằng chỉ số ở một vài thời điểm

09/03/2016

     Theo số liệu quan trắc từ Trạm quan trắc môi trường không khí tự động, liên tục của Tổng cục Môi trường, từ 27/2 - 2/3/2016, giá trị bụi PM10 và PM2,5 quan trắc được tại một số thời điểm tăng cao. Giá trị PM10 trung bình ngày (24h) cao nhất vào 29/2 là 160 µg/m3, vượt quy chuẩn QCVN 05:2013/BTNMT (150 µg/m3); Giá trị PM2,5 trung bình ngày từ 27/2 - 2/3/2016 đều vượt giá trị giới hạn cho phép tại quy chuẩn QCVN 05:2013/BTNMT (50 µg/m3), trong đó, ngày 29/2 có giá trị cao nhất là 89 µg/m3, vượt 1,78 lần. Nguyên nhân chủ yếu là do hoạt động giao thông hoặc sản xuất công nghiệp xung quanh, đặc biệt, trong những ngày qua, điều kiện thời tiết tại Hà Nội khá hanh khô, độ ẩm không khí trung bình khoảng 74%, có thời điểm chỉ còn 62%, là một trong những nguyên nhân góp phần dẫn đến nồng độ bụi PM2,5 tăng cao.

 

Diễn biến nồng độ PM10 và PM2,5trung bình 24h tại khu vực 556 Nguyễn Văn Cừ, Long Biên, Hà Nội từ ngày 27/2 - 2/3/2016

 

     Còn theo Aqicn.org - Website của Mỹ (nơi cung cấp số liệu ô nhiễm không khí các thành phố trên thế giới theo từng giờ) đưa tin, chỉ số AQI (chỉ số dùng để đánh giá chất lượng không khí và khả năng tác động đến sức khỏe) tại Hà Nội khá cao, có thời điểm lên tới 388 (mức cao nhất là lúc 9h00 ngày 1/3/2016). Riêng nồng độ bụi mịn PM2,5 cao gấp hơn 3 lần mức khuyến cáo theo Quy chuẩn quốc gia về chất lượng không khí xung quanh và gấp 7 lần so với khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới. Cụ thể, chỉ số AQI đo được trong 2 ngày 1 & 2/3 tại Đại sứ quán Mỹ (Láng Hạ) và Trường Quốc tế Liên hợp quốc Hà Nội (Tây Hồ) dao động từ 114 - 388 (ban ngày trên mức 150) và con số này là 159 tại Đại sứ quán Mỹ, 146 tại trường Quốc tế Liên hợp quốc Hà Nội vào 13h00 ngày 3/3. Trong khi đó, ở cùng thời điểm, tại Bắc Kinh, Trung Quốc - Thành phố nổi tiếng về ô nhiễm không khí, chỉ số AQI dao động từ 119 - 298, đặc biêt, vào 14h ngày 2/3, chỉ số PM2,5 tại Bắc Kinh ở mức 174, chỉ cao hơn một chút so với Hà Nội.

     Trao đổi về vấn đề này, TS. Hoàng Dương Tùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường cho biết, kết quả quan trắc của Tổng cục Môi trường tương đồng với kết quả đo được ở Đại sứ quán Mỹ và kết quả công bố trên trang Aqicn.org. Song, các con số cập nhật trên website của Đại sứ quán Mỹ tính theo trung bình giờ, nên chỉ số chất lượng không khí chỉ thể hiện ở một thời điểm trong ngày, do đó không thể so sánh ô nhiễm ở Hà Nội với Bắc Kinh chỉ bằng chỉ số ở một vài thời điểm, bởi chỉ số AQI cũng thay đổi trong ngày, tăng mạnh vào lúc cao điểm giao thông. Để đo chất lượng không khí phải tính tới xu hướng, xem giá trị trung bình ngày, trung bình năm thì mới khẳng định được, vì vậy muốn so sánh phải có chuỗi số liệu trong một thời gian nhất định ở nhiều trạm quan trắc khác nhau.

 

Hoạt động giao thông tăng cao và thời tiết hanh khô là một trong những nguyên nhân

gây ô nhiễm môi trường không khí tại Hà Nội

 

      Tuy nhiên, xu thế ô nhiễm không khí ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh ngày càng trầm trọng do sự gia tăng các phương tiện giao thông, hoạt động xây dựng, đốt rơm rạ và hoạt động của các nhà máy nhiệt điện (dù các nhà máy này cách xa Hà Nội nhưng bụi mịn PM2,5 có khả năng phát tán rất xa). Để giải quyết tình trạng này, Tổng cục Môi trường đang trình Chính phủ dự thảo Kế hoạch Hành động quốc gia về kiểm soát ô nhiễm không khí. Tuy nhiên, kế hoạch này có thực hiện được hay không phải dựa vào sự quyết tâm của nhiều Bộ, ngành, địa phương liên quan. Nếu vấn đề ô nhiễm không khí không được các ngành, các cấp nhận thức đúng đắn, coi đây là vấn đề nghiêm trọng, cấp bách thì một ngày không xa, Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh sẽ ô nhiễm không kém gì Bắc Kinh, Phó Tổng cục trưởng Hoàng Dương Tùng nhấn mạnh.

     GS.TSKH Phạm Ngọc Đăng, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam cho rằng, Hà Nội không thể ô nhiễm như Bắc Kinh, nhưng ô nhiễm không khí đã xuất hiện nhiều năm và trở thành vấn đề cấp bách tại đây. Hiện tại, Hà Nội đã có những chiến lược, kế hoạch BVMT cũng như những chế tài, tuy nhiên, việc thực thi vẫn còn bất cập. Để giải quyết tình trạng này cần một giải pháp tổng thể trên các lĩnh vực giao thông, xây dựng, sản xuất công nghiệp và sinh hoạt cộng đồng. Với giao thông, ưu tiên phát triển giao thông công cộng, nâng cao chất lượng đường sá, giảm ùn tắc, nâng cao chất lượng nhiên liệu. Với sản xuất, các cụm công nghiệp, khu công nghiệp phải có hệ thống xử lý khí thải, khuyến khích dùng công nghệ thân thiện. Ngoài ra, nên tăng cường diện tích cây xanh của thành phố, trong đó vấn đề mấu chốt là ý thức của người dân, nhất là chủ các cơ sở sản xuất và vai trò của cơ quan quản lý.

 

Thu Hằng (Tổng hợp)

Ý kiến của bạn