Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 28/11/2024

Khí thải CO2 đe dọa đại dương

17/07/2015

     Theo nghiên cứu của 20 nhà khoa học biển hàng đầu thế giới, các đại dương đang nóng dần lên, mất ôxy và trở nên có tính axit hơn do sự kết hợp của các mối đe dọa liên quan đến khí CO2.

      Đại dương đã hấp thụ gần 30% lượng CO2 mà con người sản xuất ra từ năm 1750 và khí CO2 làm cho nước biển có tính axít hơn vì nó là một loại khí nhẹ có tính axít. Ngoài yếu tố liên quan đến biến đổi khí hậu, các đại dương còn hấp thụ thêm hơn 90% lượng nhiệt khác do cộng đồng xã hội và ngành công nghiệp thải ra từ năm 1970. Nhiệt lượng dư thừa đó làm cho đại dương gặp khó khăn trong việc giữ ôxy trong nước biển.

  

Các đại dương có thể gặp nguy hiểm bởi sự kết hợp của các mối đe dọa

 

     Một số thí nghiệm cho thấy, nhiều sinh vật có thể chịu được sự ấm lên toàn cầu trong tương lai do CO2, hoặc nước biển giảm nồng độ pH, hay lượng ôxy thấp hơn... nhưng không phải tất cả các hiện tượng đó xảy ra cùng một lúc như hiện nay.

      Nhà nghiên cứu Jean-Pierre Gattuso cho biết: "Đại dương được coi là thứ yếu tại các cuộc đàm phán khí hậu từ trước tới nay. Nghiên cứu của chúng tôi đưa ra các luận cứ thuyết phục cho sự thay đổi triệt để tại Hội nghị Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu diễn ra tại Paris vào tháng 12 năm nay". Nhóm nghiên cứu cũng cảnh báo, lượng CO2 mà chúng ta thải ra hôm nay có thể làm thay đổi hệ thống Trái đất đến mức không thể phục hồi trong nhiều thế hệ sau.

       Nhà nghiên cứu Carol Turley nhấn mạnh: “Các đại dương cho chúng ta lương thực, năng lượng, khoáng chất, thuốc, một nửa lượng ôxy trong khí quyển, đồng thời điều chỉnh khí hậu và thời tiết của chúng ta. Vì thế, chúng tôi đang yêu cầu các nhà hoạch định chính sách nhận ra những hậu quả tiềm tàng của sự biến đổi mạnh mẽ và đề cao hình ảnh của đại dương trong các cuộc đàm phán quốc tế ở bất cứ nơi đâu. Tuy nhiên, cho đến nay, vấn đề này dường như không được đề cập đến".

      Các nhà khoa học cũng cho rằng, quá trình axít hóa đại dương có khả năng ảnh hưởng đến sinh sản, sự tồn tại của ấu trùng, nhu cầu ăn uống cũng như tốc độ tăng trưởng của các sinh vật biển - đặc biệt là những loài có vỏ hoặc bộ xương bằng cacbonat canxi.

 

Long Hoàng

 

Ý kiến của bạn