Banner trang chủ
Thứ Ba, ngày 26/11/2024

KOICA hỗ trợ Việt Nam xây dựng phòng thí nghiệm phân tích PCB

02/09/2013

Từ nhiều năm trước, các nhà khoa học trên thế giới đã lên tiếng cảnh báo về độc tính của PCB (Polychlorinated biphenyl) đối với sức khỏe con người và môi trường sinh thái. Việt Nam tuy không sản xuất PCB, nhưng đã nhập khẩu nhiều thiết bị và dầu có khả năng chứa PCB, chủ yếu là dầu biến thế, dầu cách điện.

Khảo sát ban đầu cho thấy, tại Việt Nam, hiện vẫn còn tồn tại hàng chục nghìn tấn dầu chứa PCB ở các doanh nghiệp trong và ngoài ngành điện. Tuy nhiên, việc xác định các thiết bị, dầu nhiễm PCB thật sự là vấn đề nan giải, trong khi các phòng thí nghiệm (PTN) có khả năng phân tích PCB không nhiều, đặc biệt phân tích PCB trong mẫu dầu biến thế. Bên cạnh đó, điều kiện cơ sở hạ tầng, trang thiết bị của PTN cũng chưa đầy đủ và đồng bộ. Theo ông Hoàng Văn Tâm - Cục Kỹ thuật An toàn và Môi trường Công nghiệp (Bộ Công Thương), do những đặc thù trong việc phân tích PCB/POP, các PTN hoạt động trong lĩnh vực này ngoài yêu cầu cao về trang thiết bị, hóa chất và nhân lực còn đòi hỏi có nguồn đầu tư và chi phí hoạt động lớn. Nhất là việc phân tích PCB trong mẫu dầu phải có các thiết bị, dụng cụ lấy mẫu và xử lý mẫu chuyên dụng, nên nhiều PTN không đủ năng lực phân tích PCB trong mẫu dầu.

KOICA hỗ trợ Việt Nam xây dựng phòng thí nghiệm phân tích PCB 2.tif

Các chuyên gia Hàn Quốc đang phân tích PCB trên máy sắc ký khí GC

Để góp phần BVMT và sức khỏe cộng đồng trước những nguy hại từ các chất POP nói chung và PCB nói riêng, vừa qua, Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) và Trường ĐH Chonbuk (Hàn Quốc) đã hỗ trợ Viện Hóa học Công nghiệp Việt Nam (VIIC) xây dựng PTN nghiên cứu và ứng dụng kỹ thuật phân tích POP/PCB, với kinh phí dành cho thiết bị và hóa chất là 120.000 USD.  Đây là hợp phần chính trong Dự án đào tạo và tăng cường năng lực cho VIIC về xây dựng hệ thống quản lý và kỹ thuật phân tích PCB, tổng kinh phí dự án là 450.000 USD. Với những trang thiết bị chuyên dụng, hiện đại như máy phân tích sắc ký khí (GC), cân phân tích, hệ thống tủ lạnh, tủ sấy và các thiết bị cho xử lý mẫu  bao gồm: Xử lý sơ bộ mẫu; Làm sạch mẫu; Chiết tách; Cô quay chân không…, PTN có thể giải quyết các yêu cầu phân tích (định tính và định lượng) PCB nhanh và chính xác theo tiêu chuẩn quốc tế...

Không chỉ đầu tư, lắp đặt các trang thiết bị cần thiết cho việc phân tích PCB, Dự án và Trường Đại học Chonbuk (đại diện là GS. Kim Jong Guk và cộng sự) còn giúp đào tạo, hướng dẫn thực hiện quy trình, thao tác kỹ thuật phân tích PCB, cũng như xây dựng các kế hoạch quản lý đối với mạng lưới quản lý các chất POP/PCB cho các cán bộ nghiên cứu của VIIC. Sau khóa đào tạo, các cán bộ của VIIC sẽ được cấp chứng chỉ của KOICA và Trường Đại học Chonbuk. Theo GS. Kim Jong Guk - Trường ĐH Chonbuk, PTN phân tích PCB đạt tiêu chuẩn là PTN có khả năng phân tích trong mẫu dầu ở cả nồng độ cao và thấp, với độ chính xác về tổng PCB, cũng như định danh đúng các dạng PCB kỹ thuật thông qua tỷ lệ phân bố các cấu tử trong từng mẫu. Trên thế giới, phương pháp sắc ký khí (GC) là một trong những phương pháp được sử dụng phổ biến trong việc phân tích các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi trong các loại nền mẫu. Tại Hàn Quốc, việc phân tích PCB trong dầu biến thế bằng thiết bị GC/GC được xem là quy trình chuẩn, cung cấp những kết quả có độ tin cậy cao. Với sự hỗ trợ của các chuyên gia Hàn Quốc, trong một vài năm nữa, PTN của VIIC sẽ là một trong những PTN hàng đầu của Việt Nam về phân tích chính xác PCB, đáp ứng yêu cầu của thực tế.

Tại Lễ khánh thành PTN vào tháng 4/2013, ông Phạm Huy Đông -  Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật Môi trường và An toàn Hóa chất (VIIC) nhấn mạnh, Dự án của KOICA đã hỗ trợ, giúp đỡ VIIC tăng cường năng lực về phân tích PCB và nâng cao trình độ chuyên môn cho các cán bộ theo tiêu chuẩn Hệ thống quản lý chất lượng PTN ISO 17025: 2005. Đến nay, PTN đã có đủ năng lực về hệ thống thiết bị, máy móc và con người để phân tích chính xác PCB trong mẫu dầu biến thế, cung cấp các kết quả thử nghiệm, với độ tin cậy cao. Điều này có ý nghĩa thiết thực đối với VIIC, đồng thời, góp phần hỗ trợ thực hiện Kế hoạch quốc gia về quản lý và tiêu hủy an toàn PCB, đảm bảo mục tiêu đã đề ra trong Công ước Stốckhôm về các chất POP, vì một đất nước “không còn” PCB! .

 

Giáng Hương

Nguồn: Tạp chí MT, số 5/2013

 

Ý kiến của bạn