Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 28/11/2024

Kết quả thực hiện Kế hoạch xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đến năm 2020

30/06/2015

   Ngày 22/4/2003, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng (ÔNMTNT); đề ra mục tiêu đến năm 2007 tập trung xử lý 439 cơ sở gây ÔNMTNT tại Phụ lục I, II kèm theo; đẩy mạnh công tác phòng ngừa, ngăn chặn ô nhiễm, từng bước kiểm soát và hạn chế tốc độ gia tăng các cơ sở gây ÔNMTNT trong phạm vi cả nước.

   Sau khi được ban hành, Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg đã được các Bộ, ngành, địa phương, dư luận xã hội hưởng ứng và đã đạt được một số kết quả nhất định. Bước đầu đã hình thành một số cơ chế, chính sách hỗ trợ về tài chính, đất đai, nguồn lực, khuôn khổ pháp lý xử lý nghiêm minh đối với các cơ sở gây ÔNMTNT. Nhận thức của các cơ quan từ Trung ương đến địa phương, người dân và doanh nghiệp về công tác BVMT đã được nâng lên một bước. Tuy nhiên, việc triển khai xử lý triệt để các cơ sở gây ÔNMTNT vẫn còn một số hạn chế, tồn tại như còn hơn một trăm cơ sở gây ÔNMTNT chưa hoàn thành xử lý ô nhiễm, 6 địa phương chưa có cơ sở nào được chứng nhận đã hoàn thành xử lý ô nhiễm, 15 địa phương chậm triển khai rà soát và bổ sung các cơ sở gây ô nhiễm cần phải xử lý...

   Ngày 1/10/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1788/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch xử lý triệt để các cơ sở gây ÔNMTNT đến năm 2020 với mục tiêu chung là: “Rà soát, phát hiện và tập trung xử lý triệt để, dứt điểm các cơ sở gây ÔNMTNT trên phạm vi cả nước; hoàn thiện đồng bộ các cơ chế, chính sách, quy định của pháp luật về xử lý triệt để các cơ sở gây ÔNMTNT và phấn đấu đến năm 2020 không để phát sinh cơ sở gây ÔNMTNT”.

   Một trong những nội dung quan trọng của Kế hoạch là đến hết năm 2015 sẽ tập trung xử lý triệt để, dứt điểm 229 cơ sở gây ÔNMTNT đã được phê duyệt danh mục và biện pháp xử lý, bao gồm: 13 cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ chưa hoàn thành xử lý triệt để theo Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg, hoàn thành trước 30/6/2014. Quá thời hạn trên, cơ quan nhà nước có thẩm quyền căn cứ quy định của pháp luật hiện hành quyết định tạm thời đình chỉ hoặc cấm hoạt động; 20 bãi rác, 10 bệnh viện chưa hoàn thành xử lý triệt để theo Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg, hoàn thành trước 31/12/2015; 8 bãi rác cấp tỉnh quản lý, 5 bệnh viện trực thuộc các Bộ, 42 bệnh viện tuyến Trung ương và tuyến tỉnh, 2 bệnh viện tư nhân, 21 trung tâm chữa bệnh, giáo dục, lao động - xã hội, trung tâm bảo trợ xã hội và 108 cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ gây ÔNMTNT đã được phê duyệt bổ sung, hoàn thành trước 31/12/2015.

I. QUÁ TRÌNH TRIỂN KHAI QUYẾT ĐỊNH SỐ 1788/QĐ-TTg

  1. Các hoạt động đã triển khai          

   Kiện toàn Ban Chỉ đạo, Văn phòng Ban Chỉ đạo liên ngành xử lý ô nhiễm triệt để

   Bộ TN&MT đã chủ động phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan tổ chức kiện toàn bộ máy tổ chức Ban Chỉ đạo liên ngành và Văn phòng giúp việc. Đồng thời, xây dựng, hoàn thiện Quy chế tổ chức và hoạt động của Ban Chỉ đạo liên ngành, Văn phòng giúp việc Ban Chỉ đạo liên ngành nhằm tăng cường trách nhiệm của các Bộ, ngành, góp phần đôn đốc, chỉ đạo việc thực hiện Kế hoạch theo đúng tiến độ đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Một số tỉnh, thành phố cũng đã thành lập Ban Chỉ đạo xử lý các cơ sở gây ÔNMTNT của địa phương như: Cao Bằng, Cà Mau...

   Tuyên truyền, hướng dẫn triển khai Quyết định số 1788/QĐ-TTg

   Bộ TN&MT đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn các Bộ, ngành, địa phương tổ chức triển khai Kế hoạch, trong đó tập trung vào một số nội dung chủ yếu như: Phê duyệt danh mục và biện pháp xử lý các cơ sở gây ÔNMTNT đã được rà soát, thống kê thuộc thẩm quyền của Chủ tịch UBND tỉnh/thành phố; Tiếp tục rà soát, phát hiện, phê duyệt danh mục và biện pháp xử lý triệt để các cơ sở gây ÔNMTNT trên địa bàn theo phân cấp tại Quyết định số 04/2013/QĐ-TTg ngày 14/01/2013 của Thủ tướng Chính phủ; Yêu cầu các cơ sở gây ÔNMTNT khẩn trương lập kế hoạch chi tiết triển khai các biện pháp xử lý triệt để, triển khai ngay các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường và báo cáo Sở TN&MT để giám sát thực hiện; Xem xét thành lập Ban chỉ đạo thực hiện Quyết định số 1788/QĐ-TTg tại địa phương; Tổ chức tuyên truyền, phổ biến và quán triệt nội dung Kế hoạch; Ưu tiên bố trí hỗ trợ vốn từ ngân sách của địa phương để xử lý triệt để cơ sở gây ÔNMTNT thuộc khu vực công ích còn tồn đọng. Trên cơ sở đó, nhiều địa phương đã chủ động, tích cực xây dựng Kế hoạch triển khai Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, lồng ghép nội dung triển khai Quyết định số 1788/QĐ-TTg trong các Chương trình, Kế hoạch về BVMT theo từng giai đoạn (tỉnh An Giang); ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc triển khai xử lý ô nhiễm triệt để theo Quyết định số 1788/QĐ-TTg (tỉnh Bạc Liêu).

   Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách xử lý triệt để các cơ sở gây ÔNMTNT

   Trong thời gian qua các cơ chế, chính sách xử lý triệt để các cơ sở gây ÔNMTNT tiếp tục được hoàn thiện, cụ thể: đã hoàn thiện các quy định về xử lý cơ sở gây ÔNMTNT trong Luật BVMT năm 2014 được Quốc hội khóa XIII thông qua tại Kỳ họp thứ 7 (Điều 104) và được cụ thể hóa tại Nghị định số 19/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật BVMT (Điều 33, 34, 35, 36); xây dựng Thông tư quy định về tiêu chí phân loại và việc xác nhận cơ sở gây ÔNMTNT hoàn thành biện pháp xử lý ô nhiễm môi trường (thay thế Quyết định số 10/2006/QĐ-BTNMT về chứng nhận cơ sở gây ÔNMTNT đã hoàn thành xử lý ô nhiễm triệt để và Thông tư số 04/2012/TT-BTNMT về tiêu chí xác định cơ sở gây ÔNMTNT), dự kiến sẽ ban hành trong tháng 6/2015. Về phía các địa phương, một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã ban hành Kế hoạch xử lý ô nhiễm triệt để trên địa bàn (tỉnh Cao Bằng); ban hành chính sách hỗ trợ cho các cơ sở triển khai xử lý ô nhiễm triệt để như chính sách ưu đãi đối với các doanh nghiệp phải di dời vào Khu công nghiệp (tỉnh Nam Định)... Như vậy, hành lang pháp lý về xử lý các cơ sở gây ÔNMTNT ngày càng được hoàn thiện.

   Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát liên ngành công tác xử lý triệt để cơ sở gây ÔNMTNT

   Trong thời gian qua, hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát liên ngành công tác xử lý triệt để cơ sở gây ÔNMTNT luôn được triển khai đồng bộ, quyết liệt tại các Bộ, ngành, địa phương và được coi là một trong các hoạt động trọng tâm nhằm đẩy nhanh tiến độ hoàn thành kế hoạch xử lý ô nhiễm triệt để. Thông qua việc đẩy mạnh hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát liên ngành đã tạo sự chuyển biến tích cực trong công tác xử lý ô nhiễm triệt để của các cơ sở, tỷ lệ cơ sở hoàn thành biện pháp xử lý ô nhiễm triệt để tăng nhanh qua từng năm.

   Trong năm 2014, Bộ TN&MT đã phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương tổ chức thanh tra, kiểm tra đối với 51 cơ sở gây ÔNMTNT chưa hoàn thành xử lý ô nhiễm triệt để theo tiến độ được phê duyệt trên địa bàn 12 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Trên cơ sở kết quả thanh tra, kiểm tra, Bộ đã tiến hành lập biên bản và xử phạt vi phạm hành chính đối với 40 cơ sở với tổng số tiền trên 8 tỷ đồng. Tại các địa phương, công tác thanh tra, kiểm tra đối với các cơ sở gây ÔNMTNT hầu hết được lồng ghép vào các đoàn thanh tra, kiểm tra công tác BVMT chung trên địa bàn hoặc phối hợp với Bộ TN&MT để triển khai. Một số địa phương đã chủ động thành lập các Đoàn liên ngành để tiến hành thanh tra, kiểm tra đối với các cơ sở gây ÔNMTNT như: Cao Bằng, Quảng Nam..., đồng thời có biện pháp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc đối với các cơ sở nhằm đẩy nhanh tiến độ xử lý ô nhiễm triệt để trên địa bàn.

   Có thể nói, việc đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra đã tạo áp lực mạnh mẽ, buộc các cơ sở gây ÔNMTNT phải nghiêm túc thực hiện biện pháp xử lý ô nhiễm môi trường triệt để. Thông qua đó cũng nắm bắt kịp thời những khó khăn, vướng mắc của cơ sở để đề xuất xây dựng, ban hành, hoàn thiện các cơ chế, chính sách có liên quan, góp phần thúc đẩy tiến độ xử lý triệt để các cơ sở gây ÔNMTNT .

Làng nghề tái chế nhựa Minh Khai, Như Quỳnh, Hưng Yên gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, ảnh hưởng tới sức khỏe của người dân

   Hỗ trợ kinh phí xử lý ô nhiễm triệt để

   Bộ TN&MT đã phối hợp với Bộ Tài chính tích cực triển khai thực hiện Quyết định số 58/2008/QĐ-TTg và Quyết định số 38/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ có mục tiêu xử lý ô nhiễm triệt để đối với các cơ sở thuộc khu vực công ích. Bên cạnh đó, một số địa phương cũng đã chủ động bố trí kinh phí xử lý ô nhiễm triệt để đối với các cơ sở thuộc khu vực công ích. Việc hỗ trợ này tập trung vào việc xây dựng hệ thống xử lý chất thải tại các cơ sở y tế, bệnh viện; cải tạo, nâng cấp bãi chôn lấp chất thải rắn hợp vệ sinh, đã góp phần khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường tại các cơ sở này, đồng thời góp phần đẩy nhanh tiến độ xử lý theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ.

  2. Kết quả xử lý

   Đối với các cơ sở theo Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg: Trong tổng số 439 cơ sở gây ÔNMTNT theo Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg, đã có 389/439 cơ sở cơ bản đã hoàn thành các biện pháp xử lý ô nhiễm triệt để, không còn gây ÔNMTNT (chiếm 88,61%); còn lại 50 cơ sở chưa hoàn thành các biện pháp xử lý ô nhiễm triệt để (chiếm 11,39%).

   Trong số 50 cơ sở gây ÔNMTNT đến nay chưa hoàn thành việc xử lý ô nhiễm triệt để có 26 cơ sở hoạt động công ích (18 bãi rác, 8 bệnh viện) đã được Thủ tướng Chính phủ gia hạn thời hạn xử lý đến 31/12/2015 theo Quyết định số 1788/QĐ-TTg. Như vậy, nếu không tính 26 cơ sở công ích đã được Thủ tướng Chính phủ gia hạn thời hạn xử lý đến 31/12/2015, đến nay tỷ lệ các cơ sở gây ÔNMTNT theo Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg đã hoàn thành các biện pháp xử lý là 389/413 cơ sở (đạt tỷ lệ 94,19%). Điều đó cho thấy, các cơ chế, chính sách và biện pháp được thực hiện trong thời gian qua đã đem lại hiệu quả tích cực.

   Đối với các cơ sở theo Quyết định số 1788/QĐ-TTg: Đối với 186 cơ sở cơ sở gây ÔNMTNT theo Quyết định số 1788/QĐ-TTg có thời hạn xử lý đến 31/12/2015 (không kể 43 cơ sở còn tồn đọng, chuyển từ Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg sang), đến nay đã có 140 cơ sở cơ bản hoàn thành biện pháp xử lý, không còn gây ÔNMTNT (chiếm tỷ lệ 75,27%).

  3. Một số nhận xét, đánh giá

   Nhìn chung, nhiều địa phương đã quan tâm chỉ đạo, xây dựng kế hoạch xử lý triệt để các cơ sở gây ÔNMTNT trên địa bàn; tỷ lệ các cơ sở hoàn thành biện pháp xử lý ô nhiễm triệt để đã có nhiều chuyển biến tích cực; các cơ sở đã có ý thức trong việc triển khai Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, nhiều cơ sở gây ÔNMTNT đã chủ động thực hiện các biện pháp xử lý ô nhiễm triệt để. Bên cạnh đó, hành lang pháp lý xử lý các cơ sở gây ÔNMTNT cũng đang dần được hoàn thiện thông qua việc Luật hóa nội dung xử lý ô nhiễm triệt để các cơ sở gây ÔNMTNT.

   Tuy nhiên vẫn còn những khó khăn, vướng mắc đặt ra, cụ thể việc xử lý các cơ sở thuộc khu vực công ích trên thực tế gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là việc áp dụng biện pháp tạm đình chỉ hoạt động không khả thi khi áp dụng đối với các cơ sở công ích (bệnh viện, bãi rác). Một số cơ sở công ích khi bị xử phạt vi phạm hành chính về BVMT nhưng đã không chấp hành quyết định xử phạt (Bệnh viện đa khoa Việt Tiệp, Bệnh viện Lao phổi Hải Phòng...) làm giảm tính nghiêm minh của pháp luật. Trong khi đó, việc quy trách nhiệm cho người đứng đầu cơ sở công ích trong việc xử lý ô nhiễm triệt để cũng chưa được quan tâm thực hiện.

   Một số địa phương còn thiếu quyết liệt, chậm triển khai thực hiện Kế hoạch của Thủ tướng Chính phủ đối với các cơ sở trên địa bàn mặc dù Bộ đã có văn bản chỉ đạo, đôn đốc. Tại Điều 19, Nghị định số 179/2013/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực BVMT đã quy định về chế tài xử lý nghiêm đối với hành vi thực hiện không đúng nội dung yêu cầu, tiến độ xử lý ô nhiễm môi trường và hành vi không thực hiện biện pháp giảm thiểu ô nhiễm trong thời gian xử lý ô nhiễm triệt để. Tuy nhiên, trên thực tế nhiều địa phương còn thiếu quyết liệt trong việc xử lý do tâm lý e ngại ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

   Một trong những điểm mới của Quyết định số 1788/QĐ-TTg là quy định một số biện pháp mạnh, buộc các cơ sở gây ÔNMTNT phải áp dụng như: buộc phải thực hiện ngay các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm trong thời gian xử lý triệt để theo danh mục và biện pháp xử lý đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; báo cáo ngay cơ quan chỉ đạo thực hiện xử lý triệt để về kế hoạch xử lý của cơ sở; định kỳ 6 tháng báo cáo tiến độ thực hiện kế hoạch để kiểm tra, theo dõi, giám sát; thực hiện xử lý triệt để, đảm bảo hoàn thành theo đúng nội dung, tiến độ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã phê duyệt; niêm yết bản tóm tắt kế hoạch xử lý triệt để tại cơ sở và trụ sở UBND cấp xã nơi cơ sở đang hoạt động gây ÔNMTNT để theo dõi, giám sát. Tuy nhiên, qua kết quả thanh tra ban đầu cho thấy, một số địa phương chưa quan tâm thực hiện, chưa tổ chức tuyên truyền, phổ biến Kế hoạch tới các cơ sở, nhiều cơ quan thực hiện xử lý ô nhiễm triệt để không nắm rõ trách nhiệm và các nội dung cần triển khai thực hiện xử lý triệt để đối với cơ sở gây ÔNMTNT do mình quản lý (Sở Y tế tỉnh Quảng Nam, Sở Y tế tỉnh Thừa Thiên - Huế, Sở Y tế tỉnh Cao Bằng…). Điều này đã làm giảm hiệu lực thực thi Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

   Bên cạnh một số địa phương đã bước đầu quan tâm, lập dự án xử lý ÔNMTNT để bố trí kinh phí triển khai thực hiện hoặc đề nghị ngân sách trung ương hỗ trợ 50% tổng kinh phí để thực hiện dự án theo quy định của Quyết định số 58/2008/QĐ-TTg, phần lớn các địa phương còn chưa chủ động, tích cực xây dựng dự án, chưa quan tâm bố trí kinh phí từ ngân sách địa phương để thực hiện, còn tư tưởng trông chờ vào sự hỗ trợ từ Trung ương. Nhiều Dự án đã được đầu tư, hỗ trợ kinh phí từ ngân sách Trung ương nhưng tiến độ triển khai còn chậm. Nguyên nhân là do các địa phương không bố trí, bố trí không đủ hoặc chậm bố trí kinh phí đối ứng để triển khai thực hiện dự án dẫn đến tiến độ dự án bị kéo dài; công trình đã được đầu tư nhưng không được đơn vị thụ hưởng duy trì, vận hành thường xuyên dẫn đến chất lượng công trình bị ảnh hưởng; quá trình triển khai thực hiện dự án còn nhiều bất cập, vi phạm các quy định pháp luật về BVMT, đặc biệt có dự án không thu gom được nước thải về hệ thống xử lý.

II. CÁC BIỆN PHÁP ĐẨY NHANH TIẾN ĐỘ THỰC HIỆN KẾ HOẠCH

   Nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai Quyết định số 1788/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, trong thời gian tới Tổng cục Môi trường sẽ tập trung chỉ đạo thực hiện một số nội dung:

   Kiến nghị ưu tiên phân bổ kinh phí từ ngân sách nhà nước nguồn sự nghiệp môi trường và nguồn đầu tư phát triển cho thực hiện xử lý triệt để các cơ sở gây ÔNMTNT thuộc khu vực công ích nhưng chưa hoàn thành xử lý ô nhiễm triệt để có thời hạn hoàn thành trước ngày 31/12/2015 theo Quyết định số 58/2008/QĐ-TTg, Quyết định số 38/2011/QĐ-TTg, bao gồm: 15 bệnh viện, 5 bãi rác, 6 Trung tâm giáo dục lao động xã hội có tên tại danh mục của Quyết định số 1788/QĐ-TTg; 3 Bệnh viện và 6 Bãi rác còn tồn đọng tại Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg; tiếp tục tranh thủ nguồn vốn từ Chương trình mục tiêu quốc gia về khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường, năm 2015 tập trung phân bổ kinh phí từ ngân sách Trung ương để thực hiện dự án xử lý ô nhiễm môi trường đối với 5 làng nghề, 1 kho thuốc bảo vệ thực vật gây ÔNMTNT có tên trong Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg chưa hoàn thành xử lý triệt để.

   Nghiên cứu, đề xuất các mô hình chính sách, cơ chế mới mang tính đột phá, hiệu quả để giải quyết nguồn vốn cho các dự án xử lý ÔNMTNT, ưu tiên tập trung vào các đối tượng thuộc khu vực công ích.

   Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát liên ngành về xử lý các cơ sở gây ÔNMTNT, xử lý nghiêm đối với các trường hợp cố tình chây ì, không đầu tư thực hiện xử lý ô nhiễm môi trường. Bên cạnh việc xử phạt vi phạm hành chính, tăng cường sử dụng các biện pháp mạnh về xử lý triệt để theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 1788/QĐ-TTg.

   Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, công khai thông tin về xử lý triệt để các cơ sở gây ÔNMTNT.

   Chỉ đạo UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các cơ sở gây ÔNMTNT chậm tiến độ xử lý, cố tình chây ì, không đầu tư thực hiện xử lý ô nhiễm môi trường; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, công khai thông tin về xử lý các cơ sở gây ÔNMTNT; triển khai các biện pháp nhằm ngăn chặn phát sinh mới các cơ sở gây ÔNMTNT tại địa phương.

 

TS. Hoàng Văn Thức

ThS. Dương Thị Thanh Xuyến

ThS. Vũ Đình Nam

Tổng cục Môi trường

(Nguồn: Tạp chí Môi Trường số 6/2015)

Ý kiến của bạn