Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 28/11/2024

Hiện trạng chất lượng nước vùng Tây Nam bộ tháng 11/2014

02/06/2015

Chương trình Quan trắc môi trường nước vùng Tây Nam bộ được Trung tâm Quan trắc Môi trường, Tổng cục Môi trường thực hiện trên hai sông chính là sông Tiền và sông Hậu thuộc địa bàn 9 tỉnh/thành phố (An Giang, Vĩnh Long, Trà Vinh, Bến Tre, Tiền Giang, Sóc Trăng, Hậu Giang, Đồng Tháp và Cần Thơ).

Chất lượng nước vùng Tây Nam bộ tại thời điểm quan trắc 11/2014 được đánh giá dựa theo chỉ số chất lượng nước (WQI), tính toán theo Quyết định số 879/QĐ-TCMT ngày 1/7/2011 của Tổng cục Môi trường về việc ban hành sổ tay hướng dẫn tính toán chỉ số chất lượng nước. Theo đó, chất lượng nước được đánh giá với 5 thang đánh giá từ mức ô nhiễm nặng (WQI = 0-25) đến mức độ tốt, phù hợp cho mục đích cấp nước sinh hoạt (WQI=91-100). Các thông số quan trắc được sử dụng tính toán giá trị WQI: DO, nhiệt độ, COD, BOD5, N-NH4+, pH, P-PO43-.

Giá trị WQI Mức đánh giá chất lượng nước
91-100 Sử dụng tốt cho mục đích cấp nước sinh hoạt
76-90 Sử dụng cho mục đích cấp nước sinh hoạt nhưng cần các biện pháp xử lý phù hợp
51-75 Sử dụng cho mục đích tưới tiêu và các mục đích tương đương khác
26-50 Sử dụng cho giao thông thủy và các mục đích tương đương khác
0-25 Nước ô nhiễm nặng, cần các biện pháp xử lý trong tương lai

   Điều kiện môi trường trong thời gian quan trắc

   Do ảnh hưởng của nước lũ tại các điểm thượng nguồn từ phía Campuchia đổ về, làm cho các điểm quan trắc ở phía thượng nguồn của sông Hậu (từ cửa khẩu Khánh Bình đến đoạn sông tiếp giáp giữa An Giang, Cần Thơ, Đồng Tháp) và sông Tiền (từ cửa khẩu Vĩnh Xương đến đoạn sông tiếp giáp giữa Đồng Tháp, Vĩnh Long, Tiền Giang) có dòng chảy một chiều. Trong khi đó, mỗi ngày lấy mẫu hầu hết đều có mưa nhiều, nhưng lượng mưa tập trung chủ yếu vào buổi chiều; buổi sáng, trời nắng nóng và có gió mạnh.

   Tại những điểm quan trắc về phía hạ nguồn (những điểm gần biển) có dòng chảy khá phức tạp. Thời điểm triều cường (nước lớn), dòng chảy ven hai bên bờ sông bị ảnh hưởng chủ yếu do triều cường từ biển Đông đưa vào, trong khi đó tại giữa dòng sẽ tồn tại 2 dòng chảy, tầng mặt (dòng chảy của nước lũ) và tầng dưới (dòng chảy do triều cường biển Đông đưa vào). Thời điểm triều kiệt (nước ròng), dòng chảy chỉ một chiều từ lục địa đổ ra biển, lúc này dòng chảy giữa dòng chỉ bị ảnh hưởng duy nhất bởi nước lũ, vùng ven bờ thì có thể có thêm ảnh hưởng nước từ trong nội đồng đổ ra sông.

   Do thời điểm quan trắc (tháng 11/2014) trùng với thời điểm lũ, chủ yếu là dòng chảy của nước lũ từ thượng nguồn sông Mê Công đổ về nên kết quả quan trắc hàm lượng TSS và độ đục ở tất cả các điểm đều rất cao. Tuy nhiên, hiện tượng lũ về tại đồng bằng sông Cửu Long là hiện tượng tự nhiên, có tính chu kỳ năm. Nếu sử dụng 2 thông số TSS và độ đục trong tính toán giá trị WQI sẽ gây ảnh hưởng lớn tới giá trị của chỉ số này và không phản ánh đúng chất lượng môi trường nước Tây Nam bộ. Do vậy, trong bài viết này, việc đánh giá chất lượng nước Tây Nam bộ tháng 11/2014 (thông qua giá trị WQI) sẽ không bao gồm 2 thông số TSS và độ đục.

   Hiện trạng môi trường nước vùng Tây Nam Bộ

   Nhìn chung, chất lượng nước vùng Tây Nam bộ tại thời điểm quan trắc tháng 11/2014 khá tốt. Kết quả tính toán giá trị WQI trên sông Hậu và sông Tiền phản ánh nước sông khá sạch, có thể sử dụng mục đích cấp nước sinh hoạt (trong trường hợp không xét đến yếu tố độ đục và TSS), tưới tiêu và các mục đích tương đương khác.

   Chất lượng nước mặt sông Hậu chịu tác động của nhiều nguồn thải khác nhau: từ nước thải sinh hoạt, hoạt động sản xuất công nghiệp, khu vực nuôi cá bè tập trung, đến ô nhiễm xuyên biên giới (từ Campuchia).

   Nhìn chung, chất lượng nước trên sông Hậu vào mùa lũ (tháng 9-12) hàng năm khá tốt. Kết quả tính toán giá trị WQI trên sông Hậu thời điểm quan trắc phản ánh nước sông rất sạch, nước sông sử dụng tốt cho mục đích cấp nước sinh hoạt, giá trị WQI tại 15/15 điểm quan trắc trên sông Hậu có giá trị nằm trong khoảng 91-100. Nguyên nhân là do vào giai đoạn mùa lũ, nước lũ từ thượng nguồn đổ về pha loãng các chất gây ô nhiễm, nên giá trị của các thông số quan trắc tương đối thấp.

 

Biểu đồ 1. Giá trị WQI tháng 11/2014 trên sông Hậu (Nguồn: TTQTMT, 2014)

Biểu đồ 2. Giá trị WQI tháng 11/2014 trên sông Tiền (Nguồn: TTQTMT, 2014)

Sơ đồ vị trí các điểm quan trắc nước mặt vùng Tây Nam bộ

 

   Chất lượng nước mặt sông Tiền: là nơi tiếp nhận hầu hết khối lượng nước thải từ hoạt động canh tác nông - lâm - ngư nghiệp trong vùng Đồng Tháp Mười.

   Chất lượng nước trên sông Tiền tại thời điểm quan trắc rất tốt, nước sông sử dụng tốt cho mục đích cấp nước sinh hoạt, giá trị WQI tại 20/20 điểm đo nằm trong khoảng 91-100. Tương tự như sông Hậu, chất lượng nước sông Tiền vào mùa lũ (tháng 9-12) hàng năm khá tốt. Nguyên nhân là do sự pha loãng chất gây ô nhiễm của nước lũ tại thượng nguồn đổ về và thủy triều tại hạ nguồn. So sánh với thời điểm quan trắc năm 2013, chất lượng nước sông Tiền không có sự biến động.

   Kết luận

   Chất lượng nước trên sông Tiền và sông Hậu tại thời điểm quan trắc rất tốt, nước sông sử dụng tốt cho mục đích cấp nước sinh hoạt. Nguyên nhân là do tại thời điểm quan trắc môi trường nước sông Hậu và sông Tiền chịu ảnh hưởng của nước lũ từ thượng nguồn đổ về nên giá trị của các thông số quan trắc tương đối thấp.

   So với cùng kỳ năm 2013, cho thấy, chất lượng nước trên sông Hậu và sông Tiền tại thời điểm quan trắc vẫn được duy trì chất lượng tốt.

ThS. Lê Hoàng Anh, ThS. Phạm Thị Thùy

Trung tâm Quan trắc Môi trường

(Nguồn: Tạp chí Môi trường số 5/2015)

Ý kiến của bạn