Banner trang chủ
Thứ Ba, ngày 26/11/2024

Hiện trạng ô nhiễm khí thải từ tàu biển và đề xuất giải pháp giảm thiểu

15/09/2015

     1. Hiện trạng ô nhiễm khí thải từ tàu biển      Hiện nay, các nguồn gây ô nhiễm biển trong hoạt động hàng hải, thủy sản, du lịch, dầu khí... liên quan đến việc sử dụng tài nguyên biển rất đa dạng và phức tạp. Đó là các nguồn ô nhiễm do dầu (từ dầu được sử dụng làm nhiên liệu, bôi trơn, thủy lực cho tàu, cho đến dầu hàng do tàu vận chuyển); hóa chất lỏng trên tàu; các loại hàng nguy hiểm (chất nổ, chất phóng xạ, chất cháy, chất độc…) vận chuyển bằng tàu; rác thải; nước thải; sơn chống hà sử dụng cho thân tàu; các vật liệu độc hại dùng để đóng tàu (amiăng, kim loại nặng, hóa chất); ô nhiễm do sự di chuyển của các loài thủy sinh vật thông qua nước dằn tàu; các bệnh truyền nhiễm lan truyền qua con đường hàng hải; hoạt động phá dỡ tàu cũ, thăm dò và khai thác dầu khí trên biển.      Hoạt động của tàu biển (bao gồm cả tàu cá và tàu hàng) là một trong những nguồn nhân tạo đóng góp đáng kể vào sự ô nhiễm không khí. Chất lượng của tàu biển Việt Nam thường không cao, nhiều phương tiện đã quá cũ, lạc hậu, hiệu suất đốt cháy nhiên liệu thấp và chưa có hệ thống xử lý khí thải... nên đã phát thải nhiều khí độc như SO2, CO2, CO, NO2, CxHy...      Hiện Việt Nam có trên 1.700 tàu vận tải, cùng với số lượng tàu cá khoảng gần 130 nghìn tàu, tương ứng với lượng nhiên liệu xăng dầu tiêu thụ khoảng gần 4 triệu tấn/năm. Có thể nói, đây chính là nguồn gây ra ô nhiễm cho vùng biển, ven biển và nhiều nơi, tác động nghiêm trọng đến hệ sinh thái biển, hủy hoại các nguồn tài nguyên biển, gây nguy hiểm cho sức khỏe con người.      2. Một số nghiên cứu của thế giới về tác động của khí thải đối với môi trường và sức khỏe      Các chuyên gia về môi trường của Mỹ cho rằng, các phương tiện tàu biển là nguồn gây ô nhiễm rất lớn đối với môi trường, đặc biệt tại các thành phố cảng và ven biển do chúng sử dụng nhiên liệu nhựa đường kém chất lượng, có lượng khí thải như nitơ oxit (NO), dioxit lưu huỳnh (SO2) rất cao. Bên cạnh đó, những chất thải này cũng tạo ra những cơn mưa axit và những hạt bồ hóng nhỏ li ti trong không khí. Cơ quan BVMT Mỹ (EPA) đã công bố những thông tin trên, nhằm ngăn chặn khoảng 8.300 trường hợp tử vong mỗi năm ở Mỹ và Canada do hít phải khói và các khí thải độc hại từ tàu biển. Theo số liệu thống kê của Chính phủ Mỹ, các tàu biển là thủ phạm gây ra 2/3 lượng khí thải SO2 trong ngành giao thông vận tải năm 2002 và việc thiếu các biện pháp kiểm soát sẽ khiến tỷ lệ này có thể lên tới 98% vào năm 2020. Bên cạnh đó, Chính phủ Mỹ và Canada cũng đặt ra những tiêu chuẩn mới về khí thải đối với các tàu biển cỡ lớn, theo đó từ năm 2015, các tàu biển mới sẽ phải giảm 96% lượng SO2 so với hiện nay. Tương tự, các tàu biển được đóng sau năm 2016 sẽ phải cắt giảm 80% lượng khí thải NO.   Khí thải từ động cơ của các tàu cá và tàu hàng là nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường biển        Theo Báo cáo đánh giá tác động của khí thải tàu biển đối với sức khỏe của Liên minh châu Âu (EU), lượng khói thải độc hại từ các loại tàu biển đang giết chết khoảng 39.000 người mỗi năm ở châu Âu, trong đó Anh chịu thiệt hại nặng nề nhất. Trưởng nhóm nghiên cứu, ông Janusz Cofala thuộc Viện Phân tích các hệ thống ứng dụng ở Áo cho biết, sự tăng tốc của thương mại quốc tế và số lượng các tàu biển mà hầu hết có xuất xứ từ Trung Quốc, ngày càng làm môi trường ô nhiễm hơn. Anh chịu ảnh hưởng nặng nề nhất vì có đường biển dài và cũng là nơi giao thương tấp nập, tàu bè qua lại nhộn nhịp. Nghiên cứu cũng cho thấy, tuổi thọ trung bình của cư dân vùng biển phía Tây của Anh sẽ bị giảm đi từ 20-30 tháng tính từ năm 2020.      Hiện nay, EU đang dự định thành lập các vùng biển có lượng khí thải thấp đầu tiên, giảm thiểu mức độ ô nhiễm từ hàng nghìn chiếc tàu chở hàng lưu chuyển qua các vùng biển mỗi năm. EU yêu cầu chính phủ các nước hỗ trợ các công ty hàng hải nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn SO2 một cách chặt chẽ. Ủng hộ các giải pháp của EU, Tổ chức Hàng hải Quốc tế (IMO) nhất trí sẽ hạn chế hàm lượng SO2 trong nguồn nhiên liệu cho tàu biển đối với các tàu thuyền đi qua khu vực có kiểm soát khí thải (có hiệu lực vào năm 2015), trong khi đó, các công ty vận tải biển sẽ phải đối mặt với khả năng đáp ứng phát thải hàm lượng SO2 thấp và chi phí nhiên liệu sạch hơn khiến cước vận tải hàng hóa đường biển tăng cao. EU đã chấp nhận đề nghị của IMO về giảm hàm lượng lưu huỳnh trong các nhiên liệu biển, với mức giới hạn lưu huỳnh cho tất cả các tàu thuyền sẽ cắt giảm xuống mức 0,5% trong năm 2020 (hiện tại đang là 3,5%), và các giới hạn cho tất cả các tàu ở vùng biển Baltic và Biển Bắc (được gọi là “khí thải khu vực kiểm soát”) sẽ cắt giảm xuống 0,1% từ 0,5% vào năm 2015. Thay vì sử dụng nhiên liệu chứa lưu huỳnh thấp, các nhà khai thác tàu biển cũng có thể sử dụng công nghệ xử lý thay thế làm sạch khí thải của tàu thuyền để giảm thiểu ô nhiễm.      3. Đề xuất các giải pháp giảm thiểu khí thải từ tàu biển      Nhằm kiểm soát tốt khí thải từ tàu trong hoạt động hàng hải ở mức độ cho phép, Việt Nam cần có các chính sách, văn bản quy phạm pháp luật, quy định, quy chuẩn nhà nước cho các tàu cá và tàu vận tải về giảm thiểu phát thải khí thải - đặc biệt khí thải nhà kính, về khoa học công nghệ tàu biển, máy tàu, lò thu gom khí thải.      Đối với tàu vận tải, Việt Nam cần sớm xem xét tham gia đầy đủ phụ lục VI - “Các quy định về ngăn ngừa ô nhiễm không khí do tàu gây ra” của Công ước MARPOL 73/78 IMO.      Đồng thời, xây dựng các bộ chỉ số theo chuẩn mực IMO về thiết kế hiệu quả năng lượng (EEDI) là một chỉ số có thể thẩm định nhờ tính toán các thông số thiết kế tàu. Chỉ số này là một phương tiện giúp các chủ tàu so sánh hiệu quả các bản thiết kế cùng một loại tàu có kích cỡ như nhau của nhiều xưởng đóng tàu khác nhau.      Ngoài ra, cần tổ chức đào tạo nhân lực, nâng cao nhận thức về giảm thiểu khí thải từ tàu biển và BĐKH cho các đối tượng liên quan đến hàng hải, thủy sản và kinh tế biển; Đổi mới công nghệ đóng tàu biển theo tiêu chuẩn hàng hải xanh, giảm phát thải động cơ - máy tàu, lò đốt rác; Ban hành chính sách đánh thuế, thu phí khí thải tàu biển; Hợp tác và trao đổi kinh nghiệm với các tổ chức môi trường-hàng hải quốc tế trong lĩnh vực khí thải biển; Nghiên cứu, xây dựng, thiết lập một số vùng “kiểm soát khí thải” hay “đặc biệt” tàu biển tại các khu vực hải cảng gần khu biển có giá trị đặc biệt về môi trường sinh thái trên vùng biển Việt Nam. Theo đó, tất cả những tàu biển cỡ lớn có lượng khí thải ô nhiễm vượt quá tiêu chuẩn cho phép sẽ hạn chế không được cập cảng, hoặc theo chế độ hoa tiêu đặc biệt. “Vùng kiểm soát khí thải” này có thể thiết lập tại 2 khu vực ven biển Quảng Ninh - Hải Phòng và Vũng Tàu - TP. Hồ Chí Minh.   Dư Văn Toán Viện Khoa học Biển và Hải đảo Phạm Lan Hương Trường Cao đẳng Cảnh sát nhân dân I Nguồn: Tạp chí Môi trường, số 12/2014  
Ý kiến của bạn