Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 03/01/2025

Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam với một số mô hình bảo vệ môi trường hiệu quả

25/12/2013

 

Lễ phát động Sử dụng làn nhựa hạn chế túi nilon vì môi trường do Hội

LHPN phường Trung Hòa, Hà Nội tổ chức

 

     Là một đoàn thể quần chúng, Hội LHPN Việt Nam được tổ chức chặt chẽ từ Trung ương đến cơ sở. Hội LHPN các cấp đã tuyên truyền, vận động, hướng dẫn hàng triệu lượt phụ nữ tham gia BVMT, thay đổi phong tục tập quán lạc hậu, hỗ trợ phụ nữ về vốn, kỹ thuật với các mô hình BVMT, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho cộng đồng.

     Đóng góp của hội viên, phụ nữ trong công tác BVMT không những góp phần tăng hiệu quả của công tác BVMT, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, mà còn khẳng định vai trò, năng lực và trách nhiệm của Hội phụ nữ các cấp và hội viên, phụ nữ trong các hoạt động phát triển cộng đồng nói chung.

     Bên cạnh các hoạt động đào tạo cán bộ chủ chốt, tổ chức truyền thông tại cộng đồng, xây dựng và phân phối tài liệu đến hội viên, hoạt động xây dựng mô hình là việc làm hiệu quả không thể thiếu để biến những nhận thức thành hành động. Tiêu biểu là 3 mô hình: Tổ phụ nữ tự quản thu gom rác thải; Phân loại rác tại nguồn; Phụ nữ hạn chế sử dụng túi ni lông.

     Tổ phụ nữ thu gom rác thải

     Rác thải đang là một vấn đề bức xúc ở khắp mọi nơi. Ở các thành phố, các Công ty môi trường đô thị chịu trách nhiệm thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải. Trong khi đó, ở nông thôn, các thị trấn, thị tứ, chưa có một cơ quan, tổ chức đầu mối về vấn đề rác thải. Với mục đích giảm bớt gánh nặng cho các công nhân môi trường đô thị và đem lại cảnh quan cho các đường làng, ngõ xóm, Hội phụ nữ các xã/phường đã chủ động nhận trách nhiệm đứng ra thành lập tổ phụ nữ tự quản thu gom rác thải.

     Trong mô hình này, chị em tự đầu tư dụng cụ thu gom, trang bị bảo hộ, xe chở rác đến tận từng hộ gia đình thu gom. Với sự hỗ trợ của chính quyền, quy chế thu gom rác được xây dựng, lệ phí thu rác được thống nhất và chị em phụ nữ bắt đầu làm quen với loại dịch vụ mới - dịch vụ vệ sinh. Hội phụ nữ đã tổ chức truyền thông đến tận gia đình, hướng dẫn chị em phân loại rác. Những loại rác có thể tái sử dụng được gom lại để bán gây quỹ hoạt động Hội; các loại rác dễ tiêu hủy, được xử lý ngay tại nhà bằng cách đốt hoặc làm phân bón. Nhờ cách làm này, lượng rác thải từ các gia đình giảm, việc thu gom thuận lợi hơn, tổ phụ nữ tự quản thu gom rác hoạt động hiệu quả, có thu nhập và môi trường được cải thiện.

     Ở một số địa phương, mô hình này có sự hỗ trợ từ phía chính quyền hoặc dự án, còn phần đông hoạt động một cách tự nguyện. Các thành viên trong tổ thống nhất lịch thu gom rác hàng ngày và ra quân tổng vệ sinh hàng tuần tại các ngõ, xóm do các tổ tự quản. Tại các thành phố, do đã có các công nhân môi trường thu gom rác hàng ngày nên vai trò của tổ phụ nữ chủ yếu là vận động người dân thực hiện đổ rác đúng giờ và đúng nơi quy định, ngoài ra việc huy động nhân dân ra quân tổng vệ sinh hàng tuần được tiến hành và duy trì đều đặn. Với cách làm đó đến nay hầu hết các tỉnh/thành phố có mô hình này đều trở nên khang trang và sạch đẹp.

     Mô hình phân loại rác tại nguồn

     Trong những năm gần đây, cùng với sự phát triển của đất nước, đời sống con người được nâng cao. Nhưng bên cạnh đó, lối sống công nghiệp đã khiến cho môi trường ngập tràn các loại rác thải trong sản xuất và rác thải sinh hoạt. Trước thực trạng trên, Hội LHPN Việt Nam xác định xây dựng một mô hình phù hợp với phụ nữ trong công tác BVMT. Với lý do đó, mô hình phân loại rác tại nguồn ra đời.

     Ban đầu, nhờ sự hỗ trợ về kinh phí của Trung ương Hội, mô hình được thành lập ở 17 tỉnh/thành phố. Với số vốn ít ỏi 300.000 đồng, mô hình được thành lập với sự tham gia của 20 hộ gia đình. Mỗi gia đình được tỉnh Hội cung cấp cho 2 loại thùng rác, 1 thùng chứa rác vô cơ, 1 thùng chứa rác hữu cơ. Chị em trong câu lạc bộ được tham gia tập huấn nâng cao nhận thức về tác dụng của việc phân loại rác, được cung cấp thùng rác và hướng dẫn cách phân loại rác. Thời gian đầu do chưa quen nên vẫn có sự nhầm lẫn, tuy nhiên sau vài tháng hoạt động, các hộ gia đình đã hình thành thói quen và phân loại đúng theo quy định. Rau, củ, quả, thức ăn thừa…được chị em cho vào thùng rác hữu cơ, còn đối với các loại rác khác như chai, lọ, giấy, túi ni lông... được cho vào thùng rác vô cơ. Đối với rác hữu cơ, chị em thường dùng chăn nuôi gia súc, gia cầm hoặc làm phân hữu cơ. Còn đối với rác vô cơ, chị em có thể tái chế, tái sử dụng bằng cách bán cho người thu gom phế liệu.

     Cách làm này không chỉ giúp chị em giảm thiểu được lượng rác thải ra môi trường hàng ngày, tốt cho sức khỏe, cho cuộc sống mà còn giúp chị em có thêm khoản tiền từ việc bán phế liệu. Nhờ cách làm hay, mô hình đã được nhân rộng ra nhiều xã trong 17 tỉnh do Trung ương hỗ trợ và nhiều tỉnh/thành phố khác. Tuy nhiên, việc duy trì mô hình ở thành phố lớn vẫn đang là vấn đề khó khăn với lý do sau khi phân loại tại hộ gia đình các địa phương chưa có những thùng thu gom rác riêng do đó mặc dù rác được phân loại tại nhà nhưng sau đó lại bị đổ chung vào 1 thùng của Công ty môi trường đô thị. Điều này cũng gây khó khăn cho chị em hội viên trong quá trình thực hiện.

     Mô hình “Phụ nữ hạn chế sử dụng túi ni lông”

     Trong những năm gần đây, việc sử dụng tràn lan túi ni lông đã ảnh hưởng không ít đến mỹ quan, môi trường và sức khỏe của người dân. Với mục đích giảm thiểu những tác hại của túi ni lông đến sức khỏe và môi trường, bên cạnh mô hình “Phân loại rác tại nguồn” Hội LHPN Việt Nam đã phát động xây dựng mô hình “Phụ nữ hạn chế sử dụng túi ni lông” từ năm 2010. Đây là mô hình có nhiều hình thức tổ chức thực hiện phù hợp với các đặc điểm vùng miền.

     Hầu hết, các tỉnh phía Bắc đều triển khai theo hình thức tuyên truyền nâng cao nhận thức, cung cấp làn đi chợ cho các hộ gia đình và thùng rác để phân loại rác. Đối với những túi ni lông, chị em thường thu gom lại và tái sử dụng. Ở các tỉnh Tây Nguyên và miền Nam, với địa hình thuận lợi, chị em hội viên tận dụng những mảnh vườn cà phê, sầu riêng… trồng xen lẫn chuối và dong để lấy lá gói thực phẩm thay thế túi ni lông. Lá chuối, lá dong được dùng để làm bánh giò, bánh ướt, giò, chả, gói xôi… Ở Hà Nội, bên cạnh mô hình hướng dẫn chị em trong câu lạc bộ gấp túi giấy đựng hàng hóa thay túi ni lông, Hội LHPN thành phố đã phát động ở tất các quận/huyện tổ chức lễ phát động tuần lễ không túi ni lông và đã triển khai hiệu quả ở nhiều quận/huyện.

     Với cách làm đa dạng, sau 2 năm được Trung ương Hội hỗ trợ kinh phí, các tỉnh/thành phố đã tiếp tục duy trì và nhân rộng ra nhiều xã phường. Đến nay đã có 33 tỉnh/thành phố triển khai mô hình hiệu quả. Có thể thấy, mặc dù trong thời gian ngắn nhưng số lượng túi ni lông đã giảm đáng kể so với trước khi triển khai mô hình.

     Dù cách làm khác nhau ở mỗi địa phương nhưng nhìn chung các mô hình đều đóng góp cho công cuộc BVMT nói chung và phong trào phụ nữ nói riêng.

 

Nguyễn Thị Minh Hương

Trung ương Hội LHPN Việt Nam

 

 

 

 

Ý kiến của bạn