Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 29/11/2024

Hải Phòng - Hướng tới thành phố Cảng xanh

06/10/2015

   Thời gian qua, kinh tế Hải Phòng luôn tăng trưởng ở mức ổn định, lạm phát được kiềm chế, nhiều dự án, công trình trọng điểm quốc gia đã và đang được triển khai thực hiện; Các khu, cụm công nghiệp mới đi vào hoạt động; Hạ tầng kỹ thuật, bộ mặt đô thị được cải thiện khang trang, sạch đẹp, góp phần khẳng định vị thế của Hải Phòng trong nước cũng như quốc tế. Đặc biệt, Hải Phòng đang tập trung triển khai một số dự án lớn như Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng, Khu kinh tế Đình Vũ Cát Hải, đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, cao tốc ven biển… nhằm phát huy toàn diện, đồng bộ tiềm năng, lợi thế của TP Cảng, phấn đấu đến năm 2015 trở thành TP công nghiệp, dịch vụ cảng theo hướng văn minh, hiện đại.

Lễ mít tinh hưởng ứng Ngày Quốc tế ĐDSH, Ngày Môi trường thế giới, Ngày Đại dương thế giới và Tuần lễ Biển và hải đảo Việt Nam năm 2013 được tổ chức tại Hải Phòng

   Kết quả công tác quản lý nhà nước về BVMT giai đoạn 2011 - 2015

   Để tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về môi trường, bên cạnh việc triển khai, thực hiện các chính sách về BVMT của các cơ quan Trung ương, Sở N&MT đã tham mưu cho UBND TP ban hành nhiều chính sách, văn bản quan trọng như: Nghị quyết 22/NQ-TU về BVMT TP đến 2010, định hướng đến năm 2020; Chỉ thị số 32/2012/CT-UBND về việc tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế; Quyết định về việc ban hành Quy chế phối hợp trong quản lý nhà nước về BVMT trên địa bàn TP…

   Tính từ năm 2011 đến hết quý I năm 2015, Sở TN&MT đã thẩm định 142 Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM), 48 Đề án BVMT chi tiết, 17 Đề án cải tạo, phục hồi và BVMT; Xác nhận việc thực hiện các công trình, biện pháp BVMT phục vụ giai đoạn vận hành của 20 Dự án và xác nhận hoàn thành công trình theo Đề án BVMT đối với13 cơ sở; Thẩm định, trình cấp giấy xác nhận đủ điều kiện nhập khẩu phế liệu cho 90 doanh nghiệp (DN); Cấp Sổ đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại cho 860 cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh.

   Cùng với việc tăng cường kiểm soát ô nhiễm đối với từng thành phần môi trường nước, đất, không khí, hoạt động kiểm soát ô nhiễm môi trường (ONMT) đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, khu, cụm công nghiệp trên địa bàn TP có nguy cơ tiềm ẩn ÔNMT cũng được thực hiện theo quy định. Hiện nay, TP có 9/17 khu công nghiệp (KCN) đã xây dựng hạ tầng và hoạt động thu hút đầu tư, trong đó, 3 KCN đã đầu tư xây dựng nhà máy xử lý nước thải (XLNT) tập trung (Nomura, Đồ Sơn, Đình Vũ); 2 KCN (Nam Cầu Kiền và Tràng Duệ) đang xây dựng nhà máy XLNT tập trung. Đối với các dự án sản xuất có phát sinh khí thải đều phải xây dựng, lắp đặt hệ thống, thiết bị xử lý khí thải, bụi, tiếng ồn, độ rung, ánh sáng, bức xạ theo đúng báo cáo ĐTM đã được phê duyệt trước khi đi vào hoạt động chính thức và thường xuyên thực hiện việc quan trắc môi trường để theo dõi, giám sát, nhất là các DN kinh doanh lưu trữ xăng dầu, hóa chất .

   Ngoài ra, Sở đã tiến hành kiểm tra, rà soát, lập kế hoạch xử lý ONMT tại 47 làng nghề, báo cáo Bộ TN&MT bổ sung vào Chương trình mục tiêu quốc gia về xử lý ô nhiễm làng nghề, trước mắt Bộ đã phê duyệt dự án đầu tư xử lý ô nhiễm môi trường tại 2/17 làng nghề (Tràng Minh và Mỹ Đồng), với số vốn đầu tư 225 tỷ đồng. Đồng thời, kiểm tra, đôn đốc những đơn vị nằm trong danh sách các cơ sở gây ONMT nghiêm trọng theo Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg khẩn trương thực hiện các biện pháp xử lý triệt để ô nhiễm. Tính đến nay, đã di dời 10/12 cơ sở gây ONMT nghiêm trọng ra khỏi khu đô thị, khu dân cư tập trung.

   Trước tình hình vi phạm pháp luật về môi trường của các tổ chức, DN diễn ra tương đối phổ biến, phức tạp trên nhiều lĩnh vực khác nhau, Sở TN&MT đã đẩy mạnh thanh, kiểm tra công tác BVMT, xem đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của công tác quản lý môi trường. Từ năm 2011 đến nay, Sở đã tiến hành thanh tra tại 83 cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ, qua đó xử lý vi phạm hành chính về BVMT đối với 35 cơ sở với tổng số tiền trên 3 tỷ đồng; Phối hợp với lực lượng cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường của TP xử lý nhiều vụ việc vi phạm pháp luật về môi trường, trong đó cấp TP là 78 vụ, cấp quận/huyện là 104 vụ, liên quan chủ yếu đến lĩnh vực quản lý chất thải nguy hại và khai thác khoáng sản.

   Bên cạnh đó, Sở TN&MT đã phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể, UBND các huyện, TP tổ chức nhiều hoạt động về BVMT nhân các ngày lễ lớn (Ngày Môi trường thế giới 5/6, hưởng ứng Chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn, Ngày ĐDSH, Ngày Nước thế giới…) dưới nhiều hình thức như tập huấn, mít tinh, thi viết bài, vẽ tranh về môi trường… thu hút sự tham gia của đông đảo nhân dân, học sinh, cán bộ công chức, viên chức. Đồng thời, tăng cường triển khai các hoạt động hợp tác quốc tế về BVMT với một số quốc gia như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đức… thực hiện nhiều đề án, đề tài nghiên cứu khoa học về BVMT, làm cơ sở khoa học cho việc đánh giá hiện trạng, đề xuất giải pháp triển khai công tác quản lý, BVMT trên địa bàn TP. Đặc biệt, để thúc đẩy công tác BVMT, bên cạnh nguồn kinh phí chi sự nghiệp môi trường (từ 1% - 2% tổng chi ngân sách), TP đã huy động sự tham gia của các tổ chức KT-XH, cộng đồng dân cư, nhất là các DN vào công tác BVMT; Nâng cao hiệu quả mối quan hệ hợp tác giữa ngành TN&MT với chính quyền và các tổ chức thành viên thuộc các tổ chức chính trị các cấp trên mọi lĩnh vực BVMT, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, thực hiện chức năng giám sát của các tổ chức chính trị - xã hội đối với cơ quan nhà nước các cấp, các thành phần kinh tế, chương trình, dự án, kế hoạch phát triển KT-XH và mọi tầng lớp nhân dân trong việc thực thi pháp luật, thực hiện công tác BVMT chung của TP.

Cát Bà - điểm du lịch xanh của TP. Hải Phòng

   Định hướng công tác BVMT giai đoạn 2016 - 2020

   Với sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Thành ủy, HĐND, UBND TP và các cơ quan liên quan, công tác quản lý về BVMT của TP đã có những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển KT-XH là sức ép lên môi trường, dân số tăng nhanh kéo theo vấn đề di cư tập trung ở khu vực đô thị, sự phát triển của các ngành công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ, du lịch... làm cho chất lượng môi trường diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ô nhiễm. Kết quả khảo sát, phân tích mẫu đất tại một số vùng đất nông nghiệp cho thấy, việc sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật (BVTV) cao (với tổng lượng thuốc BVTV tồn dư khoảng 210 tấn/năm), môi trường đất đã có dấu hiệu ô nhiễm, thoái hóa với hàm lượng Asen (As) trong đất khá cao. Chất lượng môi trường nước tại các sông Lạch Tray, Cấm, Bạch Đằng, Giá, Rế, Đa Độ cũng có nguy cơ bị ô nhiễm chất hữu cơ, nitrit, amoni, dầu mỡ…

   Trên cơ sở đó, trong giai đoạn 2016 - 2020, Hải Phòng sẽ tiếp tục phấn đấu, quyết tâm vượt qua thách thức, xây dựng TP Cảng xanh, phù hợp với xu thế hội nhập khu vực và quốc tế, trong đó tập trung vào một số nhiệm vụ chủ yếu như: Đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, công dân trong phòng ngừa, đấu tranh phòng chống hành vi vi phạm pháp luật về môi trường; Tăng cường công tác bảo tồn ĐDSH, bảo vệ các hệ sinh thái hiện có, phục hồi các HST đã bị suy thoái, đặc biệt là các HST rừng ngập mặn ven sông, ven biển Cát Bà, Cát Hải, Đồ Sơn, Kiến Thụy, Tiên Lãn, rừng tự nhiên trên quần đảo Cát Bà và rừng trồng, các HST quý hiếm trong Khu dự trữ sinh quyển Cát Bà, Long Châu; Triển khai thực hiện kế hoạch Tăng trưởng xanh gắn với việc thực hiện Kết luận số 72/KL-BCT của Bộ Chính trị; Đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính theo hướng tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân, DN; Hoàn thiện các quy hoạch: BVMT TP đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quan trắc môi trường đến năm 2020; Bảo tồn ĐDSH; Đề án xây dựng cơ ở dữ liệu nguồn thải để phân loại các cơ sở ô nhiễm môi trường, lập sách xanh, sách đen các cơ sở ô nhiễm môi trường; Hoàn thiện và công bố báo cáo hiện trạng môi trường TP giai đoạn 2011 - 2015; Khai thác và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, nhất là các nguồn tài nguyên đất, nước, khoáng sản, bảo đảm hài hòa giữa bảo tồn và phát triển, xứng đáng là đô thị cảng cửa ngõ quốc tế, đô thị trung tâm cấp quốc gia, TP sinh thái - TP kinh tế.

   Để triển khai hiệu quả các mục tiêu đề ra, đáp ứng yêu cầu quản lý môi trường thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH và đẩy mạnh tiến trình cải cách hành chính, Sở TN&MT xin đề xuất một số nội dung sau: Xây dựng quy chế báo cáo, cung cấp, trao đổi thông tin thường xuyên giữa các ngành, địa phương với ngành môi trường theo đúng chức năng, nhiệm vụ được giao; Triển khai xây dựng Đề án xây dựng cơ sở dữ liệu về thông tin môi trường dùng chung trên địa bàn TP.

   Về công tác BVMT, đề nghị TP cần có giải pháp tích cực, cụ thể, đẩy nhanh xây dựng các khu xử lý chất thải rắn tập trung theo quy hoạch, thực hiện 100% các huyện có khu xử lý CTR tập trung; Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực BVMT; Bổ sung biên chế, điều kiện làm việc cho các đơn vị như: Chi cục BVMT; Phòng TN&MT quận/huyện; Cán bộ, chiến sĩ thuộc lực lượng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (PC49); Phòng TN&MT thuộc Ban quản lý Khu kinh tế Hải Phòng; Công chức tại các xã/phường; Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, công chức ngành TN&MT các cấp; Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị và bố trí kinh phí phục vụ công tác BVMT các cấp nhằm đáp ứng yêu cầu kiểm soát, phòng ngừa bảo vệ chất lượng môi trường TP và xử lý có hiệu quả các khu vực trọng điểm gây ô nhiễm, sự cố môi trường trên địa bàn theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

Phạm Quốc Ka

Phó Giám đốc Sở TN&MT Hải Phòng

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 9 -2015)

Ý kiến của bạn