Banner trang chủ
Thứ Tư, ngày 27/11/2024

Giải pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường tại thị trấn Thổ Tang

06/12/2014

     Thị trấn Thổ Tang thuộc huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc, với tổng diện tích là 5,27 km2, dân số 16.105 người. Trong đó, gần 30% số hộ gia đình làm nghề buôn bán kinh doanh hàng theo chuyến, 53% số hộ gia đình buôn bán kinh doanh nhỏ. Người Thổ Tang năng động, có truyền thống buôn bán kinh doanh. Từ thế kỷ thứ 13, Thổ Tang đã có tên gọi "Kẻ Chợ, Kẻ Giang". Gọi là Kẻ Giang bởi Thổ Tang có Chợ Giang, chợ đầu mối. Chợ Giang kinh doanh đủ thứ hàng, từ hàng kim khí, đồ gia dụng, quần áo, nông sản đến hàng tươi sống như quả cây, thực phẩm... Hàng đêm, hàng chục chiếc ô tô tải, công ten nơ chở đến cả trăm tấn hàng từ khắp nơi đổ về Chợ Giang. Rồi từ đó, những chiếc ô tô lại chở hàng đi mọi ngả. Thổ Tang đã giúp nông dân khắp nơi tiêu thụ nông sản thực phẩm như ngô, đỗ, lạc, chè, lúa gạo... Người Thổ Tang đi khắp các tỉnh phía Bắc như Hà Giang, Lai Châu, Sơn La... để mua trâu, bò để giết mổ hoặc đưa vào phía Nam tiêu thụ. Phụ nữ Thổ Tang đảm đang, tháo vát buôn bán, chỉ "ăn với chồng nửa bữa, ngủ với chồng nửa đêm".

     Dân số đông đúc sống trong địa bàn hẹp, đời sống được nâng cao nhưng chất thải sinh hoạt không ngừng tăng lên. Chợ Giang thải ra môi trường ni lông, dây buộc, nông sản hỏng, nhất là quả tươi không tiêu thụ được, nhiều gia đình phải đổ cả xe quả tươi ra chợ vì đã bị giập, hỏng. Chất thải sinh hoạt của hộ gia đình, chất thải từ chợ ước tính 3 tấn/ngày. Thổ Tang có đến hàng trăm lò giết mổ gia súc, gia cầm nằm rải rác trong các khu dân cư. Mỗi ngày các lò giết mổ thải ra môi trường một lượng lớn nước và chất thải, ước đến 10 tấn/ ngày. Nếu tính tất cả lượng rác thải thị trấn Thổ Tang trong một ngày tương đương với 25m3, trong đó 65% là chất hữu cơ, khi phân hủy bốc mùi nồng nặc.

 

Thị trấn Thổ Tang, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc

 

     Thị trấn đã quy hoạch bãi rác Ma Cả thuộc tổ dân phố Phương Viên, diện tích 4.000 m2. Với các chính sách về môi trường của tỉnh Vĩnh Phúc và sự nhanh nhạy của chính quyền, thị trấn đã thành lập Hợp tác xã vệ sinh môi trường. Hợp tác xã có 3 xe ô tô chở rác chuyên dụng, 20 xe chở rác đẩy tay và nhiều công cụ chuyên dùng khác với 32 cán bộ, xã viên hợp tác xã. Đến nay, bãi rác Ma Cả đã quá tải bởi lượng rác hàng ngày được chuyển đến quá lớn. Biện pháp xử lý rác thải bằng phương pháp chôn lấp chưa đảm bảo, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Đó là chưa kể đến chất khí thải, tiếng ồn từ hàng trăm chiếc xe chở hàng hoạt động ngày đêm tại thị trấn. Sức khỏe của người dân ít nhiều bị ảnh hưởng.

     Trước nguy cơ ô nhiễm môi trường, chính quyền thị trấn đã có nhiều hoạt động tích cực nhằm giảm thiểu ô nhiễm. Các hộ gia đình trong thị trấn được tuyên truyền về tác hại của ô nhiễm môi trường (ÔNMT) và biện pháp BVMT; 100% số hộ gia đình ký cam kết thực hiện các quy định về BVMT như: Không vứt rác bừa bãi ra đường, làm cống rãnh thoát nước từ nhà ra rãnh chung của khu dân cư, không được để nước thải chảy tràn ra mặt đất...; Các hộ gia đình có doanh nghiệp chế biến, đại lý hàng hóa nông sản phải đảm bảo thuận tiện cho việc thu gom rác, không gây khó khăn cho hợp tác xã dịch vụ.

    Với sự năng động của chính quyền, thị trấn được nhiều đoàn thể, hội nghề nghiệp tuyên truyền, hướng dẫn cách thu gom, phân loại rác thải vô cơ, hữu cơ để dễ xử lý. Có tổ chức cung cấp chế phẩm EM và hướng dẫn người dân thị trấn xử lý nguồn nước thải. Chế phẩm EM được phun vào những đống rác tại chợ Giang, được đổ vào ao hồ, cống rãnh và có hiệu quả thiết thực, mùi hôi của rác, từ cống rãnh giảm hẳn. Nhưng thực chất, nguồn kinh phí cho việc xử lý môi trường bằng chế phẩm EM không nhiều, vì thế, việc xử lý ÔNMT chỉ có thời hạn. Chính quyền xã đã đề nghị UBND, Sở Khoa học & Công nghệ tỉnh Vĩnh Phúc tạo điều kiện xử lý ÔNMT. Nhờ đó, đề tài "Mô hình xử lý rác thải nông thôn Vĩnh Phúc bằng lò đốt khí tự nhiên NFI - 05" đã được Sở Khoa học & Công nghệ tỉnh triển khai với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm…”. Đề tài được triển khai tại đồng Cổ Chày - Quán Quỳnh, thôn Đồng Cả của thị trấn. Lò đốt rác bằng khí tự nhiên NFI- 95 có công suất 10 tấn/ngày, đêm, được xây dựng kèm theo các hạng mục công trình liên hoàn như nhà tập kết phân loại rác, sân bãi, hàng rào, khu chôn lấp. Mô hình đi vào hoạt động sẽ giúp thị trấn thu gom, quản lý và xử lý kịp thời lượng rác thải hàng ngày, giảm thiểu ÔNMT vì đời sống, sức khỏe của người dân.

 

Cù Minh Nguyệt

Hội Bảo vệ Thiên nhiên & Môi trường Vĩnh Phúc

Nguồn: Tạp chí Môi trường, số 11/2014

 

 

Ý kiến của bạn