Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 27/12/2024

Giữ đa dạng sinh học cho tương lai

11/07/2016

     Để hình thành 1 khu rừng phải mất hàng triệu năm nhưng để phá đi cánh rừng ấy, con người chỉ cần vài năm, thậm chí vài chục ngày. Rừng tự nhiên nuôi dưỡng đa dạng sinh học (ĐDSH), duy trì cuộc sống của muôn loài nhưng con người lại nhẫn tâm hủy diệt rừng vì lợi ích trước mắt và vì lòng tham.

     Mấy chục năm qua, rừng tự nhiên ở Việt Nam (trong đó phải kể đến các cánh rừng đại ngàn của Tây Nguyên, Tây Bắc, Đông Nam Bộ…) bị tàn phá, khiến ĐDSH suy giảm nghiêm trọng. Có gì đó không bình thường từ nhận thức của con người trong kế hoạch trồng mới rừng (từ các cánh rừng nguyên sinh bị phá).

     Báo cáo thành tích của địa phương hay của ngành này ngành khác vẫn thống kê mỗi năm trồng mới được bao nhiêu ha rừng. Tuy nhiên, rừng trồng mới chủ yếu là bạch đàn, keo lá tram, thân thẳng đuỗn, độ che phủ kém và nhanh chóng làm đất bạc màu mà ĐDSH không thể tồn tại. Chưa kể các loại cây này sau vài năm lại bị chặt, bán lấy tiền, trồng mới bằng lượt cây khác. Do vậy, ĐDSH của Việt Nam đang đứng trước nguy cơ suy giảm nghiêm trọng khiến con người phải trả giá rất đắt, không chỉ bởi lợi ích kinh tế trước mắt, bởi lòng tham mà còn bởi những báo cáo thành tích tròn trịa của địa phương về kế hoạch trồng rừng…

     Tại Hội nghị tìm kiếm giải pháp khôi phục bền vững rừng của Tây Nguyên nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2016 - 2020, được tổ chức ở TP. Buôn Ma Thuột (Đắc Lắc) vào ngày 20/6/2016 vừa qua, cùng với chỉ đạo kiên quyết đóng cửa rừng Tây Nguyên, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng đồng thời nghiêm cấm không cho chuyển đổi mục đích đất rừng nghèo sang trồng các loại cây công nghiệp, cây ngắn ngày. Chỉ đạo của Thủ tướng là sự khởi đầu tốt đẹp cho tương lai ĐDSH dưới các cánh rừng tự nhiên còn lại của Tây Nguyên và của Việt Nam.

 

Không có bất cứ dấu hiệu gì cho thấy vọoc chà vá chân nâu còn sinh sống ở rừng Sơn Trà - Đà Nẵng (Ảnh: Thanh Tùng)

 

     Theo báo cáo của ngành chức năng tại Hội nghị, trong 4 năm (từ 2010 - 2014), đất có rừng của 5 tỉnh Tây Nguyên (Kon Tum, Gia lai, Đắc Lắc, Đắc Nông, Lâm Đồng) giảm 180.000 ha. Hơn 30 năm qua, Tây Nguyên mất trên 1,5 triệu ha rừng (chiếm 41% tổng diện tích rừng). Rừng Tây Nguyên bị phá từ lâu.

     Năm 1976 là thời điểm các đầu lậu gỗ bắt đầu đổ xô lên, tàn sát không thương tiếc các cánh rừng đại ngàn của Tây Nguyên. Quốc lộ 19 nối Tây Nguyên với đồng bằng ngày đêm nườm nượp xe chở gỗ. Trong khi các lực lượng chức năng lo ngăn chặn vận chuyển vài chục kg nông sản từ địa phương này sang địa phương khác thì những thân đại thụ hàng trăm năm tuổi mặc sức đổ về xuôi trên tuyến đường 19.

     Sự tàn phá vô tội vạ rừng đại ngàn Tây Nguyên kéo dài cho đến tận những năm cuối cùng của thế kỷ 20 - khi có “ai đó” chợt nhận ra, mái nhà Tây Nguyên không còn xanh và không đủ sức chở che cho con người trước biến cố thiên tai. Dù biết cái giá phải trả cho sự tàn phá, hủy diệt ĐDSH dưới các cánh rừng đại ngàn của Tây Nguyên hùng vĩ là rất lớn nhưng việc đóng cửa rừng cũng chỉ được ban hành trên văn bản, giấy tờ.

     Ngay trước thời điểm Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo kiên quyết đóng cửa rừng, nhiều cánh rừng đại ngàn ở Kon Tum, Gia Lai, Đắc Lắc đã bị lâm tặc moi cho rỗng ruột. Kẻ phá rừng được gọi là lâm tặc nhưng lâm tặc không thể ngang nhiên đưa máy móc thiết bị vào rừng nếu không có sự tiếp tay bảo đảm an toàn của “một bộ phận” những người được trao trách nhiệm gác cửa rừng, thậm chí là cả những người có chức vụ trong cơ quan hành chính địa phương!

     Có gì đó rất đáng lo ngại trong phát ngôn của người được giao giữ rừng - mỗi khi cơ quan điều tra hay báo chí phát hiện và đưa ra ánh sáng một vụ phá rừng lớn rằng “lực lượng mỏng”, rằng “lâm tặc tinh vi, nhiều thủ đoạn”. Chỉ khi đối mặt với phiên tòa xét xử, những cán bộ giữ rừng tha hóa này mới cúi đầu thừa nhận tiếp tay cho lâm tặc phá rừng.

     Rừng bị phá, Tây Nguyên chỉ còn màu xanh của trời. Dưới bầu trời xanh ngắt của Tây Nguyên đâu đâu cũng gặp núi đồi trụi trơ, nham nhở. Khi còn là rừng xanh, những vạt núi đồi trơ trụi kia là nơi sinh tồn của các loài động, thực vật. Thảm thực vật nhiều tầng lớp dưới các cánh rừng tự nhiên gìn giữ sự sống cho muôn loài. Rừng mất cũng đồng nghĩa với môi trường sống bị tước đoạt, đã khiến nhiều loài động, thực vật biến mất và đặt nhiều loài động, thực vật khác trước nguy cơ tuyệt chủng.

     Không gì khó hiểu khi thời gian gần đây, bầy voi rừng ở Đắc Lắc, Đồng Nai, Quảng Nam liên tục xuất hiện phá hoại sản xuất, đe dọa tính mạng của người dân. Câu chuyện nổi giận của các bầy voi rừng chỉ là một trong rất nhiều hậu quả mà con người phải trả giá vì tàn phá thiên nhiên, hủy diệt ĐDSH tồn tại hàng nghìn, hàng triệu năm.

     Chỉ đạo của Thủ tướng không chuyển 2,25 triệu ha rừng tự nhiên của Tây Nguyên sang mục đích khác và không chuyển đất rừng nghèo kiệt sang trồng cây công nghiệp, cây ngắn ngày được nhiều chuyên gia môi trường xem như cứu sinh cho ĐDSH bởi ĐDSH chỉ có thể tồn tại, nảy nở sinh sôi dưới các cánh rừng tự nhiên.

     Tổ chức Lương - Nông Liên Hợp Quốc (FAO) định nghĩa “ĐDSH là tính đa dạng của sự sống dưới mọi hình thức, mức độ và mọi tổ hợp, bao gồm đa dạng gen, đa dạng loài và đa dạng hệ sinh thái”. Định nghĩa này cho thấy, ĐDSH không và không thể nào tồn tại dưới các cánh rừng trồng chỉ nhằm mục tiêu đạt độ che phủ và khai thác khi đến chu kỳ.

     Vì thế nên khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc quyết định đóng cửa rừng và không chuyển đổi đất rừng nghèo kiệt của Tây Nguyên được các nhà hoạt động môi trường cho rằng là tin vui, thay đổi nhận thức bảo vệ bền vững hệ sinh thái rừng tự nhiên, thay vì làm đẹp thành tích trong các báo cáo hàng năm về trồng mới nhiều triệu ha rừng bằng các loại cây chỉ đem lại lợi ích trước mắt.

 

(Theo Dương Thanh Tùng - Báo Đại đoàn kết)

 

Ý kiến của bạn