Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 29/11/2024

Giải pháp phát triển du lịch sinh thái bền vững tại Cẩm Thanh, Hội An, Quảng Nam

31/03/2016

   Cẩm Thanh được biết đến như một trong những điểm đến hấp dẫn của TP. Hội An. Đây là địa bàn quan trọng kết nối giữa phố cổ Hội An (Di sản văn hóa thế giới) và Cù Lao Chàm (Khu dự trữ sinh quyển (KDTSQ) thế giới). Một trong những yếu tố hấp dẫn của Cẩm Thanh chính là rừng dừa nước Bảy Mẫu rộng 84 ha trải rộng trên địa bàn các thôn Vạn Lăng, Thanh Tam Đông, Thanh Nhứt, Cồn Nhàn, Thanh Tam Tây. Rừng dừa nước có giá trị về sinh thái, cảnh quan đẹp hấp dẫn du lịch và cũng là nơi trú ngụ của nhiều loài chim, các thủy sinh vật vùng cửa sông ven biển, trong đó có nhiều loài có giá trị như tôm, cua, ghẹ và động vật thân mềm. Chính vì vậy, rừng dừa nước được xem là tài nguyên du lịch sinh thái (DLST) rất có giá trị ở Cẩm Thanh nói riêng, ở Hội An, Quảng Nam cũng như vùng ven biển miền Trung nói chung. Việc đề xuất giải pháp phát triển DLST tại Cẩm Thanh là rất cần thiết, góp phần cải thiện sinh kế cho người dân đồng thời giảm tải áp lực khai thác quá mức tài nguyên thiên nhiên lên hệ sinh thái dừa nước.

   1. Các hoạt động du lịch

   Trong thời gian qua, hoạt động du lịch rừng dừa nước Cẩm Thanh đã khởi sắc, có những đóng góp cho phát triển kinh tế-xã hội và nâng cao đời sống cộng đồng. Từ năm 2008 đến năm 2013, lượng khách đến Cẩm Thanh tăng lên 7.332 lượt khách. Điều này cho thấy, Cẩm Thanh là điểm đến hấp dẫn khách du lịch.

   Nhà lưu trú phục vụ DLST: Ở Cẩm Thanh, dịch vụ nhà lưu trú (homestay) được chính quyền địa phương khuyến khích hoạt động, nên chủ yếu là các hộ đăng ký kinh doanh homestay với khoảng 50 hộ, tập trung ở các thôn Thanh Đông, Thanh Nhứt, Thanh Tam Đông và Thanh Tam Tây. Tuy nhiên hiện nay, chỉ có 4 hộ được cấp phép kinh doanh, những cơ sở còn lại đang trong quá trình xây dựng, chưa đi vào hoạt động. Nhìn chung, homestay ở Cẩm Thanh thu hút được du khách dựa trên các tiêu chí vui vẻ, thân thiện, nhiều cây xanh trong khuôn viên. Ngoài ra, đến với homestay Cẩm Thanh, du khách được trải nghiệm cuộc sống thường ngày với gia đình chủ nhà. Người chủ đóng vai trò như một hướng dẫn viên, nói chuyện và cung cấp cho du khách nhiều thông tin thú vị về phong tục, tập quán ở làng quê Cẩm Thanh. Khách du lịch đến với Cẩm Thanh quanh năm, nhưng nhiều nhất là khoảng thời gian từ tháng 10 đến tháng 3 năm sau. Thu nhập hàng tháng của các homestay từ 9 - 12 triệu đồng.

   Hoạt động bơi thúng du lịch: Lắc thúng chai là một hoạt động giải trí được nhiều du khách lựa chọn khi đến Cẩm Thanh. Tham gia hoạt động này, du khách được người dân hướng dẫn cách bơi thúng và sau đó tự tay mình bơi thúng vào rừng dừa xanh mát. Giá một lần bơi thúng là 75.000 đồng/người, nếu có câu cua là 100.000 đồng/người. Tổ du lịch cộng đồng tại thôn Vạn Lăng gồm có 27 thành viên, cung cấp dịch vụ đưa đón khách du lịch bằng thuyền thúng chính tại Cẩm Thanh. Các thành viên trong tổ hoạt động du lịch theo quy chế được thảo luận từ cộng đồng. Tuy còn nhiều hạn chế trong phục vụ do chưa có đủ kỹ năng, nhưng người dân đã bắt đầu thu lợi tăng dần từ dịch vụ bơi thúng du lịch tại địa phương.

   Làng nghề tranh tre, dừa truyền thống phục vụ DLST: Với lợi thế có diện tích lớn rừng dừa nước, nghề làm sản phẩm từ cây dừa nước là nghề truyền thống của người dân Cẩm Thanh. Hiện tại, khoảng trên 20% các hộ gia đình tại xã Cẩm Thanh sử dụng cây dừa nước phục vụ cho hoạt động sinh kế và tăng thu nhập. Sản phẩm chính từ cây dừa nước là phên, tấm lợp mái nhà được làm từ lá dừa nước. Các sản phẩm thủ công từ tre, dừa Cẩm Thanh thường là những món quà lưu niệm đặc trưng và tạo ấn tượng tốt cho khách du lịch. Trong thời gian gần đây, việc khai thác dừa nước tăng nhanh, làm cho rừng dừa bị suy giảm. Tuy nhiên, nếu dừa nước không được khai thác, cắt lá dọn tạp theo đúng thời kỳ, cây dừa nước cũng không phát triển.

   Hoạt động nông nghiệp phục vụ DLST: Hoạt động nông nghiệp phục vụ DLST hiện nay tại Cẩm Thanh là cày ruộng, tưới rau… phục vụ cho du khách muốn tìm hiểu, khám phá và trải nghiệm, đời sống của người nông dân. Người nông dân tham gia cung cấp các dịch vụ cho DLST này chỉ cần có đám ruộng, thửa vườn, với các động và thực vật nuôi trồng trên đó. Một số nhà dân đã bắt đầu gắn kết với việc nuôi trâu để cung cấp cho dịch vụ cưỡi trâu, xe trâu và cày, bừa bằng trâu. Ngoài ra, cảnh quan nông thôn là phông nền quan trọng hấp dẫn du khách về với Cẩm Thanh.

   Tour DLST: DLST là một hoạt động phát triển nhanh không chỉ với xã Cẩm Thanh mà còn đối với các khu vực xung quanh. Hiện tại, có 4 mô hình du lịch được thiết kế dành riêng cho khu vực rừng dừa nước Cẩm Thanh như: DLST trong khu rừng dừa nước của Công ty Hội An Ecotour; nhóm du lịch thuyền thúng (mô hình hợp tác), bao gồm 25 hộ gia đình; du lịch bằng xe đạp vòng quanh rừng dừa nước, được Công ty Heaven and Earth tổ chức; và du lịch kết hợp chụp ảnh Hội An, được thực hiện bởi các nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp địa phương để lưu lại các cảnh quan đẹp.

Du khách bơi thúng chai trong rừng dừa nước Cẩm Thanh

   2. Những thuận lợi và thách thức đối với phát triển DLST

   Cẩm Thanh có lợi thế về phát triển DLST với những giá trị đặc biệt của hệ sinh thái đất ngập nước vùng cửa sông ven biển, nơi có sinh cảnh rừng dừa nước rất đặc trưng. Trong thời gian qua, TP. Hội An đã triển khai một số hoạt động hỗ trợ cho sự phát triển DLST tại Cẩm Thanh như xây dựng đề án phát triển Cẩm Thanh với làng quê sinh thái đặc thù; ban hành Quyết định thành lập tổ du lịch cộng đồng tại thôn Vạn Lăng và thôn Thanh Tam Đông với số lượng 40 thành viên; ban hành quy chế tạm thời hoạt động của tổ du lịch cộng đồng; triển khai dự án trồng rau hữu cơ tại thôn Thanh Tam Đông hướng tới đây là một điểm du lịch lý thú với trải nghiệm của du khách trong tương lai.

   Tuy nhiên, hoạt động phát triển DLST trên địa bàn Cẩm Thanh chưa tương xứng với tiềm năng và vị thế. Chương trình DLST do các công ty du lịch ở Hội An xây dựng hiện mới dừng lại ở nội dung của các chương trình du lịch mang tính tổng hợp đối với điểm đến Cẩm Thanh. Các sản phẩm/dịch vụ du lịch cung cấp cho du khách trong các chương trình du lịch chủ yếu nhằm đáp ứng nhu cầu tham quan, khám phá một điểm du lịch mới trên bản đồ du lịch Hội An. Trong số những chương trình du lịch hiện nay đến Cẩm Thanh, chỉ có chương trình du lịch “Người ngư dân và những tuyến đường thủy” do Công ty Du lịch Hội An Ecotour xây dựng và cung cấp được xem là chương trình du lịch mang màu sắc của một chương trình DLST, với trọng tâm là rừng dừa nước. Tuy nhiên, nội dung của chương trình DLST này chỉ kéo dài khoảng 1 ngày, với những dịch vụ/hoạt động du lịch cung cấp cho du khách trên cơ sở đối chiếu với yêu cầu của một chương trình DLST đích thực, được du khách, đặc biệt là khách du lịch quốc tế kỳ vọng, còn chưa hoàn thiện. Trong chương trình DLST, nội dung về “diễn giải môi trường” còn chưa được quan tâm, thiếu các hoạt động để du khách có được những trải nghiệm về tri thức bản địa trong việc khai thác, sử dụng cũng như bảo tồn hệ sinh thái đất ngập nước vùng cửa sông ven biển, thiếu những hoạt động thể hiện sự đóng góp của du lịch vào hoạt động bảo tồn giá trị của hệ sinh thái dừa nước và những hoạt động giao tiếp ấn tượng giữa du khách với cộng đồng địa phương để qua đó, du khách có cơ hội trải nghiệm đầy đủ hơn về văn hóa bản địa có liên quan đến hệ sinh thái dừa nước.

   Những hạn chế trên có nguyên nhân chủ yếu từ nhận thức xã hội, đặc biệt là nhận thức của các cấp quản lý về DLST còn chưa đầy đủ. Năng lực quản lý và kỹ năng nghề của các đối tượng tham gia còn chưa đáp ứng được yêu cầu. Cẩm Thanh còn thiếu các sản phẩm DLST đích thực, với những yếu tố quan trọng như đem lại cho du khách những trải nghiệm đầy đủ nhất về giá trị hệ sinh thái đất ngập nước vùng cửa sông ven biển, với sinh cảnh rừng dừa nước. Bên cạnh đó, các hoạt động giáo dục BVMT và sự tham gia tích cực của cộng đồng địa phương còn chưa rõ ràng. Các hoạt động xây dựng hình ảnh điểm đến và hoạt động quảng bá các sản phẩm DLST vẫn rất hạn chế. Hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch nói chung và DLST nói riêng còn chưa đáp ứng được yêu cầu của sự phát triển. Mối quan hệ giữa các bên liên quan, đặc biệt là chính quyền địa phương xã Cẩm Thanh - doanh nghiệp du lịch - cộng đồng còn chưa thực sự mang tính xây dựng, hợp tác, vì mục tiêu chung là phát triển Cẩm Thanh trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn, đem lại lợi ích lâu dài cho tất cả các bên.

   3. Đề xuất một số giải pháp phát triển DLST

   DLST tại Cẩm Thanh, mặc dù mới được hình thành, có nhiều điều kiện để phát triển, nhưng trước tiên cần có sự hài hòa và thuận lợi của 5 nguồn lực, đó là tài nguyên thiên nhiên, xã hội, con người, tài chính, vật chất và cơ sở hạ tầng. Mặc dù điểm khởi đầu của 5 nguồn lực là không đồng đều, nếu như nguồn lực tài nguyên thiên nhiên, xã hội là vượt trội, thì nguồn lực con người, tài chính, vật chất và cơ sở hạ tầng có phần khiêm tốn hơn so với những địa phương khác. Tuy nhiên, Cẩm Thanh vẫn có những độc đáo riêng của địa phương là vùng đệm sinh thái của KDTSQ, nằm tại vùng cửa sông Thu Bồn - Hội An, một vùng hạ lưu trù phú kết nối giữa phố Cổ Hội An - Di sản Văn hóa Thế giới và Cù Lao Chàm, Khu Bảo tồn biển - vùng lõi của KDTSQ.

   Mặt khác, chính quyền địa phương và người dân cần thấy rõ được tầm quan trọng của việc phục hồi rừng ngập mặn, mà cụ thể là dừa nước tại Cẩm Thanh. Rừng dừa nước là cơ sở phát triển làng nghề truyền thống tre, dừa, nuôi dưỡng hoạt động đánh bắt trong sông và ven bờ, làm giàu và độc đáo du lịch bơi thuyền thúng. Ngoài ra còn nhiều giá trị quan trọng khác liên quan đến môi trường, thiên tai, biến đổi khí hậu và nước biển dâng, mà rừng dừa nước này mang lại. Một khó khăn lớn mà Cẩm Thanh đang gặp phải là không có đất để phục hồi cây dừa nước tại địa phương, phần lớn đất rừng dừa nước trước đây chuyển đổi sang ao, đầm nuôi tôm. Mặc dù nuôi trồng thủy sản trong thời gian gần đây và hiện tại gặp nhiều rủi ro về chất lượng môi trường, nhưng chuyển trả đất nuôi tôm về trồng rừng dừa nước thì không phải dễ dàng, trừ khi người dân nhận rõ được lợi ích chung và tìm thấy lợi ích riêng mình trong cái chung ấy.

   Một trong những khía cạnh Cẩm Thanh đang rất cần phát huy là sử dụng tích cực danh hiệu KDTSQ tại địa phương, nhất là tại vùng cửa sông Thu Bồn - Hội An. Bảy tiêu chí của KDTSQ cần được triển khai sâu rộng trong cộng đồng nhằm tăng cường sức mạnh của toàn dân cho bảo tồn và phát triển DLST tại vùng này. Rừng dừa nước Cẩm Thanh cần phải được bảo vệ, phục hồi và mở rộng cho sự phát triển của toàn vùng hạ lưu. Sự chuyển biến trong nhận thức cũng như trong ứng xử với thiên nhiên của con người trong KDTSQ sẽ góp phần tăng cường công tác bảo tồn và phát triển DLST Cẩm Thanh.

   Các định hướng cho phát triển DLST Cẩm Thanh cần phải được đặt nền tảng trên sự bảo vệ, bảo tồn và mở rộng của rừng dừa nước vùng cửa sông này. Định hướng phát triển DLST này cần phải bao gồm các nội dung về truyền thông nâng cao nhận thức và năng lực cộng đồng, trong việc bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn tài nguyên thiên nhiên của địa phương.

Lê Hương Giang, Hoàng Văn Thắng

Trung tâm Nghiên cứu Tài nguyên và Môi trường,

Đại học Quốc gia Hà Nội

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 2/2016)

Ý kiến của bạn