Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 03/01/2025

Dự án Quỹ các bon cộng đồng giảm thiểu mất rừng và suy thoái rừng

06/01/2015

     Chương trình Quỹ các bon cộng đồng (CCP) nhằm giảm phát thải khí nhà kính từ phá rừng và suy thoái rừng (REDD+) là một sáng kiến ở khu vực Đông Nam Á do Tổ chức Bảo tồn động thực vật hoang dã quốc tế (FFI) và các đối tác thực hiện tại Việt Nam, Campuchia, Inđônêxia, Philíppin, với sự tài trợ của Liên minh châu Âu (EU).

     Tại Việt Nam, Chương trình đã triển khai Dự án phát triển Quỹ các bon cộng đồng tại 11 thôn (Vi Choong, Tu Cần, Kon Klùng, Đắc Xô, Vi Glơng, Vi Chơ Ring, Đắc Liêu, Kon Piêng, Kon Plinh, Kon Plông) thuộc xã Hiếu, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum, với kinh phí 251.690.000 đồng, thời gian thực hiện từ tháng 1/2012- 7/2014. Mục tiêu của Dự án nhằm giảm thiểu mất rừng và suy thoái rừng thông qua cải thiện quản trị rừng; xây dựng quỹ tài chính tài trợ cho cộng đồng, phục vụ công tác bảo vệ, phát triển rừng, giảm phát thải khí nhà kính. Đồng thời, cải thiện sinh kế của người dân địa phương và đồng bào dân tộc thiểu số trong vùng rừng... Dự án gồm 4 hợp phần: Quản trị rừng vùng dự án; Tổ chức tham vấn cộng đồng; Đo đếm, giám sát các bon rừng; Điều tra đa dạng sinh học.

     Theo số liệu khảo sát của Dự án, xã Hiếu có tổng diện tích đất tự nhiên trên 20 nghìn ha, chiếm trên 14% tổng diện tích đất toàn huyện Kon Plông, trong đó rừng và đất lâm nghiệp chiếm gần 90%. Xã có 578 hộ và gần 2.600 khẩu, trên 98% là đồng bào dân tộc thiểu số Mơ Năm. Đời sống kinh tế của người dân chủ yếu là dựa vào sản xuất nông nghiệp và nghề rừng nên còn khó khăn, thiếu thốn, toàn xã hiện có trên 41% hộ đói nghèo. Năm 2008, xã Hiếu đã giao 808 ha đất rừng cho 32 hộ dân thôn Vi Chơ Ring quản lý, bảo vệ. Với mô hình thí điểm này, một phần diện tích rừng xã Hiếu đã được quản lý, góp phần cải thiện điều kiện sống cho một số hộ dân trên địa bàn. Tuy nhiên, do diện tích rừng còn lại chưa được giao các hộ dân nên rừng xã Hiếu bị suy thoái nghiêm trọng.Theo tính toán của các chuyên gia, giai đoạn 2002 - 2011, diện tích rừng của xã Hiếu bị mất là 1.616 ha rừng. Nguyên nhân là do người dân trong thôn đốt rừng làm rẫy, chặt phá rừng bừa bãi để lấy gỗ làm củi. Dự đoán trong 30 năm tới, con số này sẽ tăng lên 4.688 ha rừng (tương đương với 928.224 tấn các bon).

     Năm 2012, triển khai hợp phần 1 của Dự án CCP, chính quyền địa phương xã Hiếu đã lên phương án giao 17.893,6 ha rừng còn lại cho 10 thôn trong xã, với quy ước, cam kết rõ ràng. Hàng tháng, các chủ rừng được nhận khoán quản lý, chi trả tiền bảo vệ và chăm sóc rừng.

 

Những năm gần đây, tình trạng cháy rừng, phá rừng trên địa bàn xã Hiếu giảm rõ rệt

 

     Đồng thời, để tăng cường bảo vệ rừng, UBND xã Hiếu đã thành lập 11 ban quản lý rừng cộng đồng, với 44 tổ bảo vệ (601 thành viên). Ban quản lý Dự án phối hợp cán bộ kiểm lâm trên địa bàn xã tổ chức hướng dẫn các tổ bảo vệ tuần tra định kỳ hàng tháng và phân công giám sát từng vùng rừng. Trong hơn 2 năm, đã tổ chức 99 đợt tuần tra, 17 đợt truy quét, phát hiện 32 vụ vi phạm, 21 vụ phát rẫy trái phép (4,7 ha rừng); phá hủy 52 bẫy dây, 2 bẫy giật và trục xuất 8 đối tượng xâm nhập rừng…Khi phát hiện các trường hợp xâm hại rừng trái phép, các tổ bảo vệ có trách nhiệm báo cáo cho chính quyền địa phương và kiểm lâm để xử lý theo quy định của quy ước, hương ước bảo vệ rừng của xã. Số tiền xử phạt sẽ được trích một phần cho tổ bảo vệ, người báo tin, còn lại sung vào Quỹ bảo vệ rừng. Cách làm này đã khuyến khích người dân thông tin về các hành vi xâm hại rừng cho tổ bảo vệ để kịp thời ngăn chặn. Nhờ đó, những năm gần đây, trên địa bàn xã, tình trạng cháy rừng, phá rừng làm nương đã giảm rõ rệt.

     Bên cạnh đó, Dự án đã thành lập Quỹ các bon cộng đồng nhằm chia sẻ lợi ích từ tài sản rừng trong nội bộ cộng đồng. Quỹ mở tài khoản cộng đồng và thực hiện quản lý, chi trả nguồn vốn hỗ trợ từ Dự án, đồng thời tìm kiếm các nguồn hỗ trợ khác cho cộng đồng. Qua nguồn tài trợ của Quỹ, các buổi tham vấn cộng đồng đã được tổ chức, vận động được 613 hộ dân của 11 thôn tham gia các buổi họp tuyên truyền về bảo vệ rừng.

     Ngoài ra, Dự án còn thực hiện điều tra diện tích, đa dạng sinh học và tính toán trữ lượng các bon rừng, kết quả cho thấy, diện tích rừng tự nhiên toàn vùng còn 18,984 ha, rừng chưa suy thoái: 15,966 ha; rừng suy thoái: 2,988ha; tổng trữ lượng các bon rừng toàn xã là 3.753.448 tấn/ha. Về đa dạng sinh học, do rừng xã Hiếu nằm trong dải rừng Đông Trường Sơn nên có hệ đa dạng sinh học phong phú, với 35 loài động vật đặc hữu (vượn đen má vàng, voọc chà vá chân xám, khỉ mặt đỏ, trĩ sao, khướu đầu đen, rùa đầu to, mang lớn…) và 12 loài thực vật quý hiếm (thông nàng, hoàng tùng, lan kim tuyến…). Tuy nhiên, các loài này đang bị suy giảm nghiêm trọng do tình trạng mất rừng. Trước tình hình trên, UBND xã Hiếu đã xây dựng kế hoạch quản lý rừng 5 năm và hàng năm, các thôn đều lập quy ước bảo vệ rừng; quy định thủ tục xin phép và khai thác gỗ gia dụng…

     Đến nay, sau hơn hai năm thực hiện, kết quả tổng kết Dự án cho thấy, 100% diện tích rừng nhận khoán đều được quản lý tốt, tình trạng khai thác gỗ và xâm hại rừng trái phép được phát hiện và xử lý kịp thời nên không gây thiệt hại về rừng. Các loài động vật đặc hữu đã được khoanh vùng và bảo vệ. Người dân được giao quản lý rừng đã khai thác một số lâm sản phụ dưới tán rừng (được chính quyền địa phương cho phép) và khai hoang đất trồng trọt, chăn nuôi gia súc, góp phần cải thiện kinh tế. Cùng với đó, chiến lược quản lý rừng cộng đồng được áp dụng toàn xã, với công cụ quản lý đồng bộ từ hệ thống thu thập và báo cáo thông tin đầy đủ, cụ thể, tình trạng mất rừng suy thoái rừng giảm đáng kể.

     Mặt khác, người dân được tập huấn nâng cao nhận thức, năng lực quản lý và bảo vệ rừng, hướng dẫn các kỹ thuật canh tác và chăm sóc, trang bị các kiến thức về quản lý rừng (đọc bản đồ, lên kế hoạch tuần tra, viết báo cáo, hướng dẫn quy trình kỹ thuật…); các hoạt động bảo vệ rừng của chủ rừng được duy trì từ nguồn hỗ trợ của Quỹ cácbon cộng đồng; thể chế quản lý rừng dần đi vào hoạt động.

     Trong thời gian tới, Dự án sẽ kiến nghị với UBND xã Hiếu phê duyệt quy trình thủ tục cấp phép, giám sát khai thác gỗ gia dụng và hướng dẫn cộng đồng hoàn thành các thủ tục khai thác gỗ; Nghiên cứu bổ sung chính sách hưởng lợi sản phẩm gỗ phù hợp với từng loại rừng; Trạm kiểm lâm xã tăng cường phối hợp với các tổ bảo vệ rừng tuần tra, cập nhật các thông tin về rừng; Thực hiện quy ước bảo vệ rừng; Giải quyết vốn vay ưu đãi cho các hộ kinh doanh rừng; Tiếp tục quy hoạch sử dụng đất lâm nghiệp, hoàn thành thủ tục giao rừng cho các thôn trong xã…

 

      Nhật Minh

Nguồn: Chuyên đề Tăng trưởng xanh - Tạp chí Môi trường 2014

 

 

 

Ý kiến của bạn