Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 28/11/2024

Chế biến nước rửa chén từ rác thải

26/06/2015

     Sau Chương trình tập huấn “Phát triển cộng đồng nghèo đô thị châu Á” tại Thái Lan vào năm 2012, chị Trịnh Thị Hồng tại Đà Nẵng đã nhen nhóm ý tưởng “Chế biến nước rửa chén, nước lau nhà từ rác thải”. Nguyên liệu để chế biến rác thải thành dung dịch tẩy rửa gồm có rác thực vật, nước, đường và các thùng nhựa. Rác thực vật cắt ngắn khoảng 3 cm, trộn đều với những nguyên liệu còn lại ủ trong thùng kín 30 ngày.

 

Cắt nhỏ rác thải để ủ

 

Dịch thu được sau khi ủ rác thải

 

     Sau 30 ngày, dung dịch được tách ra khỏi xác thực vật có màu vàng, có thể dùng ngay nhưng nhược điểm còn mùi hôi khó chịu. Để khử mùi hôi và tạo màu, dung dịch sẽ được lọc qua bông gòn nhiều lần trước khi ủ thêm 45 ngày với các chất khử mùi và tạo màu như các chế phẩm từ cà tím, nghệ tinh bột để cho ra dung dịch rửa chén và lau nhà hoàn hảo. Đây là công đoạn khó khăn nhất, đến nay mới chỉ có chị Hồng xử lý thành công.

     Theo chị Hồng, biến rác thải thành dung dịch tẩy, rửa rất hữu ích đối với mọi gia đình, vừa tiết kiệm chi phí vừa lợi cho sức khỏe. Quan trọng hơn, thông qua mô hình này, người dân chung tay thu gom rác thải qua đó làm môi trường sống sạch sẽ hơn.

     Với hiệu quả đạt được từ mô hình xử lý rác thải, chị Hồng đã đem công thức này tập huấn cho các chi hội phụ nữ trên địa bàn. Đến nay, đã có 31 Chi hội phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng biết cách chế biến rác thải thành chất rửa chén và lau nhà.

     Bà Huỳnh Thị Lệ, Chủ tịch Hội LHPN phường Hòa Minh, cho hay: “Quy trình chế biến từ rác thải thành dung dịch tẩy rửa không phức tạp nên chúng tôi đã mở các lớp tập huấn cho chị em phụ nữ trong phường, sắp tới sẽ giới thiệu ở quy mô TP”.

 

Chị Hồng bên thành phẩm xử lý từ rác thải
 

     Hiện chị Hồng đang đề xuất lên chính quyền xin thành lập “Tổ hợp tác” để mở rộng mô hình xử lý rác thải thành sản phẩm có ích. “Tổ hợp tác” này sẽ có nhiệm vụ tạo ra sản phẩm dung dịch nước rửa chén, dung dịch lau nhà, giải quyết việc làm cho 13 lao động tại địa phương, góp phần bảo vệ môi trường trong khu dân cư.

     “Mô hình biến rác thải thành dung dịch rửa chén và lau nhà do chị sáng chế đang được một tổ chức phi chính phủ của Đức quan tâm. Sắp tới, tổ chức này sẽ sang Việt Nam để đánh giá lại hiệu quả để có hướng hỗ trợ nhân rộng” - chị Hồng nói.

 

 

Phạm Tuyên

 

Ý kiến của bạn