Banner trang chủ
Thứ Tư, ngày 27/11/2024

Cần kiểm soát chặt chẽ việc gây nuôi động vật hoang dã tại Việt Nam

20/01/2015

     Các loài động vật hoang dã (ĐVHD) nói chung và ĐVHD quý hiếm nói riêng là tài nguyên thiên nhiên vô cùng quý giá, góp phần quan trọng trong việc tạo nên cân bằng sinh thái, bảo đảm môi trường sống trong lành cho con người. Vì vậy, mỗi quốc gia, mỗi dân tộc và mọi người phải có trách nhiệm bảo vệ các loài ĐVHD, tạo nên môi trường sống thuận lợi cho chúng nhằm bảo tồn và phát triển.

     Gây nuôi ĐVHD: Những quan điểm trái chiều

     Hiện nay, tại Việt Nam, các trang trại gây nuôi ĐVHD (doanh nghiệp, tập thể, cá nhân) đang phát triển mạnh mẽ với khoảng 4.000 cơ sở đã đăng ký với cơ quan chức năng ở cả 63 tỉnh, thành phố và có khoảng 1 triệu con thuộc 100 loài đang được nuôi, trong đó có các loài như hươu, nai, lợn rừng, nhím, trăn, cá sấu, khỉ đuôi dài và rắn các loại... Những người đang hoạt động trong mô hình này cho rằng, gây nuôi ĐVHD không chỉ đáp ứng một phần nhu cầu thực tế trong nước và xuất khẩu mà còn góp phần đảm bảo cho công tác bảo tồn nguồn gen, là công cụ hữu hiệu giúp xóa đói giảm nghèo, đồng thời giảm bớt áp lực săn bắt trong tự nhiên.

     Tuy nhiên, cũng có những ý kiến cho rằng, gây nuôi ĐVHD không làm giảm sức ép lên ĐVHD trong tự nhiên, mà một số trường hợp động vật bị săn bắt trái phép từ tự nhiên được hợp pháp hóa trong các trang trại gây nuôi - nơi luôn tiềm ẩn nguy cơ vật nuôi sổng chuồng và có thể truyền bệnh cho các cá thể loài trong tự nhiên. Hiệp hội Bảo tồn ĐVHD đã phối hợp với Cục Kiểm Lâm Việt Nam tiến hành cuộc khảo sát trên 78 trang trại gây nuôi tại Việt Nam. Kết quả cho thấy, có 22 loài hiện đang được gây nuôi tại các trang trại, trong đó có 12 loài bị đe dọa cấp quốc gia, 6 loài bị đe dọa trên toàn cầu, 4 loài được bảo vệ ở cấp quốc gia và 5 loài có tên trong Phụ lục 1 của Công ước CITES. Thay vì hoạt động với mục đích bảo tồn, các trang trại gây nuôi ĐVHD vì mục đích thương mại trên thực tế lại trở thành mối đe dọa đối với các loài ĐVHD trong tự nhiên. Qua khảo sát, có tới 42% số trang trại thường xuyên nhập ĐVHD từ tự nhiên làm con giống; 50% chủ trang trại thừa nhận con giống ban đầu của họ có nguồn gốc từ tự nhiên, hoặc bao gồm cả nguồn giống từ tự nhiên và từ động vật gây nuôi có sinh sản.

     Mặc dù còn nhiều tranh cãi về vấn đề này, nhưng nhìn chung việc gây nuôi ĐVHD đã đạt được một số kết quả có ý nghĩa như giúp phát triển kinh tế hộ gia đình ở các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa; có tác dụng tốt trong việc giáo dục môi trường và giải trí; đặc biệt là bảo tồn được nguồn gen. Ví dụ như hươu sao, cá sấu Việt Nam gần như đã tuyệt chủng nhưng nhờ gây nuôi sinh sản đã bảo tồn được nguồn gen. Song bất cập ở chỗ các cơ sở gây nuôi chưa có những đóng góp thực tế vào việc bảo tồn các nguồn gen trong tự nhiên. Bên cạnh đó, hệ thống quản lý nhà nước cũng chưa chặt chẽ nên vẫn có nhiều quan ngại về tính minh bạch của các trại gây nuôi và hiệu quả của việc giảm áp lực lên tự nhiên.

     Cần hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật

     Theo các quy định của Luật Đa dạng sinh học (ĐDSH), hoạt động gây nuôi là một hoạt động của cơ sở bảo tồn ĐDSH. Khoản 4, Điều 3, Luật ĐDSH định nghĩa: “Cơ sở bảo tồn ĐDSH là cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng, cứu hộ, nhân giống loài hoang dã, cây trồng, vật nuôi, vi sinh vật và nấm đặc hữu, có giá trị; lưu giữ, bảo quản nguồn gen và mẫu vật di truyền phục vụ mục đích bảo tồn và phát triển ĐDSH”. Khoản 1 Điều 42 Luật ĐDSH quy định cơ sở bảo tồn ĐDSH bao gồm “Cơ sở nuôi, trồng loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ; Cơ sở cứu hộ loài hoang dã; Cơ sở lưu giữ giống cây trồng, vật nuôi, vi sinh vật và nấm đặc hữu, nguy cấp, quý, hiếm có giá trị đặc biệt về khoa học, y tế, kinh tế, sinh thái, cảnh quan, môi trường hoặc văn hóa - lịch sử; cơ sở lưu giữ, bảo quản nguồn gen và mẫu vật di truyền.” Thẩm quyền cấp giấy chứng nhận cơ sở bảo tồn ĐDSH thuộc UBND cấp tỉnh (Khoản 4 Điều 42 Luật ĐDSH) (Điều 17 Nghị định 65/2010/NĐ-CP).

     Cơ sở bảo tồn ĐDSH không đáp ứng được các quy định khoản 2 Điều 42 Luật ĐDSH, không hoạt động sau 12 tháng, có hành vi vi phạm pháp luật thì UBND cấp tỉnh thu hồi giấy chứng nhận (Khoản 4, Điều 17 Nghị định số 65/2010/NĐ-CP). Cơ sở bảo tồn ĐDSH thành lập trước ngày Luật ĐDSH có hiệu lực mà không đáp ứng các điều kiện tại khoản 2 Điều 42 của Luật ĐDSH, nếu muốn tiếp tục hoạt động thì phải bổ sung đủ các điều kiện để được cấp giấy chứng nhận trước 31/12/2012. Rõ ràng trên thực tế quy định này vẫn chưa được triển khai thực hiện bất kể mốc thời gian trên đưa ra. Do hiện vẫn chưa có hướng dẫn kỹ thuật cụ thể về diện tích đất đai, chuồng trại, cơ sở vật chất, cán bộ kỹ thuật, năng lực tài chính của cơ sở bảo tồn ĐDSH theo Khoản 2, Điều 42 Luật ĐDSH để có thể xem xét việc cho hoạt động hay thu hồi hay cấp mới. Các quy định trên chưa được tổng kết việc thực hiện và báo cáo tình hình thu hồi và cấp lại giấy chứng nhận của UBND cấp tỉnh.

 

Hai con vượn thuộc loài động vật rừng quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng

được nuôi nhốt trong một trang trại ở Bình Dương

 

     Thực tế hiện nay, việc cấp giấy chứng nhận cho các cơ sở gây nuôi vẫn do Chi cục kiểm lâm tiến hành theo quy định tại Điều 1 về thủ tục đăng ký trại nuôi sinh sản, sinh trưởng ĐVHD thông thường của Thông tư số 25/2011/TT-BNNPTNT (gồm cả trường hợp các cơ sở gây nuôi các động vật trong danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ). Tuy nhiên, Điều 1 của Thông tư số 25/2011/TT-BNNPTNT đã được thay thế bởi Thông tư số 47/2012/TT-BNNPTNT Quy định về quản lý khai thác từ tự nhiên và nuôi động vật rừng thông thường. Như vậy, phạm vi quản lý đã thu hẹp lại chỉ bao gồm động vật rừng thông thường chứ không phải toàn bộ các loại ĐVHD, nên việc quản lý gây nuôi các loài ĐVHD khác không phải là động vật rừng vẫn còn là khoảng trống và đặc biệt gây nuôi đối với loài nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ vẫn còn bỏ ngỏ.

     Tăng cường xây dựng và thực thi chính sách pháp luật

     Quan điểm chung về chính sách quản lý bảo vệ ĐVHD nguy cấp, quý hiếm được xây dựng dựa trên các quan điểm về bảo tồn ĐVHD, nguy cấp, quý hiếm, về mức độ ưu tiên bảo vệ đối với các loài khác nhau mà có chế độ quản lý khác nhau như loài nằm trong danh mục ưu tiên bảo vệ và loài nằm ngoài danh mục, tùy vào tình hình thực tiễn mà có sự điều chỉnh danh mục. Tùy theo mức độ ưu tiên mà các loài nằm trong danh mục phải được nghiêm cấm tuyệt đối khai thác, tiêu thụ, gây nuôi vì mục đích thương mại, còn đối với các loài nguy cấp, quý hiếm nằm ngoài danh mục ưu tiên bảo vệ cũng phải có chế độ quản lý phù hợp, dần dần hạn chế việc tiêu thụ hay gây nuôi.

     Trên thực tế, nhu cầu tiêu thụ ĐVHD nguy cấp, quý hiếm chủ yếu là nhu cầu dùng làm thực phẩm và dược phẩm trong y học cổ truyền. Đối với nhu cầu về thực phẩm, việc tiêu thụ ĐVHD nguy cấp, quý hiếm không phải là vì nhu cầu thực phẩm thiết yếu mà chủ yếu là cho thú vui ẩm thực xa hoa, hám lạ của một số người. Các loài động vật nuôi thuần hóa hoàn toàn đáp ứng được nhu cầu thực phẩm thông thường của con người từ bao đời nay, có sự đảm bảo về chất lượng dinh dưỡng, an toàn kiểm dịch. Đối với nhu cầu về dược phẩm trong y học cổ truyền, các nhà khoa học đã khẳng định một số vị thuốc từ ĐVHD nguy cấp, quý hiếm hoàn toàn có thể được thay thế bằng vị thuốc từ cây trồng, vật nuôi khác mà không làm giảm đi giá trị. Một số công dụng như “thần dược” của một số loài là chưa hề được chứng minh, mà chỉ là tin đồn, ví dụ như công dụng từ sừng tê giác. Chính vì vậy, công tác tuyên truyền không tiêu thụ ĐVHD nguy cấp, quý hiếm và sản phẩm của chúng vẫn là giải pháp ưu tiên hàng đầu trong xây dựng chính sách về quản lý bảo tồn ĐVHD.

     Ngoài ra, xét về mặt khoa học, việc gây nuôi ĐVHD vì mục đích thương mại thuần túy sẽ không đem lại lợi ích thiết thực cho công tác bảo tồn nếu vật nuôi không được thả về thiên nhiên; không có các hoạt động nâng cao nhận thức về bảo tồn cho các trang trại gây nuôi. Các trang trại không đóng góp kinh phí hỗ trợ cho các hoạt động bảo tồn và không có nghiên cứu về bảo tồn nào được thực hiện trên các loài gây nuôi. Các loài vật chỉ thực sự được bảo tồn nếu chúng được sinh trưởng trong hệ sinh thái tự nhiên. Như vậy, mục tiêu cuối cùng của bất kỳ nỗ lực bảo tồn nào, trong đó bao gồm các trang trại gây nuôi ĐVHD là phải hướng tới tăng cường công tác bảo tồn các loài động vật trong tự nhiên. Hơn nữa, ở nước ta hiện nay, với năng lực thực thi pháp luật và năng lực giám sát trang trại gây nuôi hiện tại, việc tồn tại song song các trang trại gây nuôi các loài hoang dã nguy cấp với những quần thể sinh trưởng và phát triển của các loài đó trong tự nhiên là không thực tế. Có thể thấy được mối đe dọa nghiêm trọng của các trang trại gây nuôi ĐVHD vì mục đích thương mại tới công tác bảo tồn các quần thể loài trong tự nhiên. Chính vì vậy những giải pháp về chính sách chung được đưa ra như:

     Xây dựng các quy trình, hướng dẫn kỹ thuật cụ thể đối với các cơ sở gây nuôi ĐVHD nguy cấp, quý hiếm, được ưu tiên bảo vệ như tiêu chuẩn chuồng trại, chăm sóc, ăn uống, thú y…bao gồm cả tiêu chuẩn xác định cơ sở gây nuôi vì mục đích bảo tồn hay vì mục đích thương mại;

     Tiến hành rà soát lại việc triển khai các Chương trình phát triển, kiểm soát ĐVHD trên địa bàn các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Thanh tra, kiểm tra các cơ sở bảo tồn ĐDSH, xử lý nghiêm các hoạt động gây nuôi. Lưu ý đến thời hạn Nghị định số 65/2010/NĐ- CP đã đặt ra đối với cơ sở bảo tồn ĐDSH thành lập trước ngày Luật ĐDSH có hiệu lực mà không đáp ứng các điều kiện, nếu muốn tiếp tục hoạt động thì phải bổ sung đủ các điều kiện để được cấp giấy chứng nhận trước ngày 31/12/2012 (Khoản 5, Điều 17, Nghị định số 65/2010/NĐ-CP);

     Cần có những hình phạt nghiêm khắc dành cho những chủ trang trại vi phạm các điều luật bảo vệ ĐVHD. Các trang trại phải chịu trách nhiệm về các tài liệu chứng minh nguồn gốc của các con giống được gây nuôi;

     Các địa phương cần phải có sự kiểm soát thận trọng đối với sự phát triển hoạt động gây nuôi ĐVHD, ví dụ giới hạn những loài động vật được gây nuôi hay thực hiện nghiêm việc đăng ký, cấp phép theo quy định Điều 13 Nghị định số 160/2013/NĐ-CP. Các trang trại phải được kiểm tra định kỳ, lưu giữ hồ sơ cũng như xử lý các trường hợp vi phạm. Chủ trang trại phải chứng minh được nguồn gốc của các động vật gây nuôi là đúng luật. Cần xử lý nghiêm trường hợp động vật nuôi không có giấy tờ hay không chứng minh được nguồn gốc.

    Không khuyến khích việc gây nuôi hay và tiêu thụ ĐVHD vì mục đích lợi nhuận.

 

GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh

Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam

Nguồn: Tạp chí Môi trường, số 12/2014

 

Ý kiến của bạn