Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 29/11/2024

Cần có chính sách khuyến khích doanh nghiệp tham gia thiết kế, chế tạo công nghệ xử lý môi trường

19/11/2015

   Hiện nay, nhu cầu về nước không ngừng tăng, cùng lúc nguồn nước sạch đang giảm dần đặt ra thách thức lớn cho việc quản lý và tái sử dụng nước. Đây cũng là cơ hội cho các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo trong công tác xử lý nước thải (XLNT). Là đơn vị nghiên cứu, ứng dụng các công nghệ XLNT sinh hoạt tại nguồn ở Việt Nam, ông Đỗ Tất Việt - Tổng Giám đốc Công ty CP Xây dựng - Thương mại và Môi trường Hà Nội (Công ty Hactra) sẽ chia sẻ một số kinh nghiệm về việc cải tiến chất lượng, nâng cao hiệu quả xử lý, đáp ứng thị trường XLNT trong cả nước.

Ông Đỗ Tất Việt - Tổng Giám đốc Công ty Hactra

   Nhằm tăng cường hiệu quả quản lý thoát nước và XLNT tại đô thị, khu công nghiệp và khu dân cư tập trung cũng như sử dụng nguồn tài nguyên nước bền vững, ngày 3/4/2015, Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư số 04/2015/TT-BXD hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 80/2014/NĐ-CP ngày 6/8/2014 của Chính phủ về thoát nước và XLNT. Là đơn vị nghiên cứu, ứng dụng các công nghệ XLNT sinh hoạt tại nguồn, theo ông đây sẽ là cơ hội cho những đổi mới sáng tạo trong việc XLNT tại Việt Nam?

   Ông Đỗ Tất Việt: Có thể nói, Nghị định số 80/2014/NĐ-CP về thoát nước thải và XLNT” đã thể hiện rõ sự quan tâm của Chính phủ về hoạt động thoát nước và XLNT nói chung trên phạm vi cả nước. Đồng thời, cũng tạo điều kiện để các cơ quan quản lý nhà nước giúp Chính phủ hoạch định chính sách, tạo ra động lực nhằm từng bước loại bỏ các công nghệ XLNT cũ, ít hiệu quả, thay thế vào đó là các công nghệ mới, tiên tiến, đảm bảo nước xả thải ra môi trường đạt tiêu chuẩn cho phép.

   Trong đó, Thông tư số 04/2015/TT-BXD của Bộ Xây dựng ra đời thể hiện rõ những điều kiện cần thiết và quyết liệt theo tinh thần cơ bản của Nghị định trong vấn đề BVMT, cụ thể về thoát nước và XLNT. Sau khi nghiên cứu Thông tư số 04/2015/TT-BXD, tôi xin chia sẻ một số suy nghĩ về các tiêu chí lựa chọn công nghệ XLNT phi tập trung như sau:

   Thứ nhất, Nghị định số 80/2014/NĐ-CP có 10 tiêu chí lựa chọn công nghệ, tiêu chí số 1 là “hiệu quả xử lý của công nghệ”, đây là điều kiện tiên quyết loại bỏ các công nghệ xử lý đã lạc hậu, kém hiệu quả.

   Thứ hai, việc hướng dẫn chọn công nghệ xử lý, Thông tư số 04/2015/TT-BXD chỉ ra 6 loại công nghệ cụ thể: Bể tự hoại; Bể lọc kỵ khí có vách ngăn; Bể tự hoại cải tiến có vách ngăn và ngăn lọc kỵ khí dòng hướng lên; Hồ kỵ khí, hồ hiếu - kỵ khí, hồ ổn định; Bãi lọc trồng cây; Bể phản ứng theo mẻ. Tuy nhiên, mỗi một nguồn thải có các tính chất thành phần ô nhiễm khác nhau, chỉ giới thiệu đơn thuần như vậy thì thật khó cho các chủ đầu tư trong việc lựa chọn công nghệ phù hợp với đối tượng nguồn thải. Trong số các công nghệ đó, có loại công nghệ đã quá cũ, lạc hậu, hiệu quả xử lý kém, không đáp ứng tiêu chí lựa chọn công nghệ của Nghị định số 80/2014/NĐ-CP, công nghệ đó cần phải loại bỏ. Cụ thể, bể tự hoại (bể phốt) tại thời điểm hiện nay không còn phù hợp, nước thải sau bể tự hoại nặng mùi và hàm lượng các chất ô nhiễm (BOD, N, P, Coliform...) ở mức độ cao hơn nhiều lần tiêu chuẩn cho phép. Mặt khác, bể tự hoại chỉ tiếp nhận nước thải đen từ bệ xí, nước thải xám (của máy giặt, nhà tắm, nhà bếp, rửa tay chân) không đưa vào bể tự hoại mà cho chảy thẳng vào cống công cộng, thành phần ô nhiễm của nước thải xám rất cao, gây ô nhiễm môi trường.

   Là đơn vị tiên phong “Ứng dụng công nghệ Johkasou (JKS) của Nhật Bản vào việc XLNT sinh hoạt tại nguồn ở Việt Nam” sau nhiều năm triển khai đến nay, công nghệ này đã phát huy hiệu quả như thế nào đối với công tác BVMT ở Việt Nam, thưa ông?

   Ông Đỗ Tất Việt: Năm 2006, Hactra là đơn vị đầu tiên giới thiệu JKS của Nhật Bản vào Việt Nam. Năm 2007, Hactra lắp đặt bộ JKS đầu tiên do Công ty Rimtech Nhật Bản sản xuất tại tòa nhà No - 6 khu đô thị mới Dịch Vọng, kết quả xử lý đến nay rất tốt. Từ đó, được sự quan tâm ủng hộ và khuyến khích của Chính phủ và đặc biệt là các doanh nghiệp quan tâm đến công tác BVMT, Công ty Hactra đã đầu tư nhiều thời gian và công sức nghiên cứu bản chất công nghệ của JKS, hoàn thiện cho phù hợp với điều kiện Việt Nam và đến nay, Công ty Hactra đã hoàn toàn làm chủ công nghệ này. Với việc không ngừng cải tiến, tăng cường nội địa hóa, JKS nâng cao hiệu quả xử lý, giảm giá thành sản xuất, đáp ứng thị trường XLNT trong cả nước.

   Những năm qua, Công ty đã thiết kế, chế tạo và cung cấp JKS xử lý theo quy trình AAO - MBBR (Anaerobic (Yếm khí) - Anoxic (Thiếu khí) - Moving bed biofilm reactor), với các quy mô công suất khác nhau cung cấp cho nhiều dự án trong cả nước như: Dự án Sacom Tuyền Lâm (Đà Lạt), một số Nhà máy trong khu công nghiệp Long Đức (Đồng Nai), khu công nghiệp Đình Trám (Bắc Giang); Sân golf Sóc Sơn (Hà Nội); Sân golf FLC (Thanh Hóa); Trại tạm giam công an Quảng Ninh… Các hệ thống JKS đã đưa vào sử dụng, chất lượng nước sau xử lý đạt các chỉ tiêu cột A QCVN 14/2008/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải sinh hoạt.

   Bên cạnh đó, Công ty cũng đã tham gia tư vấn lựa chọn công nghệ XLNT cho một số dự án lớn như: Dự án khu đô thị mới Đại Mỗ - Tây Mỗ của liên doanh Vinaconex - Viettel, khu đô thị mới Bắc Từ Liêm do VNCC chủ trì thiết kế, dự án cải tạo hạ tầng XLNT sinh hoạt Nhà máy TOYOTA (Vĩnh Phúc), dự án biệt thự sinh thái Bãi Cạn (Phú Quốc). . .

   Ngoài ra, Công ty Hactra đã đào tạo nhiều kỹ sư kỹ thuật môi trường, giúp họ nắm bắt được nguyên lý xử lý của JKS cung cấp cho nhiều dự án đầu tư trong nước cũng như nước ngoài đầu tư tại Việt Nam.

   Tôi tin tưởng JKS với công nghệ AAO - MBBR là hệ thống XLNT tiên tiến được ứng dụng rộng rãi tại Việt Nam.

   Được biết, hệ thống XLNT sinh hoạt tại nguồn JKS được áp dụng rộng rãi tại Nhật Bản mấy chục năm qua. Theo ông, Nhật Bản đã có những chính sách gì để triển khai thành công công nghệ này, cải thiện chất lượng cuộc sống người dân?

   Ông Đỗ Tất Việt: JKS ra đời và ứng dụng để XLNT tại Nhật Bản từ những năm 1960. Song hành với sự phát triển, hoàn thiện công nghệ JKS, Chính phủ Nhật Bản kịp thời ban hành các chính sách về JKS, cụ thể:

   Năm 1983, Nhật Bản ban hành “Luật JKS” quy định lại trách nhiệm và nghĩa vụ của người có liên quan trong công việc kinh doanh JKS và thiết lập một hệ thống cấp bằng cho các kỹ thuật viên về JKS. Cùng với bộ luật này, các chứng chỉ quốc gia về JKS như “Công nhân lắp đặt JKS” và “Người vận hành JKS” đã được phê chuẩn.

   Năm 1985, khi Luật JKS được thi hành, Bộ Y tế và Phúc lợi bắt đầu công việc khuyến khích lắp đặt JKS thông qua việc thành lập một văn phòng có tên là “Phòng các vấn đề về JKS”. Dưới sự lãnh đạo của Chính phủ, một chương trình tài trợ cấp quốc gia cho các cá nhân bắt đầu được thực hiện từ năm 1987 và một chương trình tài trợ cấp quốc gia khác cho chính quyền tại các thành phố bắt đầu được thực hiện từ năm 1994, với mục đích khuyến khích việc lắp đặt các hệ thống gappei-shori JKS.

   Một chương trình tài trợ cấp quốc gia khởi đầu với 100 triệu yên vào năm 1987 đã tăng lên 25,7 tỷ yên vào năm 2004. Năm 2005, hệ thống tài trợ quốc gia được tăng cường một phần nhờ có các chương trình tài trợ thông qua phân bổ thuế, bên cạnh đó chi tiêu quốc gia cho việc lắp đặt JKS cũng được tăng lên. Hỗ trợ tài chính của Chính phủ Nhật Bản đã giúp cho chính quyền tự trị thành phố và các cá nhân lắp đặt JKS giảm nhẹ được gánh nặng tài chính.

   Năm 2000, Luật JKS được sửa đổi và tandoku-shori JKS bị xóa tên trong Luật này. Luật sửa đổi yêu cầu các JKS mới được lắp đặt thuộc loại gappei-shori JKS. Cùng với việc tổ chức lại chính quyền Trung ương năm 2001, các công việc về JKS và quản lý rác thải được chuyển từ Bộ Y tế và Phúc lợi sang Bộ Môi trường, với yêu cầu mới là các hệ thống JKS không chỉ đóng vai trò trong việc XLNT sinh hoạt mà còn góp phần nâng cao chất lượng môi trường nước, tái tuần hoàn nước và nước thải cấp quốc gia.

Nhiều dự án trong cả nước lựa chọn công nghệ JKS vì đáp ứng hiệu quả xử lý môi trường 

 

   Từ những kinh nghiệm thực tế và của các nước trên thế giới, để triển khai có hiệu quả việc xử lý môi trường nói chung và XLNT nói riêng, theo ông Việt Nam cần những cơ chế, chính sách gì để đưa công nghệ tiên tiến vào kiểm soát ô nhiễm nước thải sinh hoạt hiện nay?

   Ông Đỗ Tất Việt: Nghị định của Chính phủ trong việc quyết tâm ngăn chặn ô nhiễm, BVMT sống trong lành có vai trò to lớn và mang tính quyết định. Chính phủ cần dành những ưu tiên thích đáng cho mục tiêu BVMT, bên cạnh mục tiêu phát triển kinh tế khác. Nghị định số 80/2014/NĐ-CP có giá trị về mặt chủ trương, nhưng để Nghị định đi vào cuộc sống, Chính phủ cần tiếp tục có sự quan tâm kiểm soát và điều chỉnh các bước triển khai trong thực tế. Một số chính sách cụ thể cần quan tâm như:

   Cần có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp có chuyên môn trong việc thiết kế và chế tạo công nghệ xử lý môi trường tham gia vào việc lựa chọn công nghệ xử lý có hiệu quả cao. Tiềm năng kinh nghiệm và những trải nghiệm thực tế của các doanh nghiệp trong việc tiếp cận các công nghệ tiên tiến rất lớn, cần có chính sách tập hợp và phát huy nguồn tài nguyên này. Nhật Bản đã làm rất tốt việc liên kết giữa các doanh nghiệp và hệ thống quản lý nhà nước trong phát triển công nghệ xử lý môi trường nói chung và XLNT nói riêng.

   Khi đã chọn được công nghệ xử lý tiên tiến, Chính phủ cần có một kế hoạch tài trợ tài chính cho người dân để khuyến khích toàn xã hội sử dụng công nghệ xử lý tiên tiến như Nhật Bản đã từng làm từ thập niên 80 của thế kỷ trước đối với JKS. Toàn bộ nước thải cần phải được xử lý ngay tại nơi phát sinh trước khi đổ vào hệ thống cống chung.

   Như đã phân tích ở trên, bể tự hoại không phải là bể XLNT, không cho phép tiếp tục xây dựng tại các công trình mới, các công trình xây dựng mới phải sử dụng công nghệ xử lý tiên tiến để XLNT.

   Đối với các bể tự hoại đã được xây dựng trước đây, cần phải kiểm tra khả năng cải tạo lại thành bể xử lý hoặc thay thế bằng công nghệ xử lý tiên tiến. Với những bể trong một địa bàn không thể cải tạo và cũng chưa thể thay thế, cần khảo sát và thực hiện việc thu gom nước thải sau bể tự hoại về một vị trí, tại đây sử dụng công nghệ xử lý tiên tiến để xử lý phi tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường mới cho đổ vào hệ thống cống chung.

Xin cảm ơn ông.

                N. Hưng (Thực hiện)

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 10 - 2015)

Ý kiến của bạn