Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 26/12/2024

Cần bảo tồn và sử dụng bền vững Vườn quốc gia Ba Vì, di sản thiên nhiên độc đáo của Hà Nội

10/05/2016

   Ngay trong thập kỷ đầu của thế kỷ XX, địa danh Ba Vì đã từng được biết đến với các nguồn tài nguyên khí hậu rừng và giá trị đa dạng sinh học (ĐDSH) cùng với nền văn hóa lịch sử lâu đời. Năm 1991, khu rừng cấm Ba Vì được thành lập, sau đó chuyển thành Vườn quốc gia (VQG) Ba Vì vào ngày 18/12/1991 với diện tích 7.300 ha. Khi Hà Nội quy hoạch mở rộng nhằm tăng cường bảo vệ các hệ sinh thái (HST) tự nhiên và ĐDSH, VQG Ba Vì được mở rộng diện tích 10.814 ha với 3 phân khu chức năng: Phân khu bảo vệ nghiêm ngặt có diện tích 1.648 ha; phân khu phục hồi sinh thái với diện tích 8.825 ha; phân khu hành chính dịch vụ 340 ha và vùng đệm với diện tích 40.697,4 ha, là nơi sinh sống phát triển kinh tế của nhân dân tại 16 xã, 5 huyện thuộc 2 tỉnh Hòa Bình và Hà Nội.

VQG Ba Vì được xem như là lá phổi xanh của cư dân Hà Nội

   Đặc trưng của VQG Ba Vì là dãy núi đơn lẻ hiện lên giữa châu thổ sông Hồng rộng lớn với các đỉnh núi cao như: Đỉnh Vua cao 1.270 m, đỉnh Tản Viên cao 1.227 m, đỉnh Ngọc Hoa cao 1.131 m, đỉnh Viên Nam cao 1.012 m so với mực nước biển; lưng chừng có những dãy núi đá vôi hùng vỹ như Đá Chông, Đá Chẹ. VQG Ba Vì là bức bình phong, nơi nương tựa vững chắc cho hàng chục vạn cư dân người Kinh, Mường và Dao tồn tại và phát triển trong quá trình lịch sử, trên vùng đất Thăng Long nghìn năm văn hiến. VQG Ba Vì xưa và nay được xem như lá phổi xanh của cư dân Hà Nội, là phòng thí nghiệm sinh động nghiên cứu về tự nhiên và xã hội học bởi sự đa dạng về hệ sinh thái tự nhiên, nhân văn.

   Đặc trưng ĐDSH của VQG Ba Vì

   Ngay từ năm 1886, nhà thực vật học người Pháp B.Balansa đã đến rừng núi Ba Vì nghiên cứu, thu thập được 5.066 tiêu bản thực vật và đã công bố trong cuốn Thực vật Chí Đông Dương một danh sách gồm 673 loài thực vật thuộc 469 chi. Cho đến nay, các nhà thực vật học Việt Nam đã điều tra, bổ sung vào danh sách thực vật thuộc VQG Ba Vì là 1.526 loài thuộc 209 họ của 6 ngành thực vật bậc cao có mạch, trong đó có 503 loài cây có giá trị dược liệu, đặc biệt có 16 loài thực vật đặc hữu mang tên địa danh Ba Vì như: Thu hải đường Ba Vì (Begonia baviensis), sặt Ba Vì (Fargesia baviensis), mua Ba Vì (Alomorphia baviensis), bời lời Ba Vì (Litsea baviensis), cau rừng Ba Vì (Pinanga baviensis)... Ngoài ra, VQG còn là nơi cư trú của 348 loài động vật hoang dã (thú, chim, bò sát lưỡng cư, 552 loài côn trùng, trong đó có 30 loài động vật, 49 loài thực vật quý hiếm có tên trong Sách Đỏ Việt Nam (2007) và Danh lục Đỏ thế giới (2015). Đây là nguồn vốn tự nhiên quý giá của Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng.

   VQG Ba Vì có chức năng như máy điều hòa khí hậu khổng lồ, rừng đầu nguồn của các dòng sông, hồ lớn của các cánh đồng nông nghiệp ven đô, hạn chế lũ quét sạt lở, xói mòn đất, hấp thụ các-bon. Cộng đồng sống xung quanh chân núi Ba Vì đã tích lũy nhiều tri thức bản địa, truyền thống trong việc bảo vệ rừng để hỗ trợ phát triển các vùng sinh thái cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao như các trang trại gà đồi, bò, dê, thỏ, lợn mán, ong lấy mật, vườn chè xanh, đặc biệt là các vườn cây thuốc dân gian có giá trị cao.

   Bên cạnh đó, VQG Ba Vì hiện hữu nhiều khu di tích văn hóa lịch sử quốc gia nổi tiếng: Đền Đức thánh Tản Viên; Đền thờ Bác Hồ, Khu K9... Vì vậy, VQG Ba Vì là một trong những điểm đến lý tưởng không chỉ đối với cộng đồng 54 dân tộc anh em con Hồng, cháu Lạc mà còn là nơi gặp gỡ của bạn bè quốc tế khi các đặc điểm tự nhiên, HST rừng, đất ngập nước, các cảnh quan, ĐDSH, di tích văn hóa lịch sử được bảo tồn và phát triển bền vững.

   Các mối đe dọa đối với VGQ Ba Vì

   Hiện nay, cùng với quá trình mở rộng Thủ đô, một số khu du lịch sinh thái, resort, khu vui chơi, giải trí... đã không tuân thủ luật pháp, không dựa trên cơ sở khoa học để quy hoạch, xây dựng, gây ra những tác động xấu đối với cảnh quan tự nhiên, ĐDSH.

   Luật Bảo vệ và phát triển rừng (2004), Luật ĐDSH (2008)... đã quy định rõ những việc được làm và nghiêm cấm không được làm trong các phân khu chức năng của hệ thống các khu rừng đặc dụng Việt Nam (VQG, khu dự trữ thiên nhiên, khu bảo tồn loài sinh cảnh, khu bảo vệ đất ngập nước...). Đối với phân khu bảo vệ nghiêm ngặt với mục tiêu bảo vệ toàn bộ tài nguyên rừng và đất rừng, các cảnh quan, HST và ĐDSH, các di tích, nhằm phục vụ nghiên cứu khoa học về bảo tồn quản lý bền vững ĐDSH, nghiêm cấm mọi hoạt động ảnh hưởng đến HST và ĐDSH. Phân khu phục hồi sinh thái với mục tiêu chính là phục hồi các HST đã bị tác động, tổ chức thực hiện nghiên cứu xây dựng các mô hình phục hồi cảnh quan, thăm quan du lịch không gây tổn hại, ảnh hưởng đến quá trình phục hồi rừng và ĐDSH. Phân khu dịch vụ hành chính là nơi được phép xây dựng các công trình nhà làm việc, sinh hoạt của Ban quản lý khu bảo tồn (Hạt kiểm lâm, Trung tâm nghiên cứu khoa học, phòng bảo tàng, trưng bày vật mẫu…) nhằm phục vụ quản lý hài hòa giữa bảo tồn và sử dụng hợp lý diện tích đất đã được quy hoạch theo đúng chức năng, quy định pháp luật.

   Trong Chiến lược quốc gia về bảo tồn ĐDSH, trong đó có quy hoạch hệ thống các khu bảo tồn thiên nhiên (BTTN) ở Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 có đề cập đến các mục tiêu như hạn chế và xóa bỏ hoàn toàn tình trạng xâm lấn diện tích các khu BTTN và VQG đảm bảo tổng diện tích các khu rừng đặc dụng của cả nước là 2,3 triệu ha; Bảo tồn và phát triển bền vững các loài động, thực vật nguy cấp quý hiếm; Phục hồi các HST trên cạn, rừng ngập mặn đã bị suy thoái; Chấm dứt việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất trong khu rừng đặc dụng trái với các quy định hiện hành. Tất cả các khu rừng đặc dụng (VQG, khu dữ trữ thiên nhiên, khu bảo tồn loài, sinh cảnh, khu bảo vệ cảnh quan...) phải được tổ chức bảo tồn quản lý, giám sát một cách nghiêm ngặt.

   Nhưng rất tiếc, vừa qua đã xảy ra việc xây dựng các khu resort trên các độ cao 600 m, 800 m so với mực nước biển ở VQG Ba Vì. Việc không tuân thủ các quy định hiện hành về quản lý, sử dụng đất trong VQG Ba Vì đã được dư luận xã hội quan tâm, đồng thời cũng là điều đáng suy nghĩ đối với các cơ quan quản lý, cũng như chủ sở hữu các khu resort. Mặc dù, vấn đề tổ chức kinh doanh du lịch nói chung và du lịch sinh thái nói riêng ở Việt Nam là “ngành kinh tế không khói” có tiềm năng, nhưng cần phải tuân thủ các quy định đã nêu trong Luật Bảo vệ và phát triển rừng, Luật ĐDSH... Du lịch sinh thái phải là nền kinh tế xanh không ảnh hưởng đến cảnh quan tự nhiên, ĐDSH mà ngược lại hỗ trợ đắc lực cho sự nghiệp bảo tồn ĐDSH, bảo vệ cảnh quan VQG, khu BTTN ở Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng.

   Ý kiến của các cơ quan chức năng về việc xây dựng trái phép tại VQG Ba Vì

   Theo dõi tình hình xử lý của Bộ NN&PTNT

   Tại cuộc họp báo thường kỳ Chính phủ tháng 2/2016, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Khắc Định cho biết, theo Luật Bảo vệ và phát triển rừng, việc quản lý và cho thuê rừng thuộc thẩm quyền của chủ rừng, trường hợp này chủ rừng là VQG Ba Vì, thuộc quản lý của Bộ NN&PTNT. Do đó, ngay sau khi có thông tin về việc xây dựng resort trong VQG Ba Vì, Thủ tướng đã có văn bản giao Bộ NN&PTNT kiểm tra xử lý. Văn phòng Chính phủ đã báo cáo Thủ tướng và sẽ tiếp tục theo dõi tình hình xử lý của Bộ NN&PTNT.

   Đình chỉ công trình trái phép từ ngày 1/3

   Ngày 29/2/2016, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát đã chỉ đạo Tổng cục Lâm nghiệp tổ chức ngay đoàn thanh tra, kiểm tra làm rõ việc xây dựng các công trình trái phép tại VQG Ba Vì, xã Tản Lĩnh, huyện Ba Vì (TP. Hà Nội). Đồng thời yêu cầu các chủ đầu tư đình chỉ ngay việc thi công xây dựng công trình trái phép tại VQG Ba Vì kể từ ngày 1/3/2016.

   Quyết định phê duyệt báo cáo ĐTM là căn cứ để cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương thực hiện và cấp phép xây dựng cho Dự án

   Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Mai Thanh Dung, tháng 6/2015, Bộ TN&MT đã phê duyệt Báo cáo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của Dự án đầu tư xây dựng Khu dịch vụ du lịch sinh thái trong phân khu hành chính dịch vụ 1 - VQG Ba Vì. Theo nội dung mô tả hiện trạng môi trường khu vực Dự án trong Báo cáo ĐTM, ở cốt 600 m là khu vực biệt thự nghỉ cuối tuần của Pháp đã bị phá hủy và xuống cấp, chỉ còn một số phế tích như các nhà biệt thự, trạm gác, trại lính, trại gái, sân bay, khách sạn, câu lạc bộ sĩ quan… Cũng theo Báo cáo ĐTM, chủ đầu tư sẽ sửa chữa, tu bổ các công trình này thành công trình dịch vụ du lịch và thực tế hiện nay là Khu nghỉ dưỡng Le Mont Bavi Resort & Spa. Theo Luật BVMT 2014, Quyết định phê duyệt báo cáo ĐTM là căn cứ để cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương thực hiện và cấp phép xây dựng cho Dự án. Do đó, không biết sau khi được phê duyệt Báo cáo ĐTM, chủ đầu tư đã đệ trình các cơ quan chức năng có liên quan khác để xin cấp phép theo quy định hay chưa?

   Chưa nhận được văn bản nào của cơ quan quản lý và chủ đầu tư

   Theo Bộ Tư lệnh Thủ đô, cốt 600m VQG Ba Vì nằm trong khu vực quốc phòng. Toàn bộ đất đai do Bộ NN&PTNT quản lý, nhưng việc lập dự án khai thác đều phải xin ý kiến thỏa thuận với Bộ Quốc phòng về tính chất, quy mô, chức năng hoạt động trong kết hợp giữa phát triển kinh tế, xã hội với bảo đảm an ninh, quốc phòng. Trong trường hợp được phép khai thác sử dụng, chủ đầu tư không được làm biến đổi địa hình, biến dạng thực địa. Hiện Bộ Tư lệnh Thủ đô chưa nhận được văn bản nào của cơ quan quản lý, chủ đầu tư trong quá trình triển khai Dự án. Mặt khác, do Dự án nằm sâu trong khu vực rừng đặc dụng của VQG Ba Vì do Bộ NN&PTNT quản lý nên các lực lượng quân đội không nắm được việc triển khai xây dựng.

GS. TSKH Đặng Huy Huỳnh

Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 3/2016)

Ý kiến của bạn