Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 26/12/2024

Cần bảo tồn các loài rùa biển Việt Nam

10/05/2016

   Tết vừa qua, “cụ Rùa” và Hồ Gươm được nhắc đến trong nhiều câu chuyện và trên các diễn đàn không chỉ của người dân Hà Nội. Gắn với truyền thuyết Lê Lợi trả gươm báu, cụ Rùa được trân trọng như là một di sản quốc gia. Nhưng ít người biết Việt Nam còn có quần thể rùa biển quý giá bao gồm 5 loài. Hiện nay, quần thể rùa này đang phải đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng do sự khai thác quá mức của con người cùng với sự thay đổi của môi trường, đặc biệt trong khoảng bốn thập niên gần đây.

   Các mối đe dọa đối với rùa biển

   Rùa biển có mặt trên Trái đất từ 250 triệu năm trước, là sinh vật trải qua nhiều sinh cảnh và hệ sinh thái khác nhau trong quá trình di cư phát triển và sinh sản. Rùa biển được xem là một trong những chỉ số đánh giá sự khỏe mạnh của môi trường biển. Trước đây, rùa biển phân bố hầu hết trên các vùng biển của Việt Nam với mật độ cao. Tuy nhiên, hiện nay cả 5 loài rùa biển của Việt Nam đều suy giảm đáng kể về số lượng bởi các hoạt động của con người, từ đánh bắt ngẫu nhiên khi rùa biển vô tình lọt vào lưới, cho đến các hoạt động đánh bắt chủ ý mang tính chất hủy diệt; từ việc người dân xả rác thải ra biển đến các hoạt động phát triển như xây dựng kè chống xói mòn, các công trình ven biển, khai thác cát ở quy mô tận kiệt làm mất các bãi đẻ trứng của rùa biển.

   Cần bảo tồn các loài rùa biển

   Bảo vệ các loài có nguy cơ tuyệt chủng như rùa biển đã được WWF-Việt Nam thực hiện từ những năm 1990, bắt đầu từ Vườn quốc gia (VQG) Côn Đảo. Việc bảo tồn rùa biển và bãi đẻ của rùa tại Côn Đảo đã đạt được thành công trong việc đảm bảo tỷ lệ nở cao cũng như các sinh cảnh sống gần bờ của rùa biển. Trong năm 2008 - 2009, WWF hợp tác với VQG Côn Đảo triển khai hệ thống gắn thiết bị vệ tinh theo dõi đường di cư của rùa biển từ Côn Đảo. VQG Côn Đảo đã trở thành phòng thí nghiệm sống cho các khu vực bờ biển khác có rùa đẻ tại Việt Nam.

   Từ năm 2007 - 2009, WWF đã phối hợp với Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) và UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu xây dựng Khu bảo tồn biển Côn Đảo. Các khu bảo tồn biển là một công cụ hiệu quả để bảo vệ rùa biển và môi trường sống của chúng. Đến nay, Côn Đảo là nơi duy nhất ở Việt Nam, rùa biển vẫn đến để làm tổ và số lượng rùa trở lại hàng năm được duy trì.

   Các mối đe dọa đối với rùa không chỉ ở bãi đẻ mà còn cả ngoài biển khi chúng di cư và tìm kiếm thức ăn. Theo nghiên cứu của WWF trong năm 2007, có khoảng hơn 1.000 con rùa biển bị ảnh hưởng bởi các hoạt động khai thác thủy sản hàng năm. Để giảm thiểu những tác động đó, WWF đã triển khai các hoạt động nâng cao nhận thức cho ngư dân về bảo vệ rùa biển, tập huấn phương pháp cứu hộ rùa, cử quan sát viên đi trên tàu của ngư dân để theo dõi, giám sát những tác động tới rùa biển và hướng dẫn ngư dân cứu hộ rùa biển. Ngoài ra, WWF khuyến khích ngư dân sử dụng lưỡi câu vòng thay thế lưỡi câu thường để giảm tác động tới rùa biển nhưng vẫn duy trì hiệu quả khai thác cá ngừ.

   Song song với nỗ lực bảo tồn tại chỗ và giảm thiểu tác động của hoạt động khai thác thủy sản đối với rùa biển, WWF cũng làm việc với các tổ chức, cộng đồng và địa phương để giải quyết vấn đề buôn bán rùa biển, đồng thời tăng cường công tác bảo tồn rùa trong cả nước. Kế hoạch hành động quốc gia về rùa biển đầu tiên (2005 - 2010) đã được thực hiện bởi các nỗ lực chung của WWF, IUCN, TRAFFIC và Bộ Thủy sản (nay là Bộ NN&PTNT). Hiện tại, Kế hoạch hành động này đang được Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT), IUCN, WWF và các bên liên quan cập nhật cho giai đoạn 2016 - 2025.

   Tuy nhiên, những nỗ lực của Chính phủ, các cơ quan liên quan và các tổ chức quốc tế tham gia vào bảo tồn loài sinh vật quý này cũng chưa đủ mà cần có sự góp sức của mọi người dân mới mang lại hiệu quả bền vững. Trước hết, mỗi cá nhân hãy từ chối việc ăn và sử dụng các sản phẩm từ rùa biển nói riêng, động vật hoang dã nói chung.

 

5 TRONG SỐ 7 LOÀI RÙA BIỂN TRÊN THẾ GIỚI ĐƯỢC PHÂN BỐ TẠI VIỆTNAM

   Tất cả các loài rùa biển tại Việt Nam đều được đưa vào Sách đỏ của IUCN và Sách Đỏ Việt Nam (danh sách các loài động thực vật hoang dã có nguy cơ tuyệt chủng) ở các cấp độ nguy cấp khác nhau.

   Rùa da (Dermochelys coriacea): Theo ước tính, ở Việt Nam, từ năm 1960 - 1970, có khoảng 500 rùa mẹ lên các bãi biển làm tổ hàng năm. Đến năm 2002, chỉ còn 10 rùa mẹ lên làm tổ. Từ năm 2008 - 2013, chỉ ghi nhận 1 cá thể rùa da lên đẻ trên bãi Cát Dài tại huyện Cam Lâm (Khánh Hòa) và Hải Lăng (Quảng Trị). Tại các địa phương khác, từng có rùa da lên đẻ như Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên... nhưng hiện nay, hoàn toàn không còn dấu vết của rùa da lên bờ làm tổ đẻ trứng.

   Rùa xanh/Vích (Chelonia mydas): Phân bố rất rộng, ở hầu hết các vùng biển của Việt Nam, theo ước đoán trước thập niên 1970 có khoảng 700 rùa mẹ làm tổ hàng năm, đến nay giảm xuống còn 300 con lên đẻ tại 7 khu vực: Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu), Núi Chúa (Ninh Thuận), Bái Tử Long và Cô Tô - Thanh Lân (Quảng Ninh), Hòn Cau (Bình Thuận), Hòn Khô - Hải Giang (Bình Định), Hải Lăng (Quảng Trị) và Hòn Cao Cát (Kiên Giang).

   Đồi mồi (Eretmochelys imbricata): Dọc bờ biển và trên biển của khu vực, hàng năm số đồi mồi bị bắt khoảng vài trăm con, thậm chí có thể lên đến hàng nghìn con. Nếu không nghiêm cấm việc đánh bắt có chủ ý và buôn bán đồi mồi bất hợp pháp thì chỉ trong vòng một vài thập kỷ nữa đồi mồi sẽ biến mất trong khu vực. Trong thời gian từ năm 2008 - 2013, không còn ghi nhận được bất kỳ cá thể nào lên làm tổ tại các bãi biển của Việt Nam. Các khu vực như Côn Đảo, Cát Bà hoàn toàn không còn loài này lên đẻ trứng từ những năm 2000.

   Quản đồng (Caretta caretta): Không có thông tin chính thức về số lượng quần thể quản đồng làm tổ ở Việt Nam, qua khảo sát cho thấy, quản đồng dường như không sinh sản tại Việt Nam từ những năm 1970 (Nguyễn Trường Giang, 2008). Tuy nhiên, quản đồng vẫn bị bắt gặp trong quá trình ngư dân khai thác trên biển. Đây là những cá thể sinh sản từ các nước khác trong khu vực.

   Đồi mồi dứa (Lepidochelys olivacea): Vào đầu thế kỷ 20, loài này có số lượng nhiều nhất ở Việt Nam. Tuy nhiên, đây cũng là loài bị khai thác nhiều để làm thức ăn. Đến năm 2002, số lượng đồi mồi dứa suy giảm xuống dưới 40 cá thể trong một mùa sinh sản và khu vực có đồi mồi dứa lên đẻ chỉ còn tại đảo Quan Lạn (Quảng Ninh) và bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng). Hiện tại, khu vực bán đảo Sơn Trà đã hoàn toàn không còn dấu vết của đồi mồi dứa, đặc biệt là sau khi xây dựng con đường chạy xung quanh đảo và các khu nghỉ dưỡng, khách sạn trên các bãi cát chính của bán đảo như bãi Nam, bãi Tre... Đồi mồi dứa chỉ còn được phát hiện tại một số bãi biển không có người sinh sống như hòn Nứt Đất (Quảng Ninh) và bãi biển thuộc tỉnh Quảng Trị, với số lượng rất nhỏ.

Phương Ngân

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 3/2016)

Ý kiến của bạn