Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 28/11/2024

Cần đẩy mạnh các biện pháp khẩn cấp bảo tồn loài voi châu Á tại Việt Nam

19/06/2015

    Voi châu Á có vùng phân bố lịch sử bao trùm phần lớn lục địa Châu Á, hiện chỉ còn tồn tại ở 13 quốc gia (Bănglađét, Butan, Campuchia, Trung Quốc, Ấn Độ, Inđônêxia, Lào, Malaixia, Mianma, Nêpan, Sri Lanka, Thái Lan và Việt Nam) với tổng số cá thể ước tính vào năm 2003 khoảng 41.410 - 52.345 cá thể. Ấn Độ là nước có số lượng voi châu Á nhiều nhất, chiếm trên 50% tổng số cá thể voi châu Á trên thế giới. Việt Nam là nước có số lượng voi ít nhất chỉ chiếm khoảng 0,3%.

    Voi châu Á là loài thú rộng sinh cảnh, hoạt động ở nhiều dạng sinh cảnh khác nhau như: trảng cỏ, rừng thường xanh nhiệt đới, rừng bán thường xanh, rừng rụng lá ẩm, rừng khô rụng lá (rừng khộp), rừng khô cây gai và cả các khu rừng thứ sinh, trảng cỏ thứ sinh và đất canh tác nông nghiệp. Chúng cũng sinh sống ở các độ cao địa hình khác nhau, từ 0m tới trên 3.000 m so với mặt biển. Ngoài ra, voi châu Á còn là một trong số số ít các loài động vật ăn thực vật cỡ rất lớn (nặng trên 1 tấn) còn tồn tại trên Trái đất. Để đáp ứng nhu cầu sinh lý và năng lượng cho cơ thể, mỗi cá thể voi cần tiêu thụ một lượng rất lớn thức ăn mỗi ngày. Chúng có thể dành từ 14-19 giờ mỗi ngày để kiếm ăn và có tiêu thụ tới 150 kg khối lượng thức ăn tươi trong ngày.

    Hiện nay, voi châu Á đang bị đe dọa tuyệt chủng trên toàn cầu. Chúng được xếp ở bậc nguy cấp (EN) trong Danh lục Đỏ IUCN. Công ước CITES cũng xếp voi vào Phụ lục I (nghiêm cấm khai thác sử dụng). Các đe dọa chính đối với sự tồn tại của voi châu Á trong thiên nhiên hiện nay là tình trạng mất sinh cảnh, suy thoái sinh cảnh, săn bắn lấy ngà và các bộ phận khác. Điều này dẫn đến gia tăng mâu thuẫn giữa người và voi do voi xâm nhập vào các khu canh tác nông nghiệp ăn và phá hoạt hoa màu, cây trồng, nhà cửa của dân. Trên thế giới, hàng năm có hàng trăm người dân bị voi đánh chết. Vì vậy, tương lai lâu dài của voi châu Á phụ thuộc chặt chẽ vào việc giảm thiểu xung đột giữa người và voi. Đây là một thử thách lớn trong công tác bảo tồn voi châu Á hiện nay.

1. Đánh giá chung về tình trạng bảo tồn voi hoang dã tại Việt Nam

   Tình trạng quần thể và vùng phân bố của voi ở Việt Nam

   Theo báo cáo “Đánh giá tổng quan về bảo tồn voi châu Á hoang dã ở Việt Nam” của Quỹ Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế tại Việt Nam vào tháng 3/2015, tình trạng quần thể voi châu Á ở Việt Nam hiện nay rất nguy cấp. Ước tính, trên toàn lãnh thổ Việt Nam hiện chỉ còn khoảng 100-120 cá thể voi. Chúng phân bố rãi rác ở 8 tỉnh, gồm: Sơn La, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Đắc Lắc, Lâm Đồng, Đồng Nai và Bình Phước. Phần lớn, các đàn voi chỉ có 1-5 cá thể, sống tách biệt nhau, rất ít đàn có số lượng tới trên 10 cá thể, nên nguy cơ suy thoái do “quần thể nhỏ” là rất lớn. Chỉ có 3 khu vực có số lượng voi trên 10 cá thể, gồm: Vườn Quốc gia (VQG) Yok Đôn - Huyện Ea Súp (Đắc Lắc) khoảng 60-65 cá thể; VQG Pù Mát (Nghệ An): khoảng 11 cá thể; VQG Cát Tiên - Khu Bảo tồn thiên nhiên văn hóa (KBTTNVH) Đồng Nai: khoảng 10-11 cá thể.

   Mặc dù, chưa có nghiên cứu xác định chính xác, nhưng theo thông tin phỏng vấn, hầu hết các đàn voi đều có tỷ lệ đực-cái và cấu trúc tuổi không đảm bảo cho sự phát triển lâu dài: không có hoặc thiếu các cá thể đực có khả năng sinh sản; các cá thể cái đã già. Các đàn có đủ các cá thể đực, cái, con non và đang có khả năng sinh sản chỉ ghi nhận được ở 3 khu vực: VQG Yok Đôn - Huyện Ea Súp, VQG Pù Mát và lân cận và VQG Cát Tiên - KBTTNVH Đồng Nai.

   Hầu hết, các đàn voi hoang dã ở Việt Nam đang đứng trước nguy cơ cao bị săn bắn và xâm hại. Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, từ năm 2009 đến nay, có khoảng 29 cá thể voi bị sát hại hoặc gặp nạn nguy hiểm. Trung bình mỗi năm có ít nhất 4 cá thể voi bị chết hoặc gặp nạn, chiếm 3-4% tổng số cá thể voi hiện nay. Tại VQG Yok Đôn - Ea Súp (Đắc Lắc) có 20 cá thể voi bị săn bắn hoặc gặp tai nạn, trong đó, có 18 cá thể bị chết và 2 cá thể được cứu hộ thoát chết; VQG Cát Tiên - KBTTNVH Đồng Nai có 8 cá thể voi bị sát hại và tai nạn, trong đó có 7 cá thể bị chết và 1 cá thể được cứu hộ thoát chết; VQG Pù Mát có 1 cá thể voi bắn chết.

    Tình trạng sinh cảnh của voi ở Việt Nam

   Hầu hết các đàn voi hoang dã hiện nay đều có sinh cảnh bị suy giảm nhiều về diện tích, suy thoái về chất lượng và đang tiếp tục bị suy thoái. Đây cũng là nguyên nhân làm cho xung đột giữa voi và người dân địa phương ngày càng căng thẳng hơn.

   Khu vực VQG Yok Đôn - Ea Súp: VQG Yok Đôn (115.455 ha) có thể cung cấp sinh cảnh khá tốt cho voi vào mùa mưa. Tuy nhiên, vào mùa khô, cây rừng bị rụng lá và nguồn nước bị cạn kiệt nên không còn là sinh cảnh thuận lợi cho voi. Đàn voi ở đây thường phải di chuyển sang sinh sống tại các khu rừng của Campuchia bên kia biên giới. Tại các khu vực khác như Công ty Lâm nghiệp Ea H'Mơ, Công ty Lâm nghiệp Ea Lốp, rừng phòng hộ Buôn Đôn... rừng đã bị tác động mạnh làm cho suy thoái và phần lớn diện tích rừng đã bị chuyển đổi mục đích sang trồng cây công nghiệp (cao su, mía, điều...) hoặc cây nông nghiệp (lúa, sắn...).

   Khu vực VQG Cát Tiên - KBTTNVH Đồng Nai có diện tích rừng thường xanh và bán thường xanh liên hoàn, rộng lớn là sinh cảnh phù hợp cho đàn voi sinh sống và phát triển. Tuy nhiên, sự tồn tại nhiều khu đất canh tác nông nghiệp (điều, sắn, hoa màu...) bên trong vùng lõi của KBTTNVH Đồng Nai và ở vùng đệm VQG Cát Tiên thuộc Công ty Lâm nghiệp La Ngà đã làm cho sự xung đột giữa voi và người ở đây trở nên căng thẳng. Hậu quả là một số cá thể voi đã bị sát hại trong thời gian qua và các cá thể voi còn lại luôn có nguy cơ bị sát hại. Một sinh cảnh như vậy, dù rộng lớn, nguồn thức ăn phong phú cũng không thể là sinh cảnh tốt cho sự duy trì và phát triển lâu dài của đàn voi nơi đây.

   Khu vực VQG Pù Mát có diện tích lớn (91.000 ha), độ che phủ rừng lớn (khoảng 70%), chất lượng rừng còn tốt, nguồn nước dồi dào quanh năm là sinh cảnh tốt cho các đàn voi đang sinh sống ở đây. Tuy nhiên, sinh cảnh của đàn voi ở khu vực Cao Vều thuộc ranh giới phía Đông Nam VQG đã bị thu hẹp và suy thoái nghiêm trọng do việc chuyển đổi đất rừng sang đất trồng cây công nghiệp (cao su, luồng, mía...) đất canh tác nông nghiệp (lúa, sắn, ngô...). Vùng sinh cảnh nơi đàn voi trú ẩn chỉ khoảng 3.000 ha rừng phòng hộ đã bị tác động mạnh nên voi thường phải xâm nhập vào đất canh tác nông nghiệp, đất trồng cây nông nghiệp để hoạt động và kiếm ăn, dẫn đến xung đột cao với người dân địa phương.

   Bên cạnh đó, các đàn voi còn lại tuy có số lượng cá thể nhỏ (1-5 cá thể) nhưng tình trạng voi xâm nhập vào các vùng canh tác nông nghiệp của dân vẫn xảy ra, cho thấy sinh cảnh của các đàn voi không an toàn.

   Tóm lại, nguyên nhân sinh cảnh của voi bị suy giảm về diện tích, suy thoái về chất lượng và mất an toàn trước hết do tình trạng phá rừng lấy đất sản xuất nông nghiệp, trồng cây công nghiệp hoặc chuyển sang mục đích sử dụng khác. Đặc biệt, việc chuyển đổi đất rừng nghèo kiệt sang đất trồng cây nguyên liệu (cao su, cà phê, điều...) diễn ra ồ ạt trong những năm 2005-2010 đã làm suy giảm đáng kể diện tích sinh cảnh của voi ở Đắc Lắc, Đồng Nai, Nghệ An và nhiều nơi khác. Tiếp đến, tình trạng khác gỗ và lâm sản ngoài gỗ không được kiểm soát trong các khu rừng là nơi voi sinh sống và hoạt động đã làm chất lượng các diện tích sinh cảnh còn sót lại bị suy giảm đáng kể. Sự hình thành các khu dân cư, xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng (đường giao thông, nhà...), việc giao đất cho các doanh nghiệp nhỏ để sản xuất lâm nghiệp trong vùng hoạt động lịch sử của voi đã làm mất đi sự an toàn cần thiết trong các sinh cảnh của voi và cản trở đường di chuyển theo mùa của nhiều đàn voi.

   Tình trạng xung đột giữa voi và người dân địa phương

   Xung đột giữa voi và người dân địa phương trong 10-15 năm gần đây ngày một gia tăng. Voi xâm nhập vào các khu đất canh tác nông nghiệp để kiếm ăn hoặc duy trì chu kỳ di chuyển theo tập tính/thói quen của chúng gây phá hoại mùa màng, cây trồng công nghiệp, nhà cửa và các tài sản của người dân. Nghiêm trọng hơn, voi đe dọa tính mạng người dân và không ít người dân đã bị voi đánh chết hoặc bị thương nặng.

   Ở hầu hết các nơi có voi sinh sống hiện nay đều xảy ra xung đột với người dân với mức độ nghiêm trọng khác nhau. Các khu vực có số lượng voi lớn nhất Việt Nam hiện nay (VQG Yok Đôn, VQG Cát Tiên - KBTTNVH Đồng Nai, VQG Pù Mát và lân cận) là những nơi voi gây tổn thất đáng kể tài sản, hoa màu, cây trồng và thiệt hại tính mạng của người dân trong 10 năm gần đây. Tình trạng săn bắn trộm voi làm sản phẩm, xung đột voi - người là hai nguyên nhân chính gây nên việc voi bị sát hại ở các khu vực này trong các năm qua và là thách thức lớn trong công tác bảo tồn voi hoang dã ở Việt Nam hiện nay.

   Nguyên nhân cơ bản gây nên sự xung đột ngày một gia tăng giữa voi và người dân trong những năm gần đây là do sinh cảnh của voi bị thu hẹp và suy thoái, không còn khả năng cung cấp đủ nguồn thức ăn, nước uống và nhu cầu hoạt động di chuyển của voi. Trong khi đó, người dân chưa được trang bị kiến thức phóng tránh và xua đuổi voi an toàn; Các giải pháp ngăn chặn voi xâm nhập vào các khu canh tác nông nghiệp, khu dân cư như: xây hào, hàng rào điện ngăn voi, sử dụng các loài cây trồng không thu hút voi... chưa được thực hiện.

   2. Những thách thức và đề xuất ưu tiên các hoạt động bảo tồn voi hoang dã ở Việt Nam

   Mặc dù bảo tồn voi đã nhận được quan tâm cao của Chính phủ Việt Nam, các cấp chính quyền địa phương, các tổ chức bảo tồn thiên nhiên trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, công tác bảo tồn voi hoang dã ở Việt Nam đang gặp không ít khó khăn, trở ngại như: Tình trạng săn bắn, xâm hại voi và buôn bán sản phẩm từ voi chưa được kiểm soát; Sinh cảnh của voi tiếp tục bị xâm hại do suy giảm về diện tích và suy thoái về chất lượng và mất an toàn; Xung đột giữa voi và người dân gia tăng dẫn đến việc voi bị sát hại ngày càng nhiều; Sự mất cân đối về tỷ lệ giới tính và cơ cấu tuổi của các đàn voi (không có hoặc thiếu voi đực, voi cái già không còn khả năng sinh sản); Đặc điểm tập tính và sinh thái học của các đàn voi Việt Nam ít được nghiên cứu; Năng lực của các cơ quan quản lý, bảo vệ voi còn yếu kém do thiếu nhân lực, chưa được đào tạo về kiến thức bảo tồn voi, thiếu các trang thiết bị, dụng cụ cần thiết, thiếu nguồn tài chính bền vững cho bảo tồn voi; Ý thức bảo tồn voi của nhiều người dân trong vùng có voi hoạt động chưa cao; Người dân ở các khu vực có voi sinh sống thường là nghèo khó, sống phụ thuộc vào tài nguyên rừng hoặc canh tác nông nghiệp trong hoặc gần rừng.

   Để thực hiện các giải pháp bảo tồn voi, Chính phủ Việt Nam cần thực hiện một số hoạt động ưu tiên, cụ thể:

   Điều tra khảo sát các khu vực có voi ở Việt Nam nhằm xác định số cá thể, cấu trúc giới tính, cấu trúc tuổi, tình trạng sinh cảnh và khả năng bảo tồn tại chỗ của các đàn voi. Nghiên cứu khả năng thiết lập hành lang sinh cảnh liên kết vùng hoạt động của các đàn voi nhỏ hoặc di dời chúng tới các khu vực an toàn hơn hay bổ sung cho các đàn voi ở 3 khu vực trọng điểm là: VQG Yok Đôn - Ea Súp, VQG Cát Tiên - KBTTNVH Đồng Nai và VQG Pù Mát.

   Nghiên cứu tập tính di chuyển theo mùa, vùng hoạt động, chất lượng sinh cảnh (nơi trú ẩn, trữ lượng thức ăn, nguồn nước, nguồn khoáng, múc độ tác động), đánh giá mức độ xung đột và các nguyên nhân gây ra xung đột giữa voi và người, xây dựng các biện pháp hạn chế xung đột giữa voi và người ở 3 khu vực có đàn voi lớn nhất Việt Nam hiện nay: VQG Yok Đôn - Ea Súp, VQG Cát Tiên - KBTTNVH Đồng Nai và VQG Pù Mát.

   Tổng kết kinh nghiệm giải quyết xung đột giữa voi và người của thế giới, biên soạn tài liệu hướng dẫn tránh xung đột trên tiếng Việt và tổ chức các hoạt động tuyên truyền bảo vệ voi và tránh xung đột cho người dân các khu vực thường xảy ra xung đột.

   Nâng cao năng lực bảo tồn voi cho Trung tâm Bảo tồn voi Đắc Lắc, Ban Quản lý VQG Yok Đôn, VQG Cát Tiên, KBTTNVH Đồng Nai, BQL VQG Pù Mát như: Tập huấn kiến thức về sinh thái học và bảo tồn voi, kỹ năng tuần tra bảo vệ voi, kỹ thuật cứu hộ voi; Đào tạo cán bộ chuyên trách về cứu hộ voi gặp nạn, chữa bệnh cho voi, chăm sóc sức khỏe cho voi; Cung cấp trang thiết bị cần thiết cho hoạt động tuần tra, bảo vệ voi, giám sát hoạt động di chuyển của voi; Tổ chức các chuyến tham quan học tập kinh nghiệm bảo tồn voi ở Ấn Độ, Inđônêxia, Malaixia... cho cán bộ chủ chốt quản lý và điều hành các dự án bảo tồn voi; Thực hiện chương trình hợp tác kiểm soát vận chuyển, buôn bán và sử dụng trái phép các sản phẩm từ voi (ngà, da, xương, lông) ở Việt Nam và liên biên giới.

PGS.TS. Nguyễn Xuân Đặng

Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật

(Nguồn: Tạp chí Môi Trường số 5/2015)

Ý kiến của bạn