Banner trang chủ
Thứ Ba, ngày 26/11/2024

Cơ chế chính sách huy động sự tham gia của cộng đồng trong bảo vệ môi trường

26/11/2013

     Từ lâu đời nay, nhân dân ta đã có truyền thống yêu quý thiên nhiên và sống thân thiện với môi trường. Nhiều cá nhân, hộ gia đình, làng bản có ý thức BVMT. Nhiều sáng kiến, mô hình tốt về sự tham gia của cộng đồng trong BVMT đã được phát triển trên khắp đất nước với quy mô, cách thức tổ chức đa dạng.
     Phát hiện, cổ vũ và nhân rộng các sáng kiến địa phương, tạo dư luận xã hội ủng hộ và đánh giá cao các sáng kiến, xây dựng cơ chế, chính sách thu hút sự tham gia của cộng đồng vào hoạt động BVMT có tác dụng tốt hình thành các phong trào BVMT.

 

PGS. TS Nguyễn Đình Hòe (Hội bảo vệ Thiên nhiên

và Môi trường Việt Nam

 

     1. Tổng quan về mô hình BVMT

     Mô hình dịch vụ môi trường: Dịch vụ môi trường là lĩnh vực có nhiều cơ hội thu hút sự tham gia của các tổ chức, cá nhân trong cộng đồng. Thu gom, vận chuyển và chôn lấp rác sinh hoạt ở khắp các địa phương trên cả nước là những mô hình hiệu quả và đang được nhân rộng. Dịch vụ tư nhân cung cấp nước sạch cho sinh hoạt cũng là lĩnh vực thu hút nhiều cá nhân và tổ chức tham gia và gặt hái nhiều thành công. Điển hình như các mô hình cấp nước quy mô nhỏ (khoảng 100 hộ) ở Từ Liêm (Hà Nội), thị trấn Cần Đước (Long An), thị xã Phan Rang (Ninh Thuận), thị trấn Thắng (Hiệp Hòa, Bắc Giang)… Thu gom, kinh doanh và tái chế phế liệu là nghề đã có từ lâu đời ở Việt Nam và đang được nhìn nhận như một hoạt động kinh tế có hiệu quả và có ý nghĩa môi trường, trong một lĩnh vực kinh tế - xã hội mới: Kinh tế phế thải. Các làng nghề thủ công ở Bắc Ninh hàng chục năm qua đã tích luỹ được nhiều kinh nghiệm quý giá trong lĩnh vực tái chế phế liệu. Tuy nhiên, cần tổ chức hoạt động kinh doanh phế liệu để hình thành một nghề chính thức và kiểm soát tốt hơn các tác động xấu đối với môi trường.

Các phong trào thanh thiếu niên BVMT: Hoạt động “Mùa hè xanh”, “Tình nguyện xanh”, “Trường học xanh” với các nội dung BVMT ngày càng thu hút đông đảo thanh thiếu niên tham gia. Thanh niên nói chung và sinh viên, học sinh nói riêng ngày càng có kiến thức, tâm huyết, năng động và tổ chức tốt các hoạt động BVMT. Các phong trào “xanh” của thanh thiếu niên TP. Hồ Chí Minh đã lan rộng khắp cả nước.

     Mô hình trang trại nông nghiệp sinh thái: Kinh tế trang trại ngày càng phát triển ở nông thôn Việt Nam. Các mô hình VAC (Vườn - ao - chuồng), RVAC (Rừng - vườn - ao - chuồng) thích hợp cho kinh tế hộ gia đình, tuy nhiên, chưa thực sự phù hợp với các trang trại nông nghiệp với quy mô lớn. Việc đưa công nghệ chế biến nông sản vào các trang trại nông nghiệp đang biến các trang trại trở thành các tổ hợp công nghiệp nông thôn. BVMT nông thôn không thể tách rời vai trò của các trang trại sản xuất hàng hóa này.

     Mô hình bảo tồn thiên nhiên cấp cơ sở: Các mô hình vườn chim, đồi cò, chùa dơi… do cộng đồng hoặc các hộ nông dân tự nguyện xây dựng đã xuất hiện trên khắp đất nước. Đáng chú ý có vườn cò ở Lập Thạch - Vĩnh Phúc, đồi cò Ngọc Nhị - Hà Tây, đồi cò của Quân khu 3, Kiến An - Hải Phòng, đảo cò Chi Lăng Nam - Hải Dương, chùa dơi ở Sóc Trăng, vườn chim ở Cà Mau… Những mô hình này ngày càng xuất hiện ở nhiều nơi, có sự kết hợp giữa truyền thống bảo vệ thiên nhiên và những bí ẩn của tự nhiên - cái gọi là “đất lành chim đậu”.

     Mô hình sản xuất sạch hơn của các cơ sở công nghiệp, thủ công nghiệp: Những năm gần đây, sự tham gia của các cơ sở công nghiệp, thủ công nghiệp vào quy trình sản xuất sạch hơn một cách tự nguyện và sáng tạo đã làm xuất hiện nhiều mô hình BVMT tốt. Điển hình tại TP. Hồ Chí Minh và Đồng Nai có Công ty giấy Xuân Đức, Công ty giấy Linh Xuân, Công ty dệt Phước Long, cơ sở dệt nhuộm Thuận Thiên, Công ty thực phẩm Thiên Hương, Nhà máy Visan, Công ty Nestlé, Công ty Chanshin…

      2. Cơ chế nhân rộng các mô hình BVMT

     Cộng đồng phải có lợi: Doanh nghiệp, người lao động, nhân dân thực hiện mô hình phải là người được hưởng lợi. Lợi trước hết phải là kinh tế. Các mô hình sản xuất phải gắn với sinh kế bền vững, tăng thu nhập cho cơ sở và người lao động, góp phần xóa đói giảm nghèo. Sau đó là lợi về mặt xã hội như tạo thêm công ăn việc làm, tạo công bằng xã hội và bình đẳng giới; Bên cạnh đó là lợi về môi trường và cuối cùng là nâng cao các giá trị văn hóa doanh nghiệp hoặc văn hóa địa phương.

     Các mô hình phải có khả năng tự trang trải: Phải có nguồn thu nhập bền vững đủ trang trải cho các chi phí vận hành mô hình (gồm chi phí trang bị thiết bị, công cụ, tập huấn, kiểm tra đánh giá, thù lao cho người lao động, tái sản xuất…)

     Tạo quyền cho cộng đồng: Gồm các quyền nhận, biết, bàn, làm, kiểm tra. Trong đó:

     Nhận: có nghĩa là để huy động cộng đồng trong BVMT, cần làm rõ cộng đồng nhận được những gì; Có được gì? Lợi ích vật chất (ví dụ được vay vốn); Lợi ích tinh thần (danh tiếng của làng); Lợi ích về chất lượng môi trường sống (có nước sạch, rác được quản lý, giảm bệnh tật…).

     Biết: Tăng cường nhận thức của cộng đồng qua sự tham gia của họ vào một nhiệm vụ, dự án, chương trình cụ thể; Nhiệm vụ là gì? Tại sao lại có nhiệm vụ, tại sao họ cần tham gia? Tham gia như thế nào? Thực hiện ở đâu? Khi nào? Bao lâu? Những ai được/phải tham gia?

     Bàn: Tổ chức cho cộng đồng bàn bạc về các giải pháp mà họ sẽ thực hiện khi tham gia về những gì họ sẽ nhận được và trách nhiệm của họ trong chương trình/dự án/nhiệm vụ.

     Làm: Tổ chức cho cộng đồng thực hiện các giải pháp, các nhiệm vụ.

     Kiểm tra: Tổ chức cho cộng đồng/hoặc đại diện cộng đồng có thể kiểm tra tiến trình thực hiện nhiệm vụ, kết quả của dự án, quyền lợi họ được nhận. Những hình thức như các tổ tình nguyện, tổ tự quản… có thể được thành lập.

     Các mô hình phải được sự lãnh đạo, chỉ đạo của địa phương: Đảng bộ, chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội của địa phương cần chỉ đạo việc tổ chức cho cộng đồng tham gia BVMT trong khuôn khổ pháp luật.

     Sự hỗ trợ ban đầu: Chính quyền địa phương hoặc các tổ chức phi chính phủ, tổ chức quốc tế… cần hỗ trợ về kinh phí, khoa học kỹ thuật, cách thức tổ chức thực hiện... Tuy sự hỗ trợ này không phải là điều kiện cần với các mô hình liên quan đến chuyển đổi sinh kế của cộng đồng thì những hỗ trợ ban đầu là cần thiết.

 

Phong trào "Tình nguyện xanh" thu hút đông đảo thanh, thiếu niên

tham gia

 

     3. Cơ chế chính sách phản biện xã hội (PBXH)

     Văn kiện Đại hội X Đảng Cộng sản Việt Nam có nêu quan điểm chỉ đạo về PBXH: “Xây dựng quy chế giám sát và PBXH của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội và nhân dân đối với việc hoạch định đường lối, chủ trương, chính sách, quyết định lớn của Đảng và tổ chức thực hiện, kể cả đối với công tác tổ chức và cán bộ”. (...) “Coi trọng vai trò tư vấn, phản biện của các hội khoa học kỹ thuật, khoa học xã hội và văn học, nghệ thuật đối với các dự án phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội”. (...) “Nhà nước ban hành cơ chế để Mặt trận và các đoàn thể nhân dân thực hiện tốt vai trò giám sát và PBXH”.

     PBXH là sự tham gia của cá nhân, các tổ chức chính trị, xã hội vào một vấn đề, chủ trương, chính sách nào đó của Nhà nước, một chương trình, dự án phát triển nhằm làm cho chủ trương, chính sách, chương trình, dự án đó ngày càng hoàn thiện trong thực tiễn, đáp ứng nhu cầu xã hội, tạo nên sự đồng thuận, phục vụ tốt hơn những vấn đề quốc kế, dân sinh. PBXH là sự tập hợp sức sáng tạo và trí tuệ của cộng đồng, tạo nên sức mạnh nội lực để giải quyết các vấn đề xã hội; PBXH thể hiện dân chủ hóa đời sống xã hội, sự đồng thuận xã hội, sự khuyến khích, cổ vũ của xã hội dành cho những chủ trương, chính sách, chương trình, dự án đúng đắn.

     PBXH thực hiện chủ yếu ở hai trường hợp:

     Trường hợp thứ nhất, đối với các dự thảo chủ trương, chính sách, chương trình, dự án phát triển;

     Trường hợp thứ hai, phát hiện các điểm chưa hoàn thiện, thậm chí sai sót, hoặc không còn phù hợp trong các chủ trương, chính sách, chương trình, dự án phát triển cần có những điều chỉnh, sửa đổi hoặc thay đổi cho phù hợp.

     PBXH chỉ là một trong các biểu hiện của cơ chế tập trung dân chủ, nó chỉ có ý nghĩa và giá trị khi nằm trong tổng thể cơ chế tập trung dân chủ. PBXH không thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi tình huống, bối cảnh. Một nhà nước phải điều hành hoạt động xã hội hàng ngày, trong bối cảnh trong nước và quốc tế rất đa dạng, không thể áp dụng PBXH cho mọi quyết sách của mình. PBXH áp dụng tràn lan và cứng nhắc có thể làm mất đi tính năng động và kịp thời của quá trình điều hành hoạt động xã hội. Nếu tổ chức không tốt quá trình PBXH sẽ dẫn đến bị lợi dụng, thậm chí có thể còn làm tê liệt nhất thời sự điều hành của nhà nước. Do đó, nhìn nhận PBXH phải theo tư duy nguyên tắc, nhưng cũng phải biện chứng. Điều này rất quan trọng khi bàn về phương thức thực hiện PBXH.

     Kết luận

     Sự tham gia của cộng đồng là động lực quan trọng trong sự nghiệp BVMT. Nhiều kinh nghiệm thành công trong thực tế cho thấy, chính sách xã hội hóa trong BVMT là đúng đắn. Sự tham gia của cộng đồng được thể hiện qua 4 tác dụng: Sáng tạo các mô hình, giải pháp mới phù hợp và hiệu quả lâu dài trong BVMT; Thực hiện các nghĩa vụ công dân trong BVMT và thu hút sự tham gia của cộng đồng; Tự giáo dục, tự truyền thông nâng cao nhận thức về BVMT trong cộng đồng; Giám sát, kiểm tra và đấu tranh với các vi phạm, hành vi xâm hại đến môi trường.

     Nhằm hoàn thiện cơ chế chính sách thu hút sự tham gia của cộng đồng vào BVMT cần: Tiếp tục tổng kết thực tiễn, hoàn thiện cơ chế chính sách trong lĩnh vực xã hội hóa hoạt động BVMT, đặc biệt là cơ chế chính sách của công tác PBXH; Tăng cường năng lực môi trường cho các đoàn thể chính trị - xã hội, các tổ chức dân sự và công dân; Tăng cường nâng cao nhận thức, trách nhiệm thông qua các chương trình đào tạo, tập huấn, truyền thông môi trường; Tăng cường năng lực tổ chức, trong đó đào tạo và bổ nhiệm những cán bộ có năng lực; Tăng cường nguồn kinh phí cho hoạt động BVMT.

     Cộng đồng tham gia BVMT, đặc biệt là PBXH chỉ có thể thành công đúng vai trò của nó trong một xã hội pháp quyền “sống và làm việc theo Hiến pháp và Pháp luật”, đó là cuộc cách mạng trong nền kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa, lấy dân làm gốc.

 

PGS.TS. Nguyễn Đình Hòe

Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam

Chuyên đề Xây dựng Luật BVMT (sửa đổi)

Ý kiến của bạn