Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 27/12/2024

Công ty TNHH MTV Thanh Tùng 2 thực hiện ý tưởng “biến rác thải thành tài nguyên”

09/06/2016

   Tái chế rác thải có tiềm năng lớn, mang lại lợi ích kinh tế và góp phần giải quyết bài toán môi trường, nhưng hiện tại các cơ sở tái chế chủ yếu hoạt động quy mô vừa và nhỏ nên chưa có khả năng khai thác tối đa nguồn lợi này. Công ty TNHH MTV Thanh Tùng 2 (Công ty Thanh Tùng 2) là một trong số ít các đơn vị thu gom, tái chế, xử lý chất thải công nghiệp (CTCN) và chất thải nguy hại (CTNH), với phương châm "Chung tay BVMT".

Khuôn viên Nhà máy tái chế, xử lý chất thải 

   Thực hiện ý tưởng "biến rác thải thành tài nguyên"

   Xuất phát từ ý tưởng “biến rác thải thành tài nguyên” và các sản phẩm thân thiện môi trường, Công ty đã đầu tư 220 tỷ đồng cho Dự án Nhà máy tái chế xử lý rác thải công nghiệp và rác thải nguy hại, với diện tích 8,116 ha, bao gồm khu tái chế, xử lý chất thải; Khu chôn lấp chất thải; Khu xử lý nước thải và chất thải lỏng có chứa thành phần nguy hại; Đất cây xanh, hồ nước và các công trình phụ trợ khác. Nhà máy có công suất tái chế, xử lý 40 tấn CTCN/ngày và 91 tấn CTNH/ngày. Với các dây chuyền công nghệ hiện đại, đồng bộ như: Hệ thống phân loại đóng kiện phế liệu; Tái chế nhựa; Xử lý ắc quy; Tái chế chì… các sản phẩm được Nhà máy tận dụng, xử lý tái chế hiệu quả, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường và mang lại nguồn thu cho đơn vị. Hiện nay, Thanh Tùng 2 là một trong những cơ sở xử lý rác thải công nghiệp và rác thải nguy hại có quy mô lớn tại Đồng Nai được cấp giấy phép hành nghề quản lý CTNH của Bộ TN&MT; Chứng nhận “Áp dụng hệ thống quản lý phù hợp với các yêu cầu của Tiêu chuẩn ISO 14001” của Tổ chức NQA.

   Ông Bùi Xuân Hùng - Giám đốc Công ty Thanh Tùng 2 cho biết, thành công lớn nhất của doanh nghiệp là chung tay giải quyết “bài toán” ô nhiễm rác thải, tạo thêm công ăn việc làm cho người dân địa phương, đóng góp không nhỏ vào ngân sách của tỉnh và nâng cao uy tín của doanh nghiệp. Đặc biệt, trong quá trình hoạt động, Công ty luôn chú trọng tới công tác nghiên cứu, ứng dụng các công nghệ mới về BVMT, đáp ứng yêu cầu của khách hàng. Hiện Thanh Tùng 2 đã trở thành đối tác được nhiều doanh nghiệp lựa chọn để ký hợp đồng thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải trên địa bàn Đồng Nai và các tỉnh lân cận, trong đó có các thương hiệu lớn như Toshiba, Shiseido... và các KCN: Amata, Biên Hòa II, Loteco, Biên Hòa I, Long Thành, Nhơn Trạch...

Hệ thống tái chế dầu nhớt thải hiện đại được Công ty áp dụng thành công mang lại hiệu quả kinh tế và môi trường

   Một số giải pháp áp dụng hiệu quả xử lý môi trường

   Đối với công nghệ xử lý các loại bao bì, thùng phuy nhiễm CTNH, Công ty thực hiện công nghệ bán tự động. Theo đó, các loại bao bì, thùng phuy đã qua sử dụng (thu mua từ các chủ nguồn thải) được vận chuyển về Nhà máy. Sau đó, được phân loại hóa chất, thu hồi và loại bỏ các hóa chất, tạp chất còn lại trong thùng, rồi đưa qua dây chuyền súc rửa bằng dung môi phù hợp.Sau quá trình súc rửa, thùng phuy được rửa sạch bên ngoài bằng nước và dùng vải lau khô làm sạch bên trong (chà sơn, súc dầu), dùng máy hút chân không để hút khô bên trong thùng phuy và đưa ra khu lưu trữ.

   Nước thải từ công đoạn súc rửa bao bì thùng phuy sẽ được chuyển qua hệ thống xử lý chất thải lỏng có chứa thành phần nguy hại để xử lý trước khi đưa vào hệ thống xử lý nước thải. Chất thải rắn từ quá trình súc rửa tùy theo chủng loại, thành phần sẽ được chuyển qua các khu xử lý phù hợp.

   Đối với nhớt thải, nguyên liệu đưa vào dây chuyền tái chế là phần dầu nhớt tương đối sạch, riêng nhớt bẩn sẽ được đưa qua lò đốt. Để loại bỏ các tạp chất và cặn lắng có trong dầu nhớt, quá trình có sự hỗ trợ của hóa chất đông tụ các tạp chất cơ học và cặn dầu thu gom từ lọc ép khung bảng sẽ được thiêu hủy tại lò đốt chất thải theo đúng quy định.

   Dầu thải sau quá trình tiền xử lý sẽ được cho vào bồn nhiệt phân. Khi nhiệt độ phản ứng đạt 380 - 450oC thì quá trình cracking sơ cấp xảy ra giúp phân hủy các phân tử dầu nhớt cặn thành các mạch cacbon ngắn hơn để phù hợp cho mục đích sử dụng làm dầu nhiên liệu. Tuy nhiên, sản phẩm quá trình nhiệt phân sơ cấp thường có độ nhớt cao và chứa nhiều asphatlen (chất gây nghẹt béc đốt) do quá trình nhiệt phận chưa hoàn toàn nên cần phải thực hiện thêm giai đoạn cracking thứ cấp. Giai đoạn này có chất xúc tác FCC ở pha hơi, giúp quá trình nhiệt phân hoàn toàn hơn. Sản phẩm sau quá trình nhiệt phân thứ cấp đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn kỹ thuật của dầu tái sinh.

   Dầu thành phẩm trước khi chuyển sang bồn chứa được đưa qua hệ thống lọc nhằm loại bỏ hoàn toàn các tạp chất trong sản phẩm. Dầu gốc sau xử lý trở thành dầu công nghiệp, đảm bảo các tiêu chuẩn về độ nhớt, chống ôxy hóa trở lại… Dầu tái sinh được sử dụng cho các nhà máy với dạng sản phẩm tái chế, đáp ứng yêu cầu cho tái sử dụng, kéo dài tuổi thọ máy móc cũng như BVMT.

   Đối với dung môi phế thải từ thùng chứa được bơm lên thiết bị chưng cất. Tại đây, dung môi được gia nhiệt bằng điện. Ở nhiệt độ bay hơi, dung môi sẽ hóa hơi bay lên cột ngăn cách bay hơi rồi đi qua thiết bị ngưng tụ, nước lạnh ở ngoài ống dẫn hơi, hấp thu nhiệt từ hơi dung môi và nóng lên. Hơi dung môi mất nhiệt và ngưng tụ thành giọt lỏng xuống thiết bị phân tách. Hỗn hợp thu được trong phễu là dung môi và nước. Để một thời gian cho hỗn hợp ổn định sẽ hình thành sự phân lớp giữa dung môi và nước, sau đó, mở khóa tháo nước ra, còn dung môi được thu hồi sử dụng cho những mục đích khác nhau. Phần cặn sau chưng cất nằm dưới đáy thiết bị chưng cất sẽ được lấy ra định kỳ đưa vào thùng chứa, sau đó đem đi tiêu hủy.

   Trong quá trình gia nhiệt hơi dung môi rò rỉ ra bên ngoài tại miệng ống thu gom dung môi sạch, tại đây sẽ bố trí chụp hút, quạt hút cưỡng bức và đường ống để dẫn phần khí thải phát sinh sang dây chuyền xử lý khí thải để xử lý đạt tiêu chuẩn.

   Với mục tiêu trở thành một đơn vị mạnh trong lĩnh vực thu gom, tái chế phế thải và xử lý chất thải, Công ty Thành Tùng 2 đang nỗ lực hoàn thiện công nghệ hiện đại, xây dựng đội ngũ cán bộ kỹ thuật có trình độ chuyên môn cao, đóng góp vào công cuộc BVMT.

                Phạm Thanh Tuấn

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 5/2016)

Ý kiến của bạn