Banner trang chủ
Thứ Tư, ngày 27/11/2024

Công ty CP Dịch vụ Môi trường Thăng Long: Ứng dụng công nghệ mới để xử lý rác khu vực nông thôn thành phố Hà Nội

05/06/2014

     Những năm qua, TP. Hà Nội đã đầu tư kinh phí cho công tác giữ gìn, BVMT, trong đó, tập trung đáng kể là việc xây dựng các khu xử lý chất thải, nhà máy xử lý rác (XLR) sinh hoạt... Tuy nhiên, đến nay công tác XLR thải ở nhiều huyện ngoại thành vẫn đang gặp khó khăn, môi trường nông thôn ngày càng bị ô nhiễm.

     Khu vực nông thôn TP. Hà Nội gồm 17 đơn vị hành chính cấp huyện có tổng diện tích 2.997,68 km2, với dân số hơn 4 triệu người. Nơi đây tập trung nhiều lượng chất thải sinh hoạt hàng ngày, bao gồm chất thải từ các dịch vụ sơ chế thực phẩm, thương mại, làng nghề… có khối lượng phát sinh bình quân 2.500 tấn/ngày. Trong khi đó, TP. Hà Nội hiện có 2 khu XLR tập trung quy mô lớn là: Khu liên hợp XLR Nam Sơn - Sóc Sơn và khu XLR Xuân Sơn - Sơn Tây, với tổng công suất xử lý 4.000 tấn/ngày, chỉ đủ đáp ứng cho nhu cầu XLR của 10 quận nội thành và các thị xã, thị trấn. Khối lượng rác nông thôn khoảng trên 2.500 tấn/ngày vẫn phải tạm chôn lấp phân tán đang là các điểm gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

 

Phối cảnh Dự án “Trạm trung chuyển - phân loại - xử lý rác Cao Dương” tại xã Cao Dương,

huyện Thanh Oai, TP. Hà Nội - dự kiến hoàn thành đầu tư và đưa vào sử dụng từ tháng 7/2014

 

     Để giảm áp lực cho các khu XLR tập trung và tiết kiệm chi phí vận chuyển rác, UBND TP. Hà Nội đã có chủ trương giao cho UBND các huyện áp dụng các công nghệ tiên tiến để XLR tại chỗ. Chủ trương này đã được Công ty CPDV Môi trường Thăng Long tập trung nghiên cứu và ứng dụng đầu tư Dự án “Trạm trung chuyển - phân loại - xử lý rác Cao Dương” tại xã Cao Dương, huyện Thanh Oai, TP. Hà Nội.

     Rác thải được phân loại làm 3 thành phần chính (rác vô cơ chiếm tỷ lệ 50 - 60%; rác hữu cơ chiếm tỷ lệ 40 - 45%; chất thải trơ (xỉ than, thủy tinh, sành sứ…) chiếm tỷ lệ 5 - 10%. Để lựa chọn các công nghệ xử lý cho phù hợp với thành phần và khả năng phân hủy của từng loại. Đối với rác hữu cơ sau phân loại, công ty ứng dụng chủng vi sinh mới được ươm tạo từ giống men sinh học tổng hợp (đoạt giải Nhất, giải thưởng Vifotec năm 2012) để xử lý; Chất thải trơ sau phân loại dùng làm vậ liệu san lấp cho người dân địa phương; Rác vô cơ được nén ép vào thiết bị chuyên dùng, để giảm nước rỉ rác và vận chuyển đến nơi xử lý bằng công nghệ đốt với chi phí tiết kiệm nhất.

     Trao đổi với ông Tô Thanh Tùng - Phó Tổng Giám đốc Công ty CPDV Môi trường Thăng Long kiêm Giám đốc Công ty CPMT và CTĐT Nam Thăng Long - đơn vị chủ đầu tư Dự án cho biết: Công ty đã nghiên cứu công nghệ này từ năm 2012, đã triển khai thực nghiệm ở quy mô công nghiệp để đánh giá toàn diện các chỉ tiêu môi trường - kinh tế - xã hội, kết quả cho thấy: Về hiệu quả kinh tế, giảm chi 25% so với thực hiện theo công nghệ cũ; Về môi trường chấm dứt tình trạng chôn lấp rác tươi tại xã, huyện, cải tạo phục hồi được hàng chục ha đất bãi rác trở thành đất canh tác.

     Có thể nói, Dự án góp phần tích cực thực hiện tiêu chí vệ sinh môi trường (tiêu chí 17) trong xây dựng nông thôn mới. Với trang thiết bị sản xuất trong nước, chi phí phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội khu vực nông thôn, vì vậy mô hình trạm phân loại XLR tại chỗ cho khu vưc nông thôn hoàn toàn có thể áp dụng cho các địa phương trên cả nước.

     Trạm trung chuyển và phân loại rác được đưa vào hoạt động sẽ giảm được 35% - 40% khối lượng rác phải vận chuyển đi xử lý tại khu xử lý tập trung của Thành phố, nên đã giảm được chi phí vận chuyển và giảm tải cho các khu XLR tập trung. Lượng mùn thô địa phương sẽ sử dụng cho việc cải tạo đất và san lấp các khu đồng ruộng trũng góp phần tăng diện tích canh tác cho địa phương và cải thiện chất lượng đất canh tác.

     Với các chỉ tiêu kinh tế - môi trường - xã hội đã đạt được, Công ty tin tưởng Mô hình XLR sẽ nhanh chóng được nhân rộng ra các huyện của TP. Hà Nội và các khu vực nông thôn, thị xã, thị trấn tại các tỉnh lân cận.         

 

Thanh Tuấn

Nguồn: Tạp chí Môi trường, số 5/2014

 

Ý kiến của bạn