Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 29/11/2024

Các doanh nghiệp cần hướng đến sản xuất sản phẩm xanh

03/04/2016

     Các doanh nghiệp (DN) có sản phẩm đủ điều kiện được dán Nhãn xanh Việt Nam sẽ được các cơ quan sử dụng ngân sách nhà nước ưu tiên sử dụng, nhất là để phục vụ nhu cầu mua sắm công và những DN xuất khẩu các sản phẩm có dán nhãn xanh sẽ được miễn thuế xuất khẩu cũng như được ưu đãi thuế thu nhập DN. Đồng thời, các sản phẩm dán nhãn xanh sẽ được hỗ trợ giá.

     Chương trình Nhãn xanh VN được triển khai trên phạm vi toàn quốc từ năm 2009 nhằm mục tiêu cải thiện và duy trì chất lượng môi trường sống thông qua giảm thiểu sử dụng và tiêu dùng năng lượng, vật liệu cũng như các loại chất thải sinh ra do quá trình sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng các sản phẩm, dịch vụ tiêu dùng phục vụ đời sống.

 

Sản phẩm bóng đèn Điện Quang là đơn vị có đến 43 sản phẩm đạt được chứng nhận “Nhãn xanh Việt Nam”


 

     Theo Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT), tính đến hết năm 2014, đã có 53 sản phẩm đạt được chứng nhận “Nhãn xanh Việt Nam”, trong đó Công ty CP bóng đèn Điện Quang là đơn vị có đến 43 sản phẩm được chứng nhận Nhãn xanh Việt Nam nhờ sử dụng thủy tinh không chì và loại chì ra khỏi các công đoạn sản xuất. Sau khi áp dụng thử nghiệm việc cấp nhãn xanh cho một số sản phẩm như bột giặt Tide, bóng đèn Compac, bóng đèn huỳnh quang… đã cho hiệu quả tốt và cần thiết phải nhân rộng, do đó các DN nên sớm có kế hoạch đăng ký nhãn xanh cho các sản phẩm của mình.

     Ông Hồ Quỳnh Hưng, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty CP bóng đèn Điện Quang chia sẻ, sản phẩm được gắn Nhãn xanh Việt Nam tốt hơn cho thiên nhiên và thật sự thân thiện với môi trường. Việc các cản phẩm của DN được công nhận Nhãn xanh sẽ giúp DN nâng cao sức cạnh tranh trên thị truờng. Đặc biệt, việc dán nhãn xanh cho các sản phẩm cũng giúp cho người tiêu dùng nhận biết được những sản phẩm đạt chuẩn, hướng người tiêu dùng đến sử dụng sản phẩm chất lượng thân thiện môi trường”.

     Có thể nói Nhãn xanh VN đã và đang góp phần thay đổi tư duy của các DN, được thể hiện trong việc cân đối giữa lợi nhuận kinh doanh và đầu tư cho hệ thống xử lý những tồn dư tác động đến tài nguyên thiên nhiên và môi trường. Không những thế, sản phẩm đầu ra của DN còn luôn cần đáp ứng đầy đủ các yếu tố khắt khe nhất về tiêu chuẩn, chất lượng.

     Hiện nay, Việt Nam đang theo đuổi mô hình nền Kinh tế Xanh, thể hiện trong Chiến lược quốc gia về Tăng trưởng Xanh được ban hành tại Quyết định số 1393/QĐ-TTg ngày 25/9/2012 của Thủ tướng Chính phủ. Chiến lược đặt ra mục tiêu chung là tăng trưởng xanh, tiến tới nền kinh tế các bon thấp, làm giàu vốn tự nhiên; Giảm phát thải và tăng khả năng hấp thụ khí nhà kính. Với những mục tiêu này, Nhãn xanh Việt Nam sẽ tạo cơ hội cho sự gặp nhau giữa các nhu cầu của nhà sản xuất, người tiêu dùng và Nhà nước trong mục tiêu hướng tới sản xuất và tiêu dùng bền vững, củng cố cho tiến trình xây dựng nền kinh tế xanh tại Việt Nam. Bên cạnh đó, khi triển khai Chương trình Nhãn xanh Việt Nam sẽ thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ bền vững, tạo điều kiện cho nhà sản xuất đầu tư cho các hoạt động BVMT, giúp giảm thiểu phát thải ô nhiễm ra môi trường, cải thiện chất lượng môi trường; Giảm các chi phí đầu tư cho xử lý ô nhiễm môi trường; Định hướng phát triển các ngành Kinh tế Xanh với việc sử dụng hiệu quả nguyên vật liệu và năng lượng, bảo tồn và gia tăng giá trị vốn tự nhiên, nâng cao chất lượng cuộc sống. Đó chính là các mục tiêu mà Nhà nước ta hướng tới trong xây dựng nền Kinh tế Xanh.

     Tuy nhiên, thực tế hiện nay, nhiều DN chỉ quan tâm đến việc tạo ra lợi nhuận cao mà không quan tâm nhiều đến việc ứng dụng các biện pháp nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tiết kiệm năng lượng. Do vậy, về lâu dài, các DN cần có các biện pháp để sản xuất gắn với việc BVMT, nhằm phát triển kinh tế bền vững.

 

Gia Linh

Ý kiến của bạn