Banner trang chủ
Thứ Ba, ngày 26/11/2024

Bảo vệ môi trường làng nghề: Huy động sự vào cuộc của các tổ chức chính trị - xã hộI

15/09/2015

    Hiện nay, nhiều khu vực hoạt động sản xuất tại làng nghề đã và đang gây ô nhiễm môi trường (ÔNMT) nghiêm trọng cho nhiều địa phương. Tính đến ngày 31/3/2014, cả nước có 1.534 làng nghề được công nhận trên tổng số 4.487 làng có nghề. Từ số liệu điều tra, khảo sát về môi trường làng nghề của Bộ TN&MT, trong vài năm gần đây, đã xác định được 104 làng nghề ô nhiễm trên phạm vi cả nước cần phải có kế hoạch xử lý triệt để cho đến năm 2020, trong đó có những địa phương, mức độ ô nhiễm kim loại nặng độc hại (Cr6+) cao gấp hơn 3.000 lần quy chuẩn cho phép. Đây thực sự là con số đáng báo động. Tỷ lệ mắc bệnh của cộng đồng dân cư tại các khu vực ô nhiễm ở làng nghề đang ngày một gia tăng. Hầu hết các cơ sở trong làng nghề đều không có hồ sơ môi trường, cũng như không có biện pháp xử lý chất thải. Khí thải, nước thải, chất thải rắn phát sinh từ hoạt động sản xuất đều được xả trực tiếp ra môi trường. Đáng lo ngại là chất thải của các làng nghề tái chế (giấy, kim loại, nhựa), làng nghề dệt nhuộm sử dụng hóa chất công nghiệp… đang rất bức xúc, gây ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe người dân.   Làng nghề kim khí Thanh Thùy, Thanh Oai (Hà Nội) đang bị ô nhiễm môi trường nghiêm trọng      Thời gian qua, Quốc hội, Chính phủ đã quan tâm đặc biệt tới công tác BVMT làng nghề như tổ chức giám sát tối cao về BVMT làng nghề; ban hành Nghị quyết số 19/2011/QH13 ngày 26/11/2011 về kết quả giám sát và đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về môi trường tại các khu kinh tế, làng nghề. Đồng thời, phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia về khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường giai đoạn 2012 - 2015, trọng tâm là xử lý ÔNMT làng nghề. Ngoài ra, Chính phủ cũng ban hành Nghị quyết số 35/NQ-CP về một số vấn đề cấp bách trong lĩnh vực BVMT, trong đó xác định ÔNMT tại các làng nghề là một trong những vấn đề “nóng” của giai đoạn hiện nay và Quyết định số 577/QĐ-TTg ngày 11/4/2013 phê duyệt “Đề án BVMT làng nghề đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030”, với hai mục tiêu tổng quát là tăng cường công tác BVMT trong quản lý và phát triển làng nghề trên phạm vi toàn quốc, ngăn chặn phát sinh các làng nghề ô nhiễm mới; từng bước khắc phục, cải thiện tình trạng ÔNMT tại các làng nghề, bảo vệ sức khỏe và nâng cao chất lượng cuộc sống dân cư, góp phần phát triển kinh tế - xã hội khu vực nông thôn bền vững.    Đặc biệt, Luật BVMT 2014 vừa được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 7 thông qua và có hiệu lực từ ngày 1/1/2015, nội dung về BVMT làng nghề được quy định cụ thể tại Điều 70, trong đó xác định rõ các điều kiện về BVMT mà làng nghề cần phải thực hiện, yêu cầu Chính phủ quy định danh mục ngành nghề được khuyến khích phát triển tại làng nghề và những yêu cầu về BVMT đối với nhóm đối tượng sản xuất các ngành nghề này. Đối với những cơ sở không thuộc danh mục ngành nghề được khuyến khích phát triển phải tuân thủ các quy định về BVMT đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ (Điều 68) và tuân thủ kế hoạch di dời, chuyển đổi ngành nghề sản xuất theo quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.    Sự đổi mới trong quy định pháp luật là một bước tiến đáng kể, nhằm từng bước nâng cao giá trị của làng nghề, tạo ra sự khác biệt giữa “làng nghề” và đối tượng không phải là làng nghề. Trên thực tế, việc giải quyết vấn đề ÔNMT tại các khu công nghiệp đã khó, việc xử lý ÔNMT tại các làng nghề còn khó hơn nhiều. Do vậy, trước mắt, cần triển khai từng bước cụ thể theo lộ trình đã được xác định tại Quyết định số 577/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Bên cạnh đó, cần có kế hoạch bảo tồn và phát triển làng nghề theo đúng giá trị truyền thống ban đầu vốn có, phát huy vai trò cải thiện sinh kế cho người dân khu vực nông thôn, không để lại hậu quả cho môi trường và sức khỏe con người, bảo đảm phát triển bền vững đất nước. Trong đó, nhất thiết phải xác định lại thế nào là làng nghề, không để tồn tại 2 khái niệm làng nghề được công nhận và làng có nghề đan xen, cùng một phương thức quản lý như hiện nay.    Mặt khác, cần thống nhất đầu mối quản lý làng nghề, tránh tình trạng chồng chéo, phân tán như hiện nay và phải xem trọng yếu tố môi trường trong hoạt động sản xuất nghề, có những định hướng đúng đắn về các ngành nghề cần được khuyến khích phát triển bền vững. Cùng với đó, phải tăng cường xúc tiến thương mại và đẩy mạnh công tác truyền thông, thông tin để các sản phẩm làng nghề bắt kịp hội nhập với những sản phẩm khác trong khu vực.    Ngoài ra, làng nghề Việt Nam không chỉ góp phần phát triển kinh tế, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập mà còn giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, việc gìn giữ giá trị văn hóa làng nghề là giữ lại những giá trị văn hóa của cả Dân tộc. Do đó, cần nhận thức lại về giá trị của các làng nghề, nếu chỉ đơn thuần là tạo công ăn việc làm cho người dân thì chỉ cần trách nhiệm của địa phương, nhưng đây là giá trị văn hóa của cả Dân tộc thì Nhà nước, các cấp, ngành phải chung tay gìn giữ phát triển bền vững các làng nghề. Đồng thời, cần phải đổi mới sự phối hợp của các Bộ, ngành ở Trung ương và địa phương để giải quyết từng vấn đề cụ thể của các làng nghề. Trước mắt, chọn lọc ở các địa phương những mô hình đổi mới sản xuất kinh doanh, trong đó chú trọng khuyến khích liên kết giữa các hộ dân trong làng nghề theo mô hình hợp tác xã kiểu mới. Cùng với đó, tập trung giải quyết vấn đề đất đai cho làng nghề, xử lý ÔNMT làng nghề, vận dụng các chính sách về vốn cho làng nghề, chú trọng đến nghề và xây dựng thương hiệu cho các làng nghề, đảm bảo nguyên liệu đầu vào ổn định cho làng nghề…    Trao đổi về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ TN&MT Bùi Cách Tuyến nhấn mạnh, sự thành công của Tọa đàm “Làng nghề Việt Nam: Truyền thống, thực trạng và giải pháp phát triển trong thời kỳ hội nhập” do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với Bộ Công thương và Hiệp hội làng nghề Việt Nam tổ chức mới đây cho thấy, đã có sự vào cuộc của các tổ chức chính trị - xã hội, bên cạnh những nỗ lực của các ngành chức năng. Đây chính là cơ hội, là động lực để Bộ TN&MT đề xuất Ủy ban, các Bộ, ban ngành, cơ quan liên quan cùng chung tay thực hiện BVMT làng nghề trong phạm vi trách nhiệm được giao theo quy định của Luật BVMT 2014 cũng như các văn bản chỉ đạo của Quốc hội và Chính phủ.    Trong thời gian tới, Bộ TN&MT sẽ tăng cường làm việc với các Bộ, ngành, địa phương chưa lập Kế hoạch thực hiện Đề án BVMT làng nghề để xác định nguyên nhân, báo cáo Thủ tướng Chính phủ và đề xuất các biện pháp, giải pháp phù hợp. Đồng thời, nỗ lực tìm kiếm, huy động các nguồn lực trong nước và quốc tế, nhằm triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ đặt ra, đặc biệt là phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đúc rút, xây dựng các mô hình “làng nghề xanh” thân thiện môi trường để phổ biến, nhân rộng trên cả nước. Bên cạnh đó, Bộ TN&MT sẽ khẩn trương hoàn thiện các công cụ quản lý thông tin, kế hoạch giám sát môi trường, các biện pháp, công nghệ xử lý chất thải phù hợp quy mô hộ gia đình; Xây dựng, ban hành hướng dẫn tiêu chí phân loại làng nghề ô nhiễm, làng nghề ô nhiễm nghiêm trọng để các địa phương áp dụng, nhằm nhận diện bức tranh ÔNMT làng nghề hiện nay và định hướng cho việc ưu tiên đầu tư kinh phí, xử lý ô nhiễm. Đặc biệt là xây dựng, ban hành Thông tư hướng dẫn chi tiết nội dung về BVMT làng nghề quy định tại Luật BVMT 2014, Nghị định số 19/2015/NĐ-CP để các cơ quan quản lý và cơ sở sản xuất trong làng nghề triển khai thực hiện. Phạm Trọng Duy Cục Kiểm soát ô nhiễm, Tổng cục Môi trường (Nguồn: Tạp chí Môi Trường số 5/2015)
Ý kiến của bạn