Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 28/11/2024

Bình Ðịnh phát triển ngành thủy sản gắn với bảo vệ môi trường

15/06/2015

   Thực trạng phát sinh các nguồn ô nhiễm

   Theo Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản Bình Định năm 2014, sản lượng khai thác của tỉnh đạt 191.000 tấn, tăng 6,4% so với năm trước. Tuy nhiên, với đặc điểm của đại bộ phận ngư dân trong tỉnh là “bán nông, bán ngư”, cuộc sống phụ thuộc vào nguồn lợi tự nhiên, trình độ và năng lực khai thác hạn chế; tình trạng sử dụng các công cụ khai thác như chất nổ, xung điện, hóa chất để khai thác thuỷ sản vẫn diễn ra, làm hủy diệt nguồn lợi thủy sản. Kết quả kiểm tra trong năm 2014 của Đoàn Thanh tra bảo vệ nguồn lợi thủy sản phối hợp với Phòng Cảnh sát đường thủy, Đồn Biên phòng tại các đầm Thị Nại, Đề Gi, Trà Ổ và các vùng ven bờ biển tỉnh Bình Định đã phát hiện, xử lý 12 trường hợp tàu cá vi phạm “nghề cấm”, xử phạt 37 triệu đồng; đồng thời, tịch thu 2 cặp gọng xiếc, 4 bộ kích điện, 3 tấm lưới, 4 bình ắc quy…Mặt khác, do phần lớn phương tiện tàu thuyền tham gia hoạt động khai thác là tàu có công suất nhỏ dưới 20 CV nên sản lượng khai thác bị giảm mạnh, chủ yếu khai thác thủy sản ven bờ.

   Về hoạt động nuôi trồng thủy sản, năm 2014, tổng diện tích mặt nước đưa vào nuôi trồng thủy sản là 4.476 ha, sản lượng đạt 9.062 tấn, tăng 3,1%. Song vẫn còn nhiều hạn chế là cơ sở hạ tầng các vùng nuôi tôm chưa được đầu tư đúng mức. Tại nhiều địa phương, hệ thống thủy lợi được sử dụng chung cho sản xuất nông nghiệp và nuôi tôm, nên môi trường nước bị ô nhiễm nghiêm trọng, dịch bệnh phát sinh gây hại vật nuôi. Tại các vùng nuôi tôm trên cát ở xã Mỹ Thắng, Mỹ An (Phù Mỹ)… nhiều người dân đã lấn chiếm đất, xây dựng ao nuôi tôm trên cát, phá vỡ quy hoạch. Đáng lo ngại là người nuôi tôm đã xả trực tiếp nước thải và chất thải ra môi trường, gây ô nhiễm môi trường nuôi, khiến dịch bệnh phát sinh và lây lan trên diện rộng. Ngoài ra, nhiều hộ nuôi tôm cũng không tuân thủ việc kiểm dịch tôm giống trước khi thả nuôi. Theo Chi cục Thú y tỉnh, có 35% con giống thả nuôi không qua kiểm dịch, không rõ nguồn gốc. Năm 2014, toàn tỉnh có trên 27 ha nuôi tôm bị dịch bệnh, trong đó có 15 ha tôm nuôi bị vi rút đốm trắng gây hại và trên 12 ha bị bệnh do ô nhiễm môi trường nước.

   Bên cạnh đó, các cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá trong tỉnh, nhất là các cảng cá, bến cá, cung ứng dịch vụ xăng dầu, nước đá, nước ngọt quy mô nhỏ, manh mún, chưa đáp ứng được yêu cầu sản xuất của ngành… Hoạt động chế biến thủy sản cũng phát sinh các nguồn chất thải rắn, chất thải lỏng, khí thải gây ô nhiễm môi trường. Nguồn nước thải trong ngành chế biến thủy sản, chủ yếu được thải ra từ nước rửa nguyên liệu, sơ chế nguyên liệu, chế biến sản phẩm, các nguồn nước vệ sinh nhà xưởng sản xuất, nước rửa máy móc, dụng cụ trong các phân xưởng chế biến...

   Đẩy mạnh các giải pháp phát triển ngành thủy sản và BVMT

   Mục tiêu năm 2015, Bình Định sẽ phấn đấu đạt tổng sản lượng khai thác hải sản các loại tăng 6,9 % so với cùng kỳ năm 2014; Tổng sản lượng hải sản nuôi trồng đạt 9 nghìn tấn, trong đó riêng sản lượng tôm nuôi đạt gần 6 nghìn tấn; Tổng diện tích nuôi trồng thủy sản của tỉnh năm 2015 trên 4.670 ha, trong đó diện tích tôm nuôi trên 2.220 ha. Để đạt mục tiêu trên, tỉnh đã triển khai kế hoạch hỗ trợ các ngư dân, đóng mới 200 vỏ thép đánh bắt xa bờ và bằng vật liệu mới. Đồng thời, thành lập thêm 500 tổ, đội “đoàn kết” trên biển và nâng tổng số lên 846 tổ, đội, với trên 2.940 tàu có công suất từ 90-1.000 CV. Cùng với đó, tỉnh đẩy nhanh tiến độ thi công mở rộng và nâng cấp các cảng cá Đề Gi (Cát Khánh, Phù Cát) và thường xuyên nạo vét luồng lạch cửa biển Tam Quan Bắc, (huyện Hoài Nhơn) tạo điều kiện cho tàu thuyền ra vào thực hiện hậu cần nghề cá. Tỉnh cũng giao Sở NN&PTNT xây dựng quy hoạch chi tiết các khu nuôi trồng thủy sản công nghệ cao tại xã Cát Thành, Cát Hải (Phù Cát); Mỹ Thành (Phù Mỹ); Xây dựng chi tiết Cụm công nghiệp chế biến thủy sản Cát Khánh (Phù Cát)…

   Ngoài ra, Bình Định cũng tăng cường công tác chỉ đạo, quản lý nhà nước,nâng cao nhận thức cho người sản xuất, thực hiện các biện pháp kiểm soát dịch bệnh, an toàn vệ sinh thực phẩm, tăng năng suất, hiệu quả và tập trung nuôi trồng thủy sản theo hướng bền vững gắn với BVMT. Trong đó, chú trọnghướng dẫn, giám sát người nuôi tôm thực hiện tốt lịch thời vụ nuôi tôm nước lợ, kỹ thuật nuôi tôm và các quy định về biện pháp phòng chống dịch bệnh, đưa nghề nuôi trồng thủy sản đi vào ổn định,bền vững.

   Cùng với đó, tỉnh cũng chuyển đổi một số ngành nghề khai thác thủy sản nhằm giảm cường độ khai thác tác động vào nguồn lợi thủy sản đang bị cạn kiệt, đồng thời mang lại lợi ích kinh tế cho bà con ngư dân. Đối với các nghề khai thác truyền thống tác động trực tiếp đến hệ sinh thái biển như nghề lặn hải đặt sản, lưới mùng, câu… cần ưu tiên chuyển đổi sinh kế sang phát triển du lịch sinh thái, nhằm tăng thu nhập cho ngư dân.

   Mặt khác, cần tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát và tổ chức quản lý, giám sát cộng đồng về BVMT biển và áp dụng các hình thức xử phạt nghiêm đối với các ngư dân không tuân thủ quy định BVMT; lồng ghép các vấn đề môi trường trong quy hoạch, duy trì diện tích các vùng nuôi thủy sản sinh thái, có cơ chế, chính sách ưu tiên đối với các sản phẩm được sản xuất theo quy trình thân thiện môi trường.

   Tuyên truyền cho ngư dân chấp hành tốt các quy định về quản lý nguồn lợi biển, khai thác hợp lý tài nguyên, bảo vệ các bãi rạn san hô, các bãi sinh sản của loài thủy, hải sản nhằm phục hồi và phát triển nguồn lợi, phát triển đa dạng sinh học; Phổ biến kiến thức pháp luật, quy định BVMT cho ngư dân, các đoàn viên thanh niên, học sinh của các xã ven biển; Xây dựng các pano bảo vệ nguồn lợi thủy sản, áp phích, phim tài liệu, báo, đài, trang web; Tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về nguồn lợi thủy sản tại địa phương.

ThS. Phùng Thị Quỳnh Trang

Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Thương mại

Lê Thị Phượng

Học viện Chính trị Khu vực 1

(Nguồn: Tạp chí Môi Trường số 5/2015)

Ý kiến của bạn