Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 29/11/2024

ASOEN Việt Nam - Hành trình nỗ lực vì Cộng đồng ASEAN phát triển bền vững

03/03/2016

   Năm 2015 là năm có ý nghĩa quan trọng, quan hệ hợp tác ASEAN được nâng lên một tầm cao mới với sự hình thành Cộng đồng ASEAN vào ngày 31/12/2015. Đối với Việt Nam, 2015 đánh dấu chặng đường 20 năm gia nhập ASEAN. Hòa cùng với những hoạt động chung của khu vực trên ba trụ cột an ninh - chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội, Việt Nam đã có những đóng góp quan trọng trong đẩy mạnh các hoạt động hợp tác về môi trường.

   Đẩy mạnh các hoạt động hợp tác trong khu vực ASEAN

   Nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả quan hệ hợp tác ASEAN của Việt Nam, ngày 31/1/2009, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quyết định số 142/QĐ-TTg về việc ban hành Quy chế làm việc và phối hợp giữa các cơ quan tham gia hợp tác ASEAN của Việt Nam. Thực hiện Quyết định này, Bộ trưởng Bộ TN&MT đã ban hành Quyết định số 727/QĐ-BTNMT ngày 19/4/2010 về việc thành lập Văn phòng Tổ chức các Quan chức cao cấp ASEAN về môi trường của Việt Nam (Văn phòng ASOEN Việt Nam), đồng thời ban hành Quy chế hoạt động của Văn phòng.

 

Hội nghị cấp cao lần thứ 4 về TP môi trường bền vững tại Hà Nội ngày 21 - 22/3/2013

   Kế hoạch Tổng thể Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN giai đoạn 2009 - 2015 kết thúc cũng là thời điểm hình thành Cộng đồng ASEAN, đưa quan hệ hợp tác ASEAN lên một tầm cao mới. Để chuẩn bị cho một giai đoạn mới trong tiến trình hội nhập ASEAN, các nước thành viên ASEAN đều nỗ lực đẩy mạnh các hoạt động hợp tác trong các lĩnh vực chuyên ngành. Trong xu thế đó, Đề án tăng cường năng lực cho ASOEN Việt Nam đã được xây dựng vào ngày 15/12/2014, Bộ trưởng Bộ TN&MT đã ký quyết định kiện toàn cơ cấu tổ chức ASOEN Việt Nam.

   Để đẩy mạnh các hoạt động thường niên về môi trường theo kế hoạch chung của khu vực, Tổng cục Môi trường đã hoàn thiện Dự thảo Chương trình Hành động Việt Nam tham gia hợp tác ASEAN về môi trường giai đoạn 2014 - 2015. Đây là cơ sở pháp lý để đề xuất và xây dựng kế hoạch thực hiện các hoạt động của Việt Nam tham gia hợp tác ASEAN về môi trường. Chương trình Hành động đã được Bộ trưởng Bộ TN&MT ký ban hành vào ngày 31/7/2014.

   Nhằm kiện toàn mạng lưới, thống nhất đầu mối tổ chức, quản lý hoạt động hợp tác ASEAN về môi trường của Việt Nam, ngày 6/7/2015, Bộ trưởng Bộ TN&MT đã ký ban hành Quyết định số 1806/QĐ-BTNMT về việc kiện toàn Văn phòng ASOEN Việt Nam.

   Một số hoạt động nổi bật của Văn phòng ASOEN Việt Nam

   Trong giai đoạn năm 2010 - 2015, Văn phòng ASOEN Việt Nam đã phối hợp với các tỉnh, thành phố (TP) và khu vực ASEAN thực hiện các dự án, chương trình trong khuôn khổ ASEAN và đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Tiêu biểu là Dự án Phục hồi và sử dụng bền vững đất than bùn khu vực Đông Nam Á (Dự án Peatland); Dự án Hỗ trợ kỹ thuật cho các TP vừa và nhỏ trong khu vực ASEAN do GIZ tài trợ; Chương trình TP kiểu mẫu ASEAN về môi trường do Nhật Bản tài trợ; các chương trình giải thưởng TP bền vững môi trường ASEAN và Chương trình Giải thưởng Trường học Sinh thái ASEAN; các dự án về đa dạng sinh học trong khuôn khổ hợp tác ASEAN và ASEAN+3 đã được triển khai và thực hiện thành công.

   Bên cạnh các hội nghị thường niên trong giai đoạn 2010 - 2015, Văn phòng ASOEN cũng phối hợp với các đơn vị liên quan trong và ngoài Bộ TN&MT, Ban Thư ký ASEAN thành lập các đoàn công tác tham dự các hội thảo, tập huấn về tăng trưởng xanh, kinh tế xanh, diễn đàn thanh niên, các hội nghị quốc tế thanh thiếu niên về BVMT. Đặc biệt, Văn phòng ASOEN Việt Nam đã chủ trì tổ chức thành công nhiều hội nghị, hội thảo trong khuôn khổ hợp tác ASEAN về môi trường và biến đổi khí hậu (BĐKH), trong đó, điểm nhấn quan trọng là Hội nghị quan chức cao cấp ASEAN về môi trường lần thứ 21 (ASOEN 21) năm 2010; Hội nghị Bộ trưởng Môi trường ASEAN lần thứ 13 và chuỗi các hội nghị liên quan năm 2015 (AMME 13). Tại các hội nghị này, Việt Nam đã có nhiều sáng kiến, đề xuất được các nước thành viên ASEAN và cộng đồng quốc tế đánh giá cao.

   Để thực hiện Kế hoạch Tổng thể Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN, Văn phòng ASOEN Việt Nam đã phối hợp với các Bộ, ngành liên quan triển khai, rà soát việc thực hiện các tuyên bố, thỏa thuận, sáng kiến của ASEAN, ASEAN+3 trong lĩnh vực môi trường; lồng ghép các thỏa thuận, sáng kiến vào các chương trình và kế hoạch hành động quốc gia. Đồng thời, tham gia và đóng góp ý kiến trong quá trình xây dựng Văn kiện Tầm nhìn ASEAN sau năm 2015 và Kế hoạch Tổng thể Cộng đồng Văn hóa - Xã hội sau năm 2015.

   Có thể nói, với sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của lãnh đạo Bộ TN&MT, Tổng cục Môi trường, Văn phòng ASOEN Việt Nam đã đáp ứng được vai trò đầu mối hợp tác ASEAN về môi trường. Việc thành lập và bố trí Văn phòng ASOEN tại Vụ Hợp tác quốc tế và Khoa học, Công nghệ của Tổng cục Môi trường là một bước ngoặt lớn tăng cường năng lực và làm cho hoạt dộng đối ứng ASOEN trở nên chuyên nghiệp hơn. Mặt khác, giúp hoạt động của Văn phòng gắn kết chặt chẽ với các hoạt động hợp tác quốc tế chung của Tổng cục Môi trường, đồng thời hỗ trợ phát huy nguồn lực khoa học và công nghệ.                

   Tuy nhiên, trong quá trình triển khai các hoạt động, Văn phòng ASOEN Việt Nam cũng gặp những khó khăn nhất định. Nhu cầu hợp tác ASEAN (trong và ngoài khu vực) ngày càng gia tăng, trong khi đó, yêu cầu cập nhật, lưu trữ, tra cứu và tổng hợp thông tin tham mưu, điều phối hoạt động hợp tác giữa các Nhóm công tác với nhau và với các Bộ, ngành, tổ chức, cá nhân liên quan ngày càng nhiều, phức tạp; kinh phí hoạt động được cấp hạn chế, chưa đáp ứng những hoạt động cần thiết. Ngoài ra, nhận thức về công tác hội nhập ASEAN của các cán bộ công chức trong Bộ và cộng đồng vẫn chưa đầy đủ. Đây là một trong những thách thức lớn, gây khó khăn cho các hoạt động của cán bộ làm công tác ASEAN.

   Để đáp ứng yêu cầu hoạt động hợp tác trong giai đoạn hội nhập toàn diện của khối ASEAN, việc xây dựng, kiện toàn đội ngũ cán bộ Văn phòng ASOEN Việt Nam, cùng sự quan tâm, chỉ đạo kịp thời của các cấp lãnh đạo là những yếu tố quyết định sự thành công cho quan hệ hợp tác ASEAN về môi trường thời gian tới.

 

Nguyễn Thị Thanh Trâm

 Phó Chánh Văn phòng ASOEN Việt Nam

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 2/2016)

Ý kiến của bạn