Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 28/11/2024

Ảnh hưởng của ô nhiễm nước tới hoạt động sản xuất nông nghiệp

12/06/2015

   Những năm gần đây, ngành nông nghiệp Việt Nam đã có những bước phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên, việc phát triển vượt bậc từ trồng trọt, chăn nuôi gia súc, gia cầm, làm thủy lợi đến nuôi trồng thủy sản, phát triển các làng nghề… làm môi trường nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Tình trạng người dân sử dụng tràn lan thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) và phân bón, phát triển ồ ạt đàn gia súc gia cầm với hình thức chăn nuôi nhỏ lẻ, thả rông, không kiểm soát được, cùng với sự phát triển của các làng nghề không theo quy hoạch, chất thải kim loại nặng thải ra ao, hồ, kênh, mương như hiện nay đang ở mức báo động. Do vậy, việc tìm ra giải pháp kiểm soát ô nhiễm nước (ÔNN) mặt để phục vụ sản xuất nông nghiệp (SXNN) và đảm bảo sức khỏe của người dân là việc làm hết sức cấp thiết hiện nay.

   Các nguyên nhân và ảnh hưởng của ÔNN mặt tới SXNN

   Hoạt động SXNN đã gây ra nhiều tác động đến môi trường nước mặt. Các vấn đề ô nhiễm môi trường nước đang được quan tâm hiện nay trong lĩnh vực phát triển nông nghiệp, nông thôn do lạm dụng hóa chất BVTV và phân bón hóa học trong hoạt động chăn nuôi, sản xuất tại các làng nghề chưa có hệ thống thu gom và xử lý chất thải (XLCT).

   Hiện nay, việc sử dụng quá nhiều phân bón và hóa chất BVTV, không đúng quy trình gây ô nhiễm môi trường nước tại các lưu vực sông lớn và địa phương có nền kinh tế nông nghiệp phát triển mạnh như đồng bằng sông Hồng, sông Cửu Long. Nguyên nhân là phân bón và hóa chất BVTV tồn dư trong đất bị rửa trôi theo các dòng chảy mặt và đổ vào các con sông. Với khoảng 70% dân số ở khu vực nông thôn, mỗi năm phát sinh khoảng 7.500 tấn vỏ bao thuốc (BVTV), hầu hết chưa được thu gom, xử lý hợp vệ sinh, xả trực tiếp ra môi trường. Theo số lượng thống kê, riêng năm 2010, khoảng 60 - 65% lượng phân đạm (tương đương 1,77 triệu tấn), 55-60% lượng lân (2,07 triệu tấn) và 55 - 60% kali (344 nghìn tấn) tồn dư trong đất.

   Nước thải chăn nuôi cũng là vấn đề đáng lo ngại đối với môi trường nước mặt. Hàng năm, ngành chăn nuôi thải ra khoảng 73 triệu tấn chất thải, trong đó chỉ có 30 - 60% chất thải được xử lý, lượng còn lại xả thẳng ra môi trường. Nước ta có 16.700 trang trại chăn nuôi, với 80% được xây dựng trong khu dân cư, trong đó chỉ có khoảng 1.700 cơ sở có hệ thống XLCT, phần lớn đều không có nhà XLCT chăn nuôi theo tiêu chuẩn. Do vậy, chất thải chăn nuôi là một trong những tác nhân gây ô nhiễm nguồn nước đáng kể.

   Vấn đề tương tự cũng xảy ra tại các làng nghề, do quy trình sản xuất thủ công, nhỏ lẻ, phần lớn không có các hệ thống XLNT làm cho môi trường nước xung quanh suy giảm nghiêm trọng, ảnh hưởng tới sức khỏe cộng đồng. Như trên địa bàn xã Phong Khê, huyện Yên Phong và khu sản xuất giấy Phú Lâm, huyện Tiên Sơn, tỉnh Bắc Ninh có đến gần 100 xí nghiệp và 70 phân xưởng sản xuất nhỏ. Theo số liệu của Sở TN&MT tỉnh Bắc Ninh, năm 2012, ước tính khoảng trên 3.000 m3 nước thải tạo ra mỗi ngày chứa các hóa chất độc hại như xút, chất tẩy rửa, phèn kép, nhựa thông, Javen, ligin, phẩm màu, hàm lượng BOD vượt 4 - 6 lần tiêu chuẩn cho phép, có nơi vượt đến 13,5 lần.

   Tại xã Dương Nội, huyện Hoài Đức, TP. Hà Nội, với việc sản xuất gần 11.000 m vải/năm, nước thải từ các hộ gia đình và các doanh nghiệp dệt, tẩy nhuộm chưa qua xử lý khiến nguồn nước sông Nhuệ bị ô nhiễm nặng. Hoạt động tái chế nhôm của người dân ở làng nghề rèn Vân Chàng thuộc xã Nam Giang, Nam Thanh, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định đang gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Hàm lượng phốt pho, kẽm vượt tiêu chuẩn Việt Nam (từ 1,09 - 7,6 lần; 7,7 - 33,8 lần). Làng nghề thải ra môi trường gần 40 tấn/tháng xỉ than, cặn nhôm và crôm; khoảng 500m3/ngày nước thải chứa axít, kiềm khiến môi trường ngày càng ô nhiễm.

   Tính đến tháng 12/2013, cả nước ta có 288 khu công nghiệp (KCN). Theo báo cáo giám sát của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, tỷ lệ các KCN có hệ thống XLNT tập trung ở một số địa phương rất thấp, có nơi chỉ đạt 15 - 20%, như tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và tỉnh Vĩnh Phúc. Một số KCN có xây dựng hệ thống XLNT tập trung nhưng vì để giảm chi phí nên hầu như không vận hành. Bình quân mỗi ngày, các khu, cụm, điểm công nghiệp thải ra khoảng 30.000 tấn chất thải rắn, lỏng, khí và chất thải độc hại khác. Nước thải từ ngành công nghiệp dệt may, giấy và bột giấy thường có độ pH trung bình từ 9 - 11; nhu cầu ôxy sinh hóa (BOD), nhu cầu ôxy hóa học (COD) lên đến 700mg/1 và 2.500mg/1; hàm lượng chất rắn lơ lửng cao gấp nhiều lần giới hạn cho phép đã gây ÔNN mặt nặng nề.

   Ngoài ra, ÔNN mặt cũng làm thiệt hại nghiêm trọng đến SXNN. Cụ thể, tuyến đê sông Ngũ Huyện Khê, địa phận xã Phong Khê (Bắc Ninh) trước đây là nguồn cung cấp nước chính cho SXNN và sinh hoạt, thì nay là nơi các người dân thải loại các phế liệu sản xuất, tái chế giấy. Theo khảo sát của Chi cục BVMT tỉnh Bắc Ninh, hàng chục ha đất trồng lúa tại khu vực này, sau một thời gian tiếp nhận nguồn nước thải chứa nhiều hóa chất thì hầu như không thể trồng được bất cứ loại cây nào.

   Cũng trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh, huyện Yên Phong nằm ngay cạnh sông Cầu, xã Mẫn Xá, nghề nấu nhôm đã “bức tử” cánh đồng, khiến cho hơn 45 ha đất không thể canh tác được nữa. Những ruộng bị ngấm nước thải, lúa không trổ bông được, hoặc toàn hạt lép. Nhiều mảnh ruộng nằm sát bãi đổ xỉ, ô nhiễm nặng, không canh tác được, người dân đành bỏ hoang.

   Tại xã Dương Nội (Hoài Đức, Hà Nội) vào mùa khô, lòng mương cạn, nước bốc lên mùi hắc khó chịu, những hôm trời mưa, nước thải dệt nhuộm chảy tràn xuống ruộng canh tác khiến lúa bị “lốp” nhiều lá, ít hạt.

   Người dân ở làng nghề xã Vân Chàng và Nam Giang, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định cho biết “Ở những thửa ruộng bị ô nhiễm do dòng nước thải của thôn Vân Chàng chảy vào, năng suất giảm ít nhất là 30-50 kg/sào”. Hậu quả gần 10 ha đất hai vụ lúa, vốn là “bờ xôi, ruộng mật” từng nuôi sống bao thế hệ người dân trong làng nay cũng bị bỏ hoang vì ô nhiễm môi trường nặng.

 

Gần 10 ha đất hai vụ lúa ở làng Bình Yên (Nam Trực, Nam Định) bị bỏ hoang từ nhiều năm nay

Nước thải các nhà máy hủy hoại mương, bức tử ruộng đồng

 

   Người dân huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên bức xúc vì tình trạng nước thải từ các nhà máy vẫn xả ra các kênh rạch. Hậu quả là nước chảy đến đâu, cây trồng vật nuôi chết đến đó. Điển hình là con kênh Trần Thành Ngọ, có chiều dài 5 km là tuyến kênh tưới chính cho 270 ha đất canh tác của huyện Mỹ Hào, chạy qua 2 xã Hưng Long và Dị Sử do hứng nước thải của hàng chục nhà máy xí nghiệp gần đó đã kéo theo đồng ruộng bị ô nhiễm trầm trọng, dẫn đến bỏ hoang. Người dân phải chịu cảnh thất bát, mất mùa, năng suất lúa trung bình mỗi vụ giảm 30% so với các nơi khác. Sông Cầu Lường, huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên sau khi tiếp nhận nước thải chính của 15 doanh nghiệp đã trở thành sông chết. Gần 150 ha lúa lấy nước từ sông Cầu Lường bị ảnh hưởng, giảm năng suất 30-40%.

   Những năm gần đây, hàng trăm hộ dân thôn Đồng Xuân, xã Hồng Phong, huyện An Dương, TP. Hải Phòng luôn sống trong tình trạng môi trường bị ô nhiễm trầm trọng do khói, bụi, nước thải độc hại của KCN Tràng Duệ gây ra. Hậu quả là hàng chục ha đất canh tác của người dân xung quanh KCN bị bỏ hoang, ảnh hưởng tới năng suất cây trồng. Theo thống kê của UBND xã Hồng Phong, riêng vụ mùa năm 2011 - 2012, hàng chục ha đất trồng lúa của người dân tại đây thất thu vì nước thải gây ô nhiễm nguồn nước tưới.

 

Nước thải của KCN Tràng Duệ (Hải Phòng) khiến năng suất lúa bị giảm sút, thậm chí phải bỏ hoang đồng ruộng

 

   Đề xuất các chính sách trong kiểm soát ô nhiễm nước

   Xây dựng hệ thống kiểm soát và XLNT ở các làng nghề. Điều tra, đánh giá tình hình ô nhiễm nguồn nước tại các làng nghề một cách khoa học. Từ đó phân loại và có giải pháp phù hợp. Các làng nghề cần có quy hoạch để xây dựng các khu sản xuất tách khỏi các khu dân cư, khu sản xuất nông nghiệp.

   Cần xử lý triệt để cơ sở gây ô nhiễm, thậm chí có thể quy trách nhiệm hình sự khi gây tác hại nghiêm trọng đến môi trường và sức khỏe con người. Có chính sách đền bù thỏa đáng cho người dân chịu ảnh hưởng từ ô nhiễm. Đồng thời, có cơ chế tài chính khuyến khích các doanh nghiệp làm tốt việc kiểm soát ÔNN.

   Khuyến khích sự tham gia của cộng đồng vào kiểm soát, giám sát ÔNN; Nâng cao nhận thức cộng đồng về vấn đề sử dụng nguồn nước, có sự phối hợp, chính sách hỗ trợ, bảo vệ đối với những người tố cáo các hành vi gây ÔNN.

   Xây dựng các cơ chế cụ thể để thu hút sự tham gia của tất cả các bên liên quan trong các quá trình lập quy hoạch, kế hoạch và triển khai các biện pháp BVMT nước.

   Công khai hóa các thông tin, dữ liệu liên quan đến tình hình ô nhiễm và các nguồn gây ô nhiễm môi trường nước trên các phương tiện thông tin đại chúng.

   Tiến tới môi trường sống tốt đẹp, sản xuất nông nghiệp luôn được đi đôi với BVMT, mỗi cá nhân hãy vì cộng đồng và tương lai của cuộc sống. Sự hài hòa trong sản xuất nông nghiệp và môi trường được phát triển song hành để tạo ra nền nông nghiệp phát triển bền vững.

   Tài liệu tham khảo

Báo cáo Môi trường Quốc gia (2012) , “Báo cáo môi trường quốc gia năm 2012 - Môi trường nước mặt”

Bộ Khoa học và Công nghệ (2010), Báo cáo tổng hợp đề tài : “Vấn đề môi trường trong phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội ở nước ta đến năm 2020”

Sở TN&MT Bắc Ninh (2012). Báo cáo: “Hiện trạng môi trường một số làng nghề tỉnh Bắc Ninh năm 2012”.

Bộ Tài nguyên và Môi trường (2013), “Ô nhiễm môi trường ở nước ta hiện nay - Thực trạng và giải pháp khắc phục”

Thông tấn xã Việt Nam, (2012) “Nước thải các nhà máy huỷ hoại kênh mương, bức tử ruộng đồng”, http://www.thiennhien.net/2012/12/23/nuoc-thai-cac-nha-may-huy-hoai-kenh-muong-buc-tu-ruong-dong/,tra cứu ngày 22/12/2014

Đặng Kim Chi và cộng sự (2005). Làng nghề Việt Nam và Môi trường, Nhà xuất bản KH&KT.

     Tiến Dũng (2014), “Đẩy lùi ô nhiễm Môi trường Nông thôn”, Hội Nông dân Việt Nam.

TS. Đinh Thị Hải Vân

Khoa Môi trường - Học viện Nông nghiệp Việt Nam

(Nguồn: Tạp chí Môi Trường số 5/2015)

Ý kiến của bạn