Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 27/12/2024

Đa Phước - Dự án xã hội hóa điển hình về môi trường của TP. Hồ Chí Minh

15/09/2015

     Ngày 10/1/2014, Đoàn công tác của Bộ TN&MT do Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang dẫn đầu đã đến thăm Khu Liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước (huyện Bình Chánh, TP. HCM) - Dự án điển hình theo chủ trương xã hội hóa trong lĩnh vực môi trường của TP.      Đa Phước là Khu xử lý rác hiện đại nhất Việt Nam, với tổng vốn đầu tư trên 120 triệu USD, do Công ty TNHH Xử lý chất thải rắn Việt Nam (VWS) làm chủ đầu tư. Mỗi ngày Khu Liên hợp tiếp nhận khoảng 10.000 tấn rác.      Theo Ông David Dương - Tổng Giám đốc VWS, VWS đã đầu tư 1 nhà máy phân loại tái chế rác; 1 nhà máy sản xuất phân compost; 1 nhà máy xử lý nước rỉ rác đạt loại A; 1 nhà máy sản xuất điện từ khí gas thu được từ bãi chôn lấp rác hợp vệ sinh với công suất 12 MW, dự kiến sẽ phát điện vào giữa năm 2014… Đến nay, Khu Liên hợp dã tiếp nhận và xử lý an toàn gần 7 triệu tấn rác cho toàn TP.   Ông David Dương, TGĐ VWS (bên phải) giới thiệu phân compost thành phẩm        Tuy nhiên, Khu Liên hợp cũng còn gặp một số khó khăn như: Từ năm 2010, VWS đã đầu tư nhà máy phân loại tái chế trị giá hơn 10 triệu USD, công suất 500 tấn/ngày, nhưng đến nay vẫn chưa được TP giao rác (đã được phân loại) để vận hành nhà máy và TP cũng chưa xây vành đai xanh cách ly với Khu Liên hợp theo hợp đồng đã kí kết. Vì vậy, ông David Dương đề nghị, lãnh đạo Bộ TN&MT và TP.HCM cho phép VWS thí điểm tạm nhập tái xuất phế liệu hỗn hợp để vận hành nhà máy phân loại tái chế. Ông David Dương cam kết, phế liệu hỗn hợp mà VWS xin nhập là phế liệu sạch từ Hoa Kỳ, VWS cũng sẽ ký quỹ khi được phép nhập loại phế liệu này.      Bộ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Minh Quang đánh giá cao công nghệ mà VWS áp dụng tại Khu Liên hợp Đa Phước vì đã góp phần tạo ra môi trường sinh thái tương đối tốt. Đồng thời, Bộ trưởng hoan nghênh ông David Dương - một Việt kiều Hoa Kỳ đã quyết định về nước và đầu tư cho lĩnh vực môi trường.      Với đề nghị của VWS, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang cho biết, quan trọng nhất là phải làm đúng Luật BVMT. Theo đó, VWS cần làm văn bản kiến nghị UBND TP. HCM cho ý kiến, đề xuất thí điểm, gửi lên Trung ương và các Bộ, ngành liên quan xem xét và có biện pháp giải quyết phù hợp.    Theo Monre
Ý kiến của bạn