Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 29/11/2024

Đầu xuân đi lễ chùa - nét đẹp văn hóa người Việt Nam

03/02/2016

     Mỗi dịp Tết Nguyên Đán, ngoài những địa điểm chơi xuân quen thuộc như công viên nước Hồ Tây, đi dạo Hồ Gươm, thăm thú phố cổ Hà Nội,...thì nhiều du khách thường thăm viếng chùa chiền để cầu lộc cầu tài đồng thời vãn cảnh ngày xuân. Hội Chùa Hương, hội Gióng, lễ hội Đền thánh Tản Viên, Phủ Tây Hồ hay hội đình Tây Đằng được coi là những địa điểm du xuân tuyệt vời cùng gia đình, bạn bè, người thân vào dịp Tết Bính Thân sắp tới.

     Hội Chùa Hương

     Hàng năm cứ mỗi độ xuân về hoa mơ nở trắng rừng hương sơn, hàng triệu phật tử cùng tam nhân mặc khách khắp bốn phương lại nô nức trẩy hội chùa Hương.

 

 

     Chùa Hương nằm ở địa phận xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, Hà Nội, cách trung tâm thủ đô khoảng 60km là nơi Bồ tát quan thế âm ứng hiên tu hành, để dâng lên người một lời cầu nguyện, một nén tâm hương hoăc thả hồn bay bổng hòa quyện với thiên nhiên ở một vùng rừng núi còn in dấu phật.   

     Núi chùa Hương không hùng vĩ nhưng lại có vẻ đẹp kỳ thú với những tên gọi mang tính bí ẩn của thuyết phong thủy như: Núi Long, Ly, Quy, Phượng, mộc mạc dân giã gắn liền với nhân dân lao động như núi Con Trăn, núi Mâm Xôi, núi Con Gà, núi Con Voi… Du khách cũng sẽ được tận hưởng cái thú trèo non hòa nhập với thiên nhiên hùng vĩ, cao rộng để đến với quần thể chùa chiền núi Hương Sơn như: Đền Trình, chùa Thanh Sơn, chùa Long Vân, động Hinh Bồng, động Tuyết Sơn, đền Trấn Sơn, chùa Giải Oan, Thiên Trù... và cuối cùng là chùa Hương nằm trong động Hương Tích hay còn gọi là chùa Trong.

 

 

     Đầu năm vãn cảnh chùa Hương, hành hương về nơi cõi Phật, được hòa mình vào non xanh nước biếc nơi đây khiến lòng ta thanh thản hơn, tràn đầy sức sống hơn.

     Hội Gióng ở đền Sóc

    Hội Gióng là lễ hội truyền thống tưởng nhớ và ca ngợi chiến công của người anh hùng Thánh Gióng, một trong tứ bất tử của tín ngưỡng dân gian Việt Nam. Hội Gióng được tổ chức ở nhiều nơi thuộc vùng đồng bằng Bắc Bộ nhưng tiêu biểu nhất là Hội Gióng ở đền Phù Đổng và đền Sóc (Hà Nội).

    Lễ hội mô phỏng một cách sinh động diễn biến các trận đấu của Thánh Gióng và nhân dân Văn Lang trong cuộc chiến chống giặc Ân, thông qua đó nâng cao nhận thức cộng đồng về các hình thức chiến tranh bộ lạc thời cổ xưa; đồng thời giáo dục lòng yêu nước, truyền thống thượng võ, ý chí quật cường và khát vọng độc lập, tự do của dân tộc.

 

 

     Hội Gióng ở đền Sóc (xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn, Hà Nội) được tổ chức từ ngày 6 - 8 tháng Giêng âm lịch hàng năm. Theo truyền thuyết, sau khi đánh thắng giặc Ân, Phù Linh là nơi dừng chân cuối cùng của Thánh Gióng trước khi bay về trời. Để tưởng nhớ công lao của Đức Thánh, tại đây, nhân dân đã xây dựng Khu di tích đền Sóc bao gồm 6 công trình: đền Hạ (hay còn gọi đền Trình), chùa Đại Bi, đền Mẫu, đền Thượng (hay còn gọi đền Sóc), tượng đài Thánh Gióng và nhà bia.

     Trong thời gian diễn ra lễ hội còn có nhiều trò chơi dân gian được tổ chức như chọi gà, cờ tướng, hát ca trù, hát chèo… 

     Lễ hội Đền thánh Tản Viên

     Được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia ngày 21/2/2008, Khu di tích lịch sử Đền thờ Tản Viên Sơn Thánh gồm ba ngôi đền (đền Thượng, đền Trung, đền Hạ. Đền nằm trên địa bàn hai xã Minh Quang và Ba Vì, thuộc huyện Ba Vì, thờ Đức Thánh Tản Sơn Tinh - vị thần đứng đầu trong bốn vị thần "bất tử" của Việt Nam và hai người em thúc bá là Cao Sơn (Sùng công) và Quý Minh (Hiển công).

 

 

     Theo truyền thuyết, Thánh Tản Viên còn được gọi là Sơn Tinh. Ông lấy công chúa Ngọc Hoa, con Hùng Duệ Vương (Hùng Vương thứ 18). Cuộc hôn nhân này đã đưa đến mối thù truyền kiếp: Đó là cuộc chiến tranh giữa Sơn Tinh và Thủy Tinh. Thần núi Tản Viên Sơn Tinh là một trong bốn vị thần "bất tử" trong thần thoại Việt Nam. Ông đi khắp mọi nơi dạy nhân dân làm ăn sinh sống như: dạy dân làm ra lửa, dạy dân làm ruộng và mở hội, dạy dân săn bắn, dạy dân dệt lụa, dạy dân luyện võ…

     Lễ hội Tản Viên Sơn Thánh tại cụm di tích Đền Thượng - Đền Trung - Đền Hạ tổ chức vào ngày Rằm tháng Giêng hàng năm. Đây là một trong số ít lễ hội cấp vùng hiện nay còn giữ được gần như nguyên vẹn nét đẹp văn hóa vốn có. Không trống hội rền vang, không lễ rước hoành tráng, nhưng cả không gian dưới chân núi Ba Vì tưng bừng không khí lễ hội bởi hàng nghìn du khách từ khắp nơi trang nghiêm, kính cẩn xếp hàng làm lễ.

    Lễ hội Phủ Tây Hồ

    Phủ Tây Hồ, cách trung tâm Thủ đô khoảng 4km về phía Tây. Phủ nằm trên bán đảo lớn của làng Nghi Tàm, nhô ra giữa Hồ Tây, trước là đất của một làng cổ của kinh thành Thăng Long nằm ở phía Đông của hồ Tây nay thuộc phường Quảng An, quận Tây Hồ - Hà Nội.

 

 

     Các công trình kiến trúc của Phủ Tây Hồ, bao gồm cổng làm kiểu tam quan, kiến trúc chính 3 nếp (Tam tòa thánh mẫu); phương đình, tiền tế, hậu cung; Điện Sơn Trang, khu nhà khách, lầu Cô, lầu Cậu. Di tích Phủ Tây Hồ hiện còn lưu giữ được khối di vật khá phong phú mang giá trị lịch sử, văn hóa, nghệ thuật thuộc thế kỷ XIX, XX như bộ tượng tròn gần 300 pho, hoành phi, câu đối...Đặc sắc nhất là bức đại tự ghi: "Thiên tiên trắc giáng" (Tiên trời xuất hiện) và bức hoành phi ở cửa cung đề: "Mẫu nghi thiên hạ" (làm mẹ của cả thiên hạ).

     Vào dịp tết đến xuân về, du khách thường đổ về đây rất đông, vì cùng với việc lễ cầu may, họ còn thưởng ngoạn cảnh đẹp Tây Hồ, nhớ về "áo mây xe gió" của bà chúa Liễu Hạnh. Được coi là nơi linh thiêng nên phủ Tây Hồ được nhiều người đến cúng lễ và cầu phúc, cầu lộc, nhất là vào ngày 3 tháng ba và ngày 13 tháng tám âm lịch. Phủ Tây Hồ đã được Bộ văn hóa cấp bằng Di tích lịch sử văn hóa ngày 13/2/1996.

     Hội đình Tây Đằng

     Nằm cách Hà Nội khoảng 50km về phía Tây, đình Tây Đằng (thị trấn Tây Đằng, huyện Ba Vì, tỉnh Hà Tây) được biết đến là một trong số những ngôi đình cổ nhất Việt Nam với gần 500 năm tuổi.

 

 

     Đình Tây Đằng được dựng vào khoảng đầu thế kỷ XVI với 48 cột lớn nhỏ, trước kia hoàn toàn làm bằng gỗ mít - loại gỗ hàng trăm năm không bị tiêu tâm (rỗng lõi), cột cái lớn nhất có đường kính đến 80cm. Nếu như các ngôi đình khác đều có bứng ván hoặc xây tường xung quanh thì đình Tây Đằng chỉ có hệ thống cột chống dàn mái (sức chịu lực tương đương móng một căn nhà 7 tầng) tạo nên một không gian thoáng đãng, tràn đầy ánh sáng làm nổi bật những hoa văn độc đáo, giá trị trong đình.

     Nét độc đáo nhất của đình Tây Đằng được thể hiện qua các bức chạm khắc mang đậm nét văn hóa dân gian trên từng cấu kiện kiến trúc, đề tài thiên về hoạt động của con người trong làng xã Việt Nam như bơi thuyền, gánh con, đốn củi, múa hát và tuyệt nhiên không chịu ảnh hưởng của lối chạm khắc hoa văn nước ngoài, thể hiện tư duy, trí tuệ của người Việt cổ về cuộc sống của nhân dân lao động...

     Diễn ra vào ngày 15 tháng Giêng âm lịch, tưởng nhớ công lao đức thánh Tản Viên và hai vị tướng của ông là Cao Sơn và Quý Minh, hội đình Tây Đằng mang đặc trưng của lễ hội truyền thống đồng bằng Bắc bộ Việt Nam.

     Ngoài ra, cũng còn khá nhiều lễ hội đáng chú ý khác như hội chùa Bối Khê (xã Tam Hưng, Thanh Oai, mở vào 2/1 âm lịch), hội chùa Trăm Gian (xã Tiên Phương, Chương Mỹ, diễn ra từ 4 - 6/1 âm lịch), hội Quán Thánh (xã Thống Nhất, Thường Tín, mở vào 8/1 âm lịch), hội chùa Đậu (xã Nguyễn Trãi, Thường Tín, diễn ra từ 8 - 10/1 âm lịch), hội làng Chuông (xã Phương Trung, Thanh Oai, diễn ra vào 10/1 âm lịch), hội Dô (xã Tuyết Nghĩa, Quốc Oai, 36 năm mới mở hội một lần diễn ra từ ngày 10 đến ngày 15 tháng Giêng âm lịch)...

 

Phuơng Linh

 

 

 

 

Ý kiến của bạn