Banner trang chủ
Thứ Tư, ngày 27/11/2024

Ðề xuất một số biện pháp giảm phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực quản lý chất thải ở Việt Nam

07/04/2014

    Over the past few years, green house gas (GHG) emission reduction measures have achieved remarkable results such as established legal and policy framework, improved solid waste collection and treatment and promoted low GHG waste treatment technology. However, some obstacles and shortcomings have arisen in implementing GHG reduction measures. For example, solid waste collection in rural areas has remained limited, manufacturers’s extended producer responsibility has not been introduced, and production technology has remained backward.

     This article proposes some measures for reducing GHG in waste management sectors. The measures include promoting reduced waste, reduced organic/carbon in waste, low GHG waste treatment technology and GHG collection technology. It also proposes a roadmap for investment in advanced technology in waste treatment.

     Trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp, việc thực hiện các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính (KNK) có ý nghĩa quan trọng. Bài viết nhằm rà soát thực trạng và đề xuất một số biện pháp giảm pháp thải KNK trong lĩnh vực quản lý chất thải ở nước ta.

     Thực hiện các biện pháp quản lý chất thải hướng đến giảm phát thải KNK

     Trong thời gian qua, hệ thống chính sách, pháp luật về BVMT nói chung, quản lý chất thải nói riêng đang từng bước được hoàn thiện. Nhiều văn bản được ban hành như Luật BVMT 2005, Luật Thuế BVMT, Chiến lược phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020, Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, Chiến lược quốc gia về BVMT đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn (CTR) đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050, Chiến lược sản xuất sạch hơn trong công nghiệp đến năm 2020... Thực hiện các văn bản này, công tác quản lý chất thải nói chung và các biện pháp giảm phát thải KNK có những kết quả đáng khích lệ.

     Công tác thu gom CTR đã được cải thiện đáng kể, đặc biệt là ở các đô thị: Tỷ lệ thu gom CTR trung bình ở các đô thị trên toàn quốc tăng từ 72% năm 2004 lên 81-82% năm 2010, một số đô thị đạt cao hơn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương từ 80-95% (Bộ Xây dựng 2010). Tỷ lệ thu gom CTR công nghiệp tại các khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất (KCX) là 90%.

     Triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia về sản xuất sạch hơn (SXSH) trong công nghiệp: Theo số liệu điều tra khảo sát năm 2011, trong tổng số 9.000 cơ sở sản xuất được khảo sát, có khoảng 1.000 cơ sở đã áp dụng các biện pháp SXSH, tương đương khoảng 11%, trong đó 309 doanh nghiệp, tương ứng 3% đã giảm 5-8% mức tiêu thụ nguyên, nhiên liệu. Hiện 12 Sở Công Thương đã có cán bộ đủ năng lực hướng dẫn áp dụng SXSH, 50 Sở Công Thương có cán bộ phổ biến, đào tạo về SXSH.

     Chiến lược sử dụng công nghệ sạch giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030: Tập trung vào việc đổi mới, ứng dụng công nghệ sạch ở một số ngành công nghiệp trọng điểm tiêu thụ nhiều năng lượng, mức phát thải lớn. Khi được thực hiện, Chiến lược này sẽ góp phần làm giảm chất thải từ hoạt động sản xuất.

     Với hàm lượng hữu cơ tương đối lớn (50-60%), thời gian qua các hoạt động tái chế CTR đô thị làm phân vi sinh (compost) đã được quan tâm thực hiện ở nhiều địa phương trên cả nước. Tính đến đầu năm 2013, có 41 nhà máy phân vi sinh trong đó có 28 nhà máy đang hoạt động, 10 nhà máy đang xây dựng và 3 nhà máy đã ngừng hoạt động. Nếu tính tổng cộng theo công suất thiết kế, khối lượng CTR được xử lý thành phân compost khoảng 6.400 tấn/ngày; tính theo lượng CTR thu gom được trong năm 2010 khoảng 21.766 - 22.290 tấn/ngày, tỷ lệ lượng CTR được chế biến thành phân compost chiếm khoảng 29% lượng CTR thu gom được.

     Thúc đẩy các công nghệ/kỹ thuật xử lý chất thải ít phát thải KNK: Xây dựng chính sách ưu đãi, hỗ trợ các hoạt động tái chế thông qua Luật BVMT 2005 và Nghị định số 4/2009/NĐ-CP ngày 14/1/2009. Một số công nghệ xử lý CTR hướng đến tái chế cũng được nghiên cứu áp dụng. Đến nay, đã có một tỷ lệ nhất định chất thải được tái chế; Bước đầu thúc đẩy hoạt động đốt rác để phát điện ở dự án Nam Sơn, Hà Nội với tổng mức đầu tư hơn 600 tỷ đồng và một dự án tương tự cũng đang được nghiên cứu ở TP. Hồ Chí Minh.

     Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện các biện pháp quản lý chất thải để giảm thiểu phát thải KNK vẫn còn bộc lộ những hạn chế, bất cập.

     Cụ thể, công tác thu gom CTR ở nông thôn còn hạn chế, tỷ lệ thu gom mới chỉ đạt khoảng 40 - 55%. Chính sách thu phí theo khối lượng phát sinh đối với CTR sinh hoạt, thu phí nước thải sinh hoạt theo lũy tiến chưa được áp dụng. Hoạt động phòng ngừa, giảm thiểu chất thải trong các hoạt động tiêu dùng hầu như chưa được chú trọng. Việc triển khai cơ chế mở rộng trách nhiệm của nhà sản xuất (EPR) còn hạn chế; Công nghệ sản xuất còn lạc hậu, việc áp dụng SXSH, ISO 14000, kiểm toán chất thải... chưa được đẩy mạnh; Tỷ lệ các cơ sở sản xuất áp dụng SXSH còn thấp.

     Bên cạnh đó, hoạt động tái chế chất thải hữu cơ làm phân vi sinh (compost) chưa phổ biến trên thực tế. Các cơ sở sản xuất phân vi sinh còn gặp nhiều khó khăn trong hoạt động.

     Mặt khác, hoạt động tái chế chất thải mới chỉ ở quy mô nhỏ, thủ công nghiệp, tự phát, chủ yếu là do các cơ sở sản xuất ở các làng nghề thực hiện với công nghệ cũ, lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường. Việc ứng dụng công nghệ tiên tiến trong xử lý chất thải còn rất hạn chế, phương thức chính trong xử lý CTR vẫn là chôn lấp không hợp vệ sinh. Trên toàn quốc có 98 bãi chôn lấp chất thải tập trung đang vận hành, nhưng chỉ 16 bãi được coi là chôn lấp hợp vệ sinh (Bộ TN&MT, 2010). Công nghệ đốt CTR mới chỉ được áp dụng trong lĩnh vực y tế, bước đầu trong CTR sinh hoạt và cũng còn nhiều bất cập. Việc đầu tư, xây dựng các hệ thống xử lý nước thải ở các đô thị còn chậm, 90% nước thải sinh hoạt ở các đô thị chưa được xử lý mà xả thải trực tiếp ra môi trường. Việc thu hồi khí mê-tan từ các bãi chôn lấp rác thải, các cơ sở xử lý nước chỉ mới dừng ở một số dự án cơ chế phát triển sạch (CDM).

 

Xây dựng hầm biogas sinh học xử lý chất thải vật nuôi, nhằm giảm phát thải khí nhà kính

 

     Nguyên nhân chính là do nhận thức và ý thức trách nhiệm về BVMT, quản lý chất thải để giảm phát thải KNK của các cấp, ngành, doanh nghiệp còn yếu kém. Nguồn lực đầu tư cho hạ tầng kỹ thuật về quản lý chất thải nói chung và giảm phát thải KNK nói riêng còn tồn tại những bất cập. Việc thực thi pháp luật về quản lý chất thải còn hạn chế; Trình độ công nghiệp còn thấp, phần lớn là công nghệ cũ, lạc hậu nên phát sinh nhiều chất thải.

     Đề xuất các giải pháp quản lý chất thải nhằm giảm phát thải KNK

     Thúc đẩy giảm thiểu khối lượng chất thải phát sinh: Tăng cường năng lực để nâng cao tỷ lệ CTR được thu gom, đặc biệt đối với khu vực nông thôn. Thực hiện chính sách đánh phí theo khối lượng chất thải rắn phát sinh, thu phí lũy tiến đối với nước thải. Triển khai thí điểm và nhân rộng việc phân loại CTR tại nguồn ở các đô thị trên cả nước. Xây dựng các hướng dẫn để triển khai thực hiện thành công Quyết định số 50/2013/QĐ-TTg về cơ chế mở rộng trách nhiệm của nhà sản xuất (EPR) về thu hồi, xử lý sản phẩm hết hạn sử dụng hoặc thải bỏ đối với một số loại sản phẩm đặc thù kể từ năm 2015; Cần thực hiện các biện pháp khuyến khích tiêu dùng bền vững, xây dựng lối sống xanh, thân thiện với môi trường. Kiểm soát chặt chẽ việc nhập khẩu phế liệu, đẩy mạnh các biện pháp SXSH, kiểm toán chất thải, ISO14000 trong các cơ sở sản xuất công nghiệp. Thực hiện thành công Chiến lược áp dụng công nghệ sạch; Xây dựng các cơ sở công nghiệp, khu công nghiệp sinh thái, các-bon thấp.

     Giảm hàm lượng hữu cơ/các-bon trong chất thải phải xử lý: Cần tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động xử lý sinh học CTR, cụ thể là hoạt động tái chế chất thải hữu cơ thành phân vi sinh (compost), xây dựng hầm biogas sinh học trong xử lý chất thải vật nuôi. Nghiên cứu, xây dựng để áp dụng chính sách cấm chôn lấp chất thải hữu cơ.

     Thúc đẩy các phương pháp xử lý chất thải ít phát thải KNK: Xây dựng và thực hiện Luật Tái chế chất thải, phát triển ngành công nghiệp tái chế. Xây dựng và thực hiện chính sách đánh thuế khối lượng chất thải phải chôn lấp nhằm hạn chế việc chôn lấp, đồng thời thúc đẩy tái sử dụng, tái chế chất thải.

     Triển khai đầu tư xây dựng các cơ sở xử lý CTR ở những vùng kinh tế trọng điểm theo các quy hoạch đã được phê duyệt. Đầu tư xây dựng các dự án đốt rác thải để phát điện, trước hết ở các thành phố lớn Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng... Đồng thời, đầu tư xây dựng các trạm xử lý nước thải tập trung ở các đô thị, phấn đấu đến 2020, 100% các khu công nghiệp, cơ sở công nghiệp lớn có hệ thống xử lý nước thải, vận hành đạt tiêu chuẩn môi trường.

     Phát triển kỹ thuật thu hồi KNK: Thực hiện cải thiện môi trường các bãi chôn lấp hiện có. Huy động các nguồn vốn đầu tư để thực hiện dự án chuyển đổi hơn 80% các bãi chôn lấp CTR không kiểm soát sang đạt tiêu chuẩn môi trường đồng thời thu hồi khí mê-tan để phát điện.

     Cùng với 4 nhóm biện pháp nêu trên, cần triển khai thực hiện các nhóm giải pháp đồng bộ, đặc biệt cần có lộ trình đầu tư các cơ sở xử lý, tái chế chất thải theo hướng áp dụng công nghệ hiện đại, giảm chôn lấp.

 

Nguyễn Văn Tài, Nguyễn Trung Thắng

Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và môi trường

Nguồn: Tạp chí Môi trường, số 3/2014

Ý kiến của bạn