Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 29/11/2024

Ðẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên lưu vực sông Cầu

19/02/2016

 

   Phiên họp lần thứ 11 Ủy ban (UB) BVMT lưu vực sông (LVS) Cầu đã đánh giá các kết quả đạt được cũng như những khó khăn, tồn tại trong quá trình triển khai thực hiện Đề án tổng thể bảo vệ và phát triển bền vững môi trường sinh thái, cảnh quan LVS Cầu nhiệm kỳ III (2013 - 2015), đồng thời, đề xuất kế hoạch triển khai Đề án giai đoạn (2016 -2020). Trong khuôn khổ phiên họp cũng đã diễn ra Lễ chuyển giao chức vụ Chủ tịch UB BVMT LVS Cầu nhiệm kỳ IV cho Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh, theo quy định luân phiên. Nhân dịp này Tạp chí Môi trường đã phỏng vấn Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Tiến Nhường về một số nhiệm vụ giải pháp, trọng tâm trong công tác BVMT LVS Cầu thời gian tới.

Ông Nguyễn Tiến Nhường- Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bắc Ninh

    Xin ông cho biết một số kết quả triển khai Đề án BVMTLVS Cầu của tỉnh Bắc Ninh trong giai đoạn 2013 - 2015? 

   Ông Nguyễn Tiến Nhường: Trong nhiệm kỳ III, giai đoạn 2013-2015, tỉnh Bắc Ninh đã tập trung triển khai thực hiện Đề án BVMT LVS Cầu, về cơ bản đã đạt được các mục tiêu đề ra, cụ thể:

   Bắc Ninh đã ban hành 16 văn bản quy phạm pháp luật, bao gồm: Các Nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND, Quyết định của UBND tỉnh tập trung chủ yếu vào việc triển khai các đề án, dự án quản lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh; Hỗ trợ xây dựng điểm tập kết, thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt; Quy chế BVMT làng nghề, khu dân cư, cụm công nghiệp (CCN); Quan trắc tài nguyên môi trường, thu phí BVMT đối với nước thải và kế hoạch BVMT sông Cầu.

   Bên cạnh đó, công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật đã được tăng cường; UBND tỉnh phối hợp với Bộ TN&MT tiến hành thanh, kiểm tra 6 làng nghề và gần 600 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh có các nguồn phát thải lớn; thường xuyên phối hợp với các tỉnh: Bắc Giang, Hải Dương, Hà Nội tiến hành kiểm tra, trả lời đơn thư liên quan đến vấn đề khai thác khoáng sản, ô nhiễm môi trường (ÔNMT) liên vùng, liên tỉnh.

   Đồng thời, tỉnh tập trung xây dựng các công trình trọng điểm xử lý các nguồn ô nhiễm như: Xây dựng và đưa vào vận hành nhà máy xử lý nước thải (XLNT) sinh hoạt TP. Bắc Ninh công suất 28.000m3/ngày đêm, Nhà máy XLNT sinh hoạt thị xã Từ Sơn công suất 33.000 m3/ngày đêm, Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt, công suất 200 tấn/ngày; Đến nay, cơ bản các khu công nghiệp(KCN) có nguồn thải vào LVS Cầu có hệ thống XLNT tập trung và Trạm quan trắc nước thải tự động; Chất thải nguy hại và chất thải y tế được thu gom, xử lý đạt trên 90%; Xử lý triệt để các cơ sở gây ÔNMT nghiêm trọng theo Quyết định số 64/2003/QĐ - TTg của Thủ tướng Chính phủ, hiện còn 2 cơ sở đang trong quá trình xử lý triệt để: Làng nghề tái chế giấy Phong Khê sẽ hoàn thành giai đoạn I hệ thống XLNT, công suất 5.000m3/ngày đêm vào cuối tháng 12 /2015 và bãi rác Đồng Ngo (TP. Bắc Ninh) sẽ hoàn thành vào quý II/2016; Triển khai Dự án nạo vét sông Ngũ huyện Khê, dự kiến các dự án sẽ hoàn thành trong năm 2016.

   Để giải quyết cơ bản tình trạng ÔNMT tại các làng nghề, UBND tỉnh đã chỉ đạo các Sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thị xã, TP lập quy hoạch 53 CCN. Đến nay, đã có 29 CCN đi vào hoạt động, thu hút hơn 700 hộ gia đình và doanh nghiệp đầu tư sản xuất, giải quyết việc làm cho hơn 15.000 người lao động, có thu nhập ổn định.

   Ngoài ra, công tác truyền thông về BVMT LVS đến các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh được chú trọng. Năm 2015, tỉnh đã tổ chức phát sóng và đăng tin trên 30 chuyên mục, 20 phóng sự, tọa đàm về hoạt động BVMT, bảo vệ đa dạng sinh học và cộng đồng tham gia phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn. Giao Sở TN&MT tổ chức 25 khóa tập huấn, mít tinh hưởng ứng Ngày Môi trường Thế giới 5/6; Ngày hội Môi trường xanh hưởng ứng Chiến dịch Làm cho Thế giới sạch hơn thu hút hàng nghìn người tham gia.

Dự án cải tạo sông Ngũ huyện Khê (tỉnh Bắc Ninh) nhằm xử lý tình trạng ÔNMT dự kiến hoàn thành vào năm 2016

   Là tỉnh nằm ở khu vực cuối nguồn của LVS Cầu, Bắc Ninh đã triển khai những hoạt động gì để ngăn chặn các nguồn thải gây ÔNMT trên LVS thưa ông?

   Ông Nguyễn Tiến Nhường: Thời gian qua, Bắc Ninh đã triển khai đồng bộ các hoạt động nhằm từng bước ngăn chặn các nguồn thải gây ô nhiễm trên LVS Cầu như:

   Tỉnh đã chỉ đạo các Sở, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai công tác BVMT, thực hiện nhiệm vụ BVMT; tổ chức các khóa tập huấn nhằm phố biến Luật BVMT 2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật;

   Bên cạnh đó, tỉnh đẩy mạnh công tác xã hội hóa phương thức đầu tư vào các công trình xử lý môi trường trên địa bàn tỉnh. Tiếp tục triển khai các chương trình, dự án liên quan đến nguồn thải trực tiếp ra sông Cầu và lưu vực. Tỉnh đã giao Sở TN&MT phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai các Dự án xử lý ÔNMT trên địa bàn tỉnh như: Dự án khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường làng nghề tái chế nhôm Mẫn Xá, xã Văn Môn, huyện Yên Phong. Hiện đã hoàn thành nhiệm vụ khảo sát lập Dự án và được UBND tỉnh phê duyệt phương án đầu tư xây dựng công trình; Dự án khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường làng nghề bún Khắc Niệm, xã Khắc Niệm, dự kiến hoàn thành vào năm 2016.

   Trong quá trình xem xét lựa chọn các dự án đầu tư, đặc biệt là các dự án trên địa bàn thuộc LVS Cầu, tỉnh ngăn chặn từ gốc các dự án có nguy cơ gây ÔNMT; thiết lập hàng rào kỹ thuật trong quá trình thẩm định, đánh giá tác động môi trường, lựa chọn những dự án sản xuất sạch, ít tác động đến môi trường sinh thái.

   Mặt khác, tỉnh đã xây dựng kế hoạch, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tiến hành thanh tra, kiểm tra việc thực thi chính sách, pháp luật về BVMT của các cơ sở, kinh doanh; kiên quyết xử lý nghiêm các cơ sở gây ÔNMT trong làng nghề, CCN cố tình vi phạm pháp luật về BVMT.

   Với cương vị được phân công là Chủ tịch UB nhiệm kỳ IV, ông có đề xuất gì để nâng cao hiệu lực quản lý BVMT LVS Cầu trong thời gian tới?

   Ông Nguyễn Tiến Nhường: Để thực hiện tốt các nhiệm vụ của Đề án tổng thể BVMT LVS Cầu giai đoạn 2016-2018 và đến năm 2020. UB BVMT LVS Cầu cần tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

   Tập trung hoàn thiện Đề án tổng thể Quy hoạch BVMT LVS Cầu phù hợp với Luật BVMT năm 2014; Nghiên cứu và đưa ra mô hình mới của UB BVMT LVS Cầu theo hướng chuyên trách, tăng tính quyền lực về hành chính và tài chính tạo ra sự thống nhất từ Trung ương đến địa phương, sự đồng thuận giữa các tỉnh trên LVS Cầu; Xây dựng hệ thống quan trắc làm cơ sở dữ liệu tài nguyên và môi trường nhằm chia sẻ thông tin kịp thời giữa các tỉnh trên lưu vực; Hoàn thiện các cơ chế, chính sách về công nghệ, kỹ thuật;Thu hút đầu tư, nguồn lực vào công tác BVMT, xây dựng danh mục hạn chế đầu tư vào hệ thống LVS Cầu; Triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia về khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường tại các làng nghề, các khu vực ÔNMT nghiêm trọng trên LVS Cầu; Tăng cường phối hợp cùng các tỉnh trên LVS Cầu tiếp tục đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm ra, xử lý triệt để các cơ sở gây ÔNMT nghiêm trọng theo Quyết định số 64/2003/QĐ-TTgvà Quyết định số 1788/ QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

   Để việc triển khai Đề án BVMT LVS Cầu đạt hiệu quả cao, Chính phủ cần chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan chủ động đề xuất các cơ chế, chính sách BVMT nói chung và LVS nói riêng, tạo điều kiện bố trí đủ nguồn lực để kiểm tra thực hiện tốt Đề án.

   Bộ TN&MT với chức năng là cơ quan thường trực, cần phát huy vai trò kết nối các hoạt động của Bộ, ngành liên quan với các tỉnh trên LVS Cầu; Bộ Kế hoạch và Đầu tư tạo điều kiện xây dựng cơ chế chính sách, thu hút đầu tư từ các tổ chức quốc tế cho BVMT của các tỉnh trên lưu vực…;

   UBND các tỉnh chủ động rà soát, xây dựng kế hoạch triển khai Đề án trong giai đoạn tới và đề xuất các giải pháp tổ chức thực hiện để đạt được mục tiêu của Đề án.

   Xin cảm ơn ông!

Châu Loan (Thực hiện)

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 1/2016)

Ý kiến của bạn