Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 28/11/2024

Ðầu tư năng lượng xanh toàn cầu năm 2014

22/06/2015

Tình hình năng lượng xanh thế giới năm 2014

   Ngành năng lượng xanh của thế giới thời gian qua được đầu tư không ngừng, với hơn 2.000 tỷ USD từ năm 2004 - 2014.Riêng năm 2014, số tiền đầu tư là 270 tỷ USD, tăng công suất thêm 103GW, tương đương với năng lượng của 158 lò phản ứng hạt nhân ở Mỹ.

   Việc mở rộng các thiết bị thu năng lượng mặt trời ở Trung Quốc và Nhật Bản cùng với các khoản đầu tư kỷ lục trong dự án điện gió ngoài khơi châu Âu là nguyên nhân chủ yếu thúc đẩy đầu tư toàn cầu năm 2014 tăng lên 17% so với năm 2013 (232 tỷ USD). Mức tăng trên do xu hướng sử dụng năng lượng xanh hiện đang gia tăng tại châu Á.

   Theo Báo cáo thường niên của Liên hợp quốc lần thứ 9 “Xu hướng toàn cầu trong việc đầu tư vào năng lượng xanh”, năm 2014 đạt công suất cao nhất từ trước đến nay nhờ áp dụng các thiết bị mới. Đồng thời, chi phí công nghệ tiếp tục giảm mạnh, đặc biệt là trong lĩnh vực năng lượng gió và mặt trời, chứng tỏ các dự án năng lượng xanh hoạt động ngày càng hiệu quả.

   Năng lượng từ gió, mặt trời, sinh khối, chất thải, địa nhiệt, thủy điện nhỏ và năng lượng biển đóng góp khoảng 9,1% tổng sản lượng điện toàn thế giới trong năm 2014 (năm 2013 là 8,5%). 90,9% lượng điện còn lại được sản xuất từ nhiên liệu hóa thạch, đồng nghĩa với việc sản sinh ra 1,3 tỷ tấn CO2 - gần gấp đôi lượng khí thải của ngành công nghiệp hàng không thế giới.

   Phó Tổng thư ký Liên hợp quốc kiêm Giám đốc điều hành UNEP Achim Steinernhấn mạnh, năng lượng thân thiện với môi trường là một phần không thể thiếu trong cơ cấu năng lượng toàn cầu; tầm quan trọng của nó chỉ tăng lên khi thị trường năng lượng xanh có vị trí nhất định, chi phí công nghệ giảm và công tác giảm thiểu phát thải các bon được xúc tiến.

   Cũng theo Báo cáo, ngành năng lượng xanh ngày càng phát triển tại các nước đang phát triển. Trung Quốc đã lập kỷ lục khi đầu tư vào năng lượng xanh tới 83,3 tỷ USD, tăng 39% so với năm 2013. Mỹ đứng thứ 2 với 38,3 tỷ USD, tăng 7% so với năm 2013 (vẫn thấp hơn lượng vốn đầu tư năm 2011); Thứ 3 là Nhật Bản, với 35,7 tỷ USD.

   Giống như các năm trước, năng lượng gió và mặt trời là nguồn năng lượng xanh chủ đạo của thế giới, chiếm 92% tổng mức đầu tư vào năng lượng xanh và nhiên liệu. Số tiền đầu tư vào năng lượng mặt trời tăng 25% lên 149,6 tỷ USD, cao thứ hai từ trước đến nay, trong khi đầu tư vào năng lượng gió tăng lên mức kỷ lục 11%, với 99,5 tỷ USD. Trong năm 2014, năng lượng gió và mặt trời lần lượt đóng góp 49 GW và 46 GW vào sản lượng điện của thế giới, đạt mức cao nhất từ trước đến nay.

   Đồng thời, ngành năng lượng mặt trời được tiến hành trên diện rộng chưa từng có ở Trung Quốc và châu Á, với mức đầu tư lên 74,9 tỷ USD, chiếm khoảng 1/2 tổng mức đầu tư toàn thế giới.

   Ở Trung Quốc, các dự án điện quy mô trên 1MW chiếm khoảng 3/4 tổng quỹ đầu tư vào ngành năng lượng mặt trời (40 tỷ USD), tăng 45% so với năm 2013. Trong khi đó, tại Nhật Bản, việc đầu tư được tập trung vào các dự án quy mô nhỏ dưới 1MW, chiếm 81% tổng mức đầu tư vào ngành năng lượng mặt trời (34,8 tỷ USD), tăng 13% so với năm 2013.

   Trong khi, năng lượng gió ở châu Âu phát triển bùng nổ, trong đó, 3,8 tỷ USD đầu tư cho Dự án Gemini ngoài khơi Hà Lan, với công suất 600 MW, Gemini trở thành Nhà máy năng lượng tái tạo không hyđrô lớn nhất thế giới.

   Dự án điện gió ngoài khơi được tài trợ 18,6 tỷ USD trên toàn cầu, cao hơn 148% so với năm 2013 và cao hơn so với năm 2010 tới 45% (16,2 tỷ USD vốn đầu tư thuộc khu vực châu Âu, còn lại là Trung Quốc, với 2,4 tỷ USD).

   Các nguồn năng lượng xanh khác có mức đầu tư không đáng kể. Nhiên liệu sinh học giảm 8% xuống 5,1 tỷ USD, sinh khối và năng lượng từ chất thải giảm 10% xuống còn 8,4 tỷ USD, thủy điện nhỏ giảm 17% xuống còn 4,5 tỷ USD. Chỉ có địa nhiệt tăng 27% lên 2,7 tỷ USD.

   Như vậy, năm 2014 nổi bật với sự phát triển nhanh chóng năng lượng xanh tại các nước đang phát triển, với số tiền đầu tư tăng 36% lên 131,3 tỷ USD. Trung Quốc (83,3 tỷ USD), Braxin (7,6 tỷ USD), Ấn Độ (7,4 tỷ USD) và Nam Phi (5,5 tỷ USD). Đây là những nước nằm trong top 10 nước đầu tư hàng đầu vào năng lượng xanh, còn các nước khác đầu tư hơn 1 tỷ USD bao gồm: Inđônêxia, Chi Lê, Mêhycô, Kenya và Thổ Nhĩ Kỳ.

   Ngược lại, tổng đầu tư vào nguồn năng lượng xanh ở các nước phát triển chỉ tăng 3% lên 138.9 tỷ USD. Ví dụ, năng lượng gió ngoài khơi đang phát triển mạnh mẽ nhưng các khoản đầu tư ở châu Âu hầu như không thay đổi, vẫn ở mức 57,5 tỷ USD.

   Thách thức vẫn còn tiếp diễn

   Mặc dù, năng lượng xanh đã có bước ngoặt đáng kể trong năm 2014, song vẫn còn nhiều khó khăn như chính sách hạn chế, các vấn đề về tái cơ cấu trong hệ thống điện…

   Trong bối cảnh giá dầu giảm tới 50% nửa cuối năm 2014 đã tác động không nhỏ tới sự phát triển nguồn năng lượng xanh. Tuy nhiên, theo Hiệu trưởng Trường Đại học Tài chính và Quản trị Frankfurt (Đức), Udo Steffens nhận định, giá dầu chỉ có thể làm suy giảm niềm tin của nhà đầu tư trong một số lĩnh vực như nhiên liệu sinh học, hay năng lượng mặt trời ở các nước xuất khẩu dầu mỏ. Ông cũng nhấn mạnh, năng lượng gió và mặt trời cần được ưu tiên phát triển, đặc biệt tiến tới giảm chi phí cho mỗi MWh thì dự án năng lượng này hoàn toàn tiến xa và khả thi trên toàn cầu.

   Một thách thức khác đáng lo ngại là nguy cơ mất niềm tin ở nhà đầu tư do các chính sách thiếu tính ổn định của Chính phủ trong việc hỗ trợ nguồn năng lượng xanh.

   Chủ tịch Hội đồng Tư vấn tài chính nguồn năng lượng mới Bloomberg, ông Michael Liebreich cho biết: “Châu Âu đi tiên phong trong lĩnh vực năng lượng sạch, nhưng vẫn còn ở giai đoạn đầu của quá trình tái cơ cấu các chính sách hỗ trợ đầu tư. Anh và Đức đang tiến hành xây dựng các chính sách về thuế quan, chứng nhận đạt tiêu chuẩn năng lượng xanh, cũng như đưa ra đấu giá ngược và cân nhắc trợ cấp từ Chính phủ, từ đó tính được chi phí cuối cùng khi chuyển giao công nghệ cho người tiêu dùng”.

   Trong khi đó, ở khu vực Nam Âu, do hạn chế về mặt chính sách nên gần như không nhiều dự án đầu tư cho năng lượng xanh. Gần đây nhất chỉ có Ý là thu hút được nhà đầu tư cho công nghệ năng lượng mặt trời ở các nông trại. Ở Mỹ, mức giảm thuế sản xuất (chính sách của Liên bang hỗ trợ tài chính cho cơ sở hoạt động năng lượng xanh trong 10 năm đầu tiên) trong năng lượng gió không được đảm bảo, tuy vậy, chi phí hiện nay đã thấp hơn rất nhiều so với trước đây. Trong khi đó, việc sử dụng mái nhà được lợp bằng tấm pin năng lượng mặt trời đang phát triển không ngừng tại Mỹ.

   Sự tham gia ngày càng sâu của năng lượng gió và năng lượng mặt trời trong cơ cấu của hệ thống điện lưới vừa là thách thức, đồng thời cũng là cơ hội. Tuy nhiên, để đáp ứng với mục tiêu là 25% trở lên thì khó khăn và phức tạp hơn nhiều so với khi tỷ lệ thâm nhập chỉ có 5%.

   Chính phủ các nước sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc đưa ra các chính sách theo kịp sự phát triển của ngành năng lượng xanh và dung hòa với hệ thống điện.

   Năm 2014 là năm ngành năng lượng xanh thu hút nhiều sự chú ý bởi lượng vốn đầu tư từ các nhà đầu tư tăng cao. Nếu xu hướng đầu tư cho ngành năng lượng xanh tiếp tục tăng thì nhu cầu cải cách thị trường điện lực chủ đạo sẽ càng trở nên cấp thiết. Hiện nay, Đức đang nỗ lực thực hiện các bước chuyển giao năng lượng, hướng tới việc không sử dụng than và các nguồn năng lượng không tái tạo khác.

   Có thể nói, đây là những dấu hiệu cho thấy sự thành công bước đầu của ngành năng lượng xanh trong hệ thống năng lượng chung của thế giới.

H.Trang (Theo UNEP)

(Nguồn: Tạp chí Môi Trường số 5/2015)

Ý kiến của bạn