Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 03/01/2025

Ðêm giao thừa nhớ thơ chúc Tết của Bác

22/02/2016

   Trước đây, cứ mỗi độ Tết đến, đặc biệt là thời khắc giao thừa, mọi người, mọi nhà từ các cụ già râu tóc bạc phơ đến bầy em nhỏ đều háo hức quây quần bên chiếc đài bán dẫn (radio) để chờ nghe Bác Hồ đọc thư và thơ chúc Tết. Tết năm 1969 - Xuân Kỷ Dậu là cái Tết đáng nhớ nhất trong cuộc đời mỗi người dân nước Việt. Bởi đó là Tết cuối cùng chúng ta được nghe giọng nói của Người với bài thơ chúc Tết không thể nào quên.

“Đồng bào và các chiến sĩ yêu quý!

…Nhân dịp năm mới 1969, thay mặt nhân dân cả nước ta, tôi nhiệt liệt chúc mừng và cảm ơn các nước xã hội chủ nghĩa anh em, các nước bầu bạn và nhân dân yêu chuộng hòa bình, công lý trên thế giới, kể cả nhân dân tiến bộ Mỹ, đã hết lòng giúp đỡ và ủng hộ sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam. Tôi thân ái chúc đồng bào, chiến sĩ, cán bộ và bà con Hoa Kiều cả hai miền Nam Bắc và kiều bào ta ở nước ngoài, năm mới đoàn kết, chiến đấu và thắng lợi!

Và có mấy lời mừng Xuân như sau:

Năm qua thắng lợi vẻ vang

Năm nay tiền tuyến chắc càng thắng to

Vì độc lập, vì tự do

Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào

Tiến lên! Chiến sĩ, đồng bào

Bắc - Nam sum họp xuân nào vui hơn”.

Thơ chúc Tết của Bác năm 1969

   Thơ Xuân là một phần rất đặc biệt trong thơ của Bác Hồ. Đặc biệt, bởi lối viết nôm na, kêu gọi nhưng mỗi câu, mỗi bài đều chan chứa ý thơ, tràn đầy sắc xuân, vừa độc đáo, hào hùng vừa ấm áp, thương yêu. Không chỉ ở Việt Nam mà ngay cả trên thế giới, có lẽ Chủ tịch Hồ Chí Minh là vị nguyên thủ duy nhất chúc Tết đồng bào của mình bằng những vần thơ. Sau 30 năm đi tìm đường cứu nước, đến năm 1941, Bác Hồ trở về nước và ở tại hang Pác Pó, tỉnh Cao Bằng để lãnh đạo Cách mạng Việt Nam. Mùa xuân năm 1942, Bác có bài thơ chúc Tết đầu tiên mừng Xuân Nhâm Ngọ 1942. Bài thơ được in trên báo Việt Nam độc lập, tờ báo của Đảng số 114. Kể từ bài thơ chúc Tết đầu tiên cho đến lúc ra đi, Người đã viết hơn 20 bài thơ chúc Tết.

   Dễ nhớ, dễ thuộc là điều dễ nhận thấy trong các bài thơ chúc Tết của Người, nhưng điều khiến cho mỗi bài thơ Tết của Bác trở nên đặc biệt hơn là bởi đó không chỉ là “Mấy lời thân ái nôm na/ Vừa là kêu gọi, vừa là mừng Xuân” (Thơ chúc tết Xuân Nhâm Thìn - 1952) mà còn là tấm lòng của Người với nhân dân, đất nước, lời hiệu triệu, cổ vũ, động viên và cả sự tiên đoán thần kỳ tiền đồ tươi sáng của Cách mạng nước nhà. Mỗi bài thơ không chỉ tổng kết thành quả năm cũ đồng thời còn chỉ dẫn cho những chặng đường tiếp theo của Cách mạng.

   Thơ chúc Tết Xuân Kỷ Dậu 1969 là một trong ba bài thơ chúc Tết của Bác được viết bằng thể lục bát truyền thống, số còn lại viết theo thể thơ tự do, trừ bài lục bát biến thể. Với bố cục chặt chẽ, bài thơ vừa tổng kết được tình hình quá khứ, dự đoán cho tương lai, khẳng định lại mục đích chiến đấu vì độc lập, vì tự do và thống nhất đất nước của nhân dân ta, cùng việc vạch ra chiến lược đánh địch... Về vần, Hồ Chủ tịch sử dụng vần tuyệt đối trong toàn bài: “càng” vần với “vang”, “cho” vần với “do” và ba chữ “nhào”, “bào”, “nào” vần với nhau. Về điệu, tất cả các chữ thứ hai trong câu bát đều thanh bằng, các chữ thứ tư trong câu lục bát đều thanh trắc.

   Dễ nhận thấy, trong cách sử dụng ngôn ngữ của Chủ tịch Hồ Chí Minh, lối nói, viết, dễ hiểu thường bộc lộ ra ngoài: mở đầu bài thơ Xuân 69 là câu thơ bình dị, cách dùng từ ngữ với lối nói thường ngày “Năm qua thắng lợi vẻ vang/ Năm nay, tiền tuyến chắc các thắng to”. Quá khứ đối lập hiện tại, qua cách viết dễ hiểu “hôm qua” - “hôm nay”, “năm qua” - “năm nay”. “Năm qua thắng lợi vẻ vang” là Bác nhắc tới cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân Mậu Thân năm 1968, quân và dân ta đã đánh vào các dinh lũy kiên cố nhất của địch ở các thành phố lớn miền Nam và tòa Đại sứ Mỹ giữa Sài Gòn, làm cho đế quốc Mỹ và tay sai vô cùng hoang mang, khiếp sợ. Với cuộc thử sức và đà thắng lợi đó, Bác tin tương lai “chắc càng thắng to”. Và đúng như vậy, từ năm 1969 trở đi, phong trào đấu tranh giải phóng miền Nam của quân và dân ta mỗi năm một phát triển mạnh. Đến mùa Xuân năm 1975, bằng Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, chúng ta đã thắng lợi hoàn toàn.

   Trong bài thơ, Bác nhắc lại mục đích chiến đấu hết sức thiêng liêng của dân tộc ta là “Vì độc lập, vì tự do”. Người luôn cho rằng, với đất nước, con người, độc lập, tự do là cái quý nhất. Trong bài thơ chúc Tết này, Bác còn chỉ ra đánh cho “Mỹ cút” trước để “ngụy nhào” sau. Đó là chiến lược quan trọng của cách mạng miền Nam. Và thực tế quân, dân ta đã làm đúng điều Bác Hồ dạy. Sau những thất bại nặng nề trên chiến trường miền Nam và nhất là thảm bại trong chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không” khi đánh phá bằng không quân ở miền Bắc và Thủ đô Hà Nội, đế quốc Mỹ và tay sai phải ký Hiệp định Paris, quân Mỹ buộc phải rút về nước. Nhiệm vụ “đánh cho Mỹ cút” của quân và dân ta đã hoàn thành.

   “Tiến lên chiến sỹ đồng bào!” là mệnh lệnh xuất phát từ trái tim chứ không chỉ là lý trí đơn thuần, trái tim của một cuộc đời tận tụy lo cho dân, cho nước. Những dấu cảm(!) kèm theo trong nội dùng câu chữ đã nói lên điều đó. Gây chú ý trong bài thơ Xuân 69 là hai tiếng “đồng bào” chứa đựng ý hàm xúc, gợi nhớ cội nguồn dân tộc với truyền thuyết Lạc Long Quân - Âu cơ…Trong nhiều bài viết của mình, Bác Hồ kính yêu của chúng ta thường hay dùng từ “đồng bào”. Khi đọc Tuyên ngôn độc lộc 1945. Bác dừng lại hỏi “Đồng bào nghe tôi nói rõ không?”. Hay trong Di chúc, Hồ Chủ tịch viết “Tôi có ý định đến ngày đó, tôi sẽ đi khắp hai miền Nam - Bắc, để chúc mừng đồng bào, cán bộ, chiến sỹ anh hùng”. Hai tiếng “đồng bào” chứa đựng tình cảm thiêng liêng cao quý, sự thống nhất đoàn kết, cái hàm súc tinh tế của ngôn ngữ đã được Bác sử dụng đúng chỗ, đúng lúc.

   “Bắc Nam sum họp xuân nào vui hơn”. Niềm vui lớn lao không gì so sánh được, đó là niềm vui thống nhất đất nước, dân tộc độc lập, đây là ước nguyện tình cảm sâu sắc và chân thành trong con người Bác.

9h45 ngày 6/2/1969, trong phòng khách nhỏ ở Phủ Chủ tịch, Bác Hồ đọc lời chúc mừng năm mới. Đài Tiếng nói Việt Nam đến thu thanh

   Trong bài thơ chúc Tết Xuân Kỷ Dậu - 1969 của Bác, chúng ta nghe như đã có nhạc và trong nhạc như có tiếng kèn xung trận. Bài thơ đã được nhạc sĩ Huy Thục phổ nhạc rất thành công với tựa đề bài hát “Tiến lên chiến sĩ đồng bào”.

   Ngày 28/2/1969, tiếp đoàn đại biểu Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam ra thăm miền Bắc, Người nói:

“Thưa các cụ, các cô, các chú, trong thơ chúc Tết năm nay, tôi có nói là:

Tiến lên! Chiến sĩ, đồng bào

Bắc - Nam sum họp, Xuân nào vui hơn!

Trong lúc viết thì như thế, tôi cũng không chắc là câu thơ đó được thực hiện sớm trong năm nay. Hôm nay, bác sĩ Phùng Văn Cung cùng phái đoàn ra đây, đồng bào miền Bắc rất sung sướng. Để hoan nghênh phái đoàn miền Nam ruột thịt, thì nói mấy trăm câu, mấy nghìn câu, mấy vạn câu cũng không thể hết được. Tôi xin phép chỉ nói một câu thôi:

Bao giờ Nam Bắc một nhà,

Việt Nam đại thắng chúng ta vui mừng”.

   Mặc dù đã biết trước ngày vui ấy nhất định sẽ đến, nhưng khi giờ phút thiêng liêng đến thì Bác của chúng ta đã đi xa. Lời chúc Tết cuối cùng trước khi người ra đi đã thành hiện thực. Ngày 30/4/1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, và “Bắc - Nam sum họp xuân nào vui hơn”. Bài thơ chúc Tết mùa Xuân năm Kỷ Dậu 1969 đã trở thành bài thơ chúc Tết cuối cùng của Bác Hồ. Bác đã động viên toàn Đảng, toàn dân ta anh dũng đấu tranh chống đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai, tiến lên giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.

   Đã gần 50 năm kể từ khi Bác đi xa chúng ta không còn được nghe thơ chúc Tết của Người. Nhưng cứ mỗi độ Tết đến xuân về, trong thời khắc chuyển giao của đêm giao thừa, phút giây chờ mong nghe thơ chúc Tết của Bác đã trở thành ký ức không thể phai nhạt trong tâm khảm người dân Việt Nam.

   Chào đón năm mới Bính Thân, trong thời khắc giao thừa thiêng liêng, lời Bác Hồ chúc tết năm xưa như còn vang vọng mãi. Chúng con xin hứa với Bác sẽ hăng say, cố gắng cống hiến tuổi thanh xuân, góp phần chung tay xây dựng đất nước ngày càng to đẹp hơn, đàng hoàng hơn như lời Người mong muốn.

                Mai Hương

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 1/2016)

Ý kiến của bạn