Banner trang chủ
Thứ Tư, ngày 27/11/2024

Ðà Lạt rực rỡ sắc hoa

22/01/2014

     Chào mừng Năm Du lịch quốc gia 2014, kỷ niệm 120 năm Đà Lạt hình thành và phát triển, Tuần lễ văn hóa du lịch Lâm Đồng, Festival Hoa Đà Lạt lần thứ 5 (2013 - 2014) đã diễn ra từ ngày 27/12/2013 - 5/1/2014. Đây là một sự kiện mang tầm quốc gia, tôn vinh giá trị của hoa và ngành trồng hoa nhằm quảng bá và kêu gọi đầu tư.

 

Bức tượng Bác Hồ bằng hoa đầy ấn tượng

 

     Trải qua 4 lần tổ chức thành công Festival hoa, năm nay Festival hoa lần thứ 5, Đà Lạt được du khách trong nước và quốc tế biết đến là “Thành phố Festival Hoa” của Việt Nam. Festival là dịp để trưng bày triển lãm các loại hoa địa phương cũng như từ nhiều vùng miền trong cả nước và một số quốc gia lân cận. Với chủ đề "Rực rỡ Đà Lạt hoa", hơn 1.700 nghệ nhân, diễn viên chuyên, không chuyên đến từ 5 tỉnh Tây Nguyên và các đoàn nghệ thuật trên toàn quốc tham gia chương trình sân khấu hóa dựng lại hoạt động sản xuất rau, hoa từ những ngày đầu tiên những di dân mang cây giống từ phía Bắc vào Đà Lạt lập làng ấp, khai hoang cho đến công nghệ sản xuất rau, hoa những năm gần đây. Chương trình cũng tái hiện hành trình tìm ra Đà Lạt của bác sĩ người Pháp Alexandre Yersin...

     Cùng với các chương trình mang tính lễ nghi, điểm nhấn của Festival Hoa Đà Lạt là các loài hoa rực rỡ sắc màu. Đó là các không gian hoa bên đường Lê Đại Hành, cầu Ông Đạo, bên hồ Xuân Hương với các con đường hoa hồng rực rỡ… Tại Vườn hoa Đà Lạt, hình tượng Bác Hồ bằng hoa tươi cao hơn 3 m, rộng 2,4 m thật ấn tượng. Đặc biệt, tiểu cảnh đá Trường Sa với các biểu tượng về đảo, cột mốc chủ quyền thực hiện bằng đá; ở vị trí trung tâm là lá cờ Tổ quốc được tạo hình bằng hoa trạng nguyên, trong đó trạng nguyên đỏ làm nền lá cờ, còn trạng nguyên vàng được xếp thành hình ngôi sao 5 cánh. Tại đây cũng diễn ra triển lãm hoa và sinh vật cảnh với hơn 28.000 tác phẩm nghệ thuật về hoa, cây cảnh, đá cảnh.

     Không gian hoa Hương sắc Tây Nguyên trên đường Lê Đại Hành đã được trang hoàng với hàng chục ngàn chậu và túi hoa viola, phong lữ, xác pháo, cẩm chướng, ngọc thảo, hồng ri, trạng nguyên, thược dược, dạ yên thảo, cúc mặt trời… Nổi bật trên nền các thảm hoa rực rỡ là mô hình cách điệu những chiếc gùi, cồng chiêng, đàn T’rưng, mái nhà rông, chóe rượu cần đậm bản sắc Tây Nguyên.

     “Đêm hội tụ sắc hoa Đà Lạt” là điểm nhấn cuối cùng trong chuỗi hoạt động của Festival hoa với nhiều cảnh diễn nghệ thuật gồm 5 chương: Tố nữ hoa; Hoài niệm dáng hoa; Tản mạn phố hoa; Huyền thoại hoa hồng và Ðà Lạt hoa xuân. Sân khấu rực rỡ với hoạt cảnh về 4 loài hoa nổi tiếng của Ðà Lạt: anh đào, mimosa, phượng tím và dã quỳ.

     Đà Lạt là một phần của Tây Nguyên hùng vĩ, vùng đất giàu truyền thống cách mạng với những chiến công oanh liệt trong các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm. Đà Lạt mang trong mình một kho tàng văn hóa đa dạng, phong phú, đậm bản sắc của cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên, với những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể quý giá, độc đáo như đàn đá, cồng chiêng, nhà rông, tượng nhà mồ, các lễ hội đua voi, đâm trâu, lễ cơm mới, những bản trường ca, sử thi hào hùng được lưu truyền qua nhiều thế hệ. Trong đó, không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Đây là những tiềm năng to lớn để phát triển du lịch Tây Nguyên, trong đó Đà Lạt, Lâm Đồng là một điểm nhấn. Vùng đất này hấp dẫn du khách bằng vẻ đẹp nên thơ của thiên nhiên, những âm thanh hào hùng của cồng chiêng, chén rượu cần bên bếp lửa và những nét văn hóa đặc sắc trong đời sống của đồng bào các dân tộc.      

 

Nam Việt

Nguồn: Tạp chí Môi trường, số 1/2014

Ý kiến của bạn