Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 27/12/2024

Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới năm 2024

05/06/2024

    Ngày 5/6/2024, tại Hà Nội, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đã tổ chức Lễ phát động hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới 5/6 và Tháng hành động vì môi trường năm 2024, đồng thời, tổ chức Hội thảo với chủ đề “Bảo vệ di sản thiên nhiên (DSTN) theo quy định của Luật BVMT năm 2020”.

    Cách đây 50 năm, Hội nghị về môi trường do Liên hợp quốc tổ chức tại Stockhom, Thụy Điển năm 1972 đã lần đầu tiên nhấn mạnh mối quan hệ giữa con người và môi trường với thông điệp “Chỉ một Trái đất”. Kể từ đó, ngày 5/6 hàng năm được Liên hợp quốc lựa chọn làm Ngày Môi trường thế giới. Đến nay sự kiện đã nhận được sự tham gia và hưởng ứng của hơn 150 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới.

    Mục đích của Ngày Môi trường thế giới là tập trung sự chú ý trên toàn thế giới vào tầm quan trọng của môi trường và khuyến khích sự quan tâm chính trị và hành động BVMT. Ngày Môi trường thế giới có ý nghĩa to lớn đối với môi trường sống trên toàn thế giới, giúp tăng cường ý thức về trách nhiệm cá nhân và cộng đồng trong việc BVMT. Đây là sự kiện giúp cả thế giới cùng nhau khơi lại nguồn cảm hứng, thúc đẩy tư tưởng hướng về môi trường sống, cùng nhau chung tay thực hiện các hoạt động thiết thực để BVMT, từ đó, mỗi người sẽ thay đổi hành vi trong bảo vệ và chăm sóc Trái đất, hướng tới phát triển bền vững.

    Việt Nam tham gia hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới từ năm 1982. Từ đó đến nay, nước ta đã có nhiều hoạt động ý nghĩa để chung sức BVMT. Đến nay, Việt Nam đã có nhiều đóng góp to lớn trong việc bảo vệ tài nguyên, môi trường, đóng góp chung vào sự phát triển bền vững trên toàn cầu.

    Năm 2024, Ngày Môi trường thế giới được Liên hợp quốc (UNEP) phát động với chủ đề “Phục hồi đất, chống hạn hán và sa mạc hóa” nhằm kêu gọi các quốc gia trên toàn cầu cùng chung tay hướng tới những mục tiêu phục hồi đất đai, chống sa mạc hóa và khả năng chống hạn, bảo vệ hệ sinh thái, làm chậm quá trình biến đổi khí hậu, bảo vệ tự nhiên, tăng cường sinh kế và an ninh lương thực cho hàng tỷ người trên toàn thế giới.

TS. Phan Chí Hiếu - Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam phát động hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới

    Tại Lễ phát động, TS. Phan Chí Hiếu - Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam kêu gọi mỗi viên chức, người lao động cùng nhau tích cực, chủ động thực hiện BVMT bằng những hành động cụ thể, thiết thực như: Giảm thiểu sử dụng túi ni lông, phân loại và tái chế rác thải, trồng cây xanh, sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả... và cùng lan tỏa thông điệp BVMT tới đồng nghiệp, người thân và những người xung quanh cùng hành động, thực hành BVMT.

    Đặc biệt, với vai trò là những nhà khoa học, những nhà nghiên cứu, ngoài có thêm thông tin, kiến thức về môi trường, TS. Phan Chí Hiếu đề nghị các viên chức của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam sẽ có những phát hiện về các vấn đề liên quan đến BVMT, mối quan hệ giữa phát triển với môi trường, từ đó gợi mở, đề xuất các nghiên cứu về vai trò của khoa học xã hội và nhân văn trong BVMT, sử dụng hiệu quả tiết kiệm tài nguyên, ứng phó biến đổi khí hậu, giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa phát triển kinh tế nhanh, bền vững gắn với BVMT để tư vấn cho Đảng và Chính phủ trong hoạch định các chính sách, chiến lược phát triển...

    Chủ đề tuyên truyền năm 2024 mà Viện Địa lý nhân văn lựa chọn là BVMT DSTN. Hoạt động tuyên truyền này có ý nghĩa to lớn trong góp phần giải quyết, ngăn chặn nguy cơ mất cân bằng, vượt ngưỡng chịu đựng của các hệ sinh thái, suy giảm giá trị của cảnh quan thiên nhiên và tác động tiêu cực của phát triển kinh tế - xã hội đến thiên nhiên và đa dạng sinh học (ĐDSH), đồng thời góp phần bảo vệ, phát huy giá trị và sử dụng bền vững các DSTN.

    Trong khuôn khổ Lễ phát động cũng đã diễn ra Hội thảo “Bảo vệ DSTN theo quy định của Luật BVMT năm 2020”.

TS. Nguyễn Song Tùng, Viện trưởng Viện Địa lý nhân văn (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam phát biểu đề dẫn Hội thảo

      Phát biểu đề dẫn Hội thảo, TS. Nguyễn Song Tùng - Viện trưởng Viện Địa lý nhân văn cho biết, với vị trí và điều kiện tự nhiên đặc thù, Việt Nam có nhiều cảnh quan thiên nhiên đẹp, độc đáo và được biết đến là một trung tâm ĐDSH của thế giới với các hệ sinh thái (HST) tự nhiên phong phú và đa dạng; nhiều loài hoang dã, đặc hữu quý hiếm; nhiều nguồn gen có giá trị. Việt Nam tự hào vì được Tổ chức UNESCO thế giới công nhận 22 Di sản thế giới, trong đó có nhiều DSTN. Tuy nhiên, những năm gần đây, các HST tự nhiên và ĐDSH của Việt Nam đang bị suy giảm với tốc độ rất nhanh. Trước bối cảnh này, Quốc hội đã thông qua Luật BVMT năm 2020, trong đó tại Điều 20, khái niệm, phân loại và các tiêu chí của DSTN được quy định. Đồng thời, Luật BVMT cũng yêu cầu các chủ dự án đầu tư phải thực hiện đánh giá tác động môi trường (ĐTM) đến DSTN.

    Thực tiễn những năm qua cho thấy, các di sản văn hóa, tự nhiên đã góp phần ngày càng quan trọng trong việc phát triển du lịch của đất nước. Đến nay, Việt Nam đã có 9 di sản được UNESCO công nhận là DSTN và văn hóa thế giới, trong đó có 5 di sản văn hóa, 3 DSTN và 1 di sản hỗn hợp. Ngoài ra, UNESCO đã vinh danh 3 công viên địa chất toàn cầu, đó là Công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn, Hà Giang; Công viên địa chất toàn cầu Non Nước Cao Bằng và Công viên địa chất toàn cầu Đắk Nông. Hiện 3 công viên địa chất toàn cầu này đã trở thành những điểm đến du lịch hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế.

    Sự ghi nhận của UNESCO không chỉ tiếp tục góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người, văn hóa Việt Nam, mà còn tiếp thêm động lực biến “sức mạnh mềm” đó thành nguồn lực nội sinh quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, du lịch và sự phát triển bền vững của đất nước ta.

Các đại biểu tham gia đổi rác đã phân loại lấy cây xanh hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới

    Trong khuôn khổ Hội thảo, các đại biểu cũng đã chia sẻ, thảo luận, trong đó nhấn mạnh sự cần thiết rằng, tất cả các địa phương sở hữu DSTN thế giới ở Việt Nam cần xác định, bảo tồn di sản gắn với phát triển du lịch. Do vậy, các đại biểu kiến nghị, đề xuất một số nội dung: Cần tiếp tục hoàn thiện các cơ sở pháp lý trong quản lý di sản; tuyên truyền, nâng cao hơn nữa nhận thức và vai trò, sự tham gia của cộng đồng; tăng cường công tác BVMT, sử dụng bền vững tài nguyên, phát triển du lịch bền vững. Đồng thời, thúc đẩy hợp tác quốc tế trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản; đào tạo nâng cao năng lực của cán bộ quản lý, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số vào công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản.

Vũ Nhung

Ý kiến của bạn