Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 26/12/2024

Triển khai Chương trình đối tác Hành động Quốc gia về Nhựa tại Việt Nam

18/09/2024

    Ngày 16/9/2024, tại Hà Nội, Chương trình đối tác Hành động Quốc gia về Nhựa tại Việt Nam (NPAP) tổ chức Hội nghị thường niên giữa kỳ lần thứ 4. Sự kiện đánh dấu mốc quan trọng trong quá trình triển khai NPAP với thông báo quyết định kiện toàn Nhóm công tác thực hiện Chương trình, nhằm tăng cường khả năng thực hiện các mục tiêu đã đặt ra và góp phần vào các cam kết toàn cầu về giảm thiểu ô nhiễm nhựa. Tham dự và chủ trì Hội thảo có Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành; Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ TN&MT Lê Ngọc Tuấn và các đại biểu đến từ các Bộ ngành, đại sứ quán, doanh nghiệp, hiệp hội, tổ chức quốc tế, các đối tác phát triển và các tổ chức khác trong mạng lưới NPAP.

Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành phát biểu tại Hội thảo

    Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành cho biết: “Hội nghị hôm nay diễn ra trong bối cảnh, Việt Nam đang nỗ lực giải quyết ô nhiễm nhựa, qua đó, đóng góp vào nỗ lực chung của nhân loại trong việc giải quyết ô nhiễm trắng, một trong những thách thức nghiêm trọng hiện nay bên cạnh thách thức do biến đổi khí hậu (BĐKH), suy giảm hệ sinh thái.

    Chương trình NPAP hình thành trên cơ sở thỏa thuận hợp tác giữa Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) và Bộ TN&MT. Đây là nền tảng đối tác đa phương, đa chủ thể được thành lập nhằm thúc đẩy các hoạt động hợp tác chung giữa cơ quan chính phủ và đối tác để thực hiện các hành động cam kết về rác thải nhựa và ô nhiễm nhựa. Do đó, trong thời gian qua, Chương trình NPAP đã tập trung thực hiện mục tiêu tập hợp, kết nối và gắn kết các chủ thể là các cơ quan chính phủ, các doanh nghiệp và các tổ chức phi Chính phủ nhằm giải quyết vấn đề chất thải nhựa và ô nhiễm nhựa và chuyển đổi sang mô hình kinh tế tuần hoàn bền vững đối với ngành nhựa.  

    Với cách tiếp cận chung toàn diện, tổng thể, Chương trình NPAP đã và đang triển khai nhiều hoạt động hợp tác, qua đó tạo sự lan tỏa ý nghĩa về việc nâng cao ý thức, trách nhiệm, góp phần tạo sự thống nhất trong hành động của các cấp, các ngành và sự ủng hộ của người dân trên cả nước đối với vấn đề ô nhiễm nhựa. Nhiều kết quả quan ban đầu đã đạt được, tạo tiền đề để Việt Nam từng bước giải quyết vấn đề rác thải nhựa, đóng góp một cách trách nhiệm vào nỗ lực chung toàn cầu”.

    Thứ trưởng nhấn mạnh, có được những kết quả nêu trên là nhờ sự cố gắng của mỗi thành viên tham gia Nhóm công tác NPAP Việt Nam, sự ủng hộ, hỗ trợ của các đối tác quốc tế, bao gồm Diễn đàn kinh tế thế giới thông qua Chương trình GPAP, UNDP, Đại sứ quán các nước Canada, Vương quốc Anh, Hà Lan và Na Uy. Nhân dịp này, Bộ TN&MT trân trọng cảm ơn các thành viên trong Nhóm công tác đã đồng hành, phối hợp với Bộ trong việc triển khai Chương trình NPAP.

    Tại Hội thảo, các đại biểu đánh giá kết quả Chương trình NPAP đã đạt được, xác định những ưu tiên và thảo luận kế hoạch chính cho năm 2025 và thông báo quyết định kiện toàn Nhóm công tác NPAP theo quy định số 1922/QĐ-BTNMT, ban hành ngày 12/7/2024. Quyết định kiện toàn này thể hiện sự quyết tâm của Việt Nam trong việc thúc đẩy kết nối giữa các thành viên, mở rộng phạm vi tác động và tăng cường vai trò chủ quản của cơ quan Chính phủ. Trưởng Nhóm công tác của Chương trình NPAP tại Việt Nam là Thứ trưởng Bộ TN&MT cùng 33 đại diện từ các Bộ, ngành, đối tác phát triển, doanh nghiệp, tổ chức phi lợi nhuận và viện nghiên cứu, sẽ chung tay hợp tác để thực hiện lộ trình quốc gia về giảm thiểu chất thải nhựa cũng như thúc đẩy các giải pháp kinh tế tuần hoàn. Để giúp điều hành Chương trình NPAP có 2 Nhóm kỹ thuật, bao gồm: Đổi mới sáng tạo và tài chính; giới và phát triển bao trùm để điều phối các hoạt động, các sáng kiến về giảm ô nhiễm nhựa .

    Các tham luận được các đại biểu trình bày tại Hội thảo tập trung vào một số vấn đề như: Những nỗ lực giảm ô nhiễm nhựa đại dương của Việt Nam; chính sách phân loại rác tại nguồn, chuỗi giá trị về nhựa bao trùm và các sáng kiến kinh tế tuần hoàn, đặc biệt trong bối cảnh Phiên đàm phán thứ 5 của Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa sắp diễn ra vào tháng 11 ở Busan, Hàn Quốc; Các những sáng kiến của doanh nghiệp để kích hoạt nền kinh tế tuần hoàn nhựa, hướng tới tương lai bền vững; Kinh nghiệm trong việc xây dựng và triển khai hiệu quả các ưu đãi kinh tế của Na Uy để nâng cao kinh tế tuần hoàn cho nhựa.

    Tham gia phiên thảo luận, Trưởng Đại diện thường trú UNDP Việt Nam Ramla Khalidi đồng thời là Phó trưởng nhóm Nhóm công tác NPAP chia sẻ: Điểm cốt lõi của NPAP là sự hợp tác. Sự tham gia tích cực và những sáng kiến đến từ các thành viên là chìa khóa để thúc đẩy sự thay đổi hệ thống cần thiết nhằm giảm thiểu chất thải nhựa và hướng tới các giải pháp bền vững.

    Đại sứ Canada cho biết, nước này đã hỗ trợ các nỗ lực toàn cầu nhằm chống lại ô nhiễm nhựa thông qua Đối tác hành động toàn cầu về nhựa (GPAP). Giảm rác thải nhựa đòi hỏi sự hợp tác với Chính phủ, khu vực tư nhân và các tổ chức khác, đồng thời phải xem xét đến nhu cầu của phụ nữ và các cộng đồng thiểu số. Canada cam kết thúc đẩy hành động cả ở cấp toàn cầu và và cấp địa phương, bao gồm NPAP tại Việt Nam, vì một tương lai sạch hơn và bền vững hơn.

    Trong thời gian tới, để kịp thời bám sát xu thế mới và đáp ứng được yêu cầu của bối cảnh mới trên phạm vi toàn cầu, khu vực và trong nước, Chương trình NPAP Việt Nam sẽ tiếp tục triển khai các hoạt động thực tiễn, gắn liền với hiện trạng và sự cần thiết tại các vùng, các khu vực là điểm nóng về rác thải nhựa; thúc đẩy phổ biến chính sách và truyền thông thay đổi nhận thức và hành động của doanh nghiệp, người dân từ khâu thiết kế, sản xuất, tiêu dùng và thải bỏ có trách nhiệm các sản phẩm nhựa. Đồng thời, Chương trình thúc đẩy kết nối, hợp tác với các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á như Inđonêxia, Philippines và Campuchia, qua đó, chia sẻ kinh nghiệm và phối hợp thực hiện các hoạt động hợp tác giải quyết ô nhiễm nhựa xuyên biên giới.

Toản cảnh Hội thảo

    Bộ TN&MT sẽ tiếp tục đồng hành với các Bộ, ngành, địa phương, các doanh nghiệp và các tổ chức quốc tế trong nỗ lực chung thực hiện Chương trình NPAP với cách tiếp cận toàn diện, tổng thể, qua đó trở thành mô hình tiêu biểu huy động mọi nguồn lực của các chủ thể công, tư, cộng đồng và người dân nhằm giải quyết tận gốc vấn đề ô nhiễm môi trường do chất thải nhựa gây ra. Đồng thời, phát huy vai trò quốc gia dẫn dắt trong khu vực tại các diễn đàn đa phương liên quan đến vấn đề chất thải nhựa.

Châu Loan

Ý kiến của bạn