Banner trang chủ
Thứ Bảy, ngày 20/04/2024

Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) đối với chất thải bao bì

26/01/2021

    Nhằm trao đổi một số kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn trong nước có liên quan đến triển khai cơ chế EPR tại Việt Nam, ngày 20/1/2021, tại TP. Hồ Chí Minh, Bộ TN&MT đồng phối hợp với Liên minh châu Âu và Cơ quan hợp tác kỹ thuật quốc tế Pháp - Expertise France tổ chức Hội thảo tham vấn “Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) đối với chất thải bao bì”.

Các đại biểu tham dự Hội thảo

    ERP là một cách tiếp cận chính sách môi trường, trong đó trách nhiệm của nhà sản xuất đối với một sản phẩm được mở rộng đến giai đoạn trở thành rác thải. ERP yêu cầu các nhà sản xuất chịu trách nhiệm quản lý các sản phẩm sau khi chúng trở thành rác thải. ERP sẽ góp phần giảm chi phí quản lý các sản phẩm tới cuối vòng đời bằng cách giảm việc thải bỏ và tăng tái chế. ERP được kỳ vọng mang lại các cơ hội kinh tế và cơ hội để chia sẻ gánh nặng tài chính trong công tác quản lý rác thải rắn tại Việt Nam, bao gồm chất thải bao bì nhựa không được thu gom, tái chế đang rò rỉ thành rác thải biển.

    Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đưa ra nguyên tắc cơ bản của cơ chế EPR với việc yêu cầu các nhà sản xuất phải có trách nhiệm tái chế bao bì đã qua sử dụng với tỷ lệ bắt buộc dựa vào khối lượng hoặc đơn vị bao bì đóng gói sản phẩm mà nhà sản xuất đưa ra thị trường và phải tuân thủ quy cách tái chế bắt buộc. Nhà sản xuất có thể tự mình tổ chức thực hiện tái chế hoặc đóng góp tài chính vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam để hỗ trợ tái chế chất thải. Dự kiến 6 nhóm ngành hang là đối tượng của cơ chế EPR gồm: Pin và ắc quy; điện và điện tử; săm lốp, dầu nhờn, ô tô và xe máy, bao bì.

    Phát biểu tại Hội thảo, ông Phan Tuấn Hùng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ TN&MT khẳng định: “Cơ chế EPR giúp tăng cường dòng tài chính và hợp tác đa bên vốn là yếu tố quan trọng thúc đẩy việc tăng tỉ lệ tái chế chất thải, bao gồm tái chế chất thải nhựa. Cơ chế EPR là nền tảng quan trọng cho nền kinh tế tuần hoàn mà chúng ta đang hướng đến. Bộ TN&MT đang hợp tác chặt chẽ với các bên liên quan, đặc biệt là các nhà sản xuất và nhà tái chế, để xây dựng các quy định EPR thực tế, hiệu quả và khả thi trong dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường nhằm quản lý hiệu quả chất thải rắn, đặc biệt là chất thải nhựa ở Việt Nam”.

    Tại Hội thảo, các chuyên gia tư vấn lần đầu tiên chia sẻ nghiên cứu về hệ thống thu gom vật liệu tái chế của khu vực phi chính thức tại Việt Nam và khả năng lồng ghép hệ thống này vào cơ chế EPR. Nhiều đại biểu cho rằng, khu vực phi chính thức và bán chính thức là xương sống của chuỗi giá trị thu gom, phân loại và tái chế tại Việt Nam hiện nay. Tạo điều kiện trao đổi và tăng cường hiểu biết giữa các công ty sản xuất hàng tiêu dùng, nhà tái chế và người lao động trong khu vực phi chính thức là yếu tố rất quan trọng nhằm cải thiện vấn đề quản lý chất thải bao bì.

Đỗ Hương

Ý kiến của bạn