Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 26/12/2024

Tham vấn khu vực phía Nam đối với Dự thảo Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Kinh tế tuần hoàn

26/06/2023

    Ngày 22/6/2023, tại TP. Hồ Chí Minh, Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường (ISPONRE) tổ chức Hội thảo “Tham vấn khu vực phía Nam đối với Dự thảo Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Kinh tế tuần hoàn”. Tham dự và chủ trì Hội thảo có TS. Mai Thanh Dung, Phó Viện trưởng ISPONRE, cùng đại diện đến từ Quỹ Hanns Seidel Foundation (HSF), UNDP, JICA; Sở TN&MT TP. Hồ Chí Minh; các nhà khoa học thuộc Viện Nghiên cứu phát triển Kinh tế tuần hoàn (KTTH), trường  Đại học Kinh tế  TP. Hồ Chí Minh…

    KTTH đang được xem là xu thế tất yếu của thời đại, được đồng thuận toàn cầu và được các nước trên thế giới coi là cuộc cách mạng công nghiệp xanh của thế kỷ 21, là cơ hội để cộng đồng toàn cầu chung tay thực hiện cam kết quốc tế trong lĩnh vực BVMT, ứng phó biến đổi khí hậu (BĐKH), nhằm mục tiêu phát triển bền vững. Đến nay, trên thế giới có hơn 50 quốc gia và vùng lãnh thổ đã, đang và dự kiến sẽ xây dựng các lộ trình thực hiện KTTH.

    Ở Việt Nam, tăng trưởng và phát triển chủ yếu dựa vào các nguồn tài nguyên, lao động giá rẻ đã giúp đạt được nhiều thành tựu về phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH). Tuy nhiên, Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức nghiêm trọng về cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm, suy thoái môi trường và biến đổi khí hậu (BĐKH). Mặc dù, nhiều bộ, ngành và địa phương đã nỗ lực có các hành động nhưng tình trạng sản xuất và tiêu dùng chưa bền vững vẫn phổ biến, mức độ phát sinh chất thải bình quân đầu người ngày càng cao, tài nguyên, môi trường và BĐKH chưa thực sự được đặt ở vị trí trung tâm của các quyết định phát triển; chất thải chưa được xem là tài nguyên.

TS. Mai Thanh Dung, Phó Viện trưởng ISPONRE phát biểu khai mạc Hội thảo

    Nhận thức rõ bối cảnh quốc tế, trong nước đặt ra cho phát triển bền vững nói chung, tăng cường quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên, BVMT và ứng phó với BĐKH, Việt Nam đã ban hành những chủ trương, chính sách và quy định pháp luật để thúc đẩy xây dựng, phát triển KTTH.

    Luật BVMT năm 2014 đã đưa ra quy định về KTTH tại Điều 142, hướng dẫn chi tiết về tiêu chí, cách thức áp dụng, phân công trách nhiệm và cơ chế khuyến khích áp dụng KTTH quy định tại Nghị định số 08/2022/NĐ-CP. Ngoài ra, nhiều công cụ chính sách quan trọng có vai trò điều chỉnh hành vi của người sản xuất, tiêu dùng trong nền kinh tế theo hướng thân thiện với môi trường sẽ góp phần thúc đẩy thực hiện KTTH toàn diện, hiệu lực và hiệu quả.

    Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Mai Thanh Dung, Phó Viện trưởng ISPONRE cho biết, thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 6/1/2023 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội,  Bộ TN&MTgiao ISPONRE phối hợp với các đơn vị có liên quan xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch hành động quốc gia (KHHĐQG) thực hiện KTTH trong tháng 11/2023. Hội thảo hôm nay nhằm tiếp thu những ý kiến của các đại biểu khu vực phía Nam hoàn thiện KHHĐQG thực hiện KTTH trong thời gian tới.

    Theo TS. Phạm Khánh Nam - Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh, vật liệu được khai thác để tạo ra sản phẩm hoặc được sử dụng làm nguồn năng lượng (đầu vào); Sản phẩm đi vào và ra khỏi xã hội của chúng ta (các nguyên liệu chế biến); vật liệu và sản phẩm thải ra môi trường dưới dạng chất thải như chất thải được chôn lấp hoặc khí thải, hoặc được thu hồi và đưa trở lại nền kinh tế (đầu ra). Tuy nhiên, ở Việt Nam đang đối mặt với các thách thức thiếu dữ liệu về chất thải cũng như thiếu dữ liệu về nguyên liệu trong các lĩnh vực khác nhau như nhà ở, vận tải, hàng tiêu dùng, dịch vụ…

    Chia sẻ về định hướng và đề xuất phát triển KTTH tại khu vực phía Nam, PGS.TS. Nguyễn Hồng Quân - Viện Nghiên cứu phát triển KTTH cho biết, hiện nay, Viện đang triển khai hai mô hình Đề án KTTH ở Côn Đảo “Phát triển Côn Đảo thuận tự nhiên - các bon thấp, hướng đến là điểm du lịch bền vững đẳng cấp thế giới” và “Nghiên cứu và ứng dụng mô hình KTTH phục vụ phát triển kinh tế - xã hội bền vững huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giai đoạn 2022 - 2026”. Qua kết quả bước đầu thực hiện hai mô hình trên cho thấy, Việt Nam cần lồng ghép KTTH vào phát triển các lĩnh vực nông - lâm - thực phẩm; đô thị thông minh, bền vững; năng lượng tái tạo; du lịch xanh bền vững…

Các đại biểu tham dự Hội thảo

    Báo cáo về công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) trên địa bàn TP. HCM, đại diện Sở TN&MT TP. Hồ Chí Minh cho biết, số lượng phát sinh CTRSH trên địa bàn TP là 10.000 tấn/ngày, trong đó: Hộ gia đình chiếm khoảng 42%; Chủ nguồn thải (cơ sở sản xuất, kinh doanh, thương mại, dịch vụ...) chiếm khoảng 40%; Khu vực công cộng (đường phố, trên kênh rạch, công viên, quảng trường, bến xe, bãi đất trống, chân cầu...): chiếm khoảng 18%. Để thu gom, xử lý hiệu quả CTRSH, UBND TP đã ban hành “Kế hoạch phân loại CTRSH tại nguồn giai đoạn 2017 - 2020 trên toàn địa bàn TP và Chương trình giảm ô nhiễm môi trường giai đoạn 2020 - 2030 trên địa bàn TP” đã đặt ra một số chỉ tiêu, định hướng về công tác quy hoạch quản lý và công nghệ xử lý rác, cụ thể: Tỷ lệ xử lý CTRSH bằng công nghệ đốt phát điện và tái chế đến năm 2025 đạt ít nhất 80%, hướng tới năm 2030 đạt 100%; Phân loại CTRSH phù hợp điều kiện cụ thể của TP; 100% phương tiện thu gom tại nguồn được chuyển đổi (đáp ứng yêu cầu kỹ thuật, BVMT)…

    Giới thiệu về một số nội dung chính của Dự thảo KHHĐQG thực hiện KTTH, TS. Lại Văn Mạnh (ISPONRE) nhấn mạnh, mục tiêu tổng quát Dự thảo hình thành hệ thống cơ cấu sản xuất, tiêu dùng bền vững, sử dụng hiệu quả giá trị tài nguyên, nguồn nguyên liệu, vật liệu đã qua sử dụng, hạn chế tối đa chất thải ra môi trường, thúc đẩy sự tái sinh của thiên nhiên trên cơ sở lựa chọn, áp dụng mô hình KTTH phổ biến và phù hợp, khai thác hiệu quả tiềm năng về đổi mới, sáng tạo của cộng đồng doanh nghiệp, người dân để thúc đẩy áp dụng KTTH, gắn với phát triển các thói quen, thực hành, tạo dựng văn hóa áp dụng KTTH trong sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng, tiến tới hình thành xã hội tuần hoàn vật chất. Theo đó, các mục tiêu cụ thể được đề xuất theo từng giai đoạn ngắn hạn (2025), trung hạn (2030), dài hạn (2030). Các ngành lĩnh vực trọng tâm được lựa chọn thực hiện KTTH, bao gồm: Nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản; khai khoáng và năng lượng; công nghiệp chế biến, chế tạo; xây dựng và giao thông vận tải; quản lý chất thải; lĩnh vực đặc thù; ngành, lĩnh vực phụ trợ cho KTTH. Nhiệm vụ, giải pháp và lộ trình ưu tiên thực hiện Kế hoạch thực hiện KTTH, cụ thể: (1) Nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng và thói quen tốt về thực hiện KTTH; (2) Hoàn thiện hệ thống tổ chức nâng cao hiệu lực, hiệu quả và gỡ bỏ các rào cản chính sách, pháp luật; (3) Hỗ trợ thực hiện KTTH; (4) Thúc đẩy đổi mới sáng tạo phát triển các mô hình KTTH trong sản xuất, tiêu dùng thuộc ngành, lĩnh vực, vùng, miền và địa phương; (5) Đẩy mạnh đầu tư, liên kết, hợp tác và giám sát trong thực KTTH.

    Tại Hội thảo, các đại biểu trao đổi về các lĩnh vực trọng tâm và tiêu chí KTTH phù hợp cho Việt Nam. Theo đó, các ngành lĩnh vực trọng tâm cần tập trung chú trọng vào quản lý rác thải và năng lượng… Các chỉ tiêu đánh giá nên cân nhắc để phù hợp với hoạt động thống kê gắn với các ngành, lĩnh vực. Cần xây dựng cụ thể lộ trình và kế hoạch hành động KTTH. Tập trung xây dựng các mô hình điển hình về KTTH ở cấp địa phương; xác định và hành động trong các lĩnh vực thiết yếu; tăng cường nguồn lực cho KTTH…; Cần đẩy mạnh sự phối hợp giữa Nhà nước và doanh nghiệp, cập nhật thông tin cho địa phương và triển khai, nhân rộng các mô hình hiệu quả; tăng cường các hoạt động nâng cao nhận thức, tuyên truyền về  lợi ích của mô hình KTTH…

Châu Loan

Ý kiến của bạn