Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 29/03/2024

Tham vấn dự thảo Thông tư hướng dẫn kiểm kê, quan trắc đa dạng sinh học; Đánh giá nhanh dịch vụ hệ sinh thái đất ngập nước

05/10/2022

    Triển khai thực hiện kế hoạch năm 2022 Dự án "Chương trình tài trợ nhỏ về bảo tồn và quản lý bền vững các Vườn di sản ASEAN - Hợp phần quốc gia Việt Nam (Dự án SGP)", ngày 29/9/2022, Ban Quản lý Dự án SGP (Tổng cục Môi trường) tổ chức Hội thảo tham vấn dự thảo Thông tư hướng dẫn kiểm kê, quan trắc đa dạng sinh học; Đánh giá nhanh dịch vụ hệ sinh thái đất ngập nước.

Phó Cục trưởng Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học, Giám đốc Ban Quản lý Dự án SGP Nguyễn Thành Vĩnh phát biểu khai mạc Hội thảo

    Quyết định số 2067/QĐ-TTG ngày 8/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Kiểm kê, quan trắc, lập báo cáo và xây dựng cơ sở dữ liệu đa dạng sinh học quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050" đã giao Bộ TN&MT chủ trì, phối hợp với các Bộ, UBND cấp tỉnh, Ban Quản lý các khu bảo tồn, các trừơng đại học, viện nghiên cứu triển khai 5 nhóm dự án ưu tiên lớn, nhằm thực hiện công tác kiểm kê, quan trắc, lập báo cáo và xây dựng cơ sở dữ liệu đa dạng sinh học quốc gia, hướng tới mục tiêu tăng cường hiệu quả quản lý đa dạng sinh học, đồng thời, phát huy các giá trị của đa dạng sinh học trong hoạt động phát triển kinh tế - xã hội của các tổ chức, doanh nghiệp. Thời gian qua, Bộ TN&MT, đầu mối là Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học đã xác định nhiệm vụ xây dựng tài liệu hướng dẫn, hoàn thiện các phương pháp, quy trình kỹ thuật, định mức kinh tế - kỹ thuật điều tra, kiểm kê, quan trắc đa dạng sinh học là hoạt động ưu tiên. Thực hiện Chương trình công tác, Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học phối hợp với Ban Quản lý “Dự án Chương trình tài trợ nhỏ về bảo tồn và sử dụng bền vững các Vườn di sản ASEAN tại Việt Nam” tổ chức Hội thảo tham vấn cho 2 tài liệu là Dự thảo Thông tư hướng dẫn quy trình kỹ thuật kiểm kê, quan trắc đa dạng sinh học và Hướng dẫn đánh giá nhanh dịch vụ hệ sinh thái đất ngập nước.  

    Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Cục trưởng Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học, Giám đốc Ban Quản lý Dự án SGP Nguyễn Thành Vĩnh mong muốn được lắng nghe các ý kiến của các chuyên gia, đại biểu tham dự Hội thảo nhằm từng bước hoàn thiện Dự thảo, Hướng dẫn. Trên cơ sở đó, tổ chức thí điểm triển khai và trình cấp có thẩm quyền ban hành để áp dụng rộng rãi.

Các đại biểu tham dự Hội thảo

    Tại Hội thảo, các đại biểu đã được nghe chuyên gia giới thiệu về Dự thảo Thông tư hướng dẫn kiểm kê, quan trắc đa dạng sinh học và Hướng dẫn Đánh giá nhanh dịch vụ hệ sinh thái đất ngập nước. Theo đó, Dự thảo Thông tư gồm 3 Chương: Quy định chung; Quy trình kỹ thuật kiểm kê, quan trắc đa dạng sinh học; Điều khoản thi hành và Phụ lục kèm theo. Nội dung Dự thảo Thông tư quy định chi tiết quá trình xây dựng Chương trình kiểm kê, quan trắc đa dạng sinh học; Đào tạo, tập huấn triển khai Chương trình; Triển khai kiểm kê, quan trắc tại hiện trường… Còn Hướng dẫn Đánh giá nhanh dịch vụ hệ sinh thái đất ngập nước được xây dựng dựa trên việc rà soát, đánh giá và kế thừa một số bộ công cụ đánh giá nhanh dịch vụ hệ sinh thái trên thế giới, đồng thời có sự điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện thực tế (về nguồn nhân lực, nguồn tài chính và sự sẵn có của các thông tin đầu vào) tại Việt Nam. Mục tiêu chính của Hướng dẫn là hỗ trợ các bên liên quan ước lượng được giá trị tổng hợp của hệ sinh thái đất ngập nước trong trường hợp khung thời gian ngắn nhất và nguồn lực tài chính thấp nhất. Cụ thể, Hướng dẫn sẽ cung cấp hướng dẫn chi tiết cách xác định các loại dịch vụ quan trọng của một hệ sinh thái đất ngập nước; các loại thông tin, dữ liệu cần thu thập để ước lượng giá trị của các loại dịch vụ đó; các phương pháp thu thập dữ liệu; các phương pháp lượng giá và sử dụng kết quả lượng giá trong thực tiễn quản lý và sử dụng tài nguyên đất ngập nước.

    Đa số các đại biểu tham dự Hội thảo đều cho rằng cần thiết phải xây dựng Thông tư hướng dẫn kiểm kê, quan trắc đa dạng sinh học và Hướng dẫn Đánh giá nhanh dịch vụ hệ sinh thái đất ngập nước. Tuy nhiên, một số đại biểu cũng lưu ý, do mỗi loài có đặc tính, tập tính sinh học khác nhau, do đó không nên áp đặt phương pháp điều tra chung cho tất cả các loài. Bên cạnh đó, trong quá trình xây dựng cần xác định rõ hơn các dịch vụ hệ sinh thái đất ngập nước quan trọng và đối tượng hưởng lợi từ các dịch vụ hệ sinh thái đó…

Hồng Cẩm

Ý kiến của bạn