Banner trang chủ

Tham vấn dự thảo Thông tư ban hành Quy chế quản lý, sử dụng đóng góp tài chính của nhà sản xuất, nhập khẩu để hỗ trợ tái chế, xử lý chất thải

16/11/2022

    Ngày 7/11/2022, tại TP. Hồ Chí Minh, Bộ TN&MT tổ chức Hội thảo tham vấn dự thảo Thông tư ban hành Quy chế quản lý, sử dụng đóng góp tài chính của nhà sản xuất, nhập khẩu vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam để hỗ trợ tái chế, xử lý chất thải. Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, với sự tham dự của các đại biểu đến từ các Sở TN&MT các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam, các công ty môi trường đô thị, các tổ chức môi trường và doanh nghiệp, hiệp hội tái chế, xử lý chất thải.

Quang cảnh Hội thảo

    Phát biểu tại Hội thảo, ông Phan Tuấn Hùng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ TN&MT cho biết, trách nhiệm mở rộng nhà sản xuất, nhập khẩu (EPR) là trách nhiệm của nhà sản xuất, nhập khẩu đối với một loại sản phẩm, hàng hóa được mở rộng tới giai đoạn sản phẩm, hàng hóa đó được thải bỏ. EPR được quy định tại Điều 55 Luật BVMT năm 2020 và quy định chi tiết tại Nghị định số 08/2022/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT của Bộ TN&MT.

    Theo đó, Luật BVMT năm 2020 quy định 2 trách nhiệm gồm tái chế và xử lý chất thải. Đối với trách nhiệm tái chế, doanh nghiệp phải tự mình tổ chức tái chế một số sản phẩm, bao bì do mình sản xuất, nhập khẩu hoặc đóng góp tài chính để hỗ trợ hoạt động tái chế. Đối với trách nhiệm xử lý chất thải, doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu một số sản phẩm, bao bì phải có trách nhiệm đóng góp tài chính để hỗ trợ xử lý chất thải.

    Theo ông Phan Tuấn Hùng, nguồn tài chính đóng góp từ nhà sản xuất, nhập khẩu sẽ được hỗ trợ trực tiếp cho các hoạt động tái chế sản phẩm, bao bì hoặc xử lý chất thải sinh hoạt, tuân thủ nguyên tắc quản lý, sử dụng minh bạch, hiệu quả và đúng mục đích. Đây là nguồn tài chính bổ sung quan trọng bên cạnh ngân sách địa phương để góp phần giải quyết vấn đề rác thải sinh hoạt. Nguồn tài chính này không chỉ tạo ra cơ hội, động lực cho các doanh nghiệp tái chế mà còn giúp giải quyết vấn đề thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt, đặc biệt là các địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.

    Để thiết lập cơ sở pháp lý cho việc quản lý, sử dụng đóng góp tài chính hỗ trợ tái chế, xử lý chất thải của nhà sản xuất, nhập khẩu, Bộ TN&MT đang hoàn thiện và sớm ban hành Thông tư ban hành Quy chế quản lý, sử dụng đóng góp tài chính của nhà sản xuất, nhập khẩu vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam để hỗ trợ tái chế, xử lý chất thải. Dự thảo Thông tư quy định 2 cơ chế hỗ trợ tài chính gồm hỗ trợ các hoạt động tái chế và hỗ trợ các hoạt động xử lý rác thải. Trong đó, hỗ trợ hoạt động tái chế chất thải là hỗ trợ chi phí tái chế gồm chi phí phân loại, thu gom, vận chuyển, tái chế sản phẩm, bao bì. Hỗ trợ hoạt động tái chế là hình thức hỗ trợ không hoàn lại thông qua hợp đồng hỗ trợ chi phí tái chế. Đối tượng được hỗ trợ là các doanh nghiệp tái chế tuân thủ pháp luật bảo vệ môi trường. Mức hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp tái chế được xác định theo khối lượng sản phẩm, bao bì được tái chế. Để được hỗ trợ tài chính, doanh nghiệp tái chế được hỗ trợ phải được đơn vị kiểm toán độc lập xác nhận khối lượng sản phẩm, bao bì được tái chế; không hỗ trợ cho khối lượng sản phẩm, bao bì tái chế từ phế liệu nhập khẩu.

    Góp ý nội dung Dự thảo Thông tư, các đại biểu đề nghị làm rõ đơn vị thu gom và tái chế; có cơ chế giám sát, đánh giá về hiệu quả thu gom, xử lý rác thải của các doanh nghiệp được hỗ trợ…; bổ sung thêm đối tượng là cáctổ chức phi Chính phủ được nhận hỗ trợ từ Quỹ BVMT cho hoạt động thu gom, xử lý rác thải; lập Danh mục các đối tượng đủ điều kiện được nhận hỗ trợ…

    Tổ soạn thảo đã ghi nhận, tổng hợp các ý kiến đóng góp của các đại biểu để tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện Dự thảo Thông tư.

Phương Linh

Ý kiến của bạn