Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 26/04/2024

Tập trung các điều kiện để bảo đảm lộ trình thực hiện một số nội dung theo đúng quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020

25/01/2022

    Luật BVMT năm 2020 là khung pháp lý quan trọng, với nhiều điểm mới, đột phá, định hướng cho công tác BVMT trong thời kỳ mới. Để Luật BVMT năm 2020 được triển khai kịp thời, đồng bộ, thống nhất và hiệu quả, trong năm qua, Bộ TN&MT đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương và các cơ quan, chuyên gia để hoàn thiện các văn bản hướng dẫn thi hành Luật. Nhân dịp Luật BVMT năm 2020 chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2022, Tạp chí Môi trường có cuộc trao đổi với Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Hưng Thịnh về việc triển khai tuyên truyền Luật BVMT trong thời gian tới.

Ông Nguyễn Hưng Thịnh - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường

PV: Thưa Phó Tổng cục trưởng, Luật BVMT năm 2020 được Quốc hội thông qua với nhiều nội dung đổi mới, xin ông giới thiệu những điểm đột phá, quan trọng của Luật định hướng cho công tác BVMT trong thời kỳ mới hiện nay?

Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Hưng Thịnh: Như chúng ta đã biết, bảo vệ tài nguyên, BVMT là 1 trong 3 trụ cột trong phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) của đất nước; bằng tính ưu viết của chế độ ta, chế độ xã hội chủ nghĩa, Đảng ta đã rất quan tâm đến công tác BVMT với phương châm không đánh đổi môi trường lấy tăng trường, phát triển kinh tế. Vì thế, Đảng đã luôn có chỉ đạo để Nhà nước có những biện pháp, chính sách cụ thể, phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước; trên tinh thần đó, Luật BVMT 2014 ra đời đã tạo ra hành lang pháp lý quan trọng để đóng góp cho tăng trưởng kinh tế theo hướng bền vững. Tuy nhiên, sau hơn 5 năm thực thi, tình hình đất nước và trên thế giới đã có những biến đổi sâu rộng, trong đó phải kể đến vị thế của đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng đã đạt được tầm cao mới, toàn diện trong nhiều mặt, một số mặt đã có thể sánh ngang với các nước tiên tiến trên thế giới. Thứ hai, thành tựu của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư với sự phát triển vượt bậc của khoa học công nghệ đã đặt ra cơ hội về đổi mới tư duy, cách thức trong quản lý môi trường, định hình các mô hình tăng trưởng mới. Thứ ba, hợp tác quốc tế đang thay đổi theo xu hướng mới, nhiều cam kết quốc tế có liên quan đến môi trường đã được Việt Nam tham gia (hiệp định CPTPP, EVFTA,...) đặt ra yêu cầu cần sớm được thể chế hóa để tạo hành lang pháp lý triển khai thực hiện. Thứ tư, biến đổi khí hậu đang ngày càng nghiêm trọng, trong thời gian vừa qua chúng ta đã chứng kiến ảnh hưởng từ biến đổi khí hậu đã tác động lớn đến sinh kế của người dân Đồng bằng sông Cửu Long. Thứ năm, dưới sự lãnh đạo quyết liệt của Đảng, sự điều hành của Chính phủ, công tác BVMT của nước ta mặc dù đã được rất quan tâm nhưng cũng còn nhiều vấn đề bất cập phải đương đầu với tình hình mới, thách thức mới. Trên cơ sở đó, Chính phủ đã trình Quốc hội xem xét, thông qua Luật BVMT 2020.

    Luật BVMT số 72/2020/QH14 được Quốc hội khóa XIV thông qua tại kỳ họp thứ 10, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2022 với 16 chương, 171 điều (giảm 04 chương và tăng 01 điều so với Luật Bảo vệ môi trường năm 2014). Luật được thiết kế khung chính sách hướng đến việc hình thành đạo luật về BVMT có tính tổng thể, toàn diện và hài hòa với hệ thống pháp luật về KT-XH; cải cách mạnh mẽ, cắt giảm trên 40% thủ tục hành chính (TTHC), giảm thời gian thực hiện các thủ tục hành chính (TTHC) từ 20-85 ngày, góp phần giảm chi phí tuân thủ của doanh nghiệp. Luật có 09 điểm mới quan trọng là: (1) Cộng đồng dân cư được quy định là một chủ thể trong công tác BVMT; tăng cường công khai thông tin, tham vấn, phát huy vai trò giám sát, phản biện, đồng thời được bảo đảm quyền và lợi ích của cộng đồng dân cư khi tham gia các hoạt động BVMT; (2) Thay đổi phương thức quản lý môi trường đối với dự án đầu tư theo các tiêu chí môi trường; kiểm soát chặt chẽ dự án có nguy cơ tác động xấu đến môi trường mức độ cao, thực hiện hậu kiểm đối với các dự án có công nghệ tiên tiến và thân thiện môi trường; cắt giảm thủ tục hành chính; (3) Đã định chế nội dung sức khỏe môi trường; bổ sung nhiều giải pháp bảo vệ các thành phần môi trường, đặc biệt là môi trường không khí, môi trường nước; (4) Thúc đẩy phân loại rác thải tại nguồn; định hướng cách thức quản lý, ứng xử với chất thải, góp phần thúc đẩy kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam; (5) Chế định về thẩm quyền quản lý nhà nước dựa trên nguyên tắc quản lý tổng hợp, thống nhất, một việc chỉ giao cho một cơ quan chủ trì thực hiện; phân cấp triệt để cho địa phương; (6) Quy định cụ thể về kiểm toán môi trường nhằm tăng cường năng lực, hiệu quả quản lý môi trường của doanh nghiệp; (7) Cụ thể hóa các quy định về ứng phó BĐKH, thúc đẩy phát triển thị trường các-bon trong nước; (8) Hoàn thiện hành lang pháp lý bảo vệ di sản thiên nhiên phù hợp với pháp luật quốc tế về di sản thế giới, đáp ứng yêu cầu của quá trình hội nhập quốc tế; (9) Tạo lập chính sách phát triển các mô hình tăng trưởng kinh tế bền vững, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, phục hồi và phát triển nguồn vốn tự nhiên.

PV: Có thể nói trong năm qua, Tổng cục Môi trường đã dồn mọi nguồn lực, dốc sức xây dựng các văn bản hướng dẫn chuẩn bị điều kiện triển khai Luật BVMT 2020 sớm đi vào cuộc sống, xin Phó Tổng cục trưởng chia sẻ kết quả hoạt động này như thế nào?

Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Hưng Thịnh: Ngay sau khi Luật được thông qua, thực hiện kế hoạch xây dựng văn bản quy phạm pháp luật để triển khai thi hành Luật theo phân công của Chính phủ, Tổng cục Môi trường đã trình Bộ trưởng Bộ TN&MT ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật BVMT 2020. Trong suốt thời gian vừa qua, Tổng cục Môi trường đã tập trung mọi nguồn lực để xây dựng, hoàn thiện và trình Chính phủ hồ sơ ban hành Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật; trình Bộ trưởng Bộ TN&MT ban hành Thông tư quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật BVMT 2020.

    Việc triển khai xây dựng Nghị định, Thông tư đã được Tổng cục Môi trường thực hiện rất tích cực, khẩn trương, cầu thị, bảo đảm thực hiện đúng theo quy định của Luật ban hành VBQPPL. Tôi xin nói cụ thể hơn về quá trình xây dựng Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật BVMT như sau:

    Bộ trưởng Bộ TN&MT đã thành lập Ban soạn thảo và Tổ biên tập Dự thảo Nghị định với sự tham gia của đại diện Văn phòng Chính phủ, đại diện các bộ, ngành; đại diện các Hội, Hiệp hội (Nhựa Việt Nam, Dệt may Việt Nam, Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, Làng nghề Việt Nam, Giấy và Bột giấy Việt Nam, Thép Việt Nam, Bao bì Việt Nam) và nhiều chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực BVMT. Đồng thời, Bộ TN&MT đã có các văn bản đề nghị các Bộ, ngành cùng tham gia soạn thảo và đề xuất các nội dung vào Dự thảo Nghị định do có một số nội dung liên quan trực tiếp đến chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước của các bộ, ngành.

    Tiếp theo, Bộ đã tiến hành rà soát các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến Dự thảo Nghị định để bảo đảm tính thống nhất giữa các quy phạm. Nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế của một số nước trên thế giới và khu vực đối với các quy định mới nhằm đưa ra các đề xuất phù hợp với công tác quản lý môi trường tại Việt Nam; tiến hành đánh giá tác động thủ tục hành chính của Dự thảo Nghị định; tham vấn ý kiến của các nhóm đối tượng chịu sự tác động của Dự thảo Nghị định.

    Ngoài ra, Bộ đã tổ chức làm việc với từng Bộ, ngành có liên quan để tham vấn các quy định có liên quan trong Dự thảo Nghị định. Tổ chức họp Ban soạn thảo, Tổ biên tập, các nhóm chuyên gia; tổ chức hàng chục cuộc tọa đàm, hội thảo chuyên đề với sự tham gia của đại diện nhiều bộ, ngành, chuyên gia trong nước, các tổ chức quốc tế để tham vấn ý kiến đối với Dự thảo Nghị định.

    Bộ đã gửi văn bản lấy ý kiến chính thức của các Bộ ngành, 63 địa phương, một số doanh nghiệp, tổ chức, hội nghề nghiệp; Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam. Dự thảo Nghị định đã được đăng tải trên Cổng thông tin điện của Chính phủ, Cổng thông tin điện tử của Bộ TN&MT để lấy ý kiến đóng góp rộng rãi của Nhân dân, các tổ chức, cá nhân, đối tượng chịu sự tác động, các chuyên gia, nhà khoa học trong nước và quốc tế. Bộ trưởng Bộ TN&MT đã trực tiếp gửi thư xin ý kiến các chuyên gia, các nhà khoa học, các Giám đốc Sở TN&MT 63 tỉnh, thành phố và các cá nhân có liên quan đối với Dự thảo Nghị định.

    Đặc biệt, sau khi hoàn thiện Dự thảo Nghị định, nhiều Hội thảo trực tuyến đã được Bộ tổ chức để lắng nghe trao đổi, tiếp thu ý kiến đóng góp của của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các doanh nghiệp, Hiệp hội.

    Trên cơ sở ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp, Bộ TN&MT đã tổ chức rà soát, chỉnh sửa và hoàn thiện Dự thảo Nghị định; tiếp tục đăng tải Dự thảo Nghị định trên Cổng thông tin điện tử của Bộ để tham vấn thêm ý kiến của các tổ chức, cá nhân. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ và đề nghị của Bộ Tư pháp, Bộ TN&MT đã tổ chức làm việc các Bộ, ngành có liên quan để trao đổi, thống nhất một số nội dung của Dự thảo Nghị định. Bộ trưởng Bộ TN&MT đã trực tiếp làm việc với đại diện 11 Hiệp hội có văn bản gửi ý kiến góp ý để chỉ đạo hoàn thiện. Đồng thời, Bộ trưởng cũng làm việc với 10 Bộ, ngành để thống nhất lần cuối Dự thảo Nghị định trước khi trình Chính phủ.

    Sau khi nhận được ý kiến của các Thành viên Chính phủ, Bộ TN&MT đã liên tục phối hợp với Văn phòng Chính phủ để rà soát, hoàn thiện nội dung Dự thảo Nghị định theo ý kiến Thành viên Chính phủ.

    Như chúng ta đã biết, ngày 10/1/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 08/2022/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật BVMT; cũng trong ngày này, Bộ trưởng Bộ TN&MT cũng đã ban hành Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật BVMT.

    Có thể khẳng định, việc ban hành các văn bản này thể hiện sự nỗ lực, quyết tâm cao độ của Bộ TN&MT, sự phối hợp chặt chẽ của các Bộ, ngành, địa phương và sự tham gia tâm huyết của nhiều chuyên gia, nhà khoa học, hiệp hội, doanh nghiệp đã đóng góp ý kiến thường xuyên, liên tục cho Bộ TN&MT trong quá trình xây dựng văn bản.

PV: Trong quá trình hoàn thiện Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật, một số vấn đề được các đại biểu quan tâm như: Cải cách hành chính (CCHC); GPMT; đánh giá tác động môi trường (ĐTM); quy định trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR); quản lý CTRSH… đã được làm rõ như thế nào, thưa Phó Tổng cục trưởng?

Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Hưng Thịnh: Như chúng ta đã biết, Luật BVMT 2020 có nhiều quy định nhằm cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính (TTHC), góp phần giảm chi phí tuân thủ của doanh nghiệp thông qua các quy định: thu hẹp đối tượng phải thực hiện đánh giá tác động môi trường (ĐTM); tích hợp các TTHC vào 01 giấy phép môi trường (GPMT); đồng bộ các công cụ quản lý môi trường theo từng giai đoạn của dự án, bắt đầu từ khâu xem xét chủ trương đầu tư, thẩm định dự án, thực hiện dự án cho đến khi dự án đi vào vận hành chính thức và kết thúc dự án. Với vai trò hướng dẫn chi tiết các nội dung theo quy định của Luật, Nghị định số 08/2022/NĐ-CP được tiếp cận xây dựng theo đúng chủ trương mà Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo là giảm tiền kiểm, tăng cường hậu kiểm, tạo thuận lợi tối đa cho người dân và doanh nghiệp khi thực hiện các TTHC về môi trường; phân cấp triệt để cho địa phương. Tinh thần này đã được Bộ TN&MT thể hiện xuyên suốt trong toàn bộ Nghị định, đặc biệt là các quy định về ĐTM, GPMT, cụ thể là:

    Về ĐTM: Bằng việc quy định cụ thể các tiêu chí môi trường để phân loại dự án đầu tư và ban hành danh mục các nhóm dự án đầu tư, sẽ có rất nhiều dự án nếu thực hiện theo pháp luật hiện hành sẽ phải vừa thực hiện ĐTM và xin cấp GXN hoàn thành công trình BVMT thì tới đây chỉ phải thực hiện 01 thủ tục là cấp GPMT.

    Về GPMT: Nghị định đã quy định các nội dung chính của báo cáo đề xuất cấp GPMT đối với từng trường hợp cụ thể, theo đó đơn giản hoá hồ sơ đề nghị cấp GPMT theo từng nhóm đối tượng (nội dung báo cáo đề xuất của dự án nhóm III đơn giản hơn so với các đối tượng còn lại). Đối với báo cáo đề xuất cấp lại GPMT, chỉ yêu cầu báo cáo các nội dung thay đổi trong các trường hợp có thay đổi về quy mô, công suất, công nghệ và thay đổi các nguồn thải; giảm 02 nội dung phải báo cáo đối với giấy phép hết hạn hoặc bổ sung ngành nghề thu hút đầu tư vào khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp... Quy định cụ thể các trường hợp cấp lại GPMT; điều chỉnh GPMT theo đề nghị của chủ dự án và điều chỉnh GPMT theo quy định của pháp luật phải điều chỉnh để bảo đảm minh bạch, dễ thực hiện. Giảm thời hạn cấp GPMT đối với trường hợp cấp GPMT theo thủ tục đơn giản (dự án không có công trình xử lý chất thải phải vận hành thử nghiệm; dự án không thuộc loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường đầu tư vào khu, cụm công nghiệp) xuống còn 15 ngày (giảm 30 ngày so với thời hạn quy định trong Luật), việc cấp GPMT của đối tượng này thực hiện thông qua tổ thẩm định, không tổ chức kiểm tra thực tế; giảm thời hạn cấp lại GPMT đối với một số trường hợp xuống còn 30 ngày ở cấp Bộ, 20 ngày ở cấp tỉnh, huyện (giảm từ 10 -15 ngày so với thời hạn quy định trong Luật). Nhằm thể hiện rõ quan điểm giảm tiền kiểm, tăng cường hậu kiểm, Nghị định đã quy định cụ thể các trường hợp thành lập hội đồng thẩm định, đoàn kiểm tra, tổ thẩm định hoặc tổ chức kiểm tra thực tế tương ứng với quy mô, tính chất từng loại hình dự án đầu tư. Theo đó, không tổ chức kiểm tra thực tế đối với trường hợp dự án đầu tư đã thực hiện ĐTM; chỉ thành lập tổ thẩm định đối với trường hợp dự án đầu tư có sử dụng phế liệu nhập khẩu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất và dự án đầu tư thực hiện dịch vụ xử lý chất thải nguy hại, không tổ chức kiểm tra thực tế (do đã có hoạt động kiểm tra, điều chỉnh GPMT trong quá trình vận hành thử nghiệm); việc thẩm định, cấp GPMT ở cấp huyện thực hiện thông qua hình thức đơn giản là tổ thẩm định hoặc tổ chức kiểm tra thực tế.

    Về chế định EPR: Đây là một trong những vấn đề nhận được sự quan tâm rất lớn của cộng đồng doanh nghiệp, nên các quy định về đối tượng phải thực hiện trách nhiệm tái chế hay xử lý chất thải, lộ trình thực hiện cụ thể cho từng nhóm đối tượng đã được các Ban soạn thảo chính sách cân nhắc cẩn trọng, kỹ lưỡng sau khi tham vấn, tiếp thu ý kiến của đông đảo các cơ quan quản lý, chuyên gia, nhà khoa học, cộng đồng doanh nghiệp. Theo đó, Nghị định đã quy định cụ thể về đối tượng, lộ trình thực hiện trách nhiệm tái chế, trách nhiệm xử lý chất thải. Đối với 06 nhóm sản phẩm, bao bì (điện tử; pin-ắc quy; dầu nhớt; săm lốp; phương tiện giao thông; bao bì) thì nhà sản xuất, nhập khẩu sẽ phải thực hiện tái chế sản phẩm từ năm đầu năm 2024, 2025 hoặc 2027 (tùy từng loại sản phẩm). Đối với một số loại sản phẩm, bao bì khác như: Thuốc bảo vệ thực vật; kẹo cao su; tã bỉm; thuốc lá; sản phẩm sử dụng nguyên liệu nhựa thì các nhà sản xuất, nhập khẩu sẽ phải thực hiện hỗ trợ xử lý chất thải từ đầu năm 2023.

    Như vậy, chúng ta có thể thấy Nghị định đã mang tinh thần cải cách mạnh mẽ TTHC từ đối tượng, nội dung, quy trình, lộ trình thực hiện. Các quy định này sẽ tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp khi thực hiện các quy định mới của Luật.

Bộ TN&MT tham vấn các hiệp hội, doanh nghiệp về Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật BVMT

PV: Để công tác tuyên truyền phổ biến Luật BVMT năm 2020 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật đi vào cuộc sống trong thời gian tới, Bộ TN&MT có hướng triển khai công tác này như thế nào, thưa Phó Tổng cục trưởng?

Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Hưng Thịnh: Để Luật BVMT 2020 sớm đi vào cuộc sống, tạo sự đồng thuận cao trong toàn xã hội, các đơn vị trong Bộ TN&MT đã phối hợp chặt chẽ để xây dựng kế hoạch tuyên truyền theo từng chủ đề cụ thể phù hợp cho từng nhóm đối tượng. Trong năm 2021, Tổng cục Môi trường cũng đã tham gia nhiều hội thảo, hội nghị tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng kiến thức pháp luật về BVMT theo Luật BVMT năm 2020 tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước, tại một số Bộ, ngành. Theo đó đã phổ biến các điểm mới quan trọng và các nội dung liên quan đến trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương khi triển khai thi hành Luật.

    Trong năm 2022, Tổng cục Môi trường đã lập kế hoạch bồi dưỡng, nâng cao năng lực, kỹ năng tuyên truyền cho đội ngũ cán bộ tuyên truyền viên về BVMT của các Bộ, ngành Trung ương, địa phương và các tổ chức chính trị - xã hội, qua đó xây dựng được mạng lưới tuyên truyền viên về BVMT từ Trung ương đến địa phương; đồng thời đổi mới, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền thông qua phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan thông tấn báo chí và cơ quan truyền thông tổ chức tuyên truyền quy định pháp luật về BVMT theo Luật BVMT năm 2020 và các văn bản hướng dẫn Luật.

PV: Trân trọng cảm ơn Phó Tổng cục trưởng!

Châu Loan (Thực hiện)

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 1/2022)

Ý kiến của bạn