Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 29/03/2024

Tăng cường công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường trong thời gian tới

29/07/2022

    Ngày 29/7/2022, tại Hà Nội, mở đầu cho chuỗi các sự kiện chào mừng Hội nghị Môi trường toàn quốc lần thứ V, Tổng cục Môi trường, Bộ TN&MT tổ chức Hội thảo chuyên đề về công tác quản lý nhà nước về BVMT bằng hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến. Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Nguyễn Văn Tài và các Phó Tổng cục trưởng: Hoàng Văn Thức, Nguyễn Hưng Thịnh, Nguyễn Thượng Hiền chủ trì Hội thảo.

    Tham dự Hội thảo còn có đại diện các Bộ, ban, ngành Trung ương; các chuyên gia, nhà khoa học, tổ chức quốc tế và Sở TN&MT các địa phương trên cả nước tại 63 điểm cầu trực tuyến.

Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Tài phát biểu tại Hội thảo

    Phát biểu khai mạc Hội thảo, Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Tài nhấn mạnh, năm 2022 là năm bản lề về việc triển khai các định hướng lớn về môi trường và phát triển đất nước giai đoạn 2021 - 2030 trong Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; là năm đầu tiên triển khai quy định, chính sách mới, đột phá của Luật BVMT năm 2020 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật. Cùng với đó, Thủ tướng Chính phủ cũng đã đưa ra cam kết mạnh mẽ của Việt Nam đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP26). Trong bối cảnh đó, Hội thảo chuyên đề về công tác quản lý nhà nước về BVMT coi như một diễn đàn mở, nhằm quy tụ sự tham gia của đầy đủ các thành phần từ cơ quan quản lý, chuyên gia, nhà khoa học và các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức quốc tế và cộng đồng doanh nghiệp để cùng nhau trao đổi, thảo luận, thống nhất nhận thức và hành động trong công tác BVMT những năm tiếp theo.

    Nội dung Hội thảo tập trung vào 4 chuyên đề chuyên sâu, được các cơ quan quản lý, doanh nghiệp và nhân dân quan tâm gồm: (1) Công tác đánh giá tác động môi trường đối với các hoạt động đầu tư phát triển; (2) Bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học hướng tới Thập kỷ Phục hồi hệ sinh thái; (3) Quản lý chất lượng các thành phần môi trường; (4) Tăng cường, nâng cao hiệu quả quản lý CTR hướng tới nền kinh tế tuần hoàn.

    Ngoài 4 chuyên đề chuyên sâu, các đại biểu tại Hội thảo cũng đã được nghe gần 20 báo cáo tham luận, ý kiến đóng góp của các Bộ, ngành, địa phương, chuyên gia, nhà khoa học. Đồng thời, các đại biểu tập trung thảo luận, góp ý để làm nổi bật những kết quả đạt được của công tác quản lý nhà nước về BVMT giai đoạn 2016 - 2022. Theo đó, công tác BVMT nước ta đã có những thành tựu đáng khích lệ; đặc biệt là trong việc triển khai các công cụ, biện pháp BVMT; bước đầu thành công trong việc thực hiện mục tiêu kiểm soát, hạn chế về cơ bản mức độ gia tăng ô nhiễm, suy thoái tài nguyên và suy giảm đa dạng sinh học; hạn chế tác động xấu đến môi trường và con người, tạo tiền đề quan trọng cho việc triển khai công tác BVMT giai đoạn tiếp theo. Tuy nhiên, bên cạnh những thành công đạt được, công tác quản lý nhà nước về BVMT vẫn còn có những tồn tại, hạn chế như: Tốc độ ô nhiễm, suy thoái môi trường, suy giảm tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học vẫn diễn biến phức tạp, một số nơi, khu vực ở mức đáng báo động; hạ tầng cho công tác BVMT chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn; công tác quản lý rác thải sinh hoạt còn nhiều hạn chế...

    Đồng thời, các địa phương, doanh nghiệp tại Hội thảo cũng đã chia sẻ kinh nghiệm trong công tác BVMT để thực hiện tốt các quy định pháp luật về BVMT, đặc biệt là kinh nghiệm về các mô hình hay, cách làm hiệu quả, thân thiện môi trường để góp phần lan tỏa sâu, rộng trên phạm vi cả nước.

Toàn cảnh Hội thảo

    Kết luận Hội thảo, Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Tài cho rằng, để khắc phục các tồn tại, hạn chế trên, cần có hệ thống các giải pháp đồng bộ, toàn diện và thực thi, từ các biện pháp nâng cao nhận thức, quan điểm, tầm nhìn đến việc tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả chính sách, pháp luật về BVMT, đặc biệt là Luật BVMT năm 2020 và các Chiến lược về BVMT, đa dạng sinh học giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn 2050. Do đó, trong thời gian tới, cần tập trung triển khai các nội dung sau:

    Một là, tổ chức triển khai có hiệu quả Luật BVMT năm 2020, nắm bắt các khó khăn, vướng mắc của địa phương người dân và doanh nghiệp để có hướng dẫn kịp thời. Tập trung rà soát, đánh giá và trình ban hành các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch cho phù hợp với các quy định trong giai đoạn mới.

    Hai là, triển khai đồng bộ các công cụ quản lý môi trường để quản lý, sàng lọc dự án đầu tư có nguy cơ tác động xấu đến môi trường; bắt đầu từ khâu xem xét chủ trương đầu tư, thẩm định dự án, thực hiện dự án cho đến khi dự án đi vào vận hành chính thức và kết thúc dự án.

    Ba là, quản lý tốt chất thải rắn sinh hoạt, chất thải nhựa, chất thải nguy hại. Triển khai thực hiện phân loại tại nguồn và thu phí theo lượng chất thải rắn phát sinh để thúc đẩy giảm thiểu, tái sử dụng và tái chế. Thúc đẩy phát triển và ứng dụng các mô hình kinh tế tuần hoàn trong suốt vòng đời sản phẩm.

    Bốn , tăng cường kiểm soát ô nhiễm, duy trì và cải thiện chất lượng môi trường không khí ở các đô thị; xử lý nước thải, đẩy mạnh kiểm soát, quản lý, BVMT nước và các lưu vực sông. Đẩy mạnh công tác thanh tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về BVMT.

    Năm là, củng cố, tăng cường hệ thống di sản thiên nhiên; quản lý hiệu quả các khu bảo tồn thiên nhiên, kết hợp hài hòa giữa bảo tồn và phát triển. Đẩy mạnh triển khai các mô hình bảo tồn, sử dụng bền vững các hệ sinh thái; bảo tồn nguồn gen; ngăn ngừa các loài ngoại lai xâm hại…

    Các ý kiến đóng góp tại Hội thảo được Tổng cục Môi trường tổng hợp, trình Bộ TN&MT tiếp tục hoàn thiện Báo cáo tổng kết công tác BVMT giai đoạn 2016 - 2022 và định hướng giai đoạn 2022 - 2025 và sẽ được trình bày tại Phiên toàn thể của Hội nghị Môi trường toàn quốc lần thứ V tổ chức vào ngày 4/8/2022.

Một số ý kiến ghi nhận tại Hội thảo

GS. TS. Đặng Kim Chi - Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam

    Về công tác đánh giá tác động môi trường (ĐTM) đối với hoạt động đầu tư phát triển, tôi đề xuất ưu tiên một số giải pháp cần làm ngay như: Hoàn thiện bộ tiêu chí về đánh giá thiệt hại về môi trường, đa dạng sinh học (ĐDSH); áp dụng khoa học - công nghệ mới, tiên tiến, phù hợp với điều kiện nước ta trong thực hiện ĐTM; xây dựng hướng dẫn những danh mục kỹ thuật trong ĐTM đối với một số lĩnh vực, theo quy định của Luật BVMT năm 2020. Ngoài ra, cần tăng cường sự minh bạch tham vấn của cộng đồng trong các báo cáo ĐTM; chú trọng công tác đào tạo các chuyên gia thẩm định, lập báo cáo ĐTM…

GS.TSKH. Đặng Huy Huỳnh - Anh hùng ĐDSH ASEAN

    Thiên nhiên và ĐDSH là nguồn tài nguyên quan trọng bảo đảm cho phát triển bền vững, thích ứng và giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu. Các nội dung của Báo cáo “Bảo tồn thiên nhiên và ĐDSH hướng tới thập kỷ phục hồi hệ sinh thái” tại Hội thảo tương đối đầy đủ, phản ánh được những thành tựu, tiến bộ vượt bậc của công tác quản lý ĐDSH nước ta trong 20 năm qua. Tuy nhiên, vẫn còn những thách thức về công tác phục hồi ĐDSH, trong giai đoạn tới, cần đưa ra chỉ tiêu và giải pháp cụ thể thực hiện công tác này. Tôi đề nghị cần triển khai các đề tài nghiên cứu khoa học về phục hồi hệ sinh thái, ĐDSH; nâng cao nhận thức về bảo tồn ĐDSH cho cộng đồng, đặc biệt hỗ trợ sinh kế các dân tộc thiểu số…

PGS.TS. Nguyễn Thế Chinh - Nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Chính sách Tài nguyên và Môi trường

    Tiếp cận mô hình kinh tế tuần hoàn (KTTH) dựa vào lợi ích kinh tế để giải quyết ba vấn đề chính đó là giảm khai thác tài nguyên đầu vào, kéo dài vòng đời sản phẩm và giảm thiểu tối đa chất thải ra môi trường. Như vậy, đối với lĩnh vực chất thải, những ngành sản xuất, kinh doanh sử dụng nguyên liệu thô hoạt động theo mô hình kinh tế tuyến tính trước đây chuyển sang mô hình KTTH sẽ đạt hiệu quả cao về kinh tế và BVMT. Việc chuyển đổi sang mô hình KTTH đối với lĩnh vực chất thải sẽ đạt được mục tiêu tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên và hạn chế tối đa chất thải ra môi trường. Đồng thời, áp dụng mô hình KTTH trong lĩnh này cũng tạo ra thị trường tiêu thụ chất thải rất lớn, từ đó hình thành các khâu, quy trình có tính tuần hoàn từ phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải.

PGS.TS. Nguyễn Thị Hà - Khoa Môi trường, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội

    Báo cáo chuyên đề về “Quản lý chất lượng các thành phần môi trường, nền tảng và mục tiêu của công tác kiểm soát ô nhiễm” đã đánh giá đầy đủ về thực trạng và xác định được nguyên nhân cũng như đề xuất được các giải pháp BVMT nước, không khí trong thời gian tới. Để hoàn thiện các nội dung của Báo cáo tôi xin kiến nghị, về công tác kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí, ngoài thông số về ô nhiễm bụi, cần bổ sung thêm các thông số về ô nhiễm các hợp chất VOCs (liên quan đến sương mù quang hóa) ở các khu đô thị lớn do giao thông, sử dụng nhiên liệu… Đối với công tác BVMT môi trường nước, bổ sung đánh giá về chất lượng môi trường theo khía cạnh tài nguyên; quy hoạch phân vùng sử dụng tài nguyên nước; hướng dẫn kỹ thuật lập kế hoạch quản lý chất lượng môi trường nước mặt…

Trần Tân

Ý kiến của bạn