Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 29/03/2024

Nhìn lại 10 năm triển khai các hoạt động bảo tồn đa dạng sinh học tại Việt Nam

28/05/2021

     Ngày Quốc tế Đa dạng sinh học (22/5/2021) có chủ đề “Chúng ta là một phần của giải pháp” đã kêu gọi con người sống hài hòa với thiên nhiên áp dụng các giải pháp dựa vào thiên nhiên. Đây cũng là dịp để Việt Nam nhìn lại những thành tựu và thách thức trong công tác bảo tồn đa dạng sinh học (ĐDSH) của đất nước 10 năm (2010 - 2020) qua  nhằm tạo tiền đề, hướng đến hoàn thành những mục tiêu về phát triển bền vững.

ĐDSH của Việt Nam có giá trị cao trên thế giới

     Việt Nam là một trong những quốc gia có ĐDSH cao trên thế giới, đặc biệt là đa dạng về loài. Theo báo cáo quốc gia lần thứ 6 đối với Công ước ĐDSH (2019), Việt Nam có khoảng loài 51.400 sinh vật đã được xác định, bao gồm: khoảng 7.500 chủng vi sinh vật; 20.000 loài thực vật trên cạn và dưới nước; 10.900 loài động vật trên cạn; 2.000 loài động vật không xương sống và cá nước ngọt và hơn 11.000 loài sinh vật biển khác. Hàng năm, nhiều loài mới tiếp tục được phát hiện, nối dài danh lục các loài hiện có ở Việt Nam.

     Trong số các loài đã được ghi nhận, nhiều loài có giá trị bảo tồn cao, khẳng định tầm quan trọng toàn cầu của ĐDSH Việt Nam như sao la, cheo cheo lưng bạc, mang lớn, mang trường sơn, thỏ vằn, voi châu á, bò rừng, bò xám, hổ, báo, hươu sao, các loài linh trưởng, các loài rùa biển và rùa cạn, nước ngọt... Khu hệ động vật Việt Nam khá giàu về thành phần loài và có mức độ cao về tính đặc hữu so với các nước trong vùng Đông Dương. Cụ thể, Việt Nam có 15/21 loài khỉ trong khu vực, trong đó có 7 loài và phân loài đặc hữu; 33/49 loài chim đặc hữu, trong đó có 10 loài đặc hữu của Việt Nam.

Loài vooc chà vá chân xám phát hiện tại huyện Kon Plong

     Trong vòng 17 năm trở lại đây (1997 - 2014), dựa trên kết quả điều tra cơ bản các vùng lãnh thổ khác nhau ở Việt Nam, một số loài mới được phát hiện và mô tả, trong đó có nhiều chi, loài mới có giá trị khoa học. Con số thống kê cho thấy, số loài mới được tìm thấy ở Việt Nam chiếm hơn nửa trong số các loài mới thuộc Tiểu vùng sông Mê Công (bao gồm Campuchia, Lào, Myanma, Thái Lan và Việt Nam) (WWF, 2015). Trong tổng số 139 loài động, thực vật được tìm thấy có 90 loài thực vật, 23 loài bò sát, 16 loài lưỡng cư, 9 loài cá và 1 loài động vật có vú. Các nhà khoa học của Việt Nam đã công bố 1.023 loài mới cho khoa học cả về thực vật, động vật (Viện HLKH&CN Việt Nam và ĐHQG Hà Nội). Từ năm 2014 đến 2018, có 344 loài mới cho khoa học gồm 208 loài động vật, 136 loài thực vật, đã được mô tả và công bố trên các tạp chí khoa học quốc tế có uy tín và Tạp chí Sinh học của Viện Hàn Lâm KH&CN Việt Nam (Báo cáo quốc gia lần thứ 6 đối với Công ước ĐDSH, 2019).

Bảo tồn và phục hồi giá trị ĐDSH quý giá

    Trong thập kỷ vừa qua, Việt Nam đã xây dựng và tích cực thực hiện Chiến lược quốc gia về ĐDSH nhằm bảo tồn và phục hồi giá trị ĐDSH. Thời gian qua, hệ thống pháp luật về bảo tồn ĐDSH và bảo vệ các loài hoang dã tiếp tục có sự thay đổi, điều chỉnh. Cùng với sự hoàn thiện các quy định pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng (Luật Bảo vệ và phát triển rừng 2004, Luật Lâm nghiệp 2017), pháp luật về thủy sản (Luật Thủy sản 2004 và sửa đổi 2017), pháp luật về đầu tư-kinh doanh (Luật Đầu tư 2014), thì Luật ĐDSH năm 2008 có hiệu lực từ ngày 1/7/2009 là văn bản pháp lý điều chỉnh toàn diện nhất về bảo tồn và phát triển bền vững các loài sinh vật, các loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ, loài hoang dã, cơ sở bảo tồn ĐDSH. Theo đó, các chính sách, nghị định, thông tư hướng dẫn thực thi Luật ĐDSH cũng được ban hành đã tạo nên một khung pháp lý khá hoàn chỉnh trong quản lý các loài hoang dã.

     Đặc biệt, Bộ luật Hình sự sửa đổi năm 2017 đã tăng mức hình phạt tối đa lên đến 1 tỷ đồng và 15 năm tù đối với tội danh liên quan đến loài hoang dã. Điều này cho thấy, sự quyết liệt trong xử lý các vi phạm và bảo vệ loài hoang dã của Chính phủ. Mặt khác, các chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ như Chỉ thị số 03/CT-TTg về việc tăng cường chỉ đạo và thực hiện các biện pháp kiểm soát, bảo tồn các loài ĐVHD nguy cấp, quý, hiếm; Chỉ thị số 28/CT-TTg ngày 17/9/2016 về một sốgiải pháp cấp bách phòng ngừa, đấu tranh với hành vi xâm hại các loài ĐVHD trái pháp luật và mới đây là Chỉ thị số 29/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 23/7/2020 về một số giải pháp cấp bách quản lý ĐVHD được ban hành trong bối cảnh đại dịch Covid đang lan rộng.

    Bên cạnh đó, các hoạt động bảo tồn loài cũng được triển khai mạnh mẽ và đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Hoạt động điều tra, kiểm kê, quan trắc, đánh giá loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ được thực hiện nhằm xây dựng cơ sở dữ liệu về loài hoang dã. Trong giai đoạn 2010-2020, các đề án điều tra cơ bản về tài nguyên rừng, tài nguyên biển (bao gồm hệ sinh thái rạn san hô, hệ sinh thái ven biển) đã được thực hiện. Các tập Động vật chí, Thực vật chí Việt Nam được liên tục cập nhật với 31 tập động vật và 21 tập thực vật đã được xuất bản và công bố từ năm 2000 đến nay. Danh sách loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ được thực hiện cập nhật và ban hành tại Nghị định số 64/2019/NĐ-CP.  Sách đỏ Việt Nam đã được cập nhật (Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, 2015). Nhiều chương trình quan trắc các loài hoang dã cũng đã được triển khai, điển hình như:  Dự án điều tra tình trạng loài hổ (Panthera tigris corbetti), gấu (Ursus malayanus) ở VQG Pù Mát- Nghệ An; Chương trình giám sát thú linh trưởng VQG Phong Nha -Quảng Bình; Dự án giám sát quần thể voọc đầu trắng (Trachypithecus franscoisi poliochephalus) ở Vườn quốc gia Cát Bà - Hải Phòng; Dự án giám sát quần thể voọc mũi hếch (Rhinopithecus avunculus) tại KBT Nà Hang, Chạm Chu -Tuyên Quang, Khau Ca-Hà Giang; một số chương trình quan trắc loài cò thìa, sếu đầu đỏ do Birdlife International thực hiện; dự án quan trắc loài công ở tỉnh Đắc Lắc; dự án quan trắc tê tê và các loài thú ở một số vườn quốc gia, khu bảo tồn; dự án quan trắc rùa  Hoàn Kiếm; chương trình gắn thẻ, giám sát rùa biển trong mùa sinh sản và chương trình di dời, ấp trứng rùa tại VQG Côn Đảo; chương trình điều tra giám sát các loài chim ăn thịt di cư ban ngày tại các nước và vùng lãnh thổ Châu Á...

     Nhiều hoạt động bảo tồn loài tại chỗ được xây dựng và được Chính phủ phê duyệt như Đề án tổng thể bảo tồn voi ở Việt Nam giai đoạn 2013-2020; Chương trình quốc gia bảo vệ hổ giai đoạn 2014-2022; Kế hoạch hành động khẩn cấp bảo tồn các loài linh trưởng của Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030; Chương trình bảo tồn các loài rùa nguy cấp của Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Trên cơ sở đó, nhiều địa phương đã chủ động xây dựng và phê duyệt các chương trình/kế hoạch bảo tồn loài trên địa bàn tỉnh dưới sự hỗ trợ từ các nguồn tài trợ hoặc các đề tài/dự án như tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, Kon Tum, Quảng Nam, Thanh Hóa… Nhờ có các hoạt động bảo tồn tại chỗ mà số lượng cá thể một số loài linh trưởng tăng lên. Theo FFI (2016), Nguyễn Đình Hải, Nguyễn Xuân Đặng và nnk (2016), đã phát hiện hơn 500 cá thể voọc chà vá chân xám (Pygathrix nemaeus cinerea) tại Konplon, Kon Tum và hơn 200 cá thể voọc xám đông dương (Trachypithecus barbei) tại KBT Xuân Liên, Thanh Hóa. Khi mới thành lập, Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long, tỉnh Ninh Bình năm 2001, các nhà khoa học thống kê chỉ có 43 cá thể voọc mông trắng (Trachypithecus delacouri). Nhờ được bảo vệ tốt, quần thể voọc mông trắng ngày càng tăng về số lượng, năm 2010 thống kê có 110 cá thể và tới năm 2016 đã tăng lên khoảng 150 cá thể. Hiện nay có 7 đàn voọc mông trắng với khoảng 40 cá thể mới phát hiện ở vùng núi đá vôi của tỉnh Hà Nam. Điều đó cho thấy, sự gia tăng các đàn linh trưởng là dấu hiệu tích cực bởi đã có sự mở rộng diện tích của các nơi cư trú phù hợp của mỗi nhóm loài linh trưởng này.

     Ngoài nỗ lực bảo tồn tại chỗ, các hoạt động bảo tồn chuyển chỗ cũng được triển khai và đạt được một số thành tựu nhất định. Hiện nay đã có 7 cơ sở bảo tồn ĐDSH được cấp phép hoạt động. Bên cạnh đó, nhờ có chính sách khuyến khích gây nuôi sinh sản các loài nguy cấp nên một số loài vẫn tồn tại và phát triển, điển hình là loài hươu sao (Cervus nippon) đã tuyệt chủng ngoài tự nhiên tại Việt Nam từ lâu nay đã được nghiên cứu gây nuôi. Có thể điểm một số kết quả nghiên cứu thành công trong việc gây nuôi sinh sản loài ĐVHD, quý hiếm tại các địa phương như: Loài cá sấu nước ngọt (Crocodylus siamensis) đang có nguy cơ tuyệt chủng rất cao ngoài tự nhiên, đang được phục hồi nhờ chương trình tái thả lại tự nhiên tại Vườn quốc gia Cát Tiên; Trăn đất (Python molurus) và trăn gấm (Python recticulatus) được gây nuôi sinh sản phổ biến ở các tỉnh phía Nam, các sản phẩm xuất khẩu là da, thịt, trăn con sống; Rắn hổ mang (Naja naja) đã được nhiều địa phương nuôi sinh trưởng, sinh sản thành công như ở Vĩnh Tường - Vĩnh Phúc.

     Việc sinh sản nhân tạo và nuôi thương phẩm thành công các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp, có giá trị kinh tế cao đã tạo cơ hội cho phát triển kinh tế, xã hội tại các địa phương, góp phần bảo tồn nguồn gen, làm giảm sức ép lên việc khai thác ĐVHD trong tự nhiên.

Con người là yếu tố quyết định của giải pháp bảo tồn ĐDSH

     Với những thành tựu đạt được, có thể khẳng định công tác bảo tồn loài hoang dã cũng như bảo tồn ĐDSH thực sự đã có các chuyển biến tích cực, từng bước đưa công tác này trở thành nhiệm vụ của toàn xã hội với sự tham gia của toàn cộng đồng. Điều này rất có ý nghĩa vì chủ đề ngày Quốc tế ĐDSH 2021 chính là “Chúng ta là một phần của giải pháp”, như một lời khẳng định con người cũng là một yếu tố của giải pháp bảo tồn ĐDSH, thậm chí là yếu tố chìa khóa, quyết định sự thành công của công cuộc này.

    Tuy nhiên, bên cạnh các thành tựu, Việt Nam vẫn tồn tại nhiều thách thức. Theo báo cáo đánh giá kết quả chiến lược quốc gia về ĐDSH đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, một số vấn đề như du nhập các loài ngoại lai xâm hại, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu toàn cầu, tình trạng tội phạm về ĐVHD ngày càng phức tạp cũng như sự chia cắt, thu hẹp sinh cảnh và khai thác quá mức, trái phép tài nguyên rừng, biển tại nhiều khu vực chính là những nguyên nhân khiến ĐDSH bị đe dọa. Bên cạnh đó, hệ thống quản lý và các chính sách, pháp luật cũng còn có sự chồng chéo, bất cập cần cải thiện.

    Để có thể bảo tồn hiệu quả các loài hoang dã, Việt Nam đã và đang tiếp tục kiên định với các mục tiêu bảo tồn tại chỗ, kết hợp với các giải pháp bảo tồn chuyển chỗ các loài nguy cấp; tăng cường thực thi pháp luật nhằm nâng cao hiệu quả các chính sách bảo tồn; nâng cao nhận thức về bảo tồn loài hoang dã và thay đổi thói quen để tiêu dùng bền vững, trách tổn hại tới các loài và sinh cảnh của chúng; tiếp tục sửa đổi các quy định về bảo tồn loài để tạo hành lang pháp lý toàn diện, thống nhất; huy động sự tham gia của các tổ chức, cá nhân vào công tác bảo tồn loài nói riêng và ĐDSH nói chung.

Nguyễn Hằng

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 5/2021)

Ý kiến của bạn