Banner trang chủ

Ngày Quốc tế Đa dạng sinh học năm 2021: Chúng ta là một phần của giải pháp - Vì thiên nhiên

10/05/2021

    “Chúng ta là một phần của giải pháp # Vì thiên nhiên” là chủ đề của Ngày Quốc tế Đa dạng sinh học năm 2021 với thông điệp kêu gọi con người sống hài hòa với thiên nhiên, áp dụng các giải pháp dựa vào thiên nhiên đối với các vấn đề toàn cầu như khí hậu, an ninh lương thực và nguồn nước, sinh kế bền vững cho người dân.  

    Đa dạng sinh học (ĐDSH) và hệ sinh thái (HST) cung cấp các dịch vụ thiết yếu cho xã hội, đặc biệt là các dịch vụ điều tiết và hỗ trợ, giúp con người thích ứng với các tác động bất lợi của biến đổi khí hậu và rủi ro thiên tai. Cụ thể như các rạn san hô và thảm thực vật ven biển hỗ trợ chắn song, bảo vệ bờ biển. Các vùng đất ngập nước điều tiết dòng chảy lũ, rừng và cây rừng ổn định trầm tích, bảo vệ khỏi sạt lở đất. Các HST cũng kéo dài tuổi thọ của cơ sở hạ tầng, do đó tiết kiệm chi phí đầu tư của Chính phủ.

    Mặc dù vậy, ĐDSH trên toàn cầu đang bị suy thoái với tốc độ chưa từng có trong lịch sử loài người (IBPES, 2019). Tình trạng này đe dọa đến tiến trình phát triển bền vững của nhân loại. Chính vì thế, Liên hợp quốc kêu gọi áp dụng các giải pháp dựa vào thiên nhiên nhằm thúc đẩy bảo tồn ĐDSH, sống hài hòa với thiên nhiên nhằm đóng góp chung vào nỗ lực toàn cầu trong bảo tồn thiên nhiên, ĐDSH và phát triển bền vững.

    Tiếp theo chủ đề Ngày Quốc tế ĐDSH năm 2020 kêu gọi con người sống hài hòa với thiên nhiên, chủ đề Ngày Quốc tế ĐDSH năm 2021 là “Chúng ta là một phần của giải pháp # Vì thiên nhiên” nhấn mạnh để sống hài hòa với thiên nhiên, để bảo tồn ĐDSH và bảo vệ thiên nhiên có rất nhiều giải pháp và con người là một mảnh ghép quan trọng trong các giải pháp này. Các giải pháp của con người dựa vào thiên nhiên và bảo tồn ĐDSH là chìa khóa để giảm nhẹ biến đổi khí hậu, tăng khả năng phục hồi và thích ứng ở một số khu vực quan trọng, bao gồm bảo tồn và phục hồi rừng và các HST trên cạn; bảo tồn và phục hồi tài nguyên nước ngọt, cũng như HST biển và đại dương, hệ thống nông nghiệp và thực phẩm bền vững. Công ước ĐDSH cũng nhấn mạnh, con người là một phần của thiên nhiên chứ không tách rời khỏi thiên nhiên.

  Các giải pháp dựa trên thiên nhiên là một thuật ngữ được sử dụng để mô tả các phương pháp tiếp cận hiện đại đối với các vấn đề môi trường, như lũ lụt, khan hiếm nước hoặc xói mòn đất, bằng cách khai thác vốn tự nhiên. Trong khi phương pháp truyền thống trong phát triển cơ sở hạ tầng xây dựng là “xám” thì các giải pháp dựa vào tự nhiên bao gồm cơ sở hạ tầng hoàn toàn tự nhiên là “xanh” hoặc kết hợp, chính là các cơ sở hạ tầng dựa vào thiên nhiên.

    Các giải pháp dựa trên thiên nhiên giải phóng việc xây dựng các công trình biển, hồ chứa, đập và hệ thống thoát nước mà cách tiếp cận cơ sở hạ tầng “xám” sẽ gặp phải một số rủi ro về biến đổi khí hậu. Thay vào đó, các giải pháp dựa trên thiên nhiên có thể bao gồm khôi phục và bảo tồn các rạn san hô và vành đai rừng ngập mặn để tăng cường khả năng chống chịu lũ lụt ven biển và nước biển dâng, đóng vai trò là tuyến phòng thủ đầu tiên giúp tiêu tán năng lượng sóng; thảm thực vật để giảm nguy cơ sạt lở và tạo ra các vành đai xanh để giúp bổ sung nước ngầm ở những khu vực phải đối mặt với tình trạng khan hiếm nước. Một số hành động khuyến cáo cho việc áp dụng các giải pháp dựa vào thiên nhiên chính là tiếp cận HST để giải quyết đồng thời mất ĐDSH, biến đổi khí hậu và suy thoái đất; cân nhắc vấn đề ĐDSH trong phát triển các ngành kinh tế.

     Để hưởng ứng Ngày quốc tế ĐDSH năm 2021, Bộ TN&MT đã đề nghị các Bộ, ngành chỉ đạo các cơ quan, tổ chức trực thuộc triển khai các hoạt động: Xây dựng tin, bài, phóng sự truyền thông để phổ biến tới cán bộ và người dân về vẻ đẹp, vai trò, tầm quan trọng của ĐDSH, các di sản thiên nhiên; các giải pháp sử dụng hợp lý, hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên và bảo tồn ĐDSH; Nghiên cứu và áp dụng các giải pháp dựa vào thiên nhiên, tiếp cận HST trong quá trình xây dựng các quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh; Thúc đẩy việc thực hiện các mô hình bảo tồn và sử dụng bền vững, áp dụng tiếp cận HST trong quản lý tổng hợp đới bờ, lưu vực sông, quản lý rừng bền vững, chú trọng vai trò và quyền lợi của cộng đồng; Tăng cường các hoạt động kiểm soát buôn bán động vật hoang dã, khai thác các loài hoang dã di cư theo Chỉ thị số 29/CT-TTg ngày 23/7/2020 của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp cấp bách quản lý động vật hoang dã và các văn bản chỉ đạo, điều hành liên quan; Giới thiệu các hoạt động nổi bật, phổ biến các mô hình, giải pháp bảo tồn ĐDSH hiệu quả, đăng tải trên cổng thông tin điện tử và các phương tiện thông tin đại chúng.

Giáng Hương

Ý kiến của bạn