Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 15/11/2024

Khoa học và công nghệ - Chìa khóa cho giảm nhẹ rủi ro thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững

30/05/2024

    Ngày 30/5/2024, tại Hà Nội, Viện Khoa học khí tượng thủy văn và BĐKH phối hợp cùng Tổng cục Khí tượng Thủy văn, Văn phòng các Chương trình trọng điểm cấp Nhà nước tổ chức Hội thảo quốc tế “Khoa học và công nghệ - Chìa khóa cho giảm nhẹ rủi ro thiên tai, ứng phó với BĐKH, BVMT và phát triển bền vững”, với sự tham gia của các nhà khoa học uy tín trong nước, khách mời quốc tế đang hoạt động trong lĩnh vực khí tượng - khí hậu, thủy văn, môi trường và BĐKH. Hội thảo gồm 3 phiên họp với các nội dung Khí tượng - Khí hậu và khí tượng nông nghiệp; Thủy văn và hải văn; BĐKH và môi trường với mục đích nhằm chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm, kết quả nghiên cứu; đề xuất nghiên cứu về quản lý nước bền vững và rủi ro thiên tai, trong đó tập trung vào việc phát triển, áp dụng các công cụ tiên tiến để dự báo, đánh giá, quản lý rủi ro thiên tai và liên kết giữa quản lý nước bền vững, quản lý rủi ro thiên tai, nhằm ứng phó với thiên tai một cách hiệu quả, bền vững; đồng thời, gắn kết các nội dung nghiên cứu của Chương trình Thủy văn quốc tế (IHP) và việc triển khai áp dụng Luật Tài nguyên nước tại Việt Nam.

    Dự báo, đánh giá và quản lý rủi ro thiên tai nhằm ứng phó hiệu quả với BĐKH

    Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS. Phạm Thị Thanh Ngà, Viện trưởng Viện Khoa học khí tượng thủy văn và BĐKH cho biết, Chương trình HIP thuộc Tiểu ban Khoa học công nghệ của UNESCO, được thành lập vào năm 1975, đến nay đang ở giai đoạn 9 (IHP 9), thực hiện từ năm 2022 - 2029 với chủ đề “Khoa học cho một thế giới bảo đảm an ninh nước trong bối cảnh môi trường đang thay đổi”, có tầm nhìn hướng đến thế giới an toàn về nước, quản lý tổng hợp, hiệu quả nguồn nước trong bối cảnh BĐKH, nhằm đạt được các mục tiêu phát triển bền vững. Để đạt được những mục tiêu này, điều quan trọng là phải đổi mới, phát triển khoa học và công nghệ, tạo ra tri thức khoa học tổng hợp.

PGS.TS. Phạm Thị Thanh Ngà, Viện trưởng Viện Khoa học khí tượng thủy văn và BĐKH phát biểu khai mạc Hội thảo

    PGS.TS. Phạm Thanh Ngà chia sẻ, với bề dày gần 50 năm hình thành và phát triển, là đơn vị đi đầu trong nghiên cứu khoa học về khí tượng thủy văn, môi trường, BĐKH ở Việt Nam, Viện Khoa học khí tượng thủy văn và BĐKH được Bộ TN&MT tin tưởng giao trọng trách là đơn vị đầu mối chuyên môn của IHP tại Việt Nam từ năm 2004. Việc tổ chức Hội thảo quốc tế “Khoa học và công nghệ - Chìa khóa cho giảm nhẹ rủi ro thiên tai, ứng phó với BĐKH, BVMT và phát triển bền vững” sẽ là dịp để các nhà khoa học chia sẻ những kết quả mới nhất, tầm nhìn nổi trội và kinh nghiệm sâu sắc trong nghiên cứu, đồng thời, đây cũng là cơ hội để đội ngũ cán bộ nghiên cứu trẻ trong Viện Khoa học khí tượng thủy văn và BĐKH có điều kiện nâng cao năng lực, tự tin trong việc trình bày, trao đổi các kết quả nghiên cứu khoa học.  

Quang cảnh Phiên họp Khí tượng - Khí hậu và khí tượng nông nghiệp

    Tại Phiên họp Khí tượng - Khí hậu và khí tượng nông nghiệp do PGS.TS. Nguyễn Văn Thắng, Tổng Biên tập Tạp chí Khoa học BĐKH chủ trì, các đại biểu đã được nghe Báo cáo tham luận về: Tác động của EL Nino đến hạn hán đồng bằng sông Cửu Long trong bối cảnh nóng lên toàn cầu; đặc điểm phân bố lượng mưa do bão khu vực Việt Nam sử dụng dữ liệu GSMAP; nghiên cứu xây dựng mô hình R-CLIPER sử dụng dữ liệu mưa vệ tinh GSMAP và TRMN dự báo lượng mưa do bão khu vực Việt Nam; kết quả dự báo tổ hợp đa sơ đồ vật lý trong dự báo cường độ cực đại tiềm năng của XTNĐ bằng mô hình HWRF; nghiên cứu công nghệ đồng hóa số liệu cho mô hình HWRF dự báo sự thay đổi đột ngột của cường độ và quỹ đạo bão trên biển Đông.

    Trong phần trao đổi, các nhà khoa học, nhà lãnh đạo, quản lý trong lĩnh vực khí tượng thủy văn, môi trường, nông nghiệp, tài nguyên nước, BĐKH đã tập trung bàn thảo về các nội dung xoay quay việc nghiên cứu toàn diện các quy luật tự nhiên, giải pháp tối ưu để hóa giải những thách thức toàn cầu, khu vực và quốc gia đang phải đối mặt trong lĩnh vực Khí tượng - Khí hậu và khí tượng nông nghiệp, cụ thể: Tác động của ENSO đến thời tiết, khí hậu Việt Nam; việc xây dựng và ứng dụng mô hình R-CLIPER sử dụng dữ liệu mưa vệ tinh GSMAP và TRMN dự báo lượng mưa do bão khu vực Việt Nam; đánh giá toàn diện những thách thức mới nổi do BĐKH ở quy mô toàn cầu, khu vực và quốc gia; đề xuất các giải pháp thúc đẩy ứng dụng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo để chuyển đổi xanh, tăng trưởng xanh góp phần phòng chống thiên tai, ứng phó hiệu quả với BĐKH, bảo đảm mục tiêu phát triển nông nghiệp bền vững, an toàn.

    Theo các đại biểu tham dự, hiện nay, nhân loại đang đứng trước những cơ hội do sự phát triển mạnh mẽ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, chuyển đổi số nhưng cũng phải đối mặt với những thách thức to lớn xảy ra trên phạm vi toàn cầu ở mức độ nghiêm trọng như bùng nổ dân số, sự suy thoái và cạn kiệt các nguồn tài nguyên thiên nhiên, suy giảm đa dạng sinh học, ô nhiễm môi trường, tác động khốc liệt của thiên tai và BĐKH, dịch bệnh cũng như các tác động bất hợp lý của con người lên môi trường tự nhiên ngày càng trầm trọng. Đứng trước những cơ hội và thách thức to lớn đó, nhân loại đã nhận ra rằng, muốn tiếp tục duy trì bền vững một cuộc sống tốt đẹp trên Trái đất, hơn bao giờ hết, chúng ta cần phải chung tay đồng thuận thực hiện các mục tiêu ứng phó với BĐKH, BVMT, phòng chống thiên tai, bảo đảm phát triển bền vững, an toàn. Trước bối cảnh và yêu cầu của thực tiễn, đòi hỏi phải tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo để giải quyết các vấn đề của thời đại, trong đó BVMT, phòng chống thiên tai và ứng phó với BĐKH đã và đang được các quốc gia đặt ưu tiên hàng đầu với cách tiếp cận nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn là xu thế tất yếu, khách quan, không thể đảo ngược để đạt được mục tiêu phát triển bền vững, thịnh vượng, an toàn, không chỉ cho hiện tại mà cả tương lai của nhân loại.

    Chia sẻ kinh nghiệm về quản lý nước bền vững và rủi ro thiên tai

    Phát biểu khai mạc Phiên họp về Thủy văn và hải văn, TS. Nguyễn Quốc Khánh, Phó Viện trưởng Viện Khoa học khí tượng thủy văn và BĐKH cho biết, IHP là chương trình liên Chính phủ của Liên hợp quốc thúc đẩy hợp tác nghiên cứu quốc tế về thủy văn, quản lý tài nguyên nước, giáo dục và nâng cao năng lực về đánh giá, quản lý tài nguyên nước và phát triển bền vững. UNESCO đã ban hành Chương trình IHP giai đoạn 9 (2022 - 2029) với tầm nhìn hướng đến thế giới an toàn về nước, quản lý tổng hợp hiệu quả nguồn nước trong bối cảnh BĐKH nhằm đạt được các mục tiêu phát triển bền vững. Một trong những chương trình ưu tiên của IHP Việt Nam giai đoạn 2022 - 2029 là phát triển và áp dụng các công cụ, cách tiếp cận có cơ sở khoa học để quản lý nước bền vững, quản lý rủi ro thiên tai và giải quyết các thách thức về an ninh nước. Đồng thời, Luật Tài nguyên nước Việt Nam, vừa được Quốc hội thông qua ngày 27/11/2023 cũng đã quy định việc phòng, chống và khắc phục tác hại của lũ, lụt, nước biển dâng, mưa đá, mưa axít và các tác hại khác của nước do thiên tai gây ra.

    Phiên họp Thủy văn và hải văn nằm trong khuôn khổ Hội thảo quốc tế được tổ chức nhằm chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm, kết quả nghiên cứu và đề xuất nghiên cứu về quản lý nước bền vững và rủi ro thiên tai, trong đó tập trung vào việc phát triển, áp dụng các công cụ tiên tiến để dự báo, đánh giá, quản lý rủi ro thiên tai và liên kết giữa quản lý nước bền vững với quản lý rủi ro thiên tai, nhằm ứng phó với thiên tai một cách hiệu quả. Đồng thời gắn kết các nội dung nghiên cứu của Chương trình IHP và việc triển khai áp dụng Luật Tài nguyên nước.

    Chia sẻ về nội dung quản lý tài nguyên nước dựa vào cộng đồng ở một số nước châu Phi và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam, đại biểu Hồ Diệu Huyền - Viện Nghiên cứu Nam Á, Tây Á và châu Phi, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam nhấn mạnh, quản lý thiên nhiên dựa vào cộng đồng (CBNRM) là cách tiếp cận lấy người dân làm trung tâm để tích hợp bảo tồn và phát triển cơ sở tài nguyên thiên nhiên, góp phần giải quyết vấn nạn đói nghèo và bệnh tật. Hình thức quản lý này đã và đang được triển khai tại nhiều quốc gia, khu vực trên thế giới, trong đó có một số nước tại châu Phi (Botswana và Namibia) và Việt Nam. Hiệu quả hoạt động của CBNRM tại Botswana và Namibia trong thời gian qua cho thấy, cần có những văn bản hướng dẫn cụ thể, thống nhất, đồng bộ việc thực hành quản lý tài nguyên nước dựa vào cộng đồng; trước khi đưa vào vận hành mô hình quản lý tài nguyên nước dựa vào cộng đồng cần cung cấp đầy đủ kiến thức, kỹ năng vận hành mô hình cho người dân; vận dụng thành tựu của khoa học công nghệ, chuyển đổi số trong việc hỗ trợ cộng đồng thực hiện hoạt động quản lý tài nguyên nước, kết hợp với huy động nguồn lực xã hội hóa từ doanh nghiệp, các tổ chức phi Chính phủ… Đây là những kinh nghiệm rất hữu ích cho Việt Nam trong việc áp dụng mô hình này.

Quang cảnh Phiên họp về Thủy văn và hải văn

    Về cảnh báo sớm mức độ hạn hán vùng đồng bằng sông Cửu Long bằng mô hình mạng long short term memory (Bộ nhớ gần xa - LSTM) kết hợp chỉ số thiếu hụt dòng chảy, ThS. Trần Đức Thiện, Viện Khoa học Tài nguyên nước cho biết, mô hình LSTM được sử dụng để cảnh báo lượng nước mùa cạn vào vùng đồng bằng sông Cửu Long mà không cần các số liệu địa hình và dự báo mưa. Kết quả nghiên cứu cho thấy chỉ số thiếu hụt dòng chảy đã nắm bắt tốt các đợt hạn điển hình đã xảy ra tại vùng đồng bằng sông Cửu Long trên cơ sở dữ liệu dòng chảy tại các trạm thủy văn, có thể sử dụng mô hình này để cảnh báo sớm lượng nước mùa cạn vào vùng đồng bằng sông Cửu Long.

    BĐKH và môi trường – Quyết định sự phát triển bền vững của đất nước

    Thích ứng với BĐKH và BVMT là những vấn đề có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, có tầm ảnh hưởng lớn, quan hệ, tác động qua lại, cùng quyết định sự phát triển bền vững của đất nước; là cơ sở, tiền đề cho hoạch định đường lối, chính sách phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và an sinh xã hội. Chính vì thế, tại phiên họp với nội dung BĐKH và môi trường, các đại biểu đã được nghe 5 bài trình bày về: Đánh giá rủi ro thiên tai phục vụ quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội; Nghiên cứu ảnh hưởng của tương tác khí quyển - thủy văn đến mô phỏng mưa lớn; Nghiên cứu xu thế tác động qua lại giữa BĐKH và  quy hoạch tỉnh Điện Biên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Thị trường Các Bon: Cơ hội và thách thức cho Việt Nam; Đánh giá cực trị lượng mưa thời đoạn tại đô thị Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh phân tích đặc điểm mưa cực đoan tại các đô thị của Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh trong bối cảnh BĐKH.

Quang cảnh Phiên họp về BĐKH và môi trường

    Đề cập đến nội dung “Đánh giá rủi ro thiên tai phục vụ quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội”, PGS.TS. Bùi Công Quang - Nguyên giảng viên Trường Đại học Thủy lợi nhấn mạnh, Việt Nam, với đặc thù về địa lý, địa hình, cơ cấu nền kinh tế, phân bố dân cư, là một trong những quốc gia thường xuyên chịu tác động của thiên tai. Loại thiên tai thường xuyên nhất và gây thiệt hại về kinh tế ở hàng cao nhất là bão và lũ. Ước tính trung bình, Việt Nam có thể bị ảnh hưởng trực tiếp bởi 6 - 7 cơn bão hàng năm. Theo số liệu của Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão trung ương (BCĐ PCLBTƯ), trong giai đoạn 1990 đến 2010, Việt Nam phải trải qua 74 trận lũ lụt. Bão và lũ luôn gây nên những hậu quả nghiêm trọng. Ví dụ như bão Linda năm 1997 đổ bộ vào Nam Bộ gây thiệt hại rất lớn, làm gần 3.000 người chết và mất tích, phá hủy hơn 100.000 ngôi nhà, hơn 300.000 ha lúa bị hư hại; bão Xangsane năm 2006 đổ bộ vào các tỉnh miền Trung đã làm 76 người chết và mất tích, 532 người bị thương, trong đó có 37 người chết và mất tích do bão; số còn lại bị chết do mưa, lũ sau bão. Các tỉnh miền Trung bị thiệt hại nặng nề về vật chất, tổng thiệt hại ước tính lên tới 10.000 tỷ đồng, tương đương gần 677 triệu USD, các tỉnh chịu thiệt hại nặng nhất là Đà Nẵng, Thừa Thiên - Huế và Quảng Nam. Hạn hán là một thiên tai đứng hàng thứ 3 về mức độ gây thiệt hại, chỉ sau bão và lũ. Mặc dù ít khi gây tai nạn và thương tích, song hạn hán thường có tác động lớn đối với tình trạng sức khỏe con người do thiếu nước sạch, điều kiện vệ sinh kém và suy dinh dưỡng và ảnh hưởng lớn đến đời sống và sản xuất nông nghiệp ở địa phương. Rủi ro hạn hán ngày càng trở nên nghiêm trọng ở Việt Nam. Trong tương lai, BĐKH sẽ làm gia tăng tần suất xuất hiện và cường độ các loại hình thiên tai tại Việt Nam. Do đó, phòng chống thiên tai gắn liền với cuộc sống của người Việt Nam vừa để tồn tại và vừa để mưu sinh. Phát triển kinh tế - xã hội là nhu cầu tất yếu của đất nước. Tuy nhiên, trong bối cảnh thiên tai ngày càng gia tăng cả về cường độ và tần suất, cần phải lồng ghép phòng chống thiên tai vào trong quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, trong đó việc đánh giá rủi ro thiên tai ở khu vực quy hoạch là cần thiết nhằm chủ động giảm nhẹ rủi ro thiên tai.

    Liên quan đến nội dung “Thị trường các-bon: Cơ hội và thách thức cho Việt Nam”, theo PGS. TS. Nguyễn Thế Chinh, hình thành và phát triển thị trường các-bon đã được quy định tại khoản 9 điều 139, Luật BVMT năm 2020, có hiệu lực thực thi từ tháng 1/2021, đến nay quá trình triển khai thực hiện đang theo lộ trình quy định của luật, các Bộ ngành liên quan, nhất là Bộ Tài chính và Bộ TN&MT là hai cơ quan đầu mối chính đã được Chính phủ giao thực hiện. Tuy nhiên trong thực tiễn quá trình mua bán tín chỉ các-bon đã diễn ra sôi động trên thế giới và đã xâm nhập vào Việt Nam, nhất là mới đây việc tổ chức Ngân hàng thế giới (WB) đã mua tín chỉ rừng của một số tỉnh Bắc Trung bộ là “cú hích” làm thay đổi cách nhìn nhận và thức tỉnh các địa phương trong việc chuẩn bị những điều kiện cần thiết để tham gia thị trường các-bon tới đây. Vì thế, để hoàn thiện Đề án phát triển thị trường các-bon ở Việt Nam đòi hỏi phải có sự tham gia của nhiều bên liên quan, vai trò chính là Bộ Tài chính và Bộ TN&MT. Quá trình hình thành và phát triển thị trường các-bon ở Việt Nam cần nắm bắt được những cơ hội, nhưng đồng thời cũng phải nhìn nhận được những thách thức để vượt qua…

    Tại các phiên họp, các đại biểu còn được thông tin thêm một số nội dung về phân tách tác động của BĐKH và các hoạt động của con người đến dòng chảy năm, dòng chảy mùa cạn ở vùng thượng lưu vực sông Đà; phương pháp, công cụ và kết quả đánh giá khả năng chống chịu của hệ thống công trình phòng chống lũ trên lưu vực sông Hồng; Sử dụng các đồng vị ổn định để nghiên cứu sự tương tác giữa nước mặt và nước ngầm: Nghiên cứu trường hợp ở vùng sông Thạch Hãn…

Bùi Hằng, Mai Hương, Vũ Nhung

Ý kiến của bạn