Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 25/04/2024

Hội nghị Môi trường toàn quốc lần thứ V: Hài hòa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường hướng tới nền kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững

04/08/2022

    Tiếp nối thành công của Hội nghị Môi trường toàn quốc lần thứ IV, được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, ngày 4/8/2022, Bộ TN&MT phối hợp với các Bộ/ngành, địa phương có liên quan tổ chức Hội nghị Môi trường toàn quốc lần thứ V và các sự kiện liên quan sau 2 năm hoãn tổ chức do đại dịch Covid-19. Hội nghị có sự tham gia của gần 600 đại biểu đại diện các cơ quan của Đảng, Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, các Bộ, ngành, tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương; Ủy ban nhân dân, Sở TN&MT 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; đại diện các trường, viện, trung tâm nghiên cứu và chuyên gia trong lĩnh vực môi trường; một số doanh nghiệp trong và ngoài nước, tổ chức quốc tế tại Việt Nam; các cơ quan thông tấn báo chí ở Trung ương và địa phương… Đặc biệt, Hội nghị vinh dự được Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành tới dự và phát biểu chỉ đạo.

Phó thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị

Đổi mới mô hình tăng trưởng từ “nâu” sang “xanh”

    Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, vấn đề môi trường luôn được đặt ở vị trí trung tâm trong các chương trình nghị sự; các chương trình, chiến lươc, quy hoạch, kế hoạch phát triển của đất nước với mục tiêu cao nhất là bảo vệ sức khỏe nhân dân, bảo đảm chất lượng môi trường sống, bảo vệ đa dạng sinh học và hệ sinh thái. Xây dựng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường đã được đưa vào chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng cũng khẳng định chủ trương “Xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường”, “xây dựng lộ trình, cơ chế, chính sách, pháp luật để hình thành, vận hành mô hình kinh tế tuần hoàn”. Cùng với đó, tuyên bố mạnh mẽ về đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị lần thứ 26 các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) đã thể hiện quyết tâm và cam kết chính trị của Việt Nam trong việc giải quyết những thách thức nghiêm trọng của toàn cầu về khí hậu, môi trường, suy giảm của các hệ sinh thái, hướng đến mục tiêu một hành tinh khỏe mạnh.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà phát biểu khai mạc Hội nghị

    Quán triệt tinh thần của Hội nghị Môi trường toàn quốc lần thứ IV (năm 2015), cùng sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Chính phủ, sự cố gắng của các cấp, ngành, sự nỗ lực của đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý môi trường từ Trung ương đến địa phương, sự giúp đỡ hiệu quả của bạn bè quốc tế, công tác BVMT ở nước ta đã có sự chuyển biến mạnh mẽ từ chủ trương, giải pháp đến nhận thức và tư duy hành động. Giai đoạn 2016 - 2022 đánh dấu một bước tiến lớn trong công tác hoàn thiện thể chế chính sách, pháp luật về BVMT. Trước những vấn đề môi trường mới nảy sinh đặc biệt là các sự cố môi trường đã xảy ra, Bộ TN&MT đã tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định số 40/2019/NĐ-CP ngày 13/5/2019 sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật BVMT; trong đó lần đầu tiên xác định các nhóm, loại hình sản xuất kinh doanh dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao để có biện pháp kiểm soát chặt chẽ; Chỉ thị số 25/CT-TTg ngày 31/8/2016 về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách về môi trường. Quốc hội đã thông qua Luật BVMT năm 2020 với nhiều quy định mới, đánh dấu giai đoạn chuyển đổi mạnh mẽ trong công tác BVMT, hướng tới mục tiêu cao nhất cải thiện chất lượng môi trường, bảo vệ sức khỏe người dân. Chất lượng môi trường sống tiếp tục được cải thiện. Các mô hình, công nghệ hiện đại được triển khai trong tái chế, xử lý chất thải. Hoạt động quan trắc, cảnh báo, dự báo về chất lượng môi trường được nâng cao, cung cấp thông tin về môi trường phục vụ tốt cho hoạt động phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Nhiều phong trào, mô hình điển hình về BVMT đã đi vào cuộc sống, trở thành hành động và nếp sống của mọi người, mọi nhà và cộng đồng xã hội như vấn đề rác thải nhựa, BVMT nơi sinh sống… ngày càng đóng góp thiết thực cho công tác BVMT.

    Bên cạnh những thành công đạt được, công tác BVMT vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Môi trường ở một số nơi vẫn tiếp tục bị ô nhiễm, đặc biệt tại các lưu vực sông, làng nghề; một số sự cố môi trường vẫn xảy ra; việc khai thác tài nguyên không hợp lý, thiếu tính bền vững tiếp tục làm thất thoát tài nguyên và tác động xấu lên môi trường; tình trạng phá rừng, săn bắt, mua bán trái phép động, thực vật hoang dã, sinh vật ngoại lai xâm lấn đang diễn biến phức tạp… Để góp phần giải quyết những vấn đề trên, nhiều đại biểu tham dự Hội nghị đã có những đánh giá về kết quả đạt được và chưa được trong công tác BVMT, chỉ ra nguyên nhân, bài học kinh nghiệm, cũng như đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả công tác BVMT trong thời gian tới. Trong đó, nhiều tham luận được đánh giá cao, đó là: Phát huy sức mạnh toàn dân tham gia BVMT của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Những nỗ lực của Việt Nam trong việc giải quyết các vấn đề môi trường toàn cầu của đại diện UNDP tại Việt Nam; Bài học kinh nghiệm BVMT tại một số tỉnh/thành phố tiêu biểu như Sóc Trăng, Tuyên Quang, Tiền Giang…

    Nhận diện thách thức, cơ hội và định hướng công tác BVMT giai đoạn tới, Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân cho rằng, bên cạnh những nguy cơ, thách thức lớn về môi trường mang tính toàn cầu như biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh, sự suy giảm đa dạng sinh học; sự gia tăng dân số... công tác BVMT nước ta vẫn đứng trước nhiều nguy cơ, thách thức như: Tốc độ ô nhiễm, suy thoái môi trường, suy giảm tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học mặc dù đã được kiểm soát song vẫn diễn biến phức tạp; hạ tầng cho công tác BVMT mặc dù đã được đầu tư, song vẫn còn thiếu và yếu, chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn; khối lượng chất thải rắn, chất thải nguy hại phát sinh ngày càng lớn... Những nguy cơ, thách thức nói trên xuất phát từ nguyên nhân khách quan: công tác BVMT vẫn chịu áp lực lớn từ các hoạt động công nghiệp hóa, đô thị hóa, công nghệ sản xuất còn lạc hậu, nhiều vấn đề môi trường tích tụ từ lâu chưa được giải quyết triệt để, tác động của biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng...; nguyên nhân chủ quan là do nhận thức của một số cấp ủy đảng, chính quyền, người dân và doanh nghiệp về BVMT chưa thật đầy đủ, chưa chuyển thành ý thức và hành động; vẫn còn tình trạng vi phạm pháp luật về môi trường; nguồn nhân lực tại các cơ quan quản lý nhà nước về BVMT chưa tương xứng với chức năng, nhiệm vụ được giao....

Quang cảnh Hội nghị

    Theo Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân, tại Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 được Quốc hội khóa XV thông qua, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, cũng như Chiến lược BVMT quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành, vấn đề BVMT đã được Đảng, Quốc hội, Chính phủ hết sức quan tâm; trong đó đã đề nhiều ra mục tiêu cần phải đạt được từ nay cho đến năm 2025 như bảo đảm 90% chất thải rắn sinh hoạt đô thị, 80% chất thải rắn sinh hoạt nông thôn, 95% chất thải nguy hại được thu gom, xử lý theo quy định; tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường đạt 92%; diện tích các khu bảo tồn thiên nhiên đạt 2,7 triệu ha… 

    Để đạt được các mục tiêu nêu trên cần sự quan tâm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc lồng ghép các mục tiêu, yêu cầu BVMT trong xây dựng, điều chỉnh chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, các chương trình phát triển kinh tế - xã hội. Tăng cường năng lực quản lý nhà nước về BVMT, nhất là ở cấp huyện, cấp xã. Cân đối, bố trí vốn từ ngân sách Nhà nước và huy động các nguồn vốn khác như vốn vay, trái phiếu chính phủ... để xây dựng, triển khai Chương trình/dự án về môi trường nhằm giải quyết các vấn đề môi trường bức xúc hiện nay.

Cùng thống nhất nhận thức và hành động của cả xã hội đối với công tác BVMT

    Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành nhấn mạnh, Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đã xác định: “Lấy BVMT sống và sức khỏe nhân dân làm mục tiêu hàng đầu; kiên quyết loại bỏ những dự án gây ô nhiễm môi trường, bảo đảm chất lượng môi trường sống, bảo vệ đa dạng sinh học và hệ sinh thái; xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường”. Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Chiến lược BVMT quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với các nhiệm vụ và giải pháp quan trọng. Nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội từ nay đến năm 2025 là rất nặng nề do phải nỗ lực phấn đấu đưa nước ta sớm trở thành nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp.

    Kể từ Hội nghị Môi trường lần thứ IV đến nay, công tác BVMT của Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Hệ thống chính sách, pháp luật có bước phát triển đột phá với việc Quốc hội thông qua Luật BVMT năm 2020, làm cơ sở pháp lý đầy đủ hơn cho công tác BVMT. Nhiều dự án xử lý chất thải, khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường được đầu tư; tỷ lệ chất thải rắn được thu gom tăng qua các năm; công tác bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học được chú trọng; hợp tác quốc tế được đẩy mạnh, tăng thêm công nghệ, kỹ thuật tiên tiến, nguồn lực quan trọng để BVMT... Qua đó, từng bước tranh thủ được những thuận lợi, nắm bắt kịp thời thời cơ để vượt qua khó khăn, thách thức, thúc đẩy tái cấu trúc nền kinh tế gắn với phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn nhằm sử dụng hiệu quả và bảo tồn các nguồn tài nguyên, bền vững về môi trường, khí hậu, BVMT sống và sức khỏe nhân dân.  

Bộ trưởng Trần Hồng Hà giới thiệu với Phó Thủ tướng Lê Văn Thành những thành tựu ấn tượng

về các giải pháp, công nghệ BVMT của các đơn vị trực thuộc Bộ

    Để phát triển đất nước theo hướng bền vững mà 1 trong ba trụ cột là BVMT, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu, trong giai đoạn 2022 - 2025 và những năm tiếp theo, ngành môi trường cần tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ: Tiếp tục hoàn thiện hệ thống luật pháp, chính sách và cơ chế quản lý môi trường và biến đổi khí hậu, dự báo, cảnh báo thiên tai, ô nhiễm và sự cố môi trường; kiện toàn tổ chức bộ máy và phát triển nguồn nhân lực làm công tác quản lý về BVMT, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; tăng cường và đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư cho BVMT; chú trọng nâng cao hàm lượng khoa học, giá trị gia tăng, yếu tố môi trường trong cơ cấu giá trị của hàng hóa, dịch vụ… Cùng với đó, nhằm thực hiện hiệu quả các mục tiêu về Thập kỷ phục hồi hệ sinh thái tự nhiên và hướng tới COP15 các bên tham gia Công ước Đa dạng sinh học, theo Phó Thủ tướng, cần thúc đẩy mạnh mẽ phong trào toàn dân tham gia thực hiện có kết quả Chương trình trồng 1 tỷ cây xanh; bảo vệ rừng, phục hồi, trồng mới rừng ngập mặn; nâng cao tỷ lệ bảo tồn gắn với phát triển kinh tế sinh thái, sinh kế bền vững của người dân.

    Kết thúc Hội nghị, Bộ trưởng Trần Hồng Hà một lần nữa khẳng định, mặc dù còn nhiều khó khăn thách thức, nhưng với sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, ý chí và quyết tâm của cả cộng đồng cùng với sự hỗ trợ tích cực của các đối tác phát triển, tổ chức quốc tế, Việt Nam sẽ đạt được nhiều thành tựu nổi bật trong công tác BVMT, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học. Đồng thời, tận dụng các cơ hội của xu thế thời đại trong tiến trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước theo con đường “xanh”, hiện thực hóa mục tiêu đưa Việt Nam trở thành nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045. Bộ trưởng hy vọng rằng, mỗi chúng ta sẽ có những đóng góp tích cực để cùng chung tay xây dựng tương lai “Ngôi nhà chung - Trái đất”, tạo môi trường trong lành, giữ cân bằng sinh thái cho sự phát triển bền vững của loài người.

    Trong khuôn khổ Hội nghị, trước đó, ngày 29/7/2022, Bộ TN&MT đã tổ chức Hội thảo chuyên đề quản lý nhà nước về BVMT bằng hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến với sự tham gia của khoảng 150 đại biểu tại điểm cầu Hà Nội là cơ quan quản lý, tổ chức chính trị - xã hội, hiệp hội, chuyên gia, nhà khoa học và khoảng 200 đại biểu tham dự tại 63 điểm cầu tại địa phương là Sở TN&MT, Chi cục BVMT, Phòng Môi trường và các cơ quan liên quan của địa phương. Đây là một diễn đàn mở, quy tụ sự tham gia của đầy đủ các thành phần từ cơ quan quản lý, chuyên gia, nhà khoa học và các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức quốc tế và cộng đồng doanh nghiệp để cùng nhau trao đổi, thảo luận, thống nhất nhận thức và hành động trong công tác BVMT những năm tiếp theo. Nội dung Hội thảo tập trung vào 4 chuyên đề chuyên sâu, được các cơ quan quản lý, doanh nghiệp và nhân dân quan tâm gồm: (1) Công tác đánh giá tác động môi trường đối với các hoạt động đầu tư phát triển; (2) Bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học hướng tới Thập kỷ Phục hồi hệ sinh thái; (3) Quản lý chất lượng các thành phần môi trường; (4) Tăng cường, nâng cao hiệu quả quản lý chất thải rắn hướng tới nền kinh tế tuần hoàn. Ngoài 4 chuyên đề chuyên sâu, các đại biểu tại Hội thảo cũng đã được nghe gần 20 báo cáo tham luận, ý kiến đóng góp của các Bộ, ngành, địa phương, chuyên gia, nhà khoa học. Đồng thời, các đại biểu tập trung thảo luận, góp ý để làm nổi bật những kết quả đạt được của công tác quản lý nhà nước về BVMT giai đoạn 2016 - 2022. Bên cạnh đó, trong 2 ngày (từ ngày 4 - 5/8/2022) cũng diễn ra Triển lãm Thành tựu về quản lý nhà nước trong lĩnh vực BVMT nằm trong khuôn khổ Triển lãm các thành tự Kỷ niệm 20 năm thành lập Bộ TN&MT để giới thiệu, phổ biến và nhân rộng các thành tựu, các mô hình, công nghệ sản xuất hiện đại, thân thiện môi trường, các công nghệ xử lý chất thải tiên tiến, trong các ngành, lĩnh vực trên phạm vi cả nước.

Hội thảo chuyên đề công tác quản lý nhà nước về BVMT được tổ chức

theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến

    Hội nghị Môi trường toàn quốc lần thứ V và các sự kiện liên quan được tổ chức vào thời điểm có nhiều sự kiện trọng đại của đất nước; toàn Đảng, toàn dân và toàn quân đang ra sức thi đua lập thành tích chào mừng kỷ niệm 77 năm Cách mạng tháng Tám thành công và Quốc khánh 2/9. Năm 2022 cũng là năm bản lề trong việc triển khai các định hướng lớn về môi trường và phát triển đất nước giai đoạn 2021 - 2030 trong Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; năm đầu tiên triển khai các quy định, chính sách mới, đột phá của Luật BVMT năm 2020 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật; là năm mà Thủ tướng Chính phủ đã đưa ra cam kết mạnh mẽ của Việt Nam đạt mức phát thải ròng bằng “0" vào năm 2050 tại Hội nghị COP26. Đặc biệt, đây cũng là sự kiện gắn với chuỗi các hoạt động chào mừng Lễ kỷ niệm 20 năm thành lập Bộ TN&MT. Hội nghị một lần nữa thể hiện tiếng nói chung của tất cả các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể và cộng đồng cùng cam kết và thống nhất triển khai nhiệm vụ, giải pháp về BVMT trong thời gian tới, phấn đấu đạt được các chỉ tiêu về môi trường mà Quốc hội đã đặt ra, góp phần ngăn chặn có hiệu quả tình trạng gia tăng ô nhiễm môi trường, suy thoái tài nguyên, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

Một số ý kiến ghi nhận tại Hội nghị

Thiếu tướng Trần Minh Lệ - Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường, Bộ Công an

    Những năm qua, cùng với sự hội nhập quốc tế ngày càng toàn diện và sâu rộng, nền kinh tế nước ta đã đạt được những thành tựu nổi bật. Mặc dù vậy, dưới tác động tiêu cực của quá trình biến đổi khí hậu, sức ép của sự phát triển kinh tế - xã hội, tình trạng vi phạm pháp luật về môi trường, đã làm cho chất lượng môi trường tiếp tục bị ảnh hưởng nặng nề, nguồn tài nguyên bị suy giảm nghiêm trọng. Để tăng cường công tác phòng chống tội phạm, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội trong lĩnh vực môi trường, gắn với việc thực hiện Luật BVMT năm 2020, thời gian tới lực lượng Công an nhân dân tập trung vào một số nhiệm vụ, giải pháp: Quán triệt sâu sắc quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, lãnh đạo Bộ Công an về công tác BVMT, phát triển bền vững và công tác phòng chống tội phạm về môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm; Tiếp tục phối hợp với các Bộ, ban, ngành có liên quan để kịp thời tham mưu với Đảng, Nhà nước, với Đảng ủy Công an Trung ương và lãnh đạo Bộ Công an nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý cho hoạt động của Công an nhân dân nói chung và lực lượng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường nói riêng, nhất là trong việc áp dụng pháp luật hình sự, xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm; Chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả Luật Công an nhân dân, Luật BVMT, Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự và các quy định pháp luật có liên quan đến công tác phòng chống tội phạm về môi trường; Củng cố và tăng cường phối hợp liên ngành và hợp tác quốc tế trong phòng chống tội phạm về môi trường…

Ông Nguyễn Quang Vinh - Phó Chủ tịch chuyên trách Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)

    Doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế, xã hội và môi trường. Trong thời gian qua, VCCI đã phối hợp chặt chẽ với ngành TN&MT trong triển khai thực hiện những sáng kiến như Không xả thải vào thiên nhiên; Thúc đẩy mô hình kinh tế tuần hoàn; Bộ chỉ số doanh nghiệp bền vững; Khu công nghiệp bền vững. Trong thời gian tới, VCCI đề xuất ngành TN&MT một số nội dung đó là hoàn thiện hành lang pháp lý về môi trường; huy động tối đa sự tham gia từ các tổ chức tài trợ, đối tác phát triển và các tổ chức dân sự xã hội khác hỗ trợ nâng cao nhận thức, chia sẻ các mô hình tốt đến đông đảo cộng đồng doanh nghiệp; Xây dựng cơ chế tiếp cận tài chính xanh, tiếp cận nguồn vốn xanh; Xây dựng cơ chế công khai thông tin về môi trường của doanh nghiệp; Hỗ trợ, thúc đẩy doanh nghiệp áp dụng Bộ chỉ số doanh nghiệp bền vững (Bộ chỉ số CSI).

GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh - Anh hùng Đa dạng sinh học ASEAN, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam (VACNE)

    Mặc dù ngành TN&MT đã rất nỗ lực giải quyết các vấn đề môi trường, nhưng tình trạng ô nhiễm không khí, biến đổi khí hậu… vẫn còn diễn ra trên thực tế. Trong thời gian qua, VACNE đã cùng đồng hành với Bộ TN&MT trong công tác bảo vệ thiên nhiên, môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, ứng phó biến đổi khí hậu, phục vụ sự nghiệp phát triển bền vững đất nước. Qua Hội nghị này, tôi rất mong các Bộ, ngành và Lãnh đạo 63 tỉnh/thành phố cùng đồng hành với Bộ TN&MT để giải quyết các vấn đề môi trường hiện nay vì thế hệ tương lai của chúng ta. Sau Hội nghị, tất cả các thành phố từ Trung ương đến địa phương hãy hành động để xã hội chúng ta không còn rác thải, môi trường nước không còn ô nhiễm, con người và sinh giới phát triển toàn diện để hướng tới sự phát triển bền vững và thịnh vượng.

Ông Vương Quốc Nam - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng

    Hội nghị Môi trường toàn quốc lần thứ V là cơ hội để toàn hệ thống chính trị và cộng đồng xã hội cùng quan tâm, nhìn nhận về vấn đề môi trường trong thời gian qua. Từ thực tế và bất cập của địa phương trong vấn đề xử lý rác thải, tỉnh Sóc Trăng đề xuất ngành TN&MT đẩy mạnh phát triển điện sinh khối để giải quyết một cách căn cơ, triệt để vấn đề rác thải hiện nay. Mặc dù Chính phủ đã có các chính sách khuyến khích thúc đẩy năng lượng tái tạo; trong đó có phát triển điện sinh khối, nhưng đến nay tỷ lệ số lượng cũng như sản lượng từ các nhà máy điện sinh khối vẫn còn khiêm tốn. Loại hình năng lượng này đang vấp phải nhiều rào cản, từ sự thiếu ổn định và bền vững trong cung cấp nhiên liệu, giá nguyên liệu... đến các cơ chế khuyến khích điện sinh học chưa đủ hấp dẫn. Việc phát triển điện sinh khối nhằm tối ưu hóa việc sử dụng phế phụ phẩm nông lâm nghiệp, góp phần đáp ứng nguồn năng lượng, cho phát triển kinh tế - xã hội ở Việt Nam.

Ông Phạm Văn Trọng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang

 

    Nhận thức rõ công tác BVMT đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh Tiền Giang đã tổ chức quán triệt Luật BVMT năm 2020 trong các cơ quan quản lý và nhân dân địa phương. Mặc dù vậy vẫn còn tình trạng người dân và doanh nghiệp chưa nhận thức đúng hoặc cố tình vi phạm. Do vậy, trong công tác chỉ đạo, tuyên truyền, vận động cần phải được chú trọng và thực hiện thường xuyên liên tục. Bên cạnh đó, tỉnh cũng có những biện pháp kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm để răn đe, ngăn ngừa ô nhiễm môi trường.

Ông Nguyễn Thế Giang - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang

    Tuyên Quang là một trong những tỉnh dẫn đầu cả nước về tỷ lệ che phủ rừng với tỷ lệ che phủ trên 65%. Có được kết quả này là nhờ các địa phương trong tỉnh đã làm tốt công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn. Tuyên Quang coi đây là nguồn tài nguyên thiên nhiên quý cần được bảo vệ, giữ gìn và phát triển. Với mục tiêu hướng đến sự phát triển bền vững, các cơ quan chức năng của tỉnh đã tăng cường kiểm tra việc thực hiện nội dung cam kết BVMT của các tổ chức, doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất, kinh doanh; đồng thời xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Mặt khác, tỉnh Tuyên Quang cũng đẩy mạnh việc tuyên truyền Luật BVMT năm 2020, nâng cao nhận thức của các cơ quan quản lý, tổ chức chính trị - xã hội và người dân trong BVMT.

Nguyên Hằng - Mai Hương

Ý kiến của bạn