Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 25/04/2024

Góp ý Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường: Tham vấn ý kiến địa phương trên tinh thần cầu thị, lắng nghe

09/07/2021

     Tiếp nối thành công Hội thảo trực tuyến tham vấn các địa phương khu vực phía Bắc, ngày 8/7/2021, tại Hà Nội, Bộ TN&MT tiếp tục tổ chức Hội thảo trực tuyến tham vấn các địa phương khu vực miền Trung và Tây Nguyên về Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) để nghe các ý kiến góp ý, trao đổi, thảo luận của các địa phương nhằm bảo đảm tính khả thi của các quy định.

     Tham dự và chủ trì Hội thảo tại điểm cầu chính của Bộ TN&MT có Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân, đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ và 19 điểm cầu đặt tại các tỉnh, thành khu vực miền Trung và Tây Nguyên với sự tham dự của lãnh đạo UBND tỉnh, lãnh đạo các Sở TN&MT và các đơn vị liên quan.

Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân (thứ hai từ trái sang) cùng Lãnh đạo Tổng cục Môi trường chủ trì Hội thảo

     Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ TN&MT khẳng định, Luật BVMT năm 2020 được thông qua là bước thể chế hóa kịp thời các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về BVMT, đặc biệt là Kết luận số 56-KL/TW ngày 23/8/2019 của Bộ Chính trị; cải cách thể chế môi trường của Việt Nam theo hướng tiệm cận và hài hòa với chính sách thế giới về BVMT, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế. Theo đó, Luật đã có nhiều quy định nhằm cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, góp phần giảm chi phí tuân thủ của doanh nghiệp thông qua các quy định như thu hẹp đối tượng phải thực hiện đánh giá tác động môi trường; tích hợp các thủ tục hành chính vào 01 giấy phép môi trường; đồng bộ các công cụ quản lý môi trường theo từng giai đoạn của dự án, bắt đầu từ khâu xem xét chủ trương đầu tư, thẩm định dự án, thực hiện dự án cho đến khi dự án đi vào vận hành chính thức và kết thúc dự án. Lần đầu tiên, Luật thiết kế khung chính sách hướng đến việc hình thành đạo luật về BVMT có tính tổng thể, toàn diện và hài hòa với hệ thống pháp luật về kinh tế - xã hội.

     Tuy nhiên, Luật BVMT là một đạo luật cơ bản về BVMT, nhưng liên quan đến nhiều lĩnh vực, nhiều luật khác nhau, nên khối lượng nội dung rất lớn. Do đó, trong quá trình xây dựng Dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật BVMT, Bộ TN&MT đã tiến hành rà soát các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến Dự thảo Nghị định để bảo đảm tính thống nhất giữa các quy phạm; nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế của một số nước trên thế giới và khu vực đối với các quy định mới nhằm đưa ra các đề xuất phù hợp với công tác quản lý môi trường tại Việt Nam; tổ chức làm việc với từng Bộ, ngành có liên quan để hoàn thiện các nội dung cũng như tham vấn các quy định có liên quan trong Dự thảo Nghị định. Bộ cũng đã tổ chức các cuộc họp Ban soạn thảo, tham vấn tổ chức, chuyên gia có liên quan. Bản Dự thảo Nghị định này đã được Bộ TN&MT gửi đăng lấy ý kiến rộng rãi của tổ chức, cá nhân trên Cổng thông tin điện tử của Chính phủ và của Bộ cũng như gửi lấy ý kiến chính thức của các Bộ, ngành và địa phương. Tại Hội thảo lần này, Bộ TM&MT mong muốn được lắng nghe các ý kiến đóng góp mang hơi thở của thực tiễn cuộc sống từ các địa phương nhằm bảo đảm tính khả thi của các quy định.

Toàn cảnh Hội thảo trực tuyến tham vấn các địa phương khu vực miền Trung và Tây Nguyên

     Tại Hội thảo, hầu hết các địa phương cơ bản thống nhất với nội dung Dự thảo Nghị định. Tuy nhiên để các quy định của Dự thảo Nghị định bảo đảm tính khả thi, phù hợp khi triển khai trên thực tế, đại diện của các địa phương đã tập trung trao đổi, thảo luận góp ý làm rõ các vấn đề như căn cứ pháp lý, trách nhiệm quản lý của địa phương trong công tác quản lý như: đánh giá tác động môi trường, giấy phép môi trường, phân vùng môi trường, quản lý chất thải, công tác thanh tra, kiểm tra… Bên cạnh đó, các địa phương cũng đưa ra các đề xuất cơ chế phối hợp giữa các cơ quan Trung ương và địa phương, giữa các cơ quan ở địa phương để bảo đảm điều kiện cho việc tổ chức thi hành Luật BVMT một cách hiệu quả, trong đó lấy vai trò của người dân và doanh nghiệp làm trung tâm; hỗ trợ, tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân tham gia BVMT.

     Kết luận Hội thảo, Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân đã ghi nhận và đánh giá cao các ý kiến góp ý của các địa phương trong việc hoàn thiện hành lang pháp lý về BVMT nói riêng và công tác BVMT nói chung, cũng như quyết tâm đồng hành cùng Bộ trong việc đưa các nội dung tiên tiến của Luật BVMT năm 2020 đi vào thực tiễn cuộc sống. Thứ trưởng cũng mong muốn trong thời gian tới tiếp tục nhận được những ý kiến góp ý của các địa phương bằng văn bản để làm sáng tỏ các vấn đề có liên quan đến quy định của Dự thảo Nghị định nhằm đảm bảo tính khả thi của các quy định và đưa môi trường trở thành một trong 3 trụ cột của phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Nguyễn Hằng

 

Ý kiến của bạn