Banner trang chủ
Thứ Bảy, ngày 20/04/2024

Dự thảo Thông tư thi hành Luật Bảo vệ môi trường: Phải xây dựng theo đúng tinh thần của Luật, dựa trên cơ sở thực tế, đảm bảo tính khả thi

09/11/2021

    Ngày 3/11/2021, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân đã chủ trì cuộc họp về việc xây dựng Dự thảo Thông tư quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật BVMT.

    Theo Báo cáo của Tổng cục Môi trường, Luật BVMT năm 2020 có 35 điều khoản giao Bộ TN&MT quy định, hướng dẫn với 48 nội dung. Sau khi nghiên cứu nội dung các điều khoản được giao, Tổng cục Môi trường đề xuất Thông tư sẽ quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành 27 điều khoản với 35 nội dung. Đối với các nội dung khác của Luật sẽ được ban hành quy định, hướng dẫn bằng các văn bản khác của Bộ TN&MT.

    Dự thảo Thông tư hiện gồm 7 chương, quy định cụ thể về bảo vệ các thành phần môi trường, di sản thiên nhiên; BVMT trong quy hoạch tỉnh, đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường, giấy phép môi trường; Quan trắc môi trường, thông tin, cơ sở dữ liệu môi trường và báo cáo môi trường; Phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường, chi trả dịch vụ hệ sinh thái, đánh giá sản phẩm, dịch vụ đáp ứng tiêu chí nhãn sinh thái Việt Nam, kiểm tra chấp hành pháp luật về BVMT.

    Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân yêu cầu, Thông tư phải bảo đảm phù hợp Luật BVMT năm 2020, các văn bản Luật khác có liên quan, chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước; Bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với các văn bản pháp luật khác trong hệ thống pháp luật hiện hành; sự phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Đồng thời, Thông tư cần bảo đảm phù hợp với thực tế, tính hợp lý, nâng cao tính minh bạch, rõ ràng và dễ tiếp cận; Đơn giản hóa thủ tục hành chính và cắt giảm điều kiện kinh doanh, chuyển đổi phương thức quản lý nhà nước từ chủ yếu tiền kiểm sang chủ yếu hậu kiểm. Mặt khác, Thông tư cần kế thừa, phát triển những quy định của các Thông tư còn phù hợp với Luật BVMT năm 2020; bổ sung những quy định mới để khắc phục một cách cơ bản những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong thực tế của pháp luật về BVMT hiện hành.

    Dựa trên cơ sở đó, đơn vị soạn thảo cần xây dựng các quy định bảo đảm tính đầy đủ, chi tiết, có tính khả thi để triển khai thi hành Luật BVMT, bảo đảm sự phù hợp và thống nhất với các văn bản pháp luật có liên quan như pháp luật về đầu tư, xây dựng, tài nguyên nước, đất đai, quy hoạch, thông tin, di sản văn hóa, lâm nghiệp… Qua đó, tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư kinh doanh, đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến và chuyển đổi số. Ngoài ra, đơn vị soạn thảo cần tham vấn ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp, Sở TN&MT các tỉnh để thống nhất những quy định có tính khả thi cao; tránh chồng chéo,gây khó khăn khi thi hành.

Phương Tâm

Ý kiến của bạn